Chích thảo: Vị thuốc cam thảo thường được dùng trong đông y

Cam thảo dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Trong thực tế, vị thuốc này có thể được dùng dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó chích thảo (cam thảo chích) được thầy thuốc và kinh nghiệm dân gian đánh giá tích cực bởi sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà chúng mang lại. 

Cam thảo là gì? Chích thảo là gì?

Cam thảo

Cam thảo là thực vật tự nhiên, là dược liệu thường gặp trong y học cổ truyền:

  • Tên thường gọi: Diêm cam thảo, sinh cam thảo, phấn cam thảo…
  • Tên khoa học:
    • Cam thảo bắc: Glycyrrhiza uralensis Fisch.
    • Cam thảo Âu: Glycyrrhiza glabra L.
  • Tên nước ngoài: liquorice, sweet wood, bois doux, gan cao, gan zao…
  • Bộ phận dùng: Rễ/Thân rễ sấy khô (Radix Glycyrrhizae).
  • Họ khoa học: Thuộc họ Cánh bướm/Đậu (Fabaceae).
Hình ảnh cây cam thảo tươi và phần thân được sấy khô
Hình ảnh cây cam thảo tươi và phần thân được sấy khô

Chích thảo

Trong thực tế, dược liệu này thường được dùng dưới 2 dạng phổ biến là:

  • Cam thảo sống (sinh thảo).
  • Chích thảo hay Cam thảo chích: Sau khi sấy khô cam thảo sống, đem tẩm mật (tỷ lệ 1kg cam thảo phiến sống: 200g mật ong: 200g nước sôi) rồi sao vàng cho thơm, tới khi không dính tay là đạt.1
Cam thảo là vị thuốc quen thuộc trong Đông y

Đặc điểm sinh trưởng

  • Ngày nay, quần thể loài Glycyrrhiza L. đa dạng với hơn 12 loài trên thế giới. Chúng phân bố phổ biến ở vùng ôn đới ấm hoặc á nhiệt đới thuộc châu Á, châu Âu và Bắc Phi.
  • Cam thảo bắc là loài ưa sáng, chịu được khô hạn và khí hậu khắc nghiệt.
  • Cây mọc chồi và sinh trưởng mạnh từ mùa xuân đến đầu mùa thu, ra hoa quả nhiều.
  • Có khả năng tái sinh mạnh mẽ dù bị chặt hay đốt nhiều lần.
  • Nhân giống bằng hạt hoặc nhân giống vô tính bằng rễ, cành giâm…

Mô tả toàn cây

  • Thuộc thực vật thân thảo, sống lâu năm, chiều cao trung bình 0.3-1m.
  • Phần thân được phủ bởi lông mềm và ngắn. Còn phần rễ dài có màu vàng nhạt và rất phát triển.
  • Lá mọc so le, là dạng kép lông chim lẻ, gồm 9-12 lá chét, mép lá nguyên vẹn.
  • Cụm hoa mang sắc tím nhạt, mọc ở kẽ lá tụ thành bông;
  • Quả dạng đâu, hình dạng cong như lưỡi liềm, màu nâu đen, có lông bao phủ dày. Bên trong chứa 2-8 hạt nhỏ, hình dẹt, màu nâu bóng.

Bộ phận làm thuốc và bảo quản

Bộ phận làm dược liệu là phần rễ được phơi khô hay sấy khô:

  • Rễ thẳng hoặc hơi cong, hình trụ dài khoảng 20cm, đường kính từ 0,5-2,5cm;
  • Vỏ bên ngoài màu nâu đỏ (nếu chưa cạo lớp bần bên ngoài) hay màu vàng nhạt (đã cạo lớp bần, kèm vết nhăn dọc theo rễ.
  • Chất cứng, khó bẻ, khi gãy có màu vàng nhạt nhiều xơ dọc. Mặt cắt ngang có các tia tỏa ra từ trung tâm tương tự như nan hoa bánh xe.

Phân loại cam thảo:

  • Loại tốt: Vỏ ngoài chặt, có rãnh nhăn, màu nâu đỏ, cứng, bột nhiều, mặt cắt màu trắng vàng.
  • Loại vừa: Vỏ ngoài nhám, màu nâu tro, chất xốp, mặt cắt màu vàng sẫm.
  • Loại không tốt: vỏ ngoài màu đen nâu, chất cứng, mặt cắt màu nâu, vị đắng.

Bảo quản:

  • Bảo quản những dược liệu đã qua khâu chế biến trong vật chứa kín, cất trữ nơi thoáng mát;
  • Đặt nơi nhiệt độ phòng, hạn chế tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời và sâu bọ, côn trùng.
  • Nếu bị mối mọt nên sấy bằng nhiệt độ thấp, để nguội rồi mới cho vào vật chứa.

