Hồi đầu thảo là dược liệu phổ biến ở vùng núi phía Bắc, nó được dùng nhiều theo kinh nghiệm dân gian. Hồi đầu thảo còn nhiều tiềm năng hỗ trợ điều trị một số bệnh mà mọi người chưa biết hết.
1. Mô tả dược liệu
1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế
- Còn gọi là vùi đầu thảo, vùi sầu, vạn bốc, củ điền thất, thủy điền thất. Người Tày gọi là mần tảo lấy, hồi thầu, tên Thái là bơ pĩa mến.
- Tên khoa học Schizocapsa plantaginea Hance.
- Thuộc họ Râu hùm Taccaceae.
1.2. Đặc điểm thực vật
Cây thuộc thân thảo, sống hằng năm, cao 20 – 30 cm, mọc thành từng bụi.
Lá giống lá nghệ. Lá phình to và nhọn ở đầu, hình trái xoan thuôn. Lá phát triển trực tiếp từ củ (thân rễ) do cây không có thân, khoảng 6 – 10 lá. Cuống lá có chiều dài khoảng 5 – 7 cm. Mỗi lá dài khoảng 10 – 20cm và rộng từ 2 đến 5 cm. Mặt trên lá nhẵn bóng nhìn rõ các phiến chạy dọc từ cuống cho đến tận đầu lá.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành tán. Hoa hồi đầu thảo màu tím, ra từ tháng 9 – tháng 12 trong năm. Mỗi cụm gồm 6 – 10 hoa mọc chung trên một cái cán dẹt và có khuynh hướng mọc cong dần xuống. Mỗi bao hoa gồm 6 phiến, trong khi đó bao chung lại chứa 4 lá bắc nhỏ có màu tím.
Quả: Cây cho quả dạng nang. Đỉnh quả mở không đều. Bên trong chứa hạt nhỏ có vỏ ngoài màu nâu, hình thoi.
Thân rễ phình to hình trứng hoặc tròn mọc cong lên, dẻo, thịt màu vàng nâu, mùi thơm hăng như nghệ.
1.3. Phân bố, thu hái, chế biến
Hồi đầu thảo phát triển chủ yếu ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar, Lào…
Hồi đầu thảo mọc hoang ở vùng rừng núi hoặc trồng trong vườn, thường ưa mọc ở những nơi ẩm thấp, ven bờ suối. Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lào cai đều có. Tuy nhiên việc khai thác còn ít.
Toàn bộ cây sẽ được nhổ lên. Sau đó cắt bỏ lá và phần rễ con mọc xung quanh củ, đem rửa sạch đất cát. Sau đó, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Khi sử dụng, củ hồi đầu thảo được đem ủ cho mềm. Sau đó thái lát mỏng đem tẩm với gừng tươi, cho vào chảo nóng sao vàng rồi tán bột sắc uống.
1.4. Bộ phận sử dụng
Thân rễ – Rhizoma Taccae.
2. Thành phần hóa học
Trong Hồi đầu thảo có 1.12 đến 1.14% diosgenin. Ngoài ra, còn có các saponin Taccaoside, SSPH I
3. Tác dụng dược lý
3.1. Theo Y học cổ truyền
Hồi đầu thảo được sử dụng là một vị thuốc dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân để trợ giúp sự tiêu hóa, đau bụng, ỉa chảy, sốt vàng da, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thần kinh suy nhược, đau các dây thần kinh, huyết áp cao.
3.2. Theo Y học hiện đại
Các nghiên cứu về hồi đầu thảo còn hạn chế. Tiềm năng của hồi đầu thảo rất nhiều hứa hẹn.
Nghiên cứu trên các dòng tế bào ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là một trong những khối u ác tính phổ biến nhất trên thế giới, là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư. Tỷ lệ mắc ung thư gan ngày càng tăng trên toàn thế giới. Hơn 800 nghìn ca mắc mới mỗi năm, gây ra 78.000 ca tử vong mỗi năm.
Taccaoside, một saponin steroid chiết xuất từ hồi đầu thảo. Taccaoside cho thấy tác dụng ức chế, chống tăng sinh đối với sự phát triển của các dòng tế bào HCC theo cách thức phụ thuộc vào nồng độ và thời gian thông qua quá trình “chết theo chu trình” – Apotosis.
Saponin SSPH I, một chất hóa thực vật có hoạt tính sinh học mới được phân lập từ thân rễ của hồi đầu thảo, đã được chứng minh là có hoạt tính chống ung thư đối với các khối u khác nhau trong các nghiên cứu tiền lâm sàng. Nghiên cứu đã xác định hoạt động chống ung thư của saponin steroid SSPH I mới trong ống nghiệm.
Hồi đầu thảo được kỳ vọng là một loại dược liệu thay thế và cung cấp một lựa chọn để điều trị HCC hoặc thậm chí các loại ung thư khác. Các thử nghiệm sâu hơn vẫn được yêu cầu để xác nhận hiệu quả của loại thuốc này trên các mô hình động vật và thử nghiệm lâm sàng.
4. Cách dùng và liều lượng sử dụng
- Mỗi ngày dùng 4 – 20 gram dưới dạng thuốc sắc.
- Có thể ngâm rượu uống.
- Đơn thuốc chữa huyết áp ở phụ nữ: Hồi đầu thảo 20 gram, hương phụ chế 18 gram, nước 300 ml. Sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày.
- Đơn thuốc chữa kinh nguyệt không đều: Mỗi ngày lấy 10 ram bột Hồi đầu thảo pha với nước đun sôi để nguội uống. Bắt đầu uống thuốc là sau ngày có kinh khoảng 2 tuần. Một liệu trình điều trị kéo dài trong 10 ngày. Sau 2 – 3 đợt uống thuốc chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định.
5. Lưu ý
Do thể trạng mỗi người khác nhau nên liều lượng các vị thuốc trên có thể được gia giảm cho phù hợp. Vì vậy, không tự ý áp dụng mà cần có ý kiến từ các Bác sĩ Y học cổ truyền.
Để lại một phản hồi