Hồng xiêm không chỉ được ưa thích bởi vị thơm ngon đặc trưng và giàu dinh dưỡng mà đây còn là dược liệu được sử dụng để điều trị rối loạn tiêu hóa, lợi tiểu… hiệu quả. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu nhiều hơn về giá trị dinh dưỡng cũng như đặc điểm, công dụng của loại trái cây tuyệt vời này.
Tìm hiểu về Hồng xiêm
- Tên gọi khác: Sapoche, Hồng xiêm, Tầm lức, Lồng mứt, Xa phô chê.
- Tên khoa học: Manilkara zapota hoặc Achras sapota l.
- Tên dược liệu: Vỏ, hạt và quả xanh – Cortex, Semen, et Fructus Manilkarae.
- Họ: Hồng xiêm (Sapotaceae)
Nguồn gốc của Hồng xiêm
Hồng xiêm vốn có nguồn gốc ở Nam Mỹ, đặc biệt là ở Mexico. Trải qua nhiều năm, loài này di thực khắp nơi trên thế giới, chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Hiện nay, cây được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác nhau như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam… Ở nước ta, chủ yếu được trồng ở miền Nam, nhưng ở miền Bắc cũng có nhiều nơi trồng, chủ yếu để lấy quả ăn.
Có nghiên cứu cho rằng, do loài du nhập vào nước ta từ Thái Lan, mà đất nước này được biết đến với cái tên là nước Xiêm. Bên cạnh đó, hình dáng của loài cây này khá tương tự với trái Hồng (chi Diospyros) nên mới có tên gọi Hồng xiêm.
Một số đặc điểm sinh trưởng Hồng xiêm
- Đất trồng: không quá kén đất. Tuy nhiên, cây không chịu được úng ngập nên cần loại đất tơi xốp thoát nước tốt giàu dinh dưỡng. Có thể dùng rơm rạ khô phủ gốc. Ngoài ra, cây chịu mặn tốt, nên có thể trồng ở vùng duyên hải được.
- Nhiệt độ: Ưa khí hậu nhiệt đới, nóng và ẩm, thích hợp từ 24-30 độ C, có thể chịu được nhiệt độ dưới 10 độ C. Tuy nhiên, cây không mọc được trên vùng khô hạn.
- Độ ẩm: Thuộc giống cây ưa ẩm nên thời gian đầu (3 năm) sau khi trồng cần thường xuyên tưới nước cho cây. Sau đó, mỗi tuần có thể tưới nước cho cây 2-3 lần, tùy thuộc vào vào điều kiên thời tiết và độ ẩm của đất. Vào mùa mưa, để cây luôn khỏe mạnh nên chú ý đến vấn đề thoát nước, tránh ngập úng.
- Sâu hại chính là rệp, biểu hiện bằng lớp mỏng trắng bám vào cuống lá, cuống quả.
- Hạt có sức nẩy mầm cao (sau 1 tháng). Tuy nhiên, thường trồng bằng cành chiết. Bởi khi nhân giống bằng hạt sẽ có độ phân ly lớn, cây con không giữ được phẩm chất từ cây mẹ. Khi chiết, để đạt được chất lượng tốt nhất nên chọn cành nhiều nhựa mới, chắc khỏe, không quá già.
- Năng suất khá cao và ổn định. Ra hoa quả rải rác quanh năm. Song có 2 vụ chính là xuân hè và hè thu. Có đa dạng nhiều giống Hồng xiêm. Ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng nhất là Hồng xiêm Xuân Đỉnh bởi hương vị thơm ngọt của chúng.
Mô tả toàn cây Hồng xiêm
Là cây thân gỗ, to, cao khoảng 10-15 m, sống lâu năm, phân cành nhiều. Thân có vỏ màu xám nâu, dày, xù xì, lỗ bì tròn, bên trong chứa nhiều mủ trắng. Trên cành và lá non thường có lông tơ phủ lên, mọc đan xen, chéo nhau.
Lá nguyên, bóng, dày, mọc so le, tập trung đầu cành, hình elip hay oval dài 7–15 cm, với mép trơn. Phiến lá có mặt phía trên màu xanh, nhẵn bóng, còn bên dưới nhạt hơn, không có lông. Ngoài ra, lá cây còn có xu hướng mọc tập trung ở ngọn cành.
