Dế: loài động vật quen thuộc có công dụng lợi tiểu

Loài dế không chỉ là loài động vật quen thuộc đối với chúng ta mà chúng còn là vị thuốc quý được sử dụng rộng rãi trong điều trị có tác dụng lợi tiểu hiệu quả. 

1. Giới thiệu về loài dế

  • Tên gọi khác: Dế đũi, Thổ cẩu, Lâu cô.
  • Tên khoa học: Gryllotalpa unispinalpa Sauss – Gryllotalpa Formosana.
  • Họ khoa học: Thuộc họ Dế – Gryllotalpidae.

1.1. Đôi nét về loài dế

Có loài dế chỉ nhỏ chừng 0,6 cm (Dế cơm) và có loài lớn đến 5 cm (Dế than, Dế chó). Tất cả đều có đôi chân sau (hay càng) lớn được cấu tạo để có thể nhảy xa và đa số có thể phát ra tiếng kêu bằng cách cọ phần cứng của một cánh vào phần cuối có răng của cánh thứ nhì.

Thuộc loại ăn tạp, chúng ăn các vật hữu cơ, những cây cỏ non, gặm rễ cây nhỏ, ăn các phần cây non của cây, gây phá hoại cho rau, cây lương thực… Chúng giao phối vào cuối mùa hè, và đẻ trứng vào mùa thu. Trứng nở vào mùa xuân, và con mái có thể đẻ đến trên 200 trứng.

Riêng Dế mèn loài côn trùng cỡ lớn có thân hình tròn, hơi dẹt dài 15-25 mm, màu đen bóng. Đầu to rộng, hai mắt lớn. Hai râu ở đầu dài hơn thân. Ngực hình chữ nhật, ráp thẳng với đầu. Lưng phẳng có hai cánh mỏng ở phía trong, hai cánh ngoài cứng phủ lên trên. Bụng có ngấn. Đuôi gồm hai nhánh dài. Ba đôi chân có đốt và gai sắc, đôi chân sau mập khỏe. Con đực cọ sát cánh phát ra tiếng kêu.

1.2. Phân bố và thu hoạch

Phân bố:

  • Loài phân bố ở Việt Nam và Trung Quốc. Ở Việt Nam, bắt gặp chúng ở đất khô và ấm, sống trong hang đào dưới đất, hoặc ở gốc thân cây mục. Thường hoạt động về đêm vào mùa mưa.
  • Đẻ trứng thành chùm, nở thành dế con có hình dạng tựa như khi trưởng thành.

Thu hoạch:

  • Thường được người dân bắt vào những ngày mùa hè. Có rất nhiều cách bắt chúng như: Đào, soi, bẫy…. Đặc biệt hiện nay người ta đã tiến hành nhân giống và nuôi thành công loài động vật này, mỗi năm cung cấp hàng trục tấn thương phẩm ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân và các nhà hàng.
  • Theo kinh nghiệm, nếu dùng làm thuốc ta nên chọn loại đào ngoài tự nhiên sẽ cho chất lượng tốt hơn rất nhiều so với dế nuôi.
  • Có thể thu bắt quanh năm, tuy nhiên thường được thu bắt vào mùa mưa.
dế
Loài dế phân bố khắp Việt Nam, được thu hoạch để làm vị thuốc, thức ăn…

1.3. Cách sơ chế dược liệu

Đầu tiên cho Dế đã bắt được vào dụng cụ như giỏ tre, đậy kín hom, rồi ngâm vào chậu nước, vừa ngâm vừa xóc cho sạch đất cát. Hoặc cũng có thể cho vào cái thùng có nước, đậy nắp, dùng que quấy đảo cho sạch đất cát, tạp bẩn.

Sau khi rửa sạch, thì ngắt bỏ chân, cánh, ngắt đầu, rút ruột,  rồi đem sấy cho khô, cần nâng nhiệt độ sấy lên 50-60 độ C, ngay từ đầu để không bị ôi thiu. Tiếp theo nâng từ từ nhiệt độ lên cao hơn cho đến khi khô giòn, bên ngoài có màu vàng, mùi thơm, vị béo ngậy, là được.

