Ngân hạnh còn có tên gọi khác là cây Bạch, Bạch quả. Đây là một loại cây sử dụng được cả quả và lá làm dược liệu. Người ta thường biết tới Ngân hạnh như một loại thuốc có tác dụng trị thiểu năng tuần hoàn não và bệnh tuần hoàn ngoại biên. Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, hạt của Ngân hạnh – Bạch quả còn có tác dụng chữa ho suyễn.
1. Mô tả
Ngân hạnh còn có tên gọi khác là cây Bạch, Bạch quả, Công tôn thụ. Tên tiếng Anh là Maiden hair tree. Tên khoa học của Ngân hạnh là Ginkgo biloba L., thuộc họ Bạch quả (Ginkgoaceae).
1.1. Cây Ngân hạnh
Cây to, cao 20 – 30 m, tán lá sum suê. Thân hình trụ, phân thành cành dài, gần như mọc vòng. Trên cành có những cành nhánh ngắn, mang lá có cuống dài.
Lá mọc so le, thường tụ ở một mấu. Phiến lá hình quạt, gốc thuôn nhọn. Mép lá phía trên tròn, nhẵn, lõm giữa chia phiến lá thành hai thùy rộng. Gân lá rất sít nhau, tỏa từ gốc lá thành hình quạt, phân nhánh theo hướng rẽ đôi. Cuống lá dài hơn phiến.
Ngân hạnh là cây đơn tính khác gốc, có cây chỉ có hoa đực, có cây chỉ có hoa cái. Hoa cái thụ phấn từ hoa đực để kết quả.
Quả hạch, hình trứng, kích thước bằng quả mận, thịt màu vàng, có mùi bơ khét rất khó chịu.
1.2. Bộ phận dùng
Bộ phận dùng của Ngân hạnh là lá phơi hay sấy khô và nhân hạt.
Hạt hình trứng, chắc, vỏ cứng, một đầu hơi nhọn, dài 1,5 – 2,5 cm, rộng 1 – 2 cm, dầy 1 cm. Vỏ ngoài cứng nhẵn, màu vàng nhạt hay xám nhạt, có 2 đến 3 đường gân chạy dài nổi lên rõ rệt. Vỏ hạt có 3 lớp, lớp ngoài cứng, hai lớp trong mềm, mỏng. Hạt có một nhân hình bầu dục, một đầu có màng mỏng màu nâu nhạt, mặt ngoài nhân vàng hay vàng sẫm, mặt trong màu trắng có bột, giữa rỗng có một tâm nhỏ. Nhân không có mùi, vị ngọt, hơi đắng.
2. Thu hái và chế biến
Lá Ngân hạnh được thu hái quanh năm. Đem về rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
Quả được thu hoạch vào mùa thu. Hái quả chín, bỏ hết chất thịt và vỏ ngoài, rửa sạch, hấp hoặc luộc qua, phơi hoặc sấy khô. Bỏ tạp chất và vỏ cứng của hạt, lấy nhân, khi dùng giã nát.
3. Thành phần hoá học
Hai nhóm hợp chất có hoạt tính dược lý chính có trong chiết xuất lá Ngân hạnh là flavonoid và terpenoid.
Flavonoid là một nhóm các chất có trọng lượng phân tử thấp phổ biến rộng rãi trong giới thực vật. Flavonoid có trong chiết xuất lá Bạch quả là flavon, flavonols, tannin, biflavone, và glycoside liên quan của quercitin và kaempferol. Hàm lượng flavonoid trong lá Bạch quả được biết là khác nhau giữa các mùa. Lượng lớn hơn được tìm thấy vào mùa thu so với mùa xuân.
Hai loại terpenoit có trong Ngân hạnh dưới dạng lacton (lipid không thể xà phòng hóa được ở dạng este mạch vòng): ginkgolides và bilobalide. Ginkgolides là diterpenes với 5 loại A, B, C, J và M. Trong đó, các loại A, B và C chiếm khoảng 3,1% trong tổng số chiết xuất lá Ngân hạnh. Bilobalide, một sesquiterpene trilactone, chiếm 2,9% còn lại trong tổng số chiết xuất lá Ngân hạnh tiêu chuẩn hóa.
