Hắc sâm (huyền sâm) là thảo dược quý được xếp vào nhóm thuốc thanh nhiệt trong Đông y. Cần phân biệt dược liệu này với Hắc sâm Hàn Quốc – là củ sâm đen Hàn Quốc ít nhất 6 năm tuổi qua nhiều giai đoạn hấp sấy, từ những củ sâm tươi tạo thành.
1. Giới thiệu chung về Hắc sâm
Sở dĩ thuốc được gọi là Hắc sâm (hay Huyền sâm) là do rễ cây có màu đen từ trong ra ngoài.
Vị thuốc này còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như trọng đài, lộc trường, chính mã, nguyên sâm, trần nguyên sâm, năng tiêu thảo, dã chi ma,…
Tên khoa học: Scrophularia ningpoensis Hemsl.
Họ: Hoa Mõm chó (Scrophulariaceae).
2. Mô tả dược liệu
Hắc sâm là cây thuốc quý, loài cây thân thảo, sống nhiều năm.
- Thân cây vuông cao độ 1,5 – 2 m, lá màu tím xanh.
- Lá mọc đối có cuống hình trứng dài, đầu nhọn vát, rìa lá có răng cưa, màu xanh nhạt.
- Hoa nở mùa hè. Hoa tự xếp thành hình chùy tròn, ống tràng hoa hình chén, cánh hình môi, chia làm 5 thùy, màu tím xám dài ngắn, 5 thùy.
- Quả bế đôi hình trứng. Hạt nhỏ bé, nhiều hạt màu đen.
- Rễ củ to mập nhưng hơi cong, dài độ 10-20cm. Giữa rễ củ phình lớn, hai đầu củ hơi thon, nói chung mỗi gốc có 4-5 củ mọc thành chùm.
3. Thu hái và Chế biến:
3.1. Thu hái
Phần dùng làm thuốc là củ. Loại tốt là loại củ to, vỏ mỏng, chất cứng, đầu gốc rửa sạch, trong màu đen. Các loại củ nhỏ đầu gốc to, bẻ ra có tính chất như củi không làm thuốc được.
Hắc sâm thường được thu hoạch vào tháng 7-8, năm thứ 2 sau khi trồng, lúc cây đã tàn lụi. Riêng ở miền núi thì thu hoạch tháng 10-11.
3.2. Chế biến
Thông thường, Hắc sâm được cho vào nồi hấp rồi phơi khô để dùng. Có thể thái phiến rồi phơi khô để dùng sống. Chất thuốc cứng dẻo, khó bẻ gãy, mặt cắt ngang mềm màu đen nhiều thịt.
Chế Thổ hắc sâm: Sau khi thu hoạch đem đi rửa ngay đưa lên giàn sấy. Sấy cho tới lúc khô được một nửa thì đem ra chất đống 2-3 ngày. Bên trên có phủ kín cỏ rạ làm cho ruột củ biến thành màu đen. Nước bên trong thấm thấu ra ngoài, lại đem ra sấy cho tới lúc khô 9 phần, bỏ vào trong xảo. Lắc đi lắc lại cho củ rễ và đất cát rơi xuống hết là được.
Hắc sâm được cho vào nồi hấp rồi phơi khô để dùng. Có thể thái phiến rồi phơi khô để dùng sống. Chất thuốc cứng dẻo, khó bẻ gãy, mặt cắt ngang mềm màu đen nhiều thịt
4. Thành phần hoá học
Phân tích thành phần hoá học thân rễ Hắc sâm chứa harpagid, chất này không bến vững, dễ bị chuyển hoá thành dẫn xuất màu đen. Còn có scrophularin, asparagin, phytosterol, tinh dầu, acid béo, chất đường.
5. Tác dụng dược lý
5.1. Tác dụng kháng khuẩn
Nghiên cứu in vitro cho thấy, nước sắc Hắc sâm có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với Pseudomonas aeruginosa. Ngoài ra, dược liệu cũng có tác dụng kháng khuẩn đối với một số vi khuẩn ngoài da như tụ cầu vàng hay liên cầu sinh mủ.
