Rau Khúc: Loài thảo dược đa năng

Rau khúc có tên khoa học là Gnaphalium affine G.Don, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Rau còn có tên khác là Hoàng nhung gần, Phật nhĩ thảo, Thanh minh thảo, Thử khúc thảo,…Rau có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, quy vào kinh phế, tỳ. Có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. 

1. Rau khúc là rau gì?

1.1. Mô tả về dược liệu

Là cây cỏ, sống hàng năm, cây có chiều cao từ 20 – 30cm. Thân của cây rau khúc mọc đứng thành cụm, được phủ lông trắng như len. Lá mọc so le, hình bầu dục – mũi mác, có gốc thuôn, đầu tù hơi nhọn.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân, gồm nhiều đầu màu vàng. Lá bắc hình bầu dục – thuôn từ ngoài vào trong, có lông len ở lưng, đầu mang hoa cái và hoa lưỡng tính.

Quả bế hình trứng – thuôn, rải rác có hạch nhỏ.

Mùa hoa quả của cây rau khúc thường rơi vào tầm tháng 3 – 5.

rau khúc
Rau khúc

1.2. Phân bố sinh thái

Các loài thuộc chi Gnaphalium L. đều là cây thảo phân bố rải rác khắp thế giới. Tuy nhiên tập trung nhiều nhất ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Ở Ấn độ, có 9 loài, Trung quốc có hơn 10 loài, Việt Nam có khoảng 5 loài.

Ở Việt Nam cây rau khúc phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc từ Hà tĩnh trở ra, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng trung du như Ninh bình, Hà nam,…Cây thường mọc lẫn trong ruộng màu vụ đông xuân, hay trên ruộng cao sau khi đã gặt lúc vụ mùa.

Cây ưa sáng và khí hậu ẩm mát, thường gặp trong thời kỳ có nền nhiệt độ thấp nhất trong năm. Cây ra hoa quả nhiều, sau khi quả già, toàn cây tàn lui vào mùa hè – thu, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

rau khúc
Rau khúc

1.3. Bộ phận dùng

Toàn cây được sử dụng làm thuốc. Cây xinh trưởng quanh năm, vì vậy bạn có thể yên tâm mà sử dụng Rau Khúc suốt 4 mùa nhé. Bạn có thể dùng tươi hoặc dùng khô đều mang lại những lợi ích cho sức khỏe.

1.4. Thành phần hóa học

Toàn cây Rau Khúc chứa flavonoid 5%, tinh dầu 0,05%, alcaloid vết, sterol vết, chất không xà phòng hóa, các vitamin B, C, caroten, chất diệp lục, chất nhựa, dầu béo.

2. Công dụng của Rau khúc

Rau Khúc có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào kinh phế, tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, thư phế, tiêu đờm, chỉ khái, khu phong hàn điều kinh và hạ huyết áp.

Trong phạm vi dân gian, Rau Khúc được dùng với rất nhiều công dụng:

  • Mọi người thường được dùng đồ với gạo nếp làm bánh Khúc. Lá rau khúc cũng có thể dùng để chế biến các món rau ăn hàng ngày.
  • Về mặt thuốc, rau chữa cảm sốt, ho, viêm họng, viêm phế quản mạn, hen suyễn có đờm, phong thấp tê đau, huyết áp cao. Liều dùng từ 15 – 30g, có thể sắc uống hoặc hãm uống.
  • Dùng ngoài, lá tươi rửa sạch, giã nát, đắp chữa chấn thương bầm giập, vết chém hoặc rắn cắn.
    rau khúc
    Rau khúc còn được dùng để chế biến thành các món ăn bổ dưỡng

3. Bài thuốc có chứa Rau Khúc

3.1. Chữa cảm sốt ho viêm họng

Rau khúc khô 30g, gừng hành mỗi vị 10g, sắc uống. Ngày chia 2 lần uống sáng chiều.

3.2. Chữa Viêm phế quản mạn tính, hen suyễn có đờm

Rau khúc 15g, khoản đông hoa hoặc tỳ bà diệp 15g, hạt mơ 10g. Tất cả sắc uống, chia 2 lần uống sáng chiều.

3.3. Trị ho có nhiều đờm

Lấy 15 – 20 g dược liệu đem sắc chung với 15 – 20g đường phèn và uống trong ngày.

3.4. Điều trị suyễn và viêm phế quản do lạnh

Dùng 15g Rau khúc khô và Hoàng giới tử; 9g Vân vụ thảo và Tiền hồ, 12g Thiên trúc tử, 30g Tề ni căn. Mỗi ngày 1 thang sắc uống liên tục trong 5 ngày giúp hỗ trợ điều trị bệnh.

3.5. Hỗ trợ điều trị Cao huyết áp

Dùng 20 g Lá dâu nấu canh với 30g Rau khúc tươi, ăn mỗi ngày.

3.6. Hỗ trợ điều trị bệnh Gút

Giã nát cành non của dược liệu rồi đắp lên vị trí sưng sẽ giúp giảm đau nhức. Cần kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày mới đạt được kết quả tốt

3.7. Cải thiện tình trạng chân gối sưng thũng và gân cốt sưng đau

Dùng 30 – 60g cây Thanh minh thảo khô sắc nước và uống trong ngày

Bài viết trên đã cung cấp thêm nhiều thông tin về công dụng và cách dùng của cây Rau Khúc. Không chỉ hiệu quả trong điều trị cảm sốt, ho, viêm họng, viêm phế quản mạn,…dược liệu còn được sử dụng để chế biến thành món ăn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*