Tam lăng: vị thuốc tiềm năng trong điều trị các bệnh lý ứ huyết

Tam lăng được đưa vào danh sách những vị thuốc có tác dụng tương đương, có thể thay thế mật gấu. Tác dụng được nhắc đến nhiều nhất của nó đó là tán ứ, tiêu viêm. Đây là một vị thuốc tiềm năng hiện nay trong việc điều trị các bệnh lý ứ huyết. 

Tam lăng là gì?

  • Các tên gọi khác của Tam lăng là cây Lòng thuyền, Cồ nốc mảnh…
  • Ở Việt Nam, Tam lăng là tên gọi chung của một số loài cây cùng chi Curculigo Gaertn. (trừ Sâm cau).
  • Thuộc họ Sâm cau (Hypoxidaceae)
  • Tên khoa học là Curculigo gracilis (Kurz) Hook. f. hoặc Molineria gracilis Kurz.
  • Tuy nhiên, theo Dược điển Trung Quốc dược liệu Tam lăng có tên khoa học là Sparganii Rhizoma. Là thân rễ của cây Tam lăng Sparganium stoloniferum Buch. Ham. Thuộc chi Sparganium, họ Hương bồ Typhaceae.

Mô tả

Tam lăng là cây thân thảo lớn, sống lâu năm. Cao trung bình khoảng 1 mét. Lá cây mọc tập trung từ gốc. Các bẹ lá to áp sát nhau tạo thành một thân giả trên mặt đất. Phiến lá có thể hình dải hoặc hình mũi mác. Gốc và đầu lá nhọn, cuống lá dài. Chiều dài lá khoảng 40-60 cm, rộng khoảng 7-10 cm. Bề mặt lá có nhiều gân song song nổi lên.

 
Tam lăng có các bẹ lá to áp sát nhau tạo thành một thân giả trên mặt đất
Tam lăng có các bẹ lá to áp sát nhau tạo thành một thân giả trên mặt đất

Hoa mọc thành cụm hay chùm, giữa các túm lá. Bông dạng đầu hoặc tán. Cuống hoa dài khoảng 20 cm, thẳng đứng hoặc cong lại. Tồn tại nhiều lá bắc to, hình mũi mác, có lông dày bao bọc. Hoa nhiều, có màu vàng. Đài có 3 răng thuôn nhọn, có lông ở mặt lưng. Bao hoa 6 mảnh, xếp 2 vòng. Nhị 6, xếp 2 vòng. Không có chỉ nhị. Bầu hạ, 3 ô, có một lớp lông dày đặc bao xung quanh.

 
Tồn tại nhiều lá bắc to, hình mũi mác, có lông dày bao bọc
Tồn tại nhiều lá bắc to, hình mũi mác, có lông dày bao bọc

Quả có hình bầu dục, có cuống và nhiều lông. Hạt nhiều, màu đen.

Phân bố, sinh thái của Tam lăng

  • Ở Trung Quốc, loài cây này mọc ở các tỉnh phía Nam như Vân Nam, Hải Nam, Quảng Tây.
  • Ở Việt Nam, Tam lăng có ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên.
  • Loại cây này đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng. Thường mọc thành khóm lớn dọc theo bờ suối. Độ cao phân bố khoảng 400 – 1300 mét. Cây ra hoa quả hằng năm. Khi chín quả tự mở. Cây có thể tái sinh tự nhiên từ hạt.
  • Hiện nay dược liệu này được trồng nhiều ở cả miền núi, trung du và đồng bằng. Ngoài việc trồng làm thuốc, nó còn được sử dụng như một loại cây làm cảnh.

Bộ phận dùng

Thân rễ.

Thành phần hóa học

  • Cho đến hiện tại, loài Tam lăng ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào công bố xác định thành phần hóa học.
  • Loài ở Trung Quốc có chứa Phenylpropanoid, Flavonoid, Alkaloid, acid béo, tinh dầu, Anthraquinon, Steroid, Glycosid và các nguyên tố vô cơ khác như Mangan, Kali, Kẽm, Đồng…
  • Loài ở Tây Phi cũng chứa các chất tương tự như Phenylpropanoid, Flavonoid, Anthraquinon, chất xơ, tinh bột.