Có thể đem đi tán thành dạng bột, bỏ vào hộp đậy kín để bảo quản dùng dần.

1.4. Bảo quản vị thuốc

Sau khi sấy, lấy dế ra để nguội rồi bảo quản trong các lọ thủy tinh hoặc lọ nhựa khô, đậy kín, để nơi cao ráo, thoáng gió. Nên thường xuyên kiểm tra để phát hiện sâu mọt phá hoại.

2. Thành phần hóa học và tác dụng của loài Dế

2.1. Thành phần hóa học

Theo các nghiên cứu, thành phần hóa học có trong thân gồm:

  • Acid béo bão hòa: palmitic acid (27,9%); stearic acid (5,8%);
  • Acid béo chưa bão hòa (PUFA): oleic acid (18:1) (29%), linoleic acid (18:2): 2,1%.
  • Chitin (8,7% trọng lượng thân)
  • Acid amin căn bản trong chất đạm của Dế (Gryllus testaneceus): lysin (4,79%), methionin (1,93%), cystein (1,01%).

2.2. Tác dụng

  • Tính vị: cay mặn, tính lạnh, hơi độc,
  • Quy kinh: bàng quang, đại trường và tiểu trường.
  • Tác dụng: Lợi tiểu tiện, chữa thủy thũng, còn có tác dụng thông đại tiện, chữa sỏi bàng quang, sỏi tiết niệu, bí tiểu…
Dế sau khi sơ chế khô giòn, bên ngoài có màu vàng, mùi thơm, vị béo ngậy
Dế sau khi sơ chế khô giòn, bên ngoài có màu vàng, mùi thơm, vị béo ngậy

3. Cách dùng và liều dùng của dế

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng Dế theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Dược liệu dế qua sơ chế có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hay sao vàng tán nhỏ mà dùng.

Liều dùng: 3 – 5 g mỗi ngày.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm từ Dế

4.1. Hỗ trợ người già tiểu tiện khó khăn

Dế mèn 4 con, dế dũi 4 con. Nếu không có đủ hai loại, thì dùng 8 con một loại cũng được. Đem ngắt bỏ chân cánh, bỏ đầu, rút ruột, cùng với 3 g cam thảo, sắc với 300 ml nước, còn khoảng 150 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

4.2. Hỗ trợ điều trị tiểu tiện bí, nước tiểu ít

Dùng dế và bột cam thảo, đồng lượng, mỗi lần uống  2 – 6 g, ngày 2 – 3 lần, trước khi ăn.

Nếu không có bột dế chế sẵn, có thể lấy khoảng 20 – 30 con, rửa sạch, bỏ chân, cánh, ngắt đầu, rút ruột, sao nhỏ lửa tới khi khô giòn, vàng đều, nghiền mịn. Mặt khác dùng bột cam thảo, đồng lượng, trộn đều uống với nước ấm. Ngày 2 lần.

4.3. Hỗ trợ điều trị sỏi bàng quang, sỏi tiết niệu

Bột dế 3 g (hoặc 4 con dế đã sao vàng), Kim tiền thảo khô 10g, lá Mã đề khô 10g, lá Diếp cá 10g. Lấy 3 loại cây thuốc nam trên sắc với 1,5 lít nước, đun cạn còn 1 lít nước. Lấy 3 g bột dế chia 3 lần để uống với nước thuốc trên.

Hoặc dế 7 con, muối ăn 40 g. Cho muối lên miếng ngói sạch rồi rồi đặt dế đã bỏ đầu cánh, chân, ruột lên giữa khối muối, đặt trên bếp lò để sấy khô. Sau khi đã sấy khô, bỏ hết muối chỉ lấy dế, nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 4 g bột dế với rượu hoặc nước ấm, uống khi đói. Có thể sử dụng vài tuần liên tục để cải thiện các triệu chứng bệnh.

5. Kiêng kỵ

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Người có cơ thể hư, khí nhược không nên tự ý sử dụng.

Dế không chỉ là loài động vật quen thuộc mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*