Cây Sữa là loài cây che bóng mát quen thuộc đối với người dân. Ngoài ra cây còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh hiệu quả.
1. Giới thiệu về Cây Sữa
- Tên gọi khác: Hoa sữa, Mồng cua, Mò cua, Mùa cua…
- Tên khoa học: Alstonia scholaris (L.) R. Br. – Echites scholaris L.
- Họ khoa học: Trúc đào (Apocynaceae)
Cây có tên gọi như vậy là vì toàn cây có chứa chất nhựa có màu trắng như sữa, khi khô giống như chất cao su.
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây Sữa được tìm thấy ở một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Philipin, Ấn Độ,…Tại Việt Nam, cây được trồng và mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Nam Định…
Là cây gỗ ưa sáng, có thể chịu hạn tốt. Do có tốc độ phát triển nhanh nên cây được trồng ở nơi công cộng, dọc đường phố lấy bóng mát. Cây ra hoa quả rất nhiều, hoa có mùi thơm hấp dẫn côn trùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thụ phấn.
Vỏ cây được thu hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa xuân hạ. Vì lúc này cây chưa ra hoa và quả nên dưỡng chất còn tập trung nhiều ở vỏ. Sau khi hái vỏ về, đem cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài rồi phơi/ sấy khô để dùng dần.
Mùa hoa nở từ tháng 8 đến tháng 12.
1.2. Mô tả toàn cây Sữa
Cây Sữa là loài thực vật thân gỗ, chiều cao trung bình từ 15 – 30m. Thân cây tròn, thẳng, vỏ ngoài có màu nâu, nứt nẻ và bên trong chứa nhiều nhựa trắng.
Cành và lá của cây mọc vòng. Phiến lá có hình bầu dục dài, mặt dưới mờ, mặt trên bóng nhẵn, các gân song song nhau, nổi rõ trên phiên lá. Lá rộng 5.5 – 6.5cm, dài 8 – 22cm.
Hoa mọc thành từng cụm, thường mọc ở đầu cành, hoa màu trắng xám hoặc xanh nhạt và có mùi thơm đặc trưng. Mùi hoa sữa nghe thoang thoảng có cảm giác dễ chịu nhưng khi đứng gần, mùi hoa có thể xộc vào mũi và gây khó chịu với những người có cơ địa nhạy cảm.
Quả gồm hai đại dài 25- 50cm, gầy, mọc thõng xuống, màu nâu, có gân dọc. Hạt nhiều, nhỏ dẹt, hai đầu tròn hoặc cụt, dài 7mm, rộng 2,5mm, trên mặt có lông màu nâu nhạt. Quả già tự tách làm 2 mảnh. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió.
Bộ phận dùng làm thuốc: Vỏ thân đã cạo bỏ lớp bần phơi hay sấy khô của cây Sữa (Alstonia scholaris (L.) R.Br.)
1.3. Bảo quản
Bảo quản nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ẩm mốc hay mối mọt.
2. Thành phần hóa học và tác dụng
2.1 Thành phần hóa học cây Sữa
- Vỏ rễ và thân: Ditamin, Echitamin, Akuamicin, Echitin…
- Thân và lá: Ditamin, Echitamin, Porphyrin, Akuamicin, Piorinin, Alsechomin, Lagunamin…
- Hoa sữa chứa tinh dầu chứa Caren-3, Geraniol, Echitin, Terpinolene, Menthanol, Lupeol acetat…
- Toàn thân chứa nhiều alkaloid.
2.2. Tác dụng của cây Sữa Y học hiện đại
Kháng khuẩn: Ở Ấn Độ, hoa sữa được dùng để trị các bệnh về răng.
Do có chứa alkaloid trong dược liệu nên có tác dụng giảm ho hen, chống viêm và giảm cơn đau ngoại vi ở chuột thực nghiệm.
Methanol của cây có thể chống lại alpha-glycoside. Do đó một số chuyên gia nhận thấy, vị thuốc này có tiềm năng phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường.
Tác dụng kiểm soát ung thư: Alkaloid trong cây sữa có tác dụng chống lại tế bào ung thư và tăng khả sống sót của chuột thực nghiệm.
Trị sốt rét: Năm 1906, Bacon đã nghiên cứu tác dụng dược lý của những alkaloid chiết từ vỏ cây và kết luận rằng tác dụng gần giống như chất quinin.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: Vị đắng, tính mát.
Quy kinh: Phế và Can.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, chữa sốt, trừ đờm, làm thuốc bổ, chữa lỵ, phát hãn, thông kinh…
3. Cách dùng và liều dùng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Vỏ cây Sữa được sử dụng ở dạng sắc uống, cao lỏng hoặc dạng thuốc bột.
Liều lượng: Ngày uống 1-3g bột vỏ phơi khô dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng. Có thể dùng dưới dạng rượu thuốc.
Kiêng kỵ:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần có trong dược liệu.
- Tránh dùng bài thuốc trong thời gian dài.
- Hoa sữa có khả năng gây dị ứng cao (đặc biệt là phấn hoa). Vì vậy cần tránh sử dụng dược liệu cho người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang…
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Hỗ trợ chữa đau răng
Dùng một ít vỏ cây Sữa sắc đặc. Sau đó ngâm, súc miệng hàng ngày, mỗi ngày nhiều lần.
4.2. Làm thuốc bổ máu
Vỏ cây Sữa 5g, Hà thủ ô đỏ 5g, Mã tiền 0,2g. Ngâm trong 500 ml cồn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ trước 2 bữa ăn.
4.3. Hỗ trợ điều trị hen, viêm phế quản
Vỏ cây sữa, vỏ quả Qua lâu mỗi vị 3g, Tử uyển 2g. Tán bột, làm thành viên, chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.4. Rượu từ vỏ cây Sữa kích thích tiêu hóa
Chế bằng cồn 60 độ theo phương pháp chế cao lỏng. Hoặc có thể ngâm bột vỏ sữa với cồn 60 độ trong 7 ngày. Thỉnh thoảng lắc, lọc và thêm cồn 60 độ cho bằng trọng lượng của vỏ. Ví dụ ngâm 1kg vỏ thì sẽ được 1 lít cao lỏng. Cao lỏng này dùng với liều 0,5-1,5g mỗi ngày. Nhiều nhất chỉ uống 2g/lần và 6g trong 1 ngày.
Hoặc Rượu vỏ cây sữa: Vỏ cây sữa tán nhỏ 75g, rượu uống (35-400) 500ml, đậy kỹ, ngâm trong 7 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Sau đó lọc và thêm rượu vào cho đủ. Ngày uống 4-8g rượu này. Uống 15 phút trước 2 bữa ăn chính.
Để lại một phản hồi