Từ lâu, khổ qua đã là món ăn quen thuộc với vị đắng đặc trưng. Trong y học, khổ qua được dùng để điều trị nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, béo phì, nhiễm trùng… đặc biệt, bệnh đái tháo đường.
1. Mô tả dược liệu khổ qua
Khổ qua có tên khoa học là Momordica charantia, thường được gọi là mướp đắng, lương qua, cẩm lệ chi… là một loại cây thuộc họ Cucurbitaceae được biết đến bởi các tác dụng dược lý và dinh dưỡng của nó. Cây được trồng nhiều ở vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Cây là một loại dây leo, thân có góc cạnh, có lông tơ ở ngọn. Lá mọc so le, phiến lá chia 5 – 7 thùy hình trứng, mép lá có răng cưa.
Hoa đực và hoa cái mọc riêng lả ở nách lá, có cuống dài, cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi dài 8 – 15 cm, mặt ngoài có nhiều u nổi lên, quả chưa chin có màu vàng xanh, khi chín có màu vàng hồng. Hạt dẹp, có màng đỏ bao quanh.
Quả, lá và hạt đều được dùng để làm thuốc. Quả thu hái khi có màu vàng lục dùng tươi. Hạt lấy ở quả chín, phơi khô. Lá, rễ khổ qua thu hoạch quanh năm, dùng tươi.
2. Thành phần trong khổ qua
Nhiều nghiên cứu đã phân lập được nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, giúp khổ qua có công dụng chữa bệnh. Theo ghi nhận từ các nghiên cứu, khổ qua chứa carbohydrate, protein, lipid, vitamin, khoáng chất, triterpenoids, saponin, polypeptide, avonoid, alkaloids và sterol.
3. Công dụng của khổ qua trong y học dân gian
Trong dân gian, khổ qua thường được dùng để nấu nước uống, nấu canh trong các bữa ăn. Hoặc làm trà uống hàng ngày với công dụng tăng cường sức đề kháng, giảm sốt, giải cảm, hạ đường huyết.
Ngoài công dụng làm thức ăn, khổ qua còn được dùng làm một vị thuốc mát. Dùng để chữa ho, sốt, tiểu nhắt, tiểu buốt, giảm đau nhức xương khớp, tắm cho trẻ em bị rôm sẩy.
Lá khổ qua dùng để chữa các bệnh về da, áp xe, bỏng. Dịch ép từ lá dùng làm thuốc súc miệng, bệnh vàng da và bệnh phụ khoa.
Quả, lá khổ qua có tính nhuận tràng nhẹ, có tác dụng tẩy giun.
4. Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của khổ qua
Khổ qua đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người, đặc biệt là bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu ở mức độ tế bào, động vật và trên lâm sàng đã chứng minh một số tác dụng của khổ qua.
4.1. Điều trị đái tháo đường
Tác dụng cơ chế điều trị bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin đã được nhiều nghiên cứu làm rõ. Các nghiên cứu ở mức độ tế bào, trên động vật cũng như trên lâm sàng đều cho thấy lợi ích của khổ qua đối với bệnh nhân tiền đái tháo đường và bệnh nhân đái tháo đường.
Cơ chế hạ đường huyết của khổ qua:
- Tăng cường bài tiết insulin của tế bào beta tuyến tụy
- Tăng nồng độ insulin trong máu
- Làm tăng độ nhạy của insulin.
- Cải thiện khả năng hấp thu glucose của tế bào
- Giảm ly giải glycogen ở gan
- Giúp tiết ra một số chất có tác dụng ức chế hấp thu glucose ở ruột
- Giúp giảm tình trạng tăng đường huyết sau ăn.
4.2. Hỗ trợ điều trị ung thư
Chiết xuất khổ qua đã cho thấy vai trò hỗ trợ điều trị đối với các bệnh ung thư máu, ung thư vú, ung thư hạch, ung thư nguyên bào nuôi, …
Các thành phần hoạt tính sinh học của khổ qua hoạt động như các tác nhân chống khối u chủ yếu thông qua:
- Ức chế tăng sinh tế bào khối u
- Gây ra chết chu trình tế bào
- Làm suy yếu di căn tế bào khối u
- Tăng cường hoạt động của gen ức chế khối u.
4.3. Tác dụng hạ lipid máu
Nhiều thử nghiệm trên động vật đều cho thấy sự cải thiện nồng độ các lipid máu của dịch chiết khổ qua đối với HDL-c, cholesterol, triglyceride, phospholipid, đồng thời giảm khối lượng mỡ nội tạng ở nhóm điều trị.
4.4. Điều trị béo phì
Các nghiên cứu cho thấy các thành phần chống béo phì trong dịch chiết khổ qua bao gồm protein, triterpenoids, saponin, phenolics và axit linolenic liên hợp. Cơ chế của chúng bao gồm:
- Ức chế tổng hợp chất béo
- Thúc đẩy sử dụng glucose
- Tiêu hao năng lượng
- Kích thích hoạt động hạ lipid máu.
4.5. Công dụng khác
Ngoài ra, các công dụng khác của khổ qua cũng đã được báo cáo, như tác dụng
- Hạ huyết áp,
- Giảm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori,
- Kháng khuẩn, kháng vi-rút,
- Điều hòa miễn dịch,
- Chống oxy hóa,
- Giảm đau ở bệnh nhân thoái hóa khớp,
- Chữa lành các vết thương, vết loét ở da…
5. Những điều lưu ý khi sử dụng khổ qua
Mặc dù, khổ qua có những công dụng chữa bệnh tuyệt vời nhưng vị thuốc quý này cũng có thể gây độc hoặc tác dụng phụ đối với một số đối tượng khi sử dụng lâu dài.
Đối với người sử dụng nhiều khổ qua có thể bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu, tiêu lỏng.
Cần lưu ý, không nên sử dụng cho những trường hợp có biểu hiện hạ đường huyết vì khổ qua có đặc tính hạ đường huyết.
Phụ nữ có thai không nên sử dụng khổ qua vì có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết dẫn tới hư thai hoặc sinh non.
Cho đến nay, những nghiên cứu về công dụng và cơ chế của khổ qua đã phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể có trên cơ thể con người, đặc biệt là tiêu thụ lâu dài, chưa được nghiên cứu nhiều.
Do đó, mặc dù, khổ qua mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe con người nhưng bạn không nên lạm dụng loại dược liệu quý này.
Để lại một phản hồi