Không có nghiên cứu đầy đủ xác định liều lượng chiết xuất Ngân hạnh cần thiết để đạt được hiệu quả có lợi, mặc dù liều lượng khuyến cáo của chiết xuất tiêu chuẩn hóa, là 40 đến 60 mg, 3 đến 4 lần mỗi ngày dựa trên các thử nghiệm lâm sàng. Đối với những bệnh mãn tính, ủy ban của Đức khuyến nghị nên dùng tối thiểu 8 tuần để quan sát các tác dụng có lợi của chiết xuất lá Ngân hạnh.
4. Tác dụng dược lý
4.1. Tác dụng chống oxy hóa
Nguyên tắc cơ bản đằng sau hoạt động điều trị của chiết xuất lá Ngân hạnh đối với các bệnh mãn tính (như bệnh thoái hóa thần kinh, bệnh tim mạch và ung thư) là tập trung vào các đặc tính chống oxy hóa của nó. Hai cơ chế hoạt động được đề xuất là (1) trực tiếp loại bỏ các gốc tự do và (2) gián tiếp ức chế sự hình thành các gốc tự do.
Các thành phần chính liên quan đến tất cả các tác động này là flavonoid (quercitin và kaempferol) và terpenoid (ginkgolides và bilobalide). Trong đó, mỗi loại đóng góp đặc tính chống oxy hóa khác nhau. Các flavonoid được biết là phát huy tác dụng của chúng thông qua việc ức chế enzym cyclooxygenase‐2, là một phần của quá trình tổng hợp prostaglandin. Sự ức chế của nó được biết là làm giảm quá trình sinh ung thư ruột kết. Bilobalide làm tăng hoạt động của các enzym chống oxy hóa (SOD và catalase) và cải thiện khả năng tồn tại của tế bào.
4.2. Phòng ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh
Aβ là một polypeptide có từ 39 đến 43 gốc axit amin và là thành phần chính của các mảng già và lắng đọng amyloid mạch máu trong não của bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Chiết xuất lá Nhân hạnh được biết là có khả năng ức chế sự hình thành Aβ từ protein tiền thân β-amyloid (APP), một quá trình quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, chiết xuất lá Ngân hạnh làm giảm quá trình chết rụng tế bào thần kinh. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh và do đó giúp làm giảm bệnh Alzheimer. Lá Ngân hạnh cũng đã được báo cáo là cải thiện lưu lượng máu não bằng cách kích thích tiết norepinephrine và tăng tuổi thọ trong một nghiên cứu trên chuột.
4.3. Tác dụng bảo vệ tim mạch
Thiếu máu cục bộ, suy giảm tuần hoàn máu, là tình trạng cơ bản thường gặp của các bệnh tim mạch và mạch máu não. Tác dụng bảo vệ tim mạch của chiết xuất lá Ngân hạnh thông qua hoạt động chống oxy hóa, chống kết tập tiểu cầu và tăng lưu lượng máu thông qua giải phóng oxit nitric và prostaglandin.
4.4. Tác dụng chống ung thư
Ung thư là một bệnh đặc trưng bởi sự phân chia không kiểm soát của các tế bào và khả năng chúng này xâm lấn các mô khác. Căn bệnh này có nguồn gốc yếu tố liên quan đến những thay đổi trong biểu hiện gen và sự sai lệch trong đường truyền tín hiệu tế bào. Chiết xuất lá Ngân hạnh được biết là có tác dụng ngăn ngừa hóa học ở những mức độ khác nhau với các đặc tính chống oxy hóa, kháng sinh và biểu hiện gen ảnh hưởng.
Khả năng chống oxy hóa của chiết xuất lá Ngân hạnh góp phần cải thiện khả năng chịu đựng của tế bào đối với stress oxy hóa, cũng như giảm sự hình thành mạch, là sự hình thành mạch máu cần thiết cho sự di căn của khối u.
