Mật ong Manuka: Những lợi ích với sức khỏe

Mật ong Manuka được lấy từ mật của hoa Manuka. Chúng rất nổi tiếng với những đặc tính quý giá cho sức khỏe, vượt xa các dạng mật ong thông thường khác. Vậy các bộ phận còn lại còn mang lại lợi ích gì khác cho con người?

1. Giới thiệu chung

Manuka là loại cây giống chè có nguồn gốc từ New Zealand. Chúng còn được gọi là cây trà New Zealand vì những người bản địa đầu tiên tại đây dùng vỏ cây làm trà. Manuka là một loại cây bụi thường xanh, có lá nhọn và thường mọc cao đến hai mét.

Chúng có hoa nhỏ, màu trắng hoặc đôi khi có màu hồng, nở vào mùa xuân và hè. Manuka cũng có thể phát triển ở những nơi khô và ẩm ướt. Trên thực tế, khi cây phát triển đầy đủ, nó có thể chịu được hạn hán và sương giá kéo dài.

Khả năng chữa bệnh của Manuka được biết đến nhờ vào thành phần kháng khuẩn chính được tìm thấy trong mật hoa. Do đó mật ong Manuka rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Không chỉ con người mới biết đến những công dụng kỳ diệu của loài cây này – ngay cả vẹt đuôi dài cũng sử dụng nó để loại bỏ ký sinh trùng bằng cách ăn và bôi lên lông của chúng.

Tinh dầu Manuka đắt hơn so với người anh em của nó – dầu cây trà – vì khả năng kháng khuẩn rất mạnh. Vì vậy, chúng có thể được sử dụng như một loại thuốc kháng khuẩn và chống nấm.

Cây Manuka mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Cây Manuka mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

2. Các lợi ích cho sức khỏe từ những bộ phận của cây manuka

2.1. Vườn ươm thực vật để tái sinh cây bụi bản địa New Zealand

Cây Manuka đặc biệt với khả năng phục hồi và phát triển trong thời tiết và khí hậu khắc nghiệt. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể mọc cũng như trên những vùng đất khắc nghiệt. Sự hiện diện của Manuka ngăn chặn xói mòn đất. Ngoài ra, chúng cũng bảo vệ sự phát triển của nhiều loài thực vật khác dưới bóng râm của mình. Vì là loài thực vật thường không bị động vật ăn, chúng được trồng nhiều để phục hồi sinh thái.

Trồng và duy trì các loại cây bản địa như manuka trên đất nông nghiệp thực sự giúp tăng giá trị đất. Chúng bổ sung cảnh quan cho môi trường, bảo vệ các loài thực vật khác đang phát triển, cung cấp thức ăn và nơi ở cho các sinh vật hoang dã, và cho phép các bụi cây bản địa phát triển mạnh. Cây cối là nguồn cung cấp mật ong và phấn hoa cho côn trùng.

2.2. Mật ong Manuka – vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe

Mật ong Manuka đậm đặc màu hổ phách cũng có những tác dụng tương tự như mật ong thường nhưng có giá trị cao hơn. Khi bôi lên da, chúng có thể chữa lành và điều trị các vết cắt, vết bỏng và thậm chí cả mụn nhọt. Sử dụng xà phòng có chứa mật ong Manuka cũng có thể giúp ngăn ngừa mụn cơ thể.

Khi dùng bằng đường uống có thể giúp giảm đau họng. Điều này được cho là nhờ vào đặc tính kháng khuẩn của methylglyoxal trong mật ong Manuka. Khi nồng độ thành phần này cao, tác dụng chữa bệnh của mật ong càng mạnh. Mật ong Manuka cũng có thể giúp loại bỏ nhiễm trùng bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Thêm mật ong vào siro ho cho trẻ em vừa giúp ngon miệng, vừa làm dịu đường hô hấp và giảm nhiễm khuẩn.

Các nghiên cứu cho rằng Manuka rất tốt để giảm stress và các căng thẳng tâm lý khác ảnh hưởng đến chức năng sinh lý con người. Hay thử thêm một thìa mật ong vào một tách trà nóng để có một trải nghiệm vừa ngon miệng và vừa thư giãn tuyệt vời.

Cần phải thận trọng khi mua mật ong Manuka. Hãy kiểm tra UMF trên chai (yếu tố đảm bảo chất lượng mật ong) cũng như nơi xuất xứ (từ New Zealand) trước khi mua.

Mật ong Manuka không những ngon mà còn tốt cho sức khỏe
Mật ong Manuka không những ngon mà còn tốt cho sức khỏe

2.3. Dầu Manuka

Dầu Manuka cũng tạo ra mùi hương trị liệu. Đó là lý do tại sao nó thường được sử dụng trong liệu pháp hương thơm. Trong thực tế, nhiều loại nước hoa cũng chứa dầu Manuka.

Tương tự như dầu cây trà, hương thơm mạnh mẽ cùng đặc tính kháng khuẩn và kháng virus của dầu Manuka có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị cảm lạnh. Cho một vài giọt dầu Manuka vào nước sôi và xông hơi nước bốc ra sẽ làm thông mũi và giúp chống nhiễm trùng từ bên trong.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho rằng dầu Manuka rất tốt để giảm stress và các căng thẳng tâm lý khác ảnh hưởng đến chức năng sinh lý con người. Việc xông hơi này còn giúp thư giãn và cân bằng với thế giới hiện đại một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.

Dầu Manuka thường được sử dụng để giúp khử mùi cơ thể và mùi hôi chân và điều trị một số vấn đề về da. Thêm một vài giọt dầu vào sữa tắm sẽ giúp kháng khuẩn da và khử mùi hiệu quả. Methylglyoxil – thành phần kháng khuẩn chính trong Manuka – giúp làm sạch và kháng khuẩn da để tránh và lây lan nhiễm trùng.

