Dầu giun: Điều trị ký sinh trùng tiêu hóa và nhiều tiềm năng khác

Cây Dầu giun có tên như vậy vì cây có tinh dầu chữa giu và để phân biệt cây Sử quân tử có tên khác là “Cây giun”. Ngoài tác dụng chữa giun, cây còn có nhiều tiềm năng điều trị bệnh khác, được chứng minh qua các nghiên cứu gần đây. 

1. Giới thiệu về cây thuốc

Dầu giun còn có tên khác là Rau muối dại, Kinh giới đất. Đây là một cây thân cỏ sống hằng năm, cũng có thể sống 2 – 3 năm.

Cây Dầu giun
Cây Dầu giun – điều trị các loại giun

Cây cao 0,5 – 1,5m, thân có khía dọc, màu lục hoặc tím tía. Lá mọc so le, có cuống ngắn, phiến lá thuôn hình ngọn giáo, dài 5,5 – 7,5cm, rộng 1 – 2cm, lá có răng. Hai mặt lá có màu lục nhạt, có lông trên gân lá ở mặt dưới.

Lá cây dầu giun mọc so le, dài hình ngọn giáo
Lá cây mọc so le, dài hình ngọn giáo

Cụm hoa là những bông kép mang lá ở nách hoặc ở ngọn thân, hoa nhỏ màu xanh. Quả hình cầu, màu lục nhạt, hạt nhỏ màu đen bóng. Mùa hoa quả vào tháng 5 đến tháng 7.

2. Nơi sống, thu hái

Cây mọc tự nhiên ở nhiều nước vùng nhiệt đới, có mọc ở châu Âu (khu vực Địa Trung Hải). Ở nước ta, Dầu giun rất thường thấy ở Hà Nội và Đà Lạt. Nó còn được bắt gặp ở các tỉnh đồng bằng, miền núi và trung du của miền Bắc. Cây thường mọc tập trung trên các bãi bồi ven sông như sông Hồng, sông Đuống, sông Lô, sông Đà, sông Đáy… trên các ruộng hoặc nương rẫy mới bỏ hoang, ven đường đi.

Cây sinh sản nhanh, tái sinh khoẻ và dễ trồng bằng hạt vào mùa xuân. Dầu giun mọc dại từ đầu mùa xuân đến giữa mùa hè thì ra hoa, kết quả. Sau đó, đến tháng 8 – 9 quả chín, hạt rụng xuống đất, vùi lấp trong đất phù sa. Sang mùa xuân, hạt lại mọc lên cây.

Người ta thường thu hái những ngọn cây mang hoa vào tháng 5 – 6, cắt trừ lại 1/3 ở phía dưới để cây ra ngọn tiếp, mỗi năm có thể cắt ba lần. Nên cắt vào lúc khô ráo, trước khi quả chín. Cây hái về phải cất ngay vì để lâu tinh dầu bốc hơi và có thể bị thối. Vì vậy, nếu chưa cất được cần phơi trong mát, tránh chất thành đống.

3. Bộ phận dùng, thành phần hóa học cây Dầu giun

Hoạt chất của cây là tinh dầu Dầu giun được chưng cất từ cả cây hoặc từ hạt. Loại chưng cất từ hạt có hiệu suất cao hơn. Vì tinh dầu rất dễ hỏng nên cần cất mau, từng mẻ nhỏ một, nhiệt độ vừa phải.

Tinh dầu giun là chất lỏng trong màu vàng đến vàng cam, mùi hăng, khó chịu, vị đắng. Tinh dầu này chứa ascaridol (60 đến 80%) là hoạt chất chủ yếu. Các thành phần khác như cymen, limonen, camphor. Rễ chứa saponin, còn lá và hạt chứa acid oxalic, acid citric, muối vô cơ…

4. Công dụng và cách dùng

Cây Dầu giun và tinh dầu Dầu giun có vị cay đắng, có độc, có tác dụng trị giun. Một số tài liệu còn ghi nhận công dụng làm trà uống, lợi trung tiện.

Ở liều tương đối thấp, loại tinh dầu này có thể làm tim suy yếu, hạ huyết áp, ảnh hưởng nhịp thở. Liều mạnh có thể gây buồn nôn, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, lạnh đầu chi…

Tinh dầu cây Dầu giun dùng trị bệnh giun đũa, giun móc. Tuy nhiên, nó không có tác dụng với giun kim và sán.

Tinh dầu giúp điều trị một số loài giun
Tinh dầu giúp điều trị một số loài giun

Liều dùng: Người lớn uống 30 đến 50 giọt tinh dầu, chia 2 hay 3 lần trong ngày. 2 giờ sau khi uống hết tinh dầu thì uống 1 liều thuốc tẩy magnesium sulfat. Hoặc lấy 30 – 50 giọt tinh dầu pha trong 30ml dầu Thầu dầu uống 1 lần. Dùng cho trẻ em trên 5 tuổi, dùng từ 10 đến 20 giọt tinh dầu.

Lưu ý: 

Không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người già, người suy kiệt. Cũng như không dùng cho người bệnh gan, thận, đang có các bệnh cấp tính đường ruột, dạ dày, bệnh thần kinh.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc tẩy giun hiệu lực và dễ sử dụng hơn, ít độc hơn. Do đó, tinh dầu Dầu giun ít được sử dụng để tẩy giun ở người. Một số nơi người ta dùng cây Dầu giun rắc ra ruộng nước để trừ đỉa.

5. Dầu giun trong các nghiên cứu gần đây

Bên cạnh tác dụng diệt trừ giun, ký sinh trùng đường ruột, Dầu giun còn được dùng như một loại kháng sinh, chống lại các vi khuẩn thường gây bệnh ở người. Nó còn giúp tăng cường tác dụng của các loại kháng sinh khác. Cũng như có tác dụng kháng nấm, diệt nhiều loại nấm khác nhau.

Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy chiết xuất của Dầu giun có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori kháng với các kháng sinh điều trị thông thường. Đây là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Khoảng 70 – 90% người bị viêm loét dạ dày, tá tràng là do vi khuẩn này.

Các nghiên cứu khác tiến hành trên động vật và tế bào cho thấy dịch chiết dược liệu này có khả năng chống oxy hóa cao và ức chế sự phát triển ung thư đại tràng, cổ tử cung và tế bào gan, không có tác động lên các tế bào không phải khối u.

Các tác giả ở Pháp tiến hành nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất của cây Dầu giun có tác dụng chống viêm và điều trị đau trong thoái hóa khớp, viêm khớp gối.

Chiết xuất Dầu giun còn cho thấy tác dụng giảm đau, hạ sốt, cũng như tiềm năng trong điều trị sốt rét.

Hạt và thân cây Dầu giun được chưng cất thành tinh dầu, dùng để điều trị giun đũa, giun móc. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất cây thuốc này có tác dụng kháng nấm, điều trị sốt rét, điều trị ung thư, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt… Tuy nhiên, tinh dầu này có độc tính cao, không nên tự ý sử dụng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*