Cóc không chỉ là loài động vật quen thuộc với nhà nông mà còn có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, nhựa trên da và tuyến mang tai Cóc chứa chất độc có hại đến con người.
1. Giới thiệu về Cóc
- Tên gọi khác: Cóc, Thiềm tô…
- Tên khoa học: Bufo melanostictus Schneider. Nhựa Cóc (Secretio Bufonis)
- Họ khoa học: Họ Cóc – Bufonidae.
Thiềm tô (Secretio Bufonis) là nhựa tiết ở tuyến sau tai và tuyến trên da của con Cóc chế biến mà thành. Loài cóc phổ biến ở nước ta là Bufo melanostictus. Ngoài nhựa (thiềm tô), loài động vật này còn cho ta thịt dùng làm thuốc chữa bệnh cam còm (gầy, suy dinh dưỡng) của trẻ con.
1.1. Đôi nét về Cóc
Ở nước ta và một số nước lân cận như Campuchia, Lào và Trung Quốc, loài cóc khá phổ biến. Chúng thích môi trường ẩm thấp của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt ưa thích những nơi gần sông ngòi, chỗ ẩm ướt như ruộng nương, khe tường. Sau những trận mưa, Cóc thường nhảy ra khỏi hang đi kiếm ăn.
Là loại động vật lưỡng cư. Khi trưởng thành, nó sống ở trên cạn. Thức ăn là các loại côn trùng gồm: cào cào, châu chấu và sâu bọ.
Loài này có thân ngắn. Đầu có hai mắt to, lồi, mõm ngắn tù, miệng rộng, bụng phình to. Da khô, sần sùi, với những mụn to nhỏ xen kẽ 2 tuyến lớn ở trên mắt. Trong mụn và tuyến có chứa nhựa độc, thường tiết ra khi chúng gặp tình huống nguy hiểm.
Hai chân sau dài và chắc hơn hai chân trước. Lưng màu vàng xám hoặc xám đen. Các mụn Cóc thường sẫm màu. Cóc đực nhỏ hơn Cóc cái.
Cóc đẻ vào tháng 11-6, trứng nổi nở thành nòng nọc, sống trong nước rồi rụng đuôi, mọc chân thành Cóc. Đây là loài có ích cho nhà nông.
1.2. Phân bố và thu hoạch
Tùy theo từng nơi khác nhau, có thể bắt cóc bằng những cách khác nhau:
- Có thể đợi đến tối, thắp một cái đèn để ở giữa cánh đồng, Cóc thấy sáng nhảy tới mà bắt lấy.
- Bắt được cho vào rọ tre, dội nước cho thật sạch đất cát, chờ cho da hơi khô, thì bắt từng con, lấy tay trái giữ chân, tay phải dùng nhíp đè lên lưng cóc, vào những chỗ có tuyến tiết, chủ yếu ở 2 tuyến trên mắt.
- Hứng lấy nhựa đựng vào đĩa bằng sành hay sứ hoặc thủy tinh, tránh dùng đồ sắt, nhựa sẽ bị đen. Sau khi lấy nhựa xong có thể lại thả cóc ra, hoặc nếu định lấy thịt thì sẽ đem mổ.
1.3. Bộ phận dùng làm thuốc từ Cóc
Bộ phận dùng: Thịt và nhựa.
Cách lấy thịt:
- Chọn những con cóc to. Da cóc có màu đen hoặc vàng đều dùng được và chỉ trừ những con có mắt đỏ.
- Nội tạng gồm gan, phổi và trứng không sử dụng. Bởi chúng rất độc.
- Trong khi lột da cóc cần chú ý không để nhựa trên da dính vào thịt. Nếu không, thịt sẽ bị nhiễm độc.
- Thịt cóc sau khi làm sạch sẽ cho vào chảo rang hoặc phơi khô rồi tán thành bột.
Cách thu hoạch nhựa:
- Sau khi lấy được nhựa cóc phơi khô trên kính hay cho vào khuôn. Khoảng 1 vạn con cóc cho 1kg nhựa cóc khô (Đỗ Tất Lợi, Đào Kim Long, Dược học 1973, 5: 15-19).
- Khi lấy nhựa cóc cần chú ý kẻo nhựa bắn vào mắt. Nếu bị bắn vào mắt thì lập tức dùng nước ép của cây Tử thảo mà rửa thì khỏi sưng.
- Ta có thể kích thích vào những hạch tiết ở gần mắt của cóc. Hoặc cho cóc vào cái hộp hay bình thủy tinh, đậy nắp có lỗ, qua lỗ luồn vào một que tre mà kích thích con cóc cho chảy nhựa.
- Nhựa tiết ra đem phơi. Có nơi lại trộn nhựa với bột nặn thành bánh tròn nhỏ, dẹt, đường kính 2,5-6cm.
- Do cách chế biến khác nhau hình dáng và chất lượng có thể khác nhau. Ở Việt Nam, việc thu hoạch nhựa cóc chưa được chú trọng. Thường vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác.
- Nhựa Cóc là một chất nhầy màu trắng sữa, để khô thì đóng vảy màu nâu vàng.
1.4. Bảo quản vị thuốc
Bảo quản vị thuốc ở nơi khô ráo, tránh mối mọi, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.
2. Thành phần hóa học và tác dụng của loài Cóc
2.1. Thành phần hóa học của Cóc
Nhựa Cóc chứa các thành phần hóa học sau:
- Cholesterol, axit ascorbic (vitamin C) và chất phá huyết.
- Bên cạnh đó, nó còn chứa nhiều hoạt chất rất độc như: bufotalin, bufotoxin, bufogin, bufotenin, bufotionin và bufotenidin. Bufotoxin là một chất có tinh thể, không tan trong nước, trong este, axeton, ít tan trong rượu, tan trong pyridin, rượu metylic.
