Đơn lá đỏ: Cây thuốc Nam trong vườn cây cảnh

Đơn lá đỏ không chỉ được trồng làm cảnh mà còn là một cây thuốc Nam quý. Theo các tài liệu, cây Đơn lá đỏ có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau. Nó thường dùng chữa mẩn ngứa, mụn nhọt, đi lỵ, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, tiêu lỏng lâu ngày. 

1. Mô tả

Đơn lá đỏ hay còn có tên khác là Đơn tía, Mặt quỷ, Hồng bối quế hoa, Đơn mặt trời, cây Lá liễu, Liễu đỏ, Liễu hai da. Tên khoa học là Excoecaria cochichinensis Lour, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

1.1. Cây Đơn lá đỏ

Cây nhỏ, cao 0,7 – 1,5m. Cành nhỏ, dài, gầy, màu tía. Lá mọc đối, hình bầu dục ngược thuôn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới màu tía, mép có răng cưa, cuống ngắn. Hoa mọc thành bông ở nách lá hay ở ngọn, cùng gốc hoặc khác gốc. Quả nang 3 mảnh. Hạt hình cầu, màu nâu nhạt.

Cây ra hoa vào mùa hè.

Cây Đơn lá đỏ
Cây Đơn lá đỏ

1.2. Phân bố

Cây mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi để làm cây cảnh và lấy lá, cành non làm thuốc. Những cây mọc hoang thường cao to hơn, lá có ít màu đỏ tía hơn, có khi mặt dưới có màu xanh, phiến lá hình thuôn dài hơn.

2. Thu hái và bào chế

Có thể thu hái Đơn lá đỏ quanh năm để làm thuốc. Song chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 6, đặc biệt vào tháng 5 âm lịch, khi tiết trời thường xuyên có nắng to, cây phát triển tốt, lá to, dày, nhiều nhựa, màu lá đỏ tía. Đây cũng là lúc cây cho hàm lượng hoạt chất cao.

Lá được hái về, thái nhỏ sau đó phơi khô hoặc sao vàng.

3. Thành phần hoá học

Lá chứa flavonoid 1,5%, saponin, coumarin, anthranoid, tanin, đường khử. Sơ bộ xác định flavonoid có 6 chất, trong đó có một chất thuốc nhóm flavonol.

4. Tác dụng dược lý

Chưa tìm thấy tài liệu nghiên cứu về cây Đơn lá đỏ này.

5. Công dụng và liều dùng

Đơn lá đỏ có vị đắng ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, giảm đau.

Chủ trị: mẩn ngứa, mụn nhọt, đi lỵ, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, tiêu lỏng lâu ngày. Ở Thái Lan, lá còn được dùng làm thuốc trợ đẻ.

Liều dùng: ngày dùng 10 – 20g, sắc uống độc vị hoặc phối hợp trong các phương thuốc tiêu độc.

Dược liệu Đơn lá đỏ sau khi phơi khô
Dược liệu sau khi phơi khô

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. Chữa mẩn ngứa, mụn nhọt

Dùng 20 – 30g cành lá Đơn mặt trời, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với lá Thài lài tía, Bầu đất tía, Đậu ván tía.

6.2. Chữa zona và mẩn ngứa, mất ngủ

Lá Đơn tía tươi 20 – 30g, sao vàng, hạ thổ. Cho vào nồi, đổ ngập nước, sắc lấy khoảng 400 – 500ml. Chia 2 – 3 lần uống trong ngày.

6.3. Chữa đi tiêu lỏng lâu ngày

Lá Đơn đỏ sao vàng 15g, Gừng nướng 1 miếng, nước 600ml, sắc còn 1 bát (200ml). Chia 3 lần uống trong ngày (kinh nghiệm dân gian ở vùng Huế).

6.4. Chữa đại tiện ra máu và trẻ em đi lỵ

Lá Đơn mặt trời 1 nắm sắc uống.

7. Lưu ý

Tránh nhầm lẫn Đơn lá đỏ với một số cây cũng mang tên “đơn” khác như: đơn đỏ, đơn hoa đỏ (Ixora coccinea L.), thuộc họ cà phê (Rubiaceae).

Khác với cây Đơn lá đỏ, các cây này có lá to và xanh cả hai mặt, hoa rất nhiều ở đầu cành thành xim dày đặc, màu đỏ, người ta thường thu lấy hoa để làm đồ cúng lễ ở đình chùa. Ngoài ra, lá và rễ được dùng làm thuốc chữa kinh nguyệt không đều, kiết lỵ tiêu chảy.

Đơn tướng quân (Syzygium sp.), thuộc họ sim (Myrtaceae), có lá to, mọc đối, thường mọc vòng 3, rất sít nhau ở ngọn. Bộ phận thường dùng làm thuốc là lá, dùng dưới dạng nước sắc để chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng, viêm họng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*