Cây Hàm ếch có tên khoa học là Saururus chinensis Baill. Cây còn có tên gọi khác là Trầu nước, Tam bạch thảo. Thuộc họ Lá giấp (Saururaceae). Vị thuốc có vị đắng, cay, tính hàn. Cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, khu phong, lợi thấp, hạ huyết áp.
1. Giới thiệu chung về cây Hàm ếch
1.1. Mô tả cây Hàm ếch
Cây hàm ếch là là thực vật thân thảo, sống lâu năm, có chiều cao trung bình từ 30 – 50cm, có khi hơn, có thân rễ ngầm. Thân mọc đứng, phân đốt và có gờ ở xung quanh, có rãnh dọc, nhẵn. Lá của cây hàm ếch là lá nguyên, mọc so le, có dạng hình trứng với đầu nhọn, góc tròn hoặc hình tim, dài khoảng 8 – 12cm và rộng 4 – 5 cm. Mỗi lá có 5 gân, tù gốc. Cuống lá tương đối dài, chừng 3 – 6cm, gốc cuống có bẹ.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông thõng xuống, màu trắng; lá bấc có hình thìa, không có bao hoa. Quả nang, hạt hình cầu hoặc hình trứng nhọn.
Thời gian cây ra hoa từ tháng 4 đến tháng 8 và kết quả từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm.
1.2. Phân bố, sinh thái
Cây hàm ếch phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.
Ở Việt Nam, vùng phân bố dược liệu tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng núi thấp, trung du và đồng bằng phía Bắc. Cây thường mọc trên đất ẩm hay bị ngập nước không thường xuyên, dọc theo bờ các khe suối, mương nước, ruộng hay xung quanh các vũng lầy trong thung lũng.
Cây ra hoa quả hàng năm; hạt thường phát tán theo dòng nước. Cây có thân rễ phát triển nhanh, phân nhánh nhiều theo chiều ngang. Trồng được bằng nhánh con hay từng đoạn thân rễ.
1.3. Bộ phận dùng
Có thể dùng toàn cây hoặc lá, thường thu hái vào lúc cây ra hoa, dùng tươi hoặc khô đều được. Có thể thu hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa hè – thu.
1.4. Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa tinh dầu, trong đó có methyl – n – nonyl – ceton, myristicin.
Phần trên mặt đất chứa hyperin, isoquercitrin, quercitrin, rutin. Loài mọc ở Hàn Quốc không có avicularin. Ngoài ra, trong thành phần còn có aristolactam A II, daucosterol, acid elagic, corilagin.
Trong cây còn có chứa acid glutamic, tryptophan, valin, serin, alanine và nhiều acid béo như acid palmitic, acid stearic, acid oleic và acid linoleic.
2. Tác dụng dược lý trong cây Hàm ếch
Theo nghiên cứu, hoạt chất avicularin trong lá có tác dụng lợi tiểu tuy kém hơn theophyllin nhưng độc tính chỉ bằng ¼ độc tính của theophyllin, nên có chỉ số điều trị rất lớn, sử dụng an toàn. Thử nghiệm trên chó được gây mê, avicularin có tác dụng hạ huyết áp trong thời gian ngắn và hiện tượng quen thuốc xuất hiện nhanh.
Dung dịch cây hàm ếch (50%) thí nghiệm trên ống kính có tác dụng ức chế Staphylococcus và Bacillus typhi.
3. Công dụng của cây Hàm ếch
Hàm ếch có vị đắng, cay; tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, khu phong, lợi thấp, hạ huyết áp.
Đây là một vị thuốc được dùng trong phạm vi nhân dân, có tác dụng chữa mụn nhọt mới mọc, viêm đường tiết niệu, sỏi niệu, cao huyết áp, phong thấp.
Liều dùng mỗi ngày 15 – 30g cây khô hoặc 30 – 60g cây tươi, sắc nước uống. Dùng ngoài cả cây vò nát đắp tại chỗ.
4. Bài thuốc có chứa cây Hàm ếch
4.1. Chữa mụn nhọt, sưng tấy
Lá Hàm ếch tươi cây giã nát, đắp lên chỗ đau.
4.2. Chữa sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo
Hàm ếch, Dây tơ hồng lục, Dây cát ken (dây xanh), Bòng bong, Kim tiền thảo, Cỏ tháp bút, mỗi vị 25g. Sắc nước uống.
4.3. Chữa viêm gan, xơ gan cổ trướng
Hàm ếch 80g, Ô rô cạn (đại kế), Cỏ lưỡi rắn, mỗi vị 60g. Sắc nước uống hàng ngày.
4.4. Chữa chân phù nề, đau, tiểu tiện ít
Rễ cây Hàm ếch giã nát, lấy nước uống với rượu.
4.5. Chữa bệnh tiểu khó, nước tiểu đục
Rễ tươi cây 30g. Sắc nước uống mỗi ngày, uống nhiều ngày.
Cây Hàm ếch với các tác dụng như chữa mụn nhọt mới mọc, viêm đường tiết niệu, sỏi niệu, cao huyết áp. Cây được sử dụng nhiều trong phạm vi nhân dân.
Để lại một phản hồi