5.2. Tác dụng kháng viêm
Nghiên cứu trên mô hình gây viêm phù chân chuột cho thấy chiết xuất nước Hắc sâm có tác dụng kháng viêm và giảm đau đánh kể. Bên cạnh đó, nước sắc Hắc sâm cũng thể hiện hoạt tính chống khối u. Thông qua tác động ảnh hưởng đến con đường MAPK và ức chế con đường NF-κB.
5.3. Tác dụng đối với hệ tim mạch
Nước sắc Hắc sâm có tác dụng hạ huyết áp khi tiêm tĩnh mạch cho thỏ. Đặc biệt trong huyết áp cao do nguyên nhân từ thận. Chiết xuất cồn hắc sâm có tác dụng làm tăng lưu lượng máu của mạch vành.
Cao lỏng Hắc sâm thí nghiệm trên tim ếch cô lập với nồng độ thích hợp làm tăng sức co bóp cơ tim và chậm nhịp tim.
Ngoài các chức năng kể trên, Hắc sâm cũng được nghiên cứu với các công dụng chống oxy hoá, an thần, chống co giật, giải nhiệt,…
6. Công năng theo y học cổ truyền
Hắc sâm sử dụng trong y học cổ truyền từ lâu đời với tên thông dụng hơn là Huyền sâm.
6.1. Tính vị – Quy kinh
Hắc sâm là dược liệu có vị đắng mặn, tính hơi hàn.
Nhiều tài liệu y văn cho biết Hắc sâm quy kinh Phế, Thận. Trong Bản thảo Tân Biên, còn nói Hắc sâm quy thêm Tỳ Vị.
Hắc sâm màu đen, vị mặn nên hay quy vào kinh Thận. Người xưa thường dùng để trị chứng hoả ở thượng tiêu, chính vì cho là thuỷ không thắng được hoả, hoả bốc lên. Vì vậy, làm mạnh thuỷ để hạn chế bớt hư hoả bốc lên. Tuy nhiên, do tính của Hắc sâm vốn hàn, hoạt, tạm thời trị hoả hữu dư thì dùng được. Còn muốn giữ vững căn bản tư bổ Thận thuỷ thì phải dùng chung với Thục địa.
6.2. Công dụng
Tư âm, giáng hoả, sinh tân dịch, chống khô khát, lương huyết, giải độc, nhuận táo, hoạt trường.
Chủ trị:
- Trị các chứng nhiệt, chảy máu cam, thổ huyết, tiêu tiểu ra máu, sốt, miệng khô, lưỡi tím đỏ do huyết nhiệt
- Trị viêm họng do ngoại cảm phong nhiệt dùng Huyền sâm, Ngưu bàng tử, Cát cánh và Bạc hà.
- Viêm họng do nội nhiệt thịnh dùng Huyền sâm, Mạch đông, Cát cánh và Cam thảo.
- Khát, sốt, mất ngủ, chất lưỡi đỏ rêu lưỡi ít dùng Huyền sâm, Sinh địa và Mạch đông.
- Sốt cao, mê sảng và phát ban dùng Huyền sâm hợp với Tri mẫu, Thạch cao và Sừng tê giác.
- Táo bón do khô háo trong ruột dùng Huyền sâm phối hợp với Sinh địa hoàng và Mạch đông.
6.3. Kiêng kỵ
- Tỳ vị hư hàn
- Âm hư mà không có nhiệt hoặc Âm hư mà kèm tiêu chảy
- Không dùng chung với Lê lô
Hắc sâm còn có tên gọi thông dụng khác trong Đông y là Huyền sâm. Đây là vị thuốc có đắng mặn, tính hàn thường dùng với tác dụng thanh nhiệt, giáng hoả, sinh tân, chỉ khát. Qua các nghiên cứu hiện đại, Hắc sâm cho thấy được tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng,… Và các tác động tích cực đến hệ tim mạch.
Để lại một phản hồi