Kim ngân: Vị thuốc quý với công dụng bất ngờ

Kim ngân là một loại dược liệu có lẽ đã không còn xa lạ với nhiều người về các công dụng tuyệt vời của nó. Trong Đông y, Kim ngân là một vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc rất tốt. 

Giới thiệu về Kim ngân

Tên thường gọi: Kim ngân, Nhẫn đông.

Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb.

Họ khoa học: thuộc họ Cơm cháy (Caprifoliaceae). Cây Kim ngân cho các vị thuốc:

  • Hoa Kim ngân hay Kim ngân hoa – Flos Lonicerae: là hoa phơi hay sấy khô của dược liệu.
  • Cành và lá Kim ngân – Caulis cum folium Lonicerae – là cành và lá phơi hay sấy khô của dược liệu.

Mô tả toàn cây

Là cây leo bằng thân cuốn. Cành non có thân già xoắn, lông mịn. Lá nguyên, mọc đối. Phiến lá hình trứng dài 4 -7 cm, rộng 2- 4cm, cả hai mặt lá đều có lông mịn. Hoa thường mọc từng đôi một ở các nách lá gần ngọn. Khi mới nở, cánh hoa màu trắng, sau chuyển sang vàng nhạt có mùi thơm nhẹ. Năm cánh hoa dính liền nhau thành ống ở phía dưới, miệng ống có 2 môi, 5 nhị thò ra ngoài cánh hoa. Quả hình trứng màu đen, dài chừng 5mm.

Mùa hoa thường rơi vào tháng 3-5, quả rơi vào tháng 6-8. Cây Kim ngân xanh tốt vào mùa đông cho nên còn có tên là nhẫn đông, nghĩa là chịu đựng tốt vào mùa đông.

Bộ phận dùng làm thuốc: hoa và thân dây.

 
Kim ngân
Uống trà kim ngân hoa rất tốt cho sức khỏe

Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến

Thảo dược này là loài của miền Đông Á ôn đới (Nhật bản, Triều tiên, Trung quốc). Cây có mọc hoang ở vùng đông bắc của nước ta (Cao bằng, Lạng sơn, Quảng Ninh). Thường được trồng ở miền đồng bằng trung du và miền núi từ Bắc vào Nam. Người ta dùng những hom thân cành trồng vào tháng 9-10 hoặc tháng 2-3 (tuy nhiên có thể trồng quanh năm). Sau một năm cây đã có thể ra hoa, thời gian sinh trưởng càng lâu hoa càng nhiều.

Khi hái hoa cần chú ý hái lúc hoa sắp nở hay khi vừa mới nở, màu còn trắng. Thời điểm nên hái vào khoảng 9 – 10h sáng, rồi đem nhặt bỏ tạp chất, rải thành lớp mỏng phơi trong râm mát hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40 – 50 độ đến khô. Dây lá có thể thu hái quanh năm, thái nhỏ, phơi khô, bảo quản nơi khô ráo tránh ẩm mốc.

Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

  • Thành phần hóa học

Kim ngân có hơn 140 hoạt chất đã được phân lập, nhưng chủ yếu là tinh dầu, các acid hữu cơ và flavon.

Toàn cây chứa các acid hữu cơ như: Chlorogenic acid, Isochlorogenic acid, Hexadecanoic acid…Ngoài ra còn có saponin.

Hoa chứa Caffeic, 3,5-O-dicaffeoylquinic acid methyl ester acid, các rutinoside, glucopyranoside, scolymoside (lonicerin) và một số carotenoid (S. caroten, cryptoxanthin, auroxanthin). Ngoài ra còn có luteolin và i-inositol khoảng 1%

Quả mọng giàu carotenoid, trong đó phần lớn là cryploxanthin. Lá chứa một glucoside gọi là loganin và khoảng 8% tanin.

  • Tác dụng dược lý

Kim ngân có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, kháng viêm. Cơ chế thông qua giảm biểu hiện các yếu tố gây viêm như NF- kB P65, tumor necrosis factor-α, interleukin-6…

Có tác dụng ức chế khoảng 40% hoạt tính glucose-6-phosphatase ở ti thể tế bào gan. Tác dụng này giúp làm giảm đường huyết đỉnh sau 10 – 15p thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường.