Thành phần hóa học của chích thảo

Bên cạnh phần mật được thêm vào trong phương pháp chế biến “chích” thì chích thảo sẽ có thành phần tương tự như cam thảo sống. Tùy theo loài mà cũng có chút ít khác biệt về hàm lượng, một số hoạt chất nổi bật gồm:

Cam thảo bắc (Glycyrrhiza uralensis Fisch)

  • Carbohydrate (4,7-10,97%), tinh bột (4,17-5,92%), glycyrrhizin (5,49-10,04%), acid 24-hydroxy glycyrrhetic,…
  • Flavonoid: liquiritin, isoliquiritin, isoliquiritigenin, neoliquiritin…

Cam thảo Âu (Glycyrrhiza glabra L.)

  • Carbohydrate (4,-6%), tinh bột (25-30%), manitol (3-5%), nhựa 5%, asparagine (2-4%), lipid (0,5-1%),…
  • Glycyramarin, coumarin, umbelliferone, acid ferulic, acid hydroxycinnamic…
  • Dẫn chất triterpenoid khác như: acid liquiritic, acid 18-α-hydroxy-glycyrrhetic, glabrolid, desoxyglabrolid, isoglabrolid, acid liquiridiolic,…
  • Glycyrrhizin: là bột tinh thể trắng, tan trong nước nóng, ít tan trong nước lạnh. Chất này được cho là có độ ngọt gấp 60 lần saccharose.
  • Flavonoid 1%: trong đó 2 chất nổi bật là liquiritin (hay liquiritin rosid) và isoliquiritin (hay isoliquiritirosid).

Dù là loại cam thảo nào thì các chuyên gia đều đồng tình rằng glycyrrhizin đóng góp chủ yếu về vị ngọt của rễ. Đồng thời góp phần lớn vào các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn của dược liệu.

Tuy nhiên, glycyrrhizin cũng có liên quan đến nhiều tác dụng phụ của rễ cam thảo. Do đó, một số sản phẩm sử dụng cam thảo đã khử hoặc loại bỏ glycyrrhizin.

Chích thảo là cam thảo sống được tẩm mật và sao vàng.
Chích thảo là cam thảo sống được tẩm mật ong và sao vàng

Tác dụng của cam thảo và chích thảo

Tác dụng Y học hiện đại

1. Giải độc

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” ghi nhận dược liệu có tác dụng giải độc đối với rất nhiều loại thuốc và độc tố:

  • Có thể kể đến như Cloralhydrat, Physostigmin, Acetylcholin, Pilocarpin…
  • Tác dụng ngăn chặn các hóa chất gây ung thư gan. Do đó có tác dụng bảo vệ gan, chống các loại thuốc hại gan như Carbon tetrachloride…
  • Ngoài ra, dù còn cần nghiên cứu thêm nhưng bước đầu nhận định rằng cam thảo có tiềm năng giải độc trước độc tố uốn ván.

2. Kháng khuẩn và kháng viêm

Theo Trung dược học, trong thí nghiệm in vitro, cồn chiết xuất từ Cam thảo và acid glucuronic có khả năng ức chế một số nhóm vi khuẩn. Ví dụ như tụ cầu vàng, trực khuẩn lao, trực khuẩn Coli, Amip và Trichomonas…

Ngoài ra, trên mô hình gây phản ứng dị ứng cho chuột ghi nhận tác dụng kháng viêm và chống dị ứng của dược liệu là nhờ thành phần Glycirisin và Glucuronic acid. Theo đó, những chất này làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch, kháng histamin và làm giảm tính phản ứng của tế bào đối với kích thích.

3. Cam thảo có thể tác dụng như corticoid

Do trong cam thảo có acid glycyrhetic với cấu tạo gần như hormone cortisol nên được ghi nhận có tác dụng trên sự chuyển hóa điện giải, giữ natri và clorid, bài tiết kali, làm tăng huyết áp… có thể được ứng dụng trong điều trị bệnh Addison.

Ngược lại, một số ý kiến cho rằng, nếu sử dụng lâu dài các chiết xuất từ cam thảo với liều lượng lớn có thể dẫn đến tích tụ glycyrrhizin trong cơ thể. Khi nồng độ glycyrrhizin tăng cao đã được chứng minh là gây ra sự gia tăng bất thường hormone căng thẳng cortisol. Điều này sẽ có thể gây ra sự mất cân bằng chất điện giải hoặc các triệu chứng bất thường. Ví dụ như hạ Kali, tăng huyết áp, yếu cơ, rối loạn nhịp tim…

4. Lợi hô hấp

Hiệu quả của cam thảo nói chung và chích thảo nói riêng đối với rối loạn hô hấp được đánh giá cao. Theo đó, chúng có tác dụng chỉ khái (giảm ho) nhờ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hô hấp trong việc kích thích xuất tiết của hầu họng và khí quản, làm cho loãng đàm, hạn chế các cơn ho khó chịu.