Dầu Manuka còn được mở rộng công dụng cho các mục đích gia dụng. Dầu có thể được sử dụng như một chất khử trùng. Kiến và các loài côn trùng khác không thích mùi hương này và sẽ tránh xa. Dầu cũng có thể ngăn ngừa nấm mốc ở một số loại vải khi được sử dụng trong giặt ủi.

Tinh dầu Manuka giúp chữa bệnh hiệu quả
Tinh dầu Manuka giúp chữa bệnh hiệu quả

2.4. Gỗ Manuka

Ngay cả gỗ Manuka cũng hữu ích. Gỗ thường được tái chế làm tay cầm các công cụ như búa và rìu. Nó cũng có thể được sử dụng để làm củi. Mùn cưa cũng có thể được sử dụng để làm tăng thêm hương vị cho món cá và thịt nướng, đặc biệt là món cá Kahawai hun khói ở New Zealand. Người Maori còn cho rằng nhai vỏ cây Manuka sẽ giảm lo lắng, giúp bình tĩnh và ngủ ngon.

3. Cách dùng Manuka

Nhìn chung, Manuka mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người. Một số cách sử dụng như sau:

  • Làm trà hoặc bia: vỏ, lá sấy khô tạo ra một loại trà đắng, thơm, có lợi ích tương tự như dầu và mật ong. Ngoài ra, chúng cũng là một nguyên liệu để làm bia.
  • Cháy nắng nhẹ: thoa nước lạnh để giảm nhiệt, sau đó nhẹ nhàng thoa kem Manuka vào các vùng bị ảnh hưởng để giảm châm chích và ngứa.
  • Da nhờn và nổi mụn: Rửa mặt hàng ngày với xà phòng Manuka. Thoa dầu Manuka nguyên chất để điều trị tại chỗ cho các vùng da có vấn đề.
  • Nhiễm nấm và nhiễm trùng móng: Dùng bông gòn thoa vài giọt dầu Manuka nguyên chất vào vùng nhiễm nấm hai lần mỗi ngày. Tiếp tục trong 5 ngày sau khi các dấu hiệu nhiễm trùng biến mất.
  • Kích ứng da, nứt nẻ và phát ban: Rửa thường xuyên bằng xà phòng Manuka và thoa kem Manuka hàng ngày theo yêu cầu.
  • Da đầu ngứa và gàu: Thêm 10 giọt dầu Manuka nguyên chất vào dầu gội và gội đầu bình thường, xoa bóp da đầu. Để 5 phút rồi xả sạch.
  • Mùi hôi chân và cơ thể, nấm da: Rửa hàng ngày bằng xà phòng Manuka. Đối với mùi hôi chân, xoa dầu hoặc kem Manuka vào chân 3 lần mỗi tuần cũng giúp giảm nhiễm nấm.
  • Giảm vết thương, vết xước: Thoa mật ong Manuka nguyên chất vào vết xước.
  • Vết cắn và vết côn trùng đốt: Thoa một vài giọt dầu hoặc kem Makuka nguyên chất giúp giảm ngứa viêm và ngăn nhiễm trùng.
  • Nhiễm trùng bàn chân: Thoa một vài giọt dầu Manuka nguyên chất hai lần mỗi ngày. Tiếp tục trong 5 ngày sau khi các dấu hiệu nhiễm trùng biến mất.
  • Đau nhức cơ và khớp (đau cổ tay, căng cơ, tê bì chân tay,…): Xoa bóp dầu Manuka nhẹ vào các cơ và khớp bị đau nhức.
  • Lấy gỗ cứng để đốt lửa mùa đông và mùn cưa để làm cá hun khói.

Bạn có thể tự tạo kem Manuka bằng cách thêm 5ml dầu Manuka nguyên chất vào 95mg kem vitamin E. Khuấy kỹ cho đến khi dầu được trộn đều vào kem.

Truyền thống của người Maori ở New Zealand còn sử dụng lá, hạt và vỏ cây Manuka để chữa bệnh:

  • Xông hơi nóng khi đun sôi lá để trị cảm lạnh đầu.
  • Lấy nước đun sôi lá và vỏ cây còn ấm xoa lên lưng nơi bị cứng khớp, thấp khớp.
  • Dùng làm thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, thuốc giảm đau, chữa viêm vú và chữa gãy xương.
  • Vỏ cây đun sôi dùng làm dịu chứng táo bón, làm nước súc miệng và để tắm khi đau mắt.
  • Nhựa mềm bôi lên vết bỏng. Nhựa tươi được lấy làm chất lọc.
  • Đun sôi hạt, lấy nước bôi ngoài trị bầm tím và viêm nhiễm, uống trị tiêu chảy và kiết lỵ. Nhai hạt thô chữa đau bụng, tán thành bột làm thuốc đắp làm khô vết thương hở, vết loét.
Trà Manuka rất tốt cho sức khỏe
Trà Manuka rất tốt cho sức khỏe

4. Lưu ý khi sử dụng

Các tác dụng phụ có thể có của mật ong Manuka là:

  • Phản ứng dị ứng, đặc biệt ở những người bị dị ứng với mật ong
  • Nguy cơ tăng lượng đường trong máu nếu uống quá nhiều
  • Ảnh hưởng đến một số loại thuốc hóa trị và tương tác với nhiều loại thuốc khác.

Tránh sử dụng manuka với lượng lớn kéo dài vì có thể làm giảm hấp thu khoáng chất do tannin.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*