Phòng kỷ: Vị thuốc trị phong thấp, phù thũng

Phấn phòng kỷ hay Phòng kỷ là rễ phơi hay sấy khô của cây Phấn phòng kỷ. Phòng có nghĩa là phòng ngừa, kỷ là cho mình, ý nói là vị thuốc có tác dụng phòng ngừa tật bệnh cho mình. Vị thuốc này thường được dùng chữa các chứng bệnh về đau nhức xương khớp, các chứng phù thủng, tiểu tiện không thông. 

1. Đặc điểm Phòng kỷ

1.1. Danh pháp

Tên khoa học: Stephania tetrandrae S. Moore.

Thuộc họ: Tiết dê (Menispermaceae).

1.2. Mô tả cây 

Cây sống lâu năm, mọc leo, rễ phình thành củ, mọc sâu dưới đất, dài 3 – 15cm, đường kính của rễ 1 – 5cm, màu trắng xám. Thân cây mềm, dài khoảng 2,5 – 4m. Vỏ thân màu xanh nhạt, nhưng ở gốc màu hơi đỏ.

Lá mọc so le hình tim, dài khoảng 4 – 6cm, rộng khoảng 5 – 6cm, đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt lá đều có lông, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro. Cuống lá dài gần bằng chiều dài của lá dính vào phía trong phiến lá. Hoa nhỏ, khác gốc, màu xanh nhạt. Quả hạch, hình cầu hơi dẹt.

Cây Phòng kỷ
Cây Phòng kỷ

Rễ cái vàng, chắc, có vân ngang là tốt. Nếu màu đen, xốp, có chỗ loét, thái vỡ là xấu.

1.3. Đặc điểm sinh trưởng, thu hái 

Cây mọc nhiều ở các vùng Đông Nam Á, Đông Á. Hiện nay chưa thấy trồng ở Việt Nam. Tại Trung Quốc, cây mọc hoang ở các đồi, ven rừng thấp, cỏ rậm ở các tỉnh Triết Giang, An Huy, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam…

1.4. Bào chế

Mùa thu sau khi đào rễ về, loại bỏ tạp chất, cắt bỏ rễ con, có khi cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, ngâm nước cho mềm, thái lát dày, phơi khô.

Phòng kỷ sau bào chế
Phòng kỷ sau bào chế

1.5. Bảo quản

Bảo quản nơi cao, thoáng mát và độ ẩm thấp.

2. Hoạt chất trong cây

2.1. Thành phần hóa học

Chứa các loại alkaloids như tetrandrine, fangchinoline, menisine, menisidine, cyclanoline, fanchinine, dimethyltetrandrine iodide. Ngoài ra, Phòng kỷ còn chứa các flavanoids khác.

2.2. Tác dụng dược lý

Phòng kỷ có tác dụng làm giãn cơ vân.

Thuốc có tác dụng đưa huyết áp, độ giãn nở của tim và lưu lượng máu mạch vành về bình thường, giảm phì đại thất phải, chống rối loạn nhịp tim và giảm kích thước vùng nhồi máu trên chuột.

Hiện nay, Phòng kỷ còn cho thấy vai trò trong điều trị ung thư  nhờ vào khả năng kháng ung thư bằng cách ngăn sự tăng sinh của tế bào, kích thích quá trình apoptosis, ngăn sự tân tạo mạch máu khối u, chống oxy hóa, kháng viêm, tăng độ nhạy cảm và giảm độc tính của xạ trị.

3. Công dụng theo Y học Cổ truyền

Tính vị: đắng, cay, hàn. Quy kinh bàng quang, thận, tỳ.

Tác dụng: khứ phong thấp, chỉ thống, lợi thuỷ chỉ thũng.

Chỉ định:

Chứng tý  gây đau khớp, co duỗi khó khăn, thường dùng với ý dĩ nhân, hoạt thạch, tàm sa. Điều trị phong hàn thấp tý, thường dùng với phụ tử, quế tâm, bạch truật như bài phòng kỷ thang.

Chứng phù thũng toàn thân, tiểu tiện ít, thường dùng với hoàng kỳ, bạch truật như bài phòng kỷ hoàng kỳ  thang. Điều trị thấp nhiệt ủng trệ, bụng chướng có dịch, thường dùng với đình lịch tử, đại hoàng, tiêu mục như bài kỷ tiêu lịch hoàng hoàn.

Liều dùng: 5 -10g

Chú ý: thận trọng dùng khi âm hư.

Dươc liệu chữa trị các bệnh phong thấp
Dược liệu chữa trị các bệnh phong thấp

3.5. Liều dùng

Sắc uống, 5 – 10g. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

3.6. Lưu ý

Là vị thuốc có tính khổ hàn, không nên dùng nhiều, tránh tổn thương vị khí. Người chán ăn và âm hư không có thấp nhiệt không nên sử dụng.

Lưu ý phân biệt Phấn phòng kỷ với các loại Quảng phòng kỷ (Aristolochia westlandii Hemsl.), Mộc phòng kỷ (Cocculus trilobus DC.), Hán trung phòng kỷ (Aristolochia heterophylla Hemsl.). Tuy có cùng tên gọi nhưng chúng là các loại cây khác nhau. Quảng phòng kỷ dễ gây độc trên thận, Phấn phòng kỷ tương đối an toàn. 

4. Một số bài thuốc

4.1. Trị chứng phong thấp, đau nhức

Chứng phong thấp có triệu chứng thấp nhiệt, tay chân nặng mỏi, các khớp đỏ sưng đau; thường phối hợp Phòng kỷ với Hoạt thạch, Ý dĩ nhân, Tàm sa, Chi tử… như bài “Tuyên tý thang”.

4.2. Trị phong hàn thấp, đau nhức

Phối hợp Phòng kỷ với Ma hoàng, Nhục quế, Phục linh.

4.3. Trị phù thủng, phù hai chi dưới, báng bụng, tiểu tiện không thông, cước khí

Phòng kỷ 4 – 5g, Hoàng kỳ 5g, Bạch truật 3.5g, Sinh khương 3g, Đại táo 3 – 4g, Cam thảo 1.5 – 2g.

4.4. Trị phù toàn thân, tiểu tiện ngắn ít

Phòng kỷ 3g, Hoàng kỳ 3g, Quế chi 3g, Phục linh 4 – 6g, Cam thảo 2g.

4.5. Trị bụng báng thấp nhiệt

Phòng kỷ 12 – 20g, Đình lịch tử 12 – 20 g, Tiêu mục 4 – 8g, Đại hoàng 8 – 12g.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*