Hoa đơn độc, màu trắng, hình dáng tương tự như quả chuông, mọc ở kẽ các lá trên, đều, lưỡng tính. Thường mẫu 3, có khi mẫu 5. Đài 6 răng, xếp thành 2 hàng, phủ lông màu vàng. Tràng dính đến ½, 6 cánh, nhị 6, lép nhiều. Bầu 10-20 ô. Cuống hoa dài 1 – 2 cm.
Quả to mọng nước, đường kính 4-8 cm, hình trứng dẹt, màu nâu thẫm và bóng. Thịt quả có màu nâu ánh đỏ với kết cấu hạt mịn như có cát. Trong quả có 3 – 5 hạt màu đen, dẹp và bóng.
Mùa hoa tháng 5-8. Mùa quả tháng 9-11.
Bộ phận làm thuốc, bảo quản
Hồng xiêm là một loại cây ăn quả rất được ưa chuộng. Với vị ngọt, thơm, giàu chất xơ và dinh dưỡng nên có thể để dùng tươi hoặc được sử dụng để làm sinh tố.
Bên cạnh đó, hạt, vỏ và quả xanh của cây được sử dụng để làm thuốc.
Ở châu Mỹ, đặc biệt là Mexico, người ta còn thu hoạch nhựa cây (chicle) để làm kẹo bạc hà, kẹo cao su (chewing-gum), thuốc chữa ho, lợi tiêu hóa, hoặc làm thơm miệng. Sau khi lấy nhựa từ thân cây chảy ra, thì đun sôi nhựa và khuấy đều cho bốc bớt hơi nước. Khi nhựa còn đang nóng, thì đổ vào chậu gỗ có bôi xà phòng để cho nhựa không dính chặt vào thành chậu. Đợi một thời gian, nhựa cứng lại thì nặng thành bánh khoảng 10kg.
Bảo quản: dược liệu nên được cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Thành phần hóa học và tác dụng của Hồng xiêm
Thành phần hóa học
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, Hồng xiêm gồm các thành phần sau:
- Quả xanh và vỏ có 40% nhựa (résine), 1,7% hydrat cacbon, 35% nước và một số chất khác.
- Vỏ cây còn non chứa một chất saponin (11,8%) và một ít ancaloit có tinh thể gọi là sapotin. vỏ cây già chứa tanin.
- Quả chín có 0,4% protit, 9% gluxit, 2,3% xenluloza và 0,5% tro. Trong tro có 46,8% Canxi, 21,6% Photpho, 7mg % vitamin C…
- Hạt chứa 23% dầu béo và axit xyanhydric.
Có nghiên cứu đã phân tích được rằng đây là loại trái cây nhiều chất chống oxy hóa, hàm lượng dinh dưỡng cao. Cụ thể: Trong 100g quả Hồng xiêm chứa chất béo 1.10 g, sắt 0.8 mg, đạm 0.44 g, beta-carotene 60IU, photpho 12mg, canxi 21 mg, vitamin B6 0.037 mg, vitamin B2 0.02 mg, vitamin B5 0.252 mg, vitamin C 14.7 mg,…
Ngoài ra, vị ngọt của quả là vị ngọt tự nhiên, có rất ít chất sodium nên rất thích hợp với người bị bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh thận…
Tác dụng Y học hiện đại
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: do thành phần Potassium có tác dụng hạ áp.
Chống oxy hóa cao, giàu dinh dưỡng, ngăn ngừa thiếu canxi và thiếu máu ở phụ nữ có thai. Bên cạnh đó, loại trái cây này rất có ích cho thai nhi, giúp ngăn ngừa dị tất và thúc đẩy sự phát triển hệ thần kinh (do dược liệu chứa axit folic, canxi, giúp tái tạo tế bào hồng cầu mới và ngăn ngừa dị tật thai nhi).
Hỗ trợ rối loạn tiêu hóa, giảm tiêu chảy: Do polyphenol và tannin trong quả có khả năng điều hòa hoạt động của đường ruột.
An thần: Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy, vị thuốc còn có tác dụng làm dịu và giảm áp lực lên hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, nó rất thích hợp cho những tình trạng mất ngủ thường xuyên, hay lo lắng…
Tác dụng Y học cổ truyền
Vị ngọt, tính mát.