Nito oxit (NO) liên quan đến sự tiến triển của bệnh ung thư dường như cũng được phân giải thông qua các terpenoit của chiết xuất lá Ngân hạnh bằng cách thay đổi sự biểu hiện của các enzym tổng hợp NO. Ngoài ra, chiết xuất lá Ngân hạnh được biết là có ảnh hưởng đến sự biểu hiện của các gen liên quan đến tăng sinh tế bào, biệt hóa tế bào và quá trình chết rụng ở mức mRNA trong các mô hình ung thư vú và bàng quang, do đó cung cấp tác dụng chống ung thư.
4.5. Ảnh hưởng đến sự căng thẳng, tâm trạng và trí nhớ
Căng thẳng liên quan đến sự gia tăng nồng độ glucocorticoid và rối loạn chức năng trí nhớ sau đó, tăng lo lắng, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn đường tiêu hóa, nhồi máu cơ tim, hoặc các ảnh hưởng như tăng cảnh giác. Vì tâm trạng và cảm xúc có liên quan đến căng thẳng, tác dụng giảm bớt của chiết xuất lá Ngân hạnh có thể giúp cải thiện tâm trạng, do đó dẫn đến hoạt động chống trầm cảm. Tác dụng tăng cường trí nhớ của chiết xuất lá Ngân hạnh là nhờ thông qua việc ngăn ngừa thoái hóa tế bào thần kinh.
5. Công dụng và liều dùng
5.1. Công dụng
Theo tài liệu cổ, Ngân hạnh tính ấm, vị ngọt, hơi đắng. Quả Ngân hạnh ăn chín thì làm ấm mà bổ phổi, tiêu được đờm, trừ được hen, dẹp được ho, khỏi được chứng khí hư, ra huyết trắng ở phụ nữ. Quả Ngân hạnh ăn sống trừ được đờm, tỉnh được say rượu, tiêu dược độc, sát được trùng. Nhưng không nên ăn nhiều vì tính quá mạnh nên hay sinh chứng đẩy tức khó chịu.
Trong y học dân gian, Ngân hạnh được dùng để trị giun, thúc sinh, điều trị viêm phế quản, viêm mũi mạn tính, cước ở chân tay do lạnh, viêm khớp và phù.
5.2. Liều dùng
Nhân quả Ngân hạnh ngày dùng 10 – 20 g, bóc bỏ vỏ, dùng dưới dạng sắc hay nướng chín, tán bột.
Thịt quả có độc, không ăn sống được. Phải ép bỏ dầu, để lâu trên một năm mới dùng. Ngày dùng 3 – 4 quả. Dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
6. Bài thuốc kinh nghiệm dân gian
6.1. Chữa cảm lạnh
Cảm lạnh, ho có đờm, có khi thở suyễn, cổ có tiếng khò khè.
Dùng quả Ngân hạnh 7 trái nướng chín, cùng với lá Ngải cứu. Dùng lá Ngải là như cái tổ, rồi mỗi quả cho vào một tổ lá Ngải. Sau đó, bọc giấy ướt xung quanh rồi đem nướng cho thơm. Khi dùng bỏ hết giấy, bỏ hết lá Ngải, chỉ ăn nguyên quả, ngày 3 – 4 quả như vậy (Trích trong Bí uẩn phương).
6.2. Trị hen suyễn
Bạch quả định suyễn thang bao gồm:
- Quả Ngân hạnh 21 quả sao vàng.
- Ma hoàng 12 g.
- Tô tử 8 g.
- Khoản đông hoa.
- Chế bán hạ.
- Tang bạch bì đều dùng mật sao các vị đều 8 g.
- Hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn.
- Hoàng cầm sao qua, đều 6 g.
- Cam thảo 4 g.
- Nước 600 ml: Sắc ba lần, gạn lấy nước, chia uống trong ngày (Nhiếp Sinh Phương).
6.3. Tiểu tiện nhiều
Chữa đi tiểu tiện quá nhiều, tiểu tiện trắng đục.
Ngân hạnh 10 quả, 5 để sống, 5 để chín. Gom cả hai thứ vào mà ăn trong ngày.
Để lại một phản hồi