Trong thực tế, do có vị ngọt dễ uống, chúng còn xuất hiện trong thành phần của kẹo ngậm, siro ho, thuốc viên chữa ho…

Chích thảo vị ngọt, tính ôn, kiện Tỳ Vị, nhuận Phế.
Chích thảo vị ngọt, tính ôn, kiện Tỳ Vị, nhuận Phế.

Lợi ích tây y khác

  • Trấn tĩnh và điều chỉnh cân bằng hệ thần kinh trung ương.
  • Tăng bằng bài tiết mật và bảo vệ gan trong viêm gan mạn tính.
  • Chống co thắt đối với cơ trơn của ống tiêu hóa.

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, tính ôn, quy 12 kinh.

Công dụng:

  • Chích Cam thảo: Bổ Tỳ, nhuận Phế, giảm ho, ích khí, điều hòa vị thuốc.
  • Chủ trị: Tỳ Vị hư nhược, tiêu lỏng, thân thể mệt mỏi, yếu sức, ăn uống không ngon, phế hư sinh ho…

Cách sử dụng và lưu ý khi dùng chích thảo

Lưu ý khi dùng chích thảo

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu chích thảo với nhiều cách và liều lượng khác nhau.

  • Liều lượng: 4-20 g dưới dạng thuốc sắc, bột, thuốc hãm…
  • Theo đông y, đối tượng đang bị Tỳ Vị thấp trệ, trong bụng đầy ứ, nôn ói, phù chướng nặng… không nên dùng (Trung dược học).
  • Cam thảo kỵ Đại kích, Cam toại, Nguyên hoa, Hải tảo. Bởi theo Bản thảo kinh giải, các vị thuốc này khi dùng chung sẽ sinh ra phản ứng nguy hiểm, rủi ro cho sức khỏe.
  • Cam thảo ghét Viễn chí, kỵ thịt heo, không nên ăn chung với cá biển (theo Bản thảo kinh giải).

Một vài trường hợp cần thận trọng khi dùng sản phẩm được chiết xuất từ Cam thảo

  • Người bị suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc mức độ kali thấp, tăng huyết áp khó kiểm soát… được khuyến khích nên tránh hoàn toàn các sản phẩm cam thảo có chứa glycyrrhizin.
  • Do thiếu nghiên cứu, phụ nữ có thai, trẻ em, phụ nữ đang cho con bú cũng nên tránh các sản phẩm từ cam thảo. Thậm chí, có ý kiến cho rằng tiêu thụ nhiều cam thảo, đặc biệt là glycyrrhizin trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Những đối tượng có cơ địa nhạy cảm cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng dược liệu

Tương tác thuốc

Tham khảo tư vấn bác sĩ khi đang sử dụng chiết xuất từ cam thảo cùng những loại thuốc sau. Dù không phải chống chỉ định nhưng cần được theo dõi chặt chẽ về tương tác thuốc (nếu có), đặc biệt nếu dùng với liều lượng lớn và kéo dài:

  • Thuốc huyết áp: Dùng cam thảo có thể làm giảm tác dụng của thuốc huyết áp, do chúng có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy, hãy theo dõi huyết áp của bạn chặt chẽ.
  • Thuốc chống đông máu: dược liệu có thể làm giảm tác dụng của warfarin, làm tăng nguy cơ đông máu.
  • Thuốc lợi tiểu, đặc biệt là lợi tiểu quai: Dùng cam thảo và thuốc lợi tiểu quai cùng nhau có thể làm cho nồng độ kali giảm xuống quá thấp.

Một số bài thuốc dân gian từ chích thảo

Trị khí hư, huyết yếu, hồi hộp, tự ra mồ hôi

Sắc uống thang thuốc “Chích cam thảo thang” – Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách:

  • Chích cam thảo 16 g;
  • Thục địa 32 g;
  • A giao, Ma nhân, Mạch đông, Đảng sâm, Quế chi mỗi thứ 12 g;
  • Sinh khương 12 g;
  • Đại táo 4 trái;

Trị Phế yếu, hoa mắt, tiểu nhiều lần, nôn ra dãi nhớt

Bài thuốc “Cam thảo Can khương thang” trong Thương hàn luận:

  • Chích thảo 160 g
  • Can khương sao 80 g

Sắc 3 chén còn 1 chén rưỡi chia ra uống nóng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*