Tang ký sinh là một loài cây thuộc họ tầm gửi. Loài này ký sinh trên cây dâu (tang), được dùng làm thuốc gọi là Tang lý sinh. Theo Đông y, Tang ký sinh có công dụng trị phong thấp, tê mỏi đau nhức, bổ Can Thận, mạnh gân xương, an thai, xuống sữa.
1. Tang ký sinh là gì?
Tang ký sinh còn có tên gọi khác là Tầm gửi cây dâu, Phoc mạy mọn (tiếng Tày). Tên khoa học là Taxillus gracilifolius (Schult.f .). Thuộc họ Tầm gửi (tên khoa học là Loranthaceae)
1.1 Cây Tang kí sinh mọc ở đâu
Tang ký sinh là loại cây nhỏ, thường xanh. Loài này ký sinh trên thân cây dâu tằm nhờ các rễ mút. Các cành hình trụ, khúc khuỷu, màu xám hay nâu đen. Lá cây mọc so le, hình bầu dục, dài 3 – 8cm, rộng 2,5 – 5cm. Gốc lá thuôn hoặc hơi tròn, đầu tù đôi khi lõm, mép hơi lượn sóng, gân phụ cong. Cuống lá ngắn.
Cụm hoa Tang ký sinh mọc ở kẽ lá thành chùm rất ngắn gần như hình tán. Có lá bắc nhỏ hình tam giác. Hoa màu đỏ hoặc hồng tím. Đài hoa có hình chùy, có răng rất nhỏ. Tràng hoa hình trụ hơi phình ở giữa, có lông. Hoa có 4 nhị, chỉ nhị dài hơn bao phấn, bầu hạ.
Quả có hình bầu dục, có vết tích của đài tồn tại. Mùa hoa quả vào tháng 1- tháng 3.
1.2 Dược liệu Tang ký sinh
Dược liệu Tang ký sinh là những đoạn thân, cành hình trụ, có phân nhánh. Có những mấu lồi là vết của cành và lá. Mặt ngoài dược liệu màu nâu xám, có nhiều lỗ bì nhò, đôi khi có những vết nứt ngang. Chất của nó cứng. Mặt cắt ngang dược liệu thấy rõ ba phần: phần vỏ mỏng màu nâu, gỗ trắng ngà, ruột màu xám và xốp.
Lá khô nhăn nhúm, còn nguyên hoặc bị cắt thành từng mảnh. Lá có hình trái xoan, đầu và gốc phiến lá hơi nhọn, màu nâu xám, gân lá hình mạng lưới.
Thu hái: có thể thu lấy dược liệu quanh năm, loại bỏ tạp chất, cắt ngắn, phơi khô trong bóng râm. Khi dùng bào chế bằng cách sao qua hoặc tẩm rượu sao qua.
1.3 Trong Tang kí sinh có chất gì?
Các thành phần hoạt tính sinh học quan trọng trong Tang ký sinh là coriaria lacton bao gồm sesquiterpene lacton: coriamyrtin, tutin, corianin và coriatin.
2. Tang ký sinh có tác dụng gì?
2.1 Theo Y học cổ truyền
Theo Đông y, Tang ký sinh có vị đắng, vào Can và Thận. Có công dụng bổ can thận, trừ phong thấp, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa. Dùng khi gân cốt nhức mỏi, tê bại, lưng gối đau, động thai đau bụng, phụ nữ sau khi sinh không có sữa.
Trong y học Trung Quốc, Tang ký sinh được cho là có tác dụng kích thích sự tạo máu, điều trị thiếu máu và chảy máu ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh, thấp khớp, đau bụng kinh và tăng sức khỏe ở người bị bệnh mạn tính. Ở Ấn Độ, người dân dùng lá tang ký sinh giã đắp tri mụn nhọt, lở loét.
2.2 Theo Y học hiện đại
Cho đến nay, các nghiên cứu dược lý đã chứng minh các hoạt tính sinh học quan trọng. Những nghiên cứu này làm bằng chứng cho việc sử dụng truyền thống của cây như một chất bảo vệ thần kinh, an thần, chống ung thư, điều hòa miễn dịch, thuốc kháng vi rút, thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp. Ngoài ra, các nghiên cứu đã xác định hoạt động chống oxy hóa, chống đột biến, kháng vi-rút, chống độc và chống độc thận.
Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy Tang ký sinh có tác dụng nâng cao nhận thức và bảo vệ thần kinh ở những con chuột thực nghiệm bị mất trí nhớ.
3. Cách sử dụng Tang ký sinh
3.1 Thu hái và bào chế Tang ký sinh
Sơ chế: Sau khi hái dược liệu, loại bỏ tạp chất, cắt ngắn, phơi khô trong bóng râm.
Bào chế: Tuỳ vào mục đích muốn dùng, người thầy thuốc trước khi dùng có thể sao qua hoặc tẩm rượu rồi sao.
3.2 Liều dùng Tang ký sinh
Ngày dùng liều 12 – 20g, dạng thuốc sắc hoặc nấu nước uống thay trà. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác thành 1 bài thuốc.
4. Vị thuốc tang ký sinh
4.1 Bài “Độc hoạt tang ký sinh”
Vị thuốc tang ký sinh có tác dụng trị các chứng đau nhức lưng, gối, tê mỏi, bồi bổ can thận, làm mạnh gân cốt.
Độc hoạt 8 g, Tang ký sinh 12 g, Tần giao 12 g, Phòng phong 8 g, Tế tân 4 g, Đương quy 12 g, Bạch thược 12 g, Xuyên khung 6 g, Sinh địa 12 g, Đỗ trọng 12 g, Ngưu tất 8 g, Nhân sâm 4 g, Phục linh 12 g, Nhục quế 4 g, Cam thảo 4 g.
Sắc uống ngày 1 thang.
4.2 Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ
Chi tử 12g, Ngưu tất 12g, Xuyên khung 8g, Tang ký sinh 16g, Câu đằng 12g, Ý dĩ 12g với Trạch tả 8g. Mỗi ngày dùng 1 thang, sắc uống.
4.3 Động thai đau bụng dùng bài thuốc có Tang ký sinh
Dùng Tang ký sinh 60g, A giao (hoặc Cao ban long nướng thơm) 20g, Lá ngải cứu 20g. Sắc xong chia 3 phần, uống trong ngày.
5. Kiêng kỵ
- Người mắt bị kéo màng không được dùng.
Tóm lại, Tang ký sinh là vị thuốc có công dụng bổ can thận, trừ phong thấp, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa. Dùng khi gân cốt nhức mỏi, tê bại, lưng gối đau, động thai đau bụng, phụ nữ sau khi sinh không có sữa.
Để lại một phản hồi