- Lượng độc tính trong 1 con cóc có thể giết chết 4 – 5 người trưởng thành khỏe mạnh.
Thịt Cóc có giá trị dinh dưỡng rất cao, bao gồm:
- 53,3 % Protid, tro và 12,6% lipid. Trong protit chứa nhiều axit amin quan trọng, chủ yếu là asparagin, histidin, axit glutamic, glycocol, threonin, axit aminobutyric, tyrosin, methionin, leuxin, isoleuxin, phenylanin, tryprophan, xystein.
- Một ít còn lại là gluxit và độ ẩm, vitamin B1, B2, các muối sắt, Calci, phosphor…
- Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy hàm lượng kẽm và mangan trong thịt cao hơn nhiều so với thịt ếch, gà, bò và lợn.
2.2. Tác dụng Y học hiện đại
Cường tim giống Digitalis và hưng phấn trung khu hô hấp (do có Bufotoxin). Trần Khắc Khôi và cộng sự (1933) cho rằng độc tính của nhựa là do tác dụng trên thần kinh hoặc trực tiếp trên cơ tim.
Bufotenin sẽ gây tăng huyết áp với hiện tượng kéo dài co mạch ở thận.
Giảm đau, nâng cao ngưỡng đau của cơ thể, kháng viêm, ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư và nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn…
Gây tê cục bộ: Khi đắp nhựa cóc lên da hay niêm mạc thì lúc đầu thấy có hiện tượng kích thích, sau thấy tê cục bộ.
Kích thích trên niêm mạc dạ dày và gây nôn (nhựa Cóc).
Nâng cao tế bào miễn dịch và thể dịch miễn dịch của chuột nhắt và có tác dụng chống dị ứng.
Lợi tiểu, hóa đàm, giảm ho, bình suyễn, ức chế sự tiết dịch của tuyến mồ hôi và tuyến nước bọt.
Atropin có tác dụng giải độc nhựa cóc, Adrenalin không có tác dụng giải độc.
2.3. Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị:
- Thiềm tô vị cay ngọt, tính ôn, có độc.
- Thịt cóc có vị mặn ngọt, tính mát, tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Quy kinh: Nhập túc dương minh, thiếu âm. (Sách Bản thảo thông huyền)
Tác dụng:
- Khi Thiềm tô quy kinh Vị có tác dụng bổ dương, thanh nhiệt, chống co giật.
- Thịt dùng làm thuốc chữa bệnh cam còm (gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm lớn, kém ăn…) của trẻ con. Ăn ngon đậm vị hơn thịt ếch, có giá trị dinh dưỡng cao.
3. Cách dùng và liều dùng của Cóc
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng vị thuốc theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Nhựa và thịt Cóc có độc, trong đó nhựa của nó thuộc loại thuốc độc bảng A.
Liều dùng:
- Nhựa cóc dùng với liều rất thấp, cần chú ý có thể ngộ độc chết người. Ngày uống 1mg đến 10 hay 20mg dưới dạng bột hay viên.
- Thịt khô dùng với liều 2-3g tán bột uống hay làm thành thuốc viên.
Triệu chứng nhiễm độc (thường do uống quá liều):
- Triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút đến 2 giờ sau khi uống.
- Thần kinh: Tê môi, hoa mắt, đau đầu, tay chân tê dại, buồn ngủ, ra mồ hôi, phản xạ gối yếu hoặc mất, có thể co giật do thiếu máu não…
- Tuần hoàn: tức ngực, hồi hộp, tim đập chậm, nhịp tim không đều, tay chân lạnh, hạ huyết áp, choáng…
- Tiêu hóa: nôn, buồn nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy mất nước…
Các xử lý:
Rửa dạ dày, rửa ruột, truyền dịch chống choáng. Thường có thể từ sau 1 – 12 giờ cấp cứu, bệnh nhân hồi phục.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Chữa trúng độc và tim suy nhược
Bài Lục thần hoàn:
- Xạ hương (hươu xạ), nhựa Cóc, minh hùng hoàng (thạch hoàng), băng phiến (mỗi loại 1g), tây ngưu hoàng, châu phấn (mỗi loại 1,5g).
- Nhựa sau khi tẩm rượu tạo thành viên cùng với các vị thuốc khác đã tán nhỏ. Kích thước mỗi viên bằng đầu đinh. Áo lớp vỏ bên ngoài bằng muội bếp. Ngày uống 1 – 2 lần. Mỗi lần uống 5 – 10 viên.
4.2. Chữa suy dinh dưỡng, gầy yếu, kém ăn ở trẻ
Thịt cóc sau khi đã lột da và bỏ nội tạng sẽ đem đi nướng ăn. Mỗi ngày ăn 1 con. Ăn liên tục trong khoảng 1 tuần.
4.3. Trị đau thắt ngực từ Cóc
Thiềm tô, Xạ hương, Nhân sâm, Tam thất mỗi lần uống 2 – 3 viên ngày 3 lần, nếu chưa kết quả gia mỗi lần 3 – 5 viên, ngày 4 lần, có thể dùng lâu dài. Đã trị 21 ca, ngực đau tức giảm rõ.
5. Kiêng kỵ
- Lượng độc trong nhựa cóc nhiều hơn gấp nhiều lần trong thịt.
- Phụ nữ có thai, đang cho con bú cấm dùng.
- Người già, gầy yếu, suy nhược cần cẩn trọng.
- Dị ứng với bất kỳ thành phần hóa học nào có trong dược liệu.
- Nhựa cóc không được vào mắt, vì thuốc gây đỏ, sưng, mù. Dùng nước Tử thảo rửa thì hết.
Để lại một phản hồi