Cỏ mật: Loại cây cỏ độc đáo ít người biết

Cỏ mật là loài thực vật độc đáo, có nhiều điều thú vị trong tự nhiên . Nhưng ít ai biết rằng, loài cỏ này có công dụng trị bệnh hiệu quả. 

1. Giới thiệu về Cỏ mật

  • Tên thường gọi: Cỏ mật
  • Tên khoa học: Eriochloa procea (Retz.) C. Hubb.
  • Họ khoa học: Poaceae (Thuộc họ Lúa).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái Cỏ mật

Trong thiên nhiên, Eriochloa H.B.K là một chi nhỏ, gồm một số loài cỏ sống một năm hay nhiều năm, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới trên trái đất. Tại Việt Nam, cỏ mật phân bố rải rác ở vùng đồng bằng và trung du, đôi khi cũng gặp ở vùng núi thấp.

Đây là loài thực vật ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm lẫn với các loại cỏ khác ở bãi sông, ruộng trồng hoa màu, ven đường hay nương rẫy….

Cây con mọc từ hạt vào khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5. Sau mùa hoa quả, cây tàn lụi. Tốc độ sinh trưởng và chiều cao của cỏ mật tùy thuộc vào nơi sống. Những cây mọc ở đất trống thường thấp và các cành nhánh ở gốc có xu hướng nằm ngang. Trong khi đó, cây mọc lẫn với lúa, ngô, đậu hoặc các loại cỏ cao khác thường có sự cạnh tranh ánh sáng nên chiều cao đến 1 m hoặc hơn.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi, cỏ mật còn là nguồn thức ăn của trâu, bò…Tuy nhiên, loài cỏ này lại có hại cho cây trồng.

cỏ mật
Cỏ mật là loài cây còn xa lạ đối với nhiều người, nhưng có nhiều tác dụng quý.

1.2. Mô tả toàn cây cỏ mật

Cỏ mật thuộc loại cây thảo, sống lâu năm. Cây có rễ hình sợi, mọc dày đặc. Thân rễ ngắn, mọc bò dài. Thân khí sinh mọc thành bụi dày, nhẵn, có lông ở các đốt, cao 0,30-1,50 m. Thân cây mọc thẳng hoặc hình cung.

Lá mọc so le, hình dải, đầu nhọn, mép hơi nháp. Bẹ lá xoè rộng, lưỡi bẹ rất ngắn, có lông. Phiến lá dài 2-40 cm, rộng 2-8 mm, bề mặt phiến lá nhẵn.

Cụm hoa mọc thành bông đơn hoặc phân nhánh, dài 5-13 cm. Cuống chung mảnh, nhẵn. Bông nhỏ xếp lớp rất thưa mọc so le, hơi thẳng đứng, hình bầu dục nhọn, có lông cứng ở đỉnh. Không có mày ngoài, mày trong mềm nhọn, mép hơi gập lại, có lông mềm.

Cuống bông nhỏ, có lông, hoa ở dưới không sinh sản, hoa ở trên lưỡng tính dẹt, màu xám, bóng, 3 nhị, chỉ nhị hình sợi, bầu thuôn dẹt, nhẵn, có 2 vòi nhụy, núm nhụy phát triển, màu hung đen nhạt.

Quả nằm trong mày hoa, gốc rất nhọn, tù ở đầu, nhẵn, dẹt, có vòi tồn tại.

Bộ phận dùng làm thuốc: toàn thân cây đặc biệt là rễ cỏ mật. Thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

1.3. Bảo quản dược liệu

Dược liệu sau khi sơ chế cần được bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời, tránh mối mọt.

2. Thành phần hóa học và tác dụng của cây cỏ mật

Hiện nay, nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng của loài cỏ này còn rất hạn chế.

Theo nghiên cứu của các tác giả Lê Văn Công, Đỗ Trung Đàm, cho thấy rằng:

  • Cỏ mật có tác dụng hạ sốt trên động vật thí nghiệm. Trên thỏ có cân nặng 2,2 – 2.5 kg, cả con đực cái đều dùng, được gây sốt bằng men bia hỗn dịch 10%, tiêm dưới da với liều 0,2g/kg (2 ml/kg) theo dõi trong 6 giờ.
  • Cao cỏ mật được chiết bằng cồn ethanol… Khi dùng với liều 0,5 g/kg và 1.0 g/kg vào lúc 1 giờ 30 phút sau khi tiêm men bia. Kết quả là cao cỏ mật có tác dụng hạ sốt vừa phải, kém tác dụng của analgin 200 mg/kg, nhưng kéo dài và đến giờ thứ năm, tác dụng vẫn còn tồn tại.
cỏ mật
Cỏ mật loài thực vật ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm lẫn với các loại cỏ khác.

3. Cách dùng và liều dùng 

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.

Theo kinh nghiệm của nhân dân, ở một số vùng Sơn Tây và Nam Định, cây cỏ mật thường dùng để chữa cảm sốt, cúm, sốt xuất huyết… nhờ tác dụng hạ sốt của loài này.

Kiêng kỵ:

  • Người bị dị ứng và mẫn cảm với dược liệu không nên dùng.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng với vị thuốc.
cỏ mậ
Theo kinh nghiệm dân gian, cỏ mật có tác dụng hạ sốt hiệu quả.

Cỏ mật là một loài thực vật còn xa lạ với nhân dân nhưng từ lâu đã được sử dụng để làm thuốc trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*