Kim ngân
Kim ngân thường mọc hoang tại miền Bắc nước ta

Công dụng của Kim ngân

  • Theo Y học hiện đại

Tác dụng kháng khuẩn đã được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh trong thực nghiệm. Người ta thấy nước hoa Kim ngân có tác dụng ức chế rất mạnh với tụ cầu, vi khuẩn thương hàn, lỵ trực trùng, E.coli, phế cầu, liên cầu khuẩn tiêu huyết. Điểm đặc biệt là nước sắc có tác dụng mạnh hơn các dạng bào chế khác. Trong đó nước sắc hoa không có tác dụng kháng khuẩn như nước sắc lá. Một số tác giả cho rằng điều này còn phụ thuộc vào thời điểm thu hái.

Bên cạnh tác dụng kháng khuẩn, dược liệu còn có hiệu quả ức chế một số virus như virus hô hấp hợp bào, influenza B và influenza A3…

Nước sắc hoa có tác dụng làm giảm hoạt hóa tế bào hình sao và đảo ngược quá trình chuyển dạng biểu mô – trung mô ở tế bào gan chuột, làm giảm các stress oxy hóa và đảo ngược tiến trình xơ hóa gan, bảo vệ tế bào gan.

  • Theo Y học cổ truyền

Kim ngân có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng.

Cách dùng và liều dùng Kim ngân

Có rất nhiều cách sử dụng Kim ngân. Tùy vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau.

Nếu dùng hoa là 4 – 6 g/ngày dạng thuốc sắc hoặc hãm uống, dùng.dây thì liều lượng dùng từ 10 – 12 g/ngày.  Cũng có thể ngâm rượu hoặc làm thuốc hoàn tán. Có thể chế thành trà uống trị ngoại cảm phát sốt và ho. Ngoài ra còn có tác dụng phòng bệnh viêm nhiễm đường ruột, giải nhiệt, tiêu độc, trừ mẩn ngứa rôm sảy.

Một số bài thuốc kinh nghiệm chứa Kim ngân

Bài thuốc Ngân kiều tán

Thường dùng chữa mụn nhọt, sốt cảm: Kim ngân hoa và Liên kiều mỗi vị 40g; Kinh giới tuệ 16g; Cát cánh 24g; Đạm đậu sị 20g; Bạc hà và Ngưu bàng tử mỗi vị 24g; Đạm trúc diệp 15g. Tất cả sấy khô tán bột. Có thể làm thành viên. Uống 1 – 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 12g bột.

Thuốc tiêu độc

Kim ngân, Sài đất, Thổ phục linh, mỗi vị 20g và Cam thảo đất 12g, sắc uống.

Chữa mẩn ngứa, mẩn tịt, mụn nhọt đầu đinh

Kim ngân hoa 10g, Ké đầu ngựa 4g, nước 200ml; sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Chữa cảm sốt mới phát, sốt phát ban hay nổi mẩn, lên sởi

Dây Kim ngân 30g, Lá dâu tằm 20g, sắc uống.

Chữa sởi

Có thể dùng Kim ngân hoa và rau Diếp cá, mỗi loại 10g, sao qua rồi sắc uống. Hoặc Kim ngân hoa 30g, Cỏ ban 30 g, tất cả hái tươi giã nhỏ, thêm nước gạn uống, nếu dùng dược liệu khô thì sắc uống.

Lưu ý khi sử dụng

Lá kim ngân chứa saponin. Đây là một loại độc chất, tuy nhiên cơ thể kém hấp thu chất này nên hầu như không gây hại. Saponin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, phổ biến nhất ở một số loại đậu. Để an toàn tuyệt đối, bạn hãy nấu chín kỹ, chắt nước đầu và nấu lại một lần nữa. Đây là cách để loại bỏ saponin ra khỏi bài thuốc.

Các bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ nếu:

  • Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ
  • Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác
  • Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây kim ngân hoặc các loại thuốc, thảo mộc khác
  • Bạn có bất kỳ bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác
  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ yếu tố nào như: thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay lông động vật…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*