Dây gân: Tìm hiểu những công dụng đối với sức khỏe

Dây Gân có tên khoa học là Gouania leptostachya, thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae). Cây còn có tên khác là Dây đòn gánh, Đơn tai mèo, Hạ quả đằng, Seng thanh, Đơn tai…Thân và lá Dây gân có vị chua chát, hơi đắng, tính mát. Theo Đông y, cây có tác dụng lương huyết, giải độc, thư cân hoạt lạc, thanh nhiệt, tiêu viêm. 

1. Cây Dây gân là gì?

1.1. Mô tả dược liệu

Cây Dây gân là dạng cây bụi leo, kích thước dài, có khi dài tới hàng mét. Cây có cành non nhẵn, ban đầu có màu nâu, khi già chuyển sang màu xám nhạt.

Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục, gốc tròn hoặc hình tim, đầu thuôn nhọn, ở mép có khía răng.  Lá non ở ngọn cành biến thành tua cuốn, hai mặt nhẵn, mặt dưới có màu rất nhạt, có gân nổi rõ.

Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá hoặc đầu cành, dài 10 – 20cm. Hoa nhỏ, đơn tính, có màu trắng lục. Lá bấc có hình tam giác nhọn. Quả khô, có màu nâu bóng và 3 cánh mềm. Dây gân thường ra hoa vào tháng 7 – 9 hằng năm và quả vào tháng 9 – 12.

cây dây gân
Dây gân có tên gọi khác là Dây đòn gánh, Hạ quả đằng…

1.2. Phân bố và thu hái

Ở nước ta, Dây gân thường mọc hoang ở bãi đất trống, đồi trọc, ven rừng hoặc khe suối. Dược liệu thuộc loại dây leo ưa sáng. Cây thường mọc lẫn trong đồi cây bụi, có thể gặp ở vùng núi đá vôi, ở các tỉnh vùng núi thấp và trung du. Cây mọc ở nơi nhiều ánh sáng, ra hoa quả hàng năm.

1.3. Bộ phận dùng

Cây có thể dùng lá và thân, thu hái quanh năm. Cây có thể dùng tươi hay phơi khô.

1.4. Thành phần hóa học

Lá cây có chứa alcaloid và saponin. Vỏ thân có saponin.

2. Công dụng của cây Dây gân

Theo Đông y, thân và lá dây gân vị chua chát, hơi đắng, tính mát. Cây dây gân có tác dụng lương huyết, giải độc, thư cân hoạt lạc, thanh nhiệt và tiêu viêm.

Dây gân có tác dụng làm thông mạch, tan máu ứ, tiêu sưng, giảm đau, chữa sưng tấy. Ngày dùng từ 8 – 16g sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Cây cũng có thể dùng ngoài, có thể giã nhỏ cây và lá, thêm rượu hoặc giấm xoa bóp vào những nơi sưng tấy, mụn nhọt, đinh độc, hoặc đắp vào vết thương, vết bỏng, lở ngứa.

 
Dây gân
Dây gân có tác dụng làm thông mạch, tan máu ứ, tiêu sưng, giảm đau, chữa sưng tấy

Trong một nghiên cứu sàng lọc hàng loạt tác dụng của cây ở Ấn Độ, cao khô chiết cồn từ Dây gân (bỏ rễ) có tác dụng trên tần số và biên độ hô hấp, hạ huyết áp và tăng co bóp hồi tràng chuột lang cô lập.

Cây còn được sử dụng nhiều ở các quốc gia khác:

  • Ở Ấn Độ, nhân dân thường dùng lá của thảo dược giã nát rồi đắp lên vết thương.
  • Ở Trung Quốc, người ta sử dụng dược liệu để trị lở ngứa và bỏng ngoài da, có thể dùng uống để trị đau mỏi cơ thể.
  • Ở Thái Lan thường sử dụng dược liệu để tăng cường sức khỏe và chữa các bệnh viêm nhiễm ở phụ nữ sau khi sinh.

3. Bài thuốc có chứa Dây gân

3.1. Chữa sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương

Lá dây gân và Lá náng hoa trắng mỗi thứ 10g, Lá bạc thau 8g. Tất cả dùng tươi, đem rửa sạch rồi giã nát, thêm vào ít rượu dùng đắp và bó. Ngày có thể làm 1 lần.

3.2. Chữa bỏng

Lá cây dây gân tươi giã nát, Quả bồ kết phơi khô tán bột. Trộn 2 thứ lại, bôi ngày vài lần.

Hoặc có thể dùng thân và lá của cây giã nát, cho 1 ít nước sôi để nguội, dùng để ngâm. Hoặc có thể lấy chất dịch bôi vào vết bỏng.

3.3. Chữa sốt cao gây co giật ở trẻ em

Lá dây gân và Vỏ núc nắc mỗi thứ 10g, Lá ngải cứu, Lá nhọ nồi và Rễ táo rừng mỗi thứ 8g. Tất cả phơi khô sao vàng, sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống sáng chiều.

3.4. Chữa rắn cắn

Dùng Lá dây gân tươi, giã nát, thêm ít nước gạn uống, bã dùng để đắp.

3.5. Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp và bong gân

Dùng Lá dây gân và Lá náng mỗi thứ 10g, Lá bạc thau. Tất cả đem rửa sạch, giã nát rồi đắp lên chỗ đau nhức và cố định lại bằng băng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*