Mộc hương từ lâu đã trở thành một vị thuốc tốt trong hỗ trợ và điều trị một số bệnh lý đường tiêu hóa. Ngày nay, dược liệu này còn được nghiên cứu với nhiều tác dụng khác.
Cây Mộc hương
Tên khoa học
Có hai loại chính:
- Quảng mộc hương còn gọi là Vân mộc hương (Radix Saussureae lappae) là rễ phơi hay sấy khô của cây Vân mộc hương (Saussurea lappa Clarke) thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
- Thổ mộc hương còn gọi là Hoàng hoa thái (Radix Helenii) là rễ phơi hay sấy khô của cây Thổ mộc hương (Inula helenium L.) thuộc họ hoa Cúc Asteraceae (Compositae).
- Ngoài ra còn có một số cây khác cũng cho vị Mộc hương thuộc họ Cúc: Xuyên mộc hương.
Mô tả dược liệu
Vân mộc hương là cây sống lâu năm, rễ to, đường kính có thể lên đến hơn 5cm, vỏ ngoài màu nâu nhạt. Phía gốc lá hình 3 cạnh tròn, dài từ 12 đến 30 cm, rộng từ 6 đến 15 cm, cuống dài từ 20 đến 30 cm, có rìa, mép lá nguyên và lượn sóng, hai mặt lá đều có lông, phía dưới nhiều hơn phía trên. Trên thân cũng có lá 3 cạnh, càng lên trên kích thước của lá càng nhỏ dần, mép có răng cưa, cuống lá ngắn lại, phía trên cùng lá gần như không có cuống hoặc ôm lấy thân cây.
Hoa hình đầu màu tím lam. Quả bế, dẹt và cong, màu nâu nhạt, có đốm tím. Mùa hoa vào tháng 7 đến tháng 9, mùa đậu quả vào tháng 8 đến tháng 10.
Thổ mộc hương là cây sống lâu năm, cao từ 0,5 đến 1,5 m. Phía gốc lá to, có thể dài tới 40 cm, trên thân lá mọc so le và nhỏ hơn, dài chừng từ 10 đến 30 cm, phía cuống có hai tai ôm lấy thân, mép có răng cưa không đều. Cụm hoa hình đầu, hoa màu vàng. Quả bế, dài 4 mm, trên có vân dọc.
Phân bố, thu hái
- Nước ta đã di thực được hai loài chính đã kể trên. Hiện đang được nuôi trồng và phát triển.
- Người ta trồng từ 2 đến 3 năm bắt đầu thu hoạch dược liệu về làm thuốc.
Tác dụng của Mộc hương
Thành phần hóa học
- Trong dược liệu có khoảng 1 – 3% tinh dầu, 6% chất nhựa và 18% inulin.
- Đặc biệt ở thổ mộc hương có tới 40% inulin, tỉ lệ cao nhất khi thu hái vào mùa thu.
Tác dụng dược lý theo Y học hiện đại
Chất helenin trong dược liệu có tác dụng kích thích mật trực tiếp và rất mạnh, dùng trong vàng da do gan, cải thiện cấu trúc gan, không có hiện tượng sung huyết nhu mô, giảm sưng tế bào gan.
Bên cạnh đó, hai chất costunolide và dehydrocostus lactone trong dược liệu có tác dụng ức chế mạnh sự biểu hiện của kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) trong tế bào ung thư gan Hep3B ở người.
Một số dược điển Châu Âu còn liệt kê tác dụng của cây như một phương thuốc lợi tiểu, tiêu độc, long đờm và tẩy giun sán.
Đặc biệt, mộc hương còn có các hợp chất có đặc tính kháng tụ cầu (Staphylococcus aureus) mạnh. Trong tương lai, dược liệu này có thể được bổ sung cho các phác đồ kiểm soát nhiễm trùng và ngăn ngừa lây nhiễm tụ cầu.
Các kết quả củng cố bằng chứng rằng đây là dược liệu tự nhiên chứa các chất chống khối u nguyên bào thần kinh đệm đầy triển vọng. Ngoài ra, người ta dự kiến sẽ mở rộng nghiên cứu thêm hoạt tính chống ung thư của cây.
* Tác dụng dược lý theo Y học cổ truyền
Tính vị: cay, đắng, ôn. Qui kinh tỳ, vị, đại trường, tam tiêu, đởm.
Tác dụng: hành khí chỉ thống.
Chỉ định:
Điều trị tỳ vị khí trệ, bụng đầy chướng đau thường dùng với trần bì, sa nhân, đàn hương. Điều trị tỳ hư khí trệ bụng đầy chướng ăn ít, đại tiện lỏng nát dùng phối hợp với đẳng sâm, bạch truật, trần bì như bài hương sa lục quân tử thang.
Điều trị tả lỵ, lý cấp hậu trọng thường phối hợp với hoàng liên như bài hương liên hoàn. Điều trị ẩm thực tích trệ, đại tiện táo lỏng thất thường, thường dùng với binh lang thanh bì, đại hoàng như bài mộc hương binh lang hoàn.
Điều trị bụng chướng, tức ngực sườn, vàng da do tỳ mất vận hóa can mất sơ tiết gây thấp nhiệt uất kết, khí cơ trở trệ thường dùng với uất kim, đại hoàng, nhân trần. Gần đây dùng điều trị sỏi mật, cơn đau quặn gan do ứ mật cũng đạt hiệu quả tốt.
Liều dùng: 3 – 10g.
Các bài thuốc từ Mộc hương
Liều dùng từ 3 đến 6 gam, dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Bài thuốc Hương liên hoàn: Thổ mộc hương, Hoàng liên, hai vị bằng nhau, tán thành bột mịn, vo thành viên như hạt tiêu. Ngày uống 3 gam, chia nhiều lần uống. Có tác dụng chữa đau bụng tiêu chảy do vi khuẩn lỵ.
Lưu ý
- Vì Mộc hương có vị cay thơm, tác dụng tiết khí nên không phù hợp để uống dài ngày với người khỏe mạnh.
- Người âm hư, tân dịch bất túc không dùng.
- Những người chân khí suy yếu, có nhiệt, huyết hư mà táo cũng không nên dùng.
Để lại một phản hồi