Cây Trâm bầu hay Chân bầu là cây thuốc dân gian thường dùng để trị giun sán cho người và gia súc.
1. Giới thiệu cây thuốc
Chân bầu còn có nhiều tên gọi khác như Chưn bầu, Chưng bầu, Tim bầu, Săng kê, Song re. Tên khoa học là Combretum quadrangulare Kurz., thuộc họ Bàng.
Cây nhỡ hay cây to, có thể cao đến 12m, vỏ màu xám. Cành non có 4 cạnh, mép có rìa mỏng, có lông màu trắng bạc.
Lá mọc đối, hình trứng dài, chóp tù hay hơi nhọn, gốc thuôn. Hai mặt lá đều có lông, nhất là ở mặt dưới. Cụm hoa mọc ở nách lá và đầu cành, gồm nhiều hoa nhỏ.
Quả có 4 cánh mỏng. Hạt hình thoi, có rìa. Mùa hoa quả vào tháng 9 – 11.
Chân bầu phân bố ở Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Campuchia. Tại Việt Nam, cây này thấy ở Quảng Nam đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo và Phú Quốc. Cây mọc hoang rải rác khắp nơi vùng nước ngọt, nước mặn và đất phèn, thường được trồng lấy củi. Trâm bầu rất dễ trồng, không kén đất, nước ngập không chết, có nơi phát triển thành rừng.
2. Bộ phận dùng, thành phần hóa học, tác dụng
2.1. Bộ phận dùng
Dùng hạt, rễ, hoặc lá trong điều trị. Thu hái quả vào tháng 1 – 2, đem phơi khô, lấy hạt. Rễ, lá có thể thu hái quanh năm.
2.2. Thành phần hoá học
Trong hạt có tanin, dầu béo, acid béo, oxalat calcium, acid oxalic tự do,… Trong thành phần acid béo có acid palmitic (5,91%), acid linoleic (2,31%). Dầu Trâm bầu dùng trong công nghiệp xà phòng và tổng hợp các chất tẩy rửa. Ngoài ra có thể dùng để ăn nếu được tinh luyện kỹ ngay sau khi lấy dầu ra và loại bỏ độc tố.
2.3. Tác dụng
Hạt và rễ đều có tác dụng trị giun. Rễ chữa các vết thương và lá làm thuốc giảm đau, cầm tiêu chảy.
Người ta thấy dịch chiết toàn bộ hạt Trâm bầu có tác dụng diệt giun tốt hơn từng thành phần riêng rẽ, tác động lên giun đũa và giun kim.
3. Cách dùng hạt Chân bầu
3.1. Kinh nghiệm sử dụng
Hạt được dùng trị giun sán cho người và gia súc. Chất nhầy ở vỏ và canh non, rễ cũng có tác dụng trị giun, nhất là đối với giun đũa và giun kim.
Lương y Việt cúc dùng Trâm bầu trừ phong thấp, chữa sốt rét rừng và trị đau bụng. Lá sao sắc uống cầm tiêu chảy.
Ở Thái Lan, rễ được dùng trị giun và các vết thương, lá được dùng trị đau cơ.
3.2. Kinh nghiệm sử dụng hạt Chân bầu trong trị giun
Ðể trị giun đũa, giun kim, dùng hạt đem nướng rồi kẹp qua Chuối chín, nhai nuốt. Người lớn dùng 10 – 15 hạt (14 – 20g), trẻ em tuỳ tuổi 5 – 10 hạt (7 – 14g). Uống liền trong 3 ngày.
Hoặc dùng quả Trâm bầu phối hợp với lá Mơ tam thể, lượng bằng nhau, cắt nhỏ hai thứ trộn đều, thêm bột và nước làm bánh ăn vào sáng sớm lúc đói.
Người ta còn chết viên thuốc từ cao Trâm bầu, bột hạt Trâm bầu phối hợp với bột lá Muồng trâu để trị giun đũa.
4. Các nghiên cứu khoa học về hạt và lá cây Chân bầu
4.1. Nghiên cứu trên các chất chiết xuất từ hạt
Các chất chiết xuất từ hạt Trầm bầu có tác dụng kháng khuẩn. Tác dụng này thể hiện trên nhiều loại vi khuẩn gây các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng ngoài da. Người ta so sánh tác dụng của hạt Trâm bầu lưu giữ qua các năm với chiết xuất của nó. Nghiên cứu đưa đến gợi ý ta có thể dùng trực tiếp hạt để diệt khuẩn mà không cần tinh chế. Đồng thời hạt có thể được sử dụng trong vài năm nếu chúng được giữ trong điều kiện kín gió và khô ráo.
Bên cạnh đó, chiết xuất từ hạt Trâm bầu còn thể hiện tác dụng kháng các vi nấm gây bệnh. Gợi ý tiềm năng trong điều trị các nhiễm nấm cơ hội ở bệnh nhân nhiễm vi rút HIV hoặc bệnh nhân lao.
Chiết xuất từ hạt Trâm bầu thể hiện tác dụng bảo vệ gan trên nhiều mô hình chuột tổn thương gan thông qua các cơ chế kháng viêm, chống oxy hóa. Nó cũng ức chế các tế bào ung thư gan.
Nghiên cứu thấy Combretin là một alkaloid chiết xuất từ hạt Trâm bầu, có tác dụng chống dòng tế bào ung thư gan, ung thư đại tràng.
Trên mô hình chuột viêm da dị ứng, người ta thấy chiết xuất hạt Trâm bầu làm giảm các tổn thương bệnh lý trên da.
4.2. Nghiên cứu trên các chất chiết xuất từ lá
Chiết xuất từ lá Trâm bầu cũng thể hiện tác dụng chống ung thư, nó có tác dụng diệt các tế bào ung thư phổi, chống di căn. Qua đó hứa hẹn một loại thuốc mới trong điều trị ung thư phổi.
Để lại một phản hồi