Tác dụng của Tam lăng

Theo y học cổ truyền, Tam lăng có vị đắng, cay nồng, tính bình. Quy kinh Can, Tỳ, Vị. Các y văn cổ của Trung Quốc ghi nhận dược liệu này có tác dụng phá ứ tán trệ, hành khí thông kinh, chỉ thống. Chủ trị các chứng khí trệ, huyết ứ, thống kinh, thực tích, trưng hà tích tụ…

Theo các nghiên cứu khoa học hiện nay, Tam lăng có rất nhiều tác dụng tiềm năng.

  • Trong lĩnh vực chống ung thư, rất nhiều bằng chứng cho thấy nó chống lại sự phát triển của khối u. Hiệu quả này tăng rõ rệt khi nó được kết hợp với dược liệu Nga truật. Nó có khả năng thúc đẩy quá trình tự chết của tế bào khối u. Ức chế tăng sinh tự nhiên của tế bào khối u và tế bào nội mô mạch máu.
  • Chiết xuất của nó có thể kháng đông máu, chống huyết khối, hạn chế sự kết tập tiểu cầu. Tác dụng này mạnh mẽ hơn khi dược liệu được sao với giấm.
  • Dược liệu này còn làm giảm độ nhớt của máu, giảm nồng độ Cholesterol toàn phần và Triglyceride máu, chống lại xơ vữa động mạch, tăng lưu lượng tuần hoàn não.
  • Nó chứa thành phần đối kháng estrogen, điều chỉnh lượng hormon nội tiết. Ứng dụng trong điều trị tăng sản tuyến vú, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, thông kinh, u nang buồng trứng…
  • Tác dụng kháng viêm, giảm đau cũng là một tác dụng nổi bật của dược liệu này.
  • Tam lăng cũng chứa các hoạt chất chống oxi hóa và tăng cường miễn dịch.

Cách sử dụng

Bào chế Tam lăng

Sau khi đào lấy thân rễ của Tam lăng, đem rửa sạch. Loại bỏ các tua rễ, cạo sạch lớp vỏ ngoài, sau đó đem phơi khô. Có thể dùng Tam lăng sống hoặc đem chế với giấm.

 
Dược liệu sau khi bào chế
Dược liệu sau khi bào chế

Bảo quản Tam lăng

Dược liệu này dễ ẩm mốc nên cần bảo quản nơi khô ráo, chống ẩm tốt.

Liều dùng

3-10 g mỗi

Các bài thuốc có Tam lăng

Bài thuốc điều trị chứng bụng đầy trướng

Tam lăng nướng, Nga truật nướng, rễ Rẻ quạt tẩm rượu, hạt gấc bỏ vỏ, Hương phụ, Mộc thông, Binh lang. Tất cả tán nhỏ thành bột. Mỗi lần uống 4g, đem hãm với nước sôi, uống lúc đói.

Bài thuốc điều trị chứng kiết lỵ

Tam lăng sao 80g, Trần bì sao đen 80g, Nga truật sao 80g, hắc sửu phơi khô sao vàng 30g, riềng sao đen 30g, bách thảo sương rang 40g, nhục đậu khấu 20g, liên kiều 12g, sa nhân 12g, binh lang 30g. Tất cả tán bột, luyện với đường tỉ lệ 1 đường : 4 thuốc. Người lớn 32g 1 ngày, trẻ em 4-8g 1 ngày.

Trị huyết ứ, mất kinh, đau bụng sau khi sinh con

Tam lăng, Nga truật, Đương quy, Hồng Hoa, Đào nhân sắc uống ngày 2 lần.

Kinh nguyệt không đều, thống kinh, ra huyết khối

Tam lăng, Nga truật, Đương quy, Hồng Hoa, Đào nhân, Uất kim sắc uống lúc ấm, ngày 3 lần.

Lưu ý khi sử dụng

Dược liệu này chỉ an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn.

Vì dược liệu này có tác dụng trục ứ mạnh nên không được sử dụng trên phụ nữ có thai.

Dược liệu có khả năng chống đông máu nên cần cẩn trọng khi sử dụng với các thuốc kháng đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu. Vì có thể gia tăng nguy cơ chảy máu không kiểm soát.

Tóm lại, Tam lăng là một dược liệu quý với rất nhiều tác dụng hữu ích. Tuy nhiên tác dụng phụ mà nó gây ra cũng vô cùng nguy hiểm. Cần đánh giá tình trạng bệnh lý của người bệnh, liều lượng và thời điểm sử dụng thuốc để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*