Tác dụng:
- Vỏ và quả xanh có thể trị được tiêu chảy, tả, lỵ…
- Quả xanh còn được có tác dụng giải độc khi uống thuốc xổ quá liều, tiêu chảy.
- Hạt: có tác dụng thông lợi tiểu và hạ nhiệt, hỗ trợ cho tiểu tiện không thông suốt, phát sốt… Chiết xuất từ hạt Sapoche được thoa lên tóc nhằm duy trì độ mềm mượt, giảm rụng tóc.
- Quả: có tác dụng bổ mát, sinh tân dịch, giải khát, nhuận tràng, chống táo bón…
- Nhựa cây: được khai thác trong công nghiệp chế biến kẹo cao su…
Ngoài ra, tại một số địa phương có thể lấy quả và lá non của cây Sapoche giã nát và đắp lên vết chó, mèo cắn để giảm sưng đau.
Cách sử dụng Hồng xiêm
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng vị thuốc với nhiều cách điều chế khác nhau, ở dạng sắc uống, tán bột hoặc dùng ăn trực tiếp.
Liều dùng:
- Quả chín: 3 – 5 quả/ ngày, có thể trị táo bón.
- Quả xanh 15-20 g/ ngày, hỗ trợ trị tiêu chảy.
- Vỏ cây: 15 – 20 g vỏ/ ngày. Vỏ thân được người Campuchia trị tiêu chảy do có chứa tannin và sốt dưới dạng thuốc sắc 6-12 g.
- Hạt: Tác dụng lợi tiểu, giảm sốt. Cẩn thận vì khi dùng liều cao có thể gây độc (Mỗi lần 6 hạt nghiền thành bột uống với rượu, hoặc nước chín).
Một số bài thuốc từ Hồng xiêm
Trị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy
Quả xanh 15 – 20 g, cho 200 ml nước, đun nhỏ lửa còn lại 100 ml, chia làm hai lần uống trong ngày. Uống sau ăn 15 phút. Uống 3 – 5 ngày.
Hoặc vỏ thân cây 15-20 g rửa sạch, cho 250 ml nước, sắc sôi 15 phút còn 100 ml nước, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa táo bón, ăn kém, kiện tỳ:
Chọn trái Hồng xiêm chín, ngày ăn 2 lần, mỗi lần 2 quả, liên tục trong vài ngày. Trường hợp táo bón nặng, có thể ăn từ 3 – 5 quả/ ngày, có thể dùng trực tiếp hoặc dưới dạng sinh tố…
Hoặc lá Hồng xiêm 20 g, vỏ quả Quýt 10 g, Thủy xương bồ 5 g, cho 400 ml nước sắc còn 150 ml, ngày một thang, chia 2 lần. Dùng liền 5 ngày.
Lợi niệu, giảm sốt
Hạt Hồng xiêm 5 g nấu nước sắc uống, có thể thêm lá Tre 100 g. Sau đó, cho 450 ml nước sắc còn 150 ml nước, chia ngày 2 lần, uống lúc còn nóng.
Cách để nhận biết quả Hồng xiêm chín
Sapoche (Hồng xiêm) chỉ nên ăn khi đã chín vì như vậy sẽ thưởng thức được trọn vẹn sự thơm ngon, giàu dinh dưỡng hơn. Hơn nữa, khi còn chưa chín, quả xanh sẽ chứa nhiều nhựa.
Màu sắc: Màu da vàng nâu, được hái khi đã già, gần chín. Còn vỏ màu vàng xanh, thường là “non”, ăn sẽ kém ngon.
Hình dáng: Nên chọn những quả có hình ô-van, thân trái dài, như vậy sẽ ngọt dịu, thơm ngon. Còn những trái tròn ăn sẽ nhiều hạt và không ngon bằng.
Chắc chắn hơn là hồng đã chín, ta có thể nắn nhẹ vào quả xem còn cứng hay đã mềm tay chưa. Khi sờ có cảm giác mềm tay và có mùi thơm dịu bên ngoài thì khi đó Hồng xiêm mới chín và có thể ăn được ngay.
Hương vị của nó tương tự như mùi đường đen rất thơm và ngon.
Kiêng kỵ
- Dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong vị thuốc.
- Tránh ăn quá nhiều quả còn xanh do hoạt chất tannin trong quả có thể gây táo bón.
Để lại một phản hồi