Cây diếp cá từ lâu đã được biết đến như một loại rau ăn sống phổ biến trong bữa ăn của người Việt Nam. Nó có mùi đặc trưng mà chỉ có những người ăn quen mới thích thú. Diếp cá cũng là một loại thảo dược có nhiều công dụng tuyệt vời như thanh nhiệt, lợi tiểu, trị mụn nhọt, lở ngứa, trĩ…
Đặc điểm của Diếp cá
Diếp cá (Herba Houttuyniae cordatae) có tên gọi khác là lá giấp, rau giấp cá, ngư tinh thảo, thuộc họ Lá giấp (Saururaceae).
Cây thảo, sống lâu năm, cao 20 – 40 cm. Thân ngầm mọc bò ngang trong đất, màu trắng, hơi có lông, bén rễ ở các mấu. Thân đứng nhẵn, màu lục hoặc tím đỏ. Lá mọc so le hình tim, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu tím, hơi có lông dọc theo gân lá của cả hai mặt. Cuống lá dài, có bẹ, có kèm lông ở mép. Cụm hoa mọc ở ngọn thân mang nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt. Quả nang.
Phân bố, thu hái, chế biến
Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại ở các tính miền núi, trung du và đồng bằng. Cây ưa đất ẩm, hơi chịu bóng. Sinh trưởng và thu hái quanh năm.
Bộ phận dùng: Toàn cây trừ rễ. Hái về dùng tươi hoặc phơi sấy khô.
Thành phần hóa học của Diếp cá
Phần trên mặt đất của diếp cá có khoảng 40 hợp chất được biết, gồm 3 nhóm chính là: nhóm flavonoid, tinh dầu (khoảng 0,0049%), alkaloid.
Trong lá có quercitrin (0,2%), trong hoa và quả có isoquercitrin.
* Tác dụng của Diếp cá theo Y học cổ truyền
Tính vị: cay, hơi lạnh. Qui kinh phế.
Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu ung bài nùng, lợi niệu thông lâm.
Chỉ định:
Chứng phế ung thổ nùng (ho ra máu mủ), thường dùng cùng cát cánh, lô căn, qua lâu. Điều trị phế nhiệt khái thấu thường dùng cùng hoàng cầm, bối mẫu, tri mẫu.
Điều trị mụn nhọt lở loét, thường dùng cùng với cúc hoa, bồ công anh, kim ngân hoa.
Chứng thấp nhiệt lâm chứng: thường dùng cùng với sa tiền tử, bạch mao căn, hải kim sa.
Liều dùng: 15 – 30g.
Chú ý: không nên sắc lâu làm bay tinh dầu.
* Tác dụng của Diếp cá theo Y học hiện đại
Tính kháng khuẩn rộng
Tinh dầu trong diếp cá có khả năng ức chế các loại virus như: virus gây bệnh herpes (HSV-1), virus gây bệnh cúm, HIV chủng 1 ở người (HIV-1), các vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, nấm…
Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy chiết xuất diếp cá có khả năng ức chế một dạng giống virus SARS gây nên Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (2003).
Tác dụng lợi tiểu
Tính chất lợi tiểu này do chất quercitrin và các chất vô cơ chứa trong diếp cá. Dung dịch có 1/100.000 phân tử lượng quercitrin vẫn còn tác dụng lợi tiểu rất mạnh. Chất isoquercitrin cũng có tác dụng lợi tiểu.
Ngoài ra, diếp cá còn có tác dụng kháng viêm, tăng cường chức năng miễn dịch, chống ung thư, bệnh bạch cầu…
Công dụng thường dùng
Diếp cá là loại rau thường dùng ăn sống, hoặc nấu chín.
Diếp cá được dùng để chữa táo bón, trĩ, mụn nhọt, lở ngứa, trẻ con lên sởi, viêm phổi, đau mắt hoặc đau mắt đỏ do nhiễm trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kiết lỵ, kinh nguyệt không đều.
Ngày dùng 6 – 12 g toàn cây khô (trừ rễ) hoặc 20 – 40 g cây tươi. Có thể dùng ở dạng thuốc sắc, thuốc bột, viên.
Bài thuốc kinh nghiệm
Bệnh trĩ đau nhức
Dùng lá diếp cá nấu nước xông, ngâm rửa lúc còn nóng, còn bã dùng đắp vào chỗ đau. Cũng dùng diếp cá uống tươi hoặc sắc uống liên tục trong ba tháng.
Tiểu buốt, tiểu dắt
Dùng rau diếp cá, rau má tươi, mỗi thứ 50 g, lá mã đề rửa sạch vò với nước sôi để nguội, gạn trong uống.
Đau mắt nhặm đỏ, đau mắt do trực trùng mủ xanh
Dùng lá diếp cá tươi giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà để đắp lên mí mắt khi đi ngủ.
Kinh nguyệt không đều
Dùng lá diếp cá vò nát, thêm nước uống.
Viêm phổi, viêm ruột, kiết lỵ, viêm thận phù thũng
Dùng lá diếp cá 50 g sắc uống.
Viêm tuyến sữa
Lá diếp cá, lá cải trời, mỗi vị 30 g giã nát, chế nước sôi vào vắt lấy nước cốt uống nóng; bã trộn với giấm, đắp lên vú.
Lưu ý khi dùng Diếp cá
- Không dùng cho người thể trạng hư hàn. Người hư hàn ăn nhiều diếp cá lâu ngày có thể làm dương khí bị tổn thương, tinh tuỷ bị tiêu hao.
- Người bị mụn nhọt thể âm, không nên dùng.
Để lại một phản hồi