Thanh táo là một cây mọc hoang ở nhiều nơi ở nước ta. Nó có tác dụng trong điều trị đau xương khớp, vàng da, mụn nhọt và các bệnh lý khác.
1. Giới thiệu cây thuốc Thanh táo
1.1. Đặc điểm cây Thanh táo
Thanh táo tên khác là Thuốc trặc, Tần cửu, có tên khoa học Justicia gendarussa L. (Gendarussa vulgaris Nees), thuộc họ Ô rô Acanthaceae. Cây nhỏ, thường cao 1-1,5m. Thân cành non màu xanh hoặc tím sẫm.
Lá mọc đối, hình mác hẹp, có gân chính tím, không lông. Chiều dài lá 4-20cm, rộng 0,6-8cm. Trên mặt lá thường có những đốm vàng hoặc nâu đen do một loài nấm gây nên.
Hoa mọc thành cụm ở đầu cành, ngọn thân. Quả nang nhẵn, hình đinh, dài 12mm. Mùa hoa quả tháng 2-6.
1.2. Nơi phân bố và sinh thái Thanh táo
Thanh táo vốn có nguồn gốc hoang dại, và trồng trọt từ Trung Quốc, sau lan ra nhiều nước khác. Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở dọc bờ khe suối, ngoài cửa rừng. Gặp nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, …Cây còn được trồng làm hàng rào ở nhiều nơi.
Thanh táo là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Cây chịu được ngập úng. Nó ra hoa hằng năm, cây mọc chỗ sáng ra nhiều hoa quả hơn. Cây tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và chủ yếu mọc chồi từ các đoạn thân cành bị cắt rời.
2. Bộ phận dùng, thành phần hóa học
Dùng toàn cây, thường gọi là Tiểu bác cốt. Có thể dùng riêng cành, lá, rễ. Dùng tươi hay phơi khô, thu hái quanh năm, tốt nhất tháng 7-8.
Trong cây có một alkaloid là justicin và một lượng rất ít tinh dầu.
Vỏ cây Thanh táo có tác dụng gây nôn. Lá chứa 1 alkaloid có tính độc nhẹ. Nước sắc hoặc cao rượu từ rễ gây liệt nhẹ ở chuột cống.
3. Tính vị, tác dụng, liều dùng Thanh táo
Thanh táo có vị hơi chua, đắt, tính mát. Rễ có vị hơi chua cay, tính bình có tác dụng hoạt huyết, trấn thống (lưu thông máu, giảm đau), làm lợi đại tiểu tiện, tán phong thấp. Do các tác dụng trên vỏ rễ và vỏ thân được dùng làm thuốc chữa đau xương khớp, tay chân tê bại, các vết sưng đau, vàng da, ho, sốt, mụn nhọt, rôm sảy.
Liều dùng: 6 đến 12gam, có thể đến 20gam, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.
Vỏ rễ, vỏ thân sắc uống hoặc ngâm rượu uống chữa tê thấp. Rễ và cành lá có thể dùng tươi giã đắp các vết thương chỗ sưng tấy và bó gãy xương. Còn dùng tán bột rắc trừ sâu mọt. Chú ý uống thanh táo tươi thường bị nôn, cần thận trọng.
4. Kinh nghiệm sử dụng Thanh táo ở các nước
Tại Trung Quốc, rễ được sắc và hãm là thuốc lợi tiểu, hạ nhiệt, giảm đau, chữa lao phổi, thấp khớp, tiểu khó mụn nhọt, tiêu chảy. Lá trị sốt, đau lưng, vô kinh, sưng tấy, ho, chàm, đau nửa đầu.
Ở Ấn Độ, lá dùng làm thuốc chống sốt rét, diệt sâu bọ. Lá tươi giã đắp chữa tê phù, thấp khớp. Lá và mầm non là ra mồ hôi, nước hãm lá chữa đau đầu. Rễ trị thấp khớp tiểu tiện khó, sốt, mụn nhọt, vàng da, tiêu chảy.
Tại Philippin, cao lá hoặc mầm non được dùng làm thuốc gây nôn, trị ho và hen. Lá tươi dùng tại chỗ chữa phù trong bệnh tê phù và thấp khớp.
Ở Thái Lan, rễ trị tiểu tiện khó, tiêu chảy, rắn cắn. Vỏ cây trị sốt, ho, lỵ amib, vết thương, dị ứng.
5. Một số bài thuốc có Thanh táo
5.1. Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm
Rễ Thanh táo, miết giáp, địa cốt bì, sài hồ, mỗi vị 10g, Đương quy, tri mẫu, mỗi vị 5g; Thanh cao, Ô mai mỗi vị 4g. Sắc uống trong ngày.
5.2. Chữa Phong thấp, tay chân tê dại
Rễ Thanh táo, Dây chiều, rễ Hoàng lực, rễ Gai tầm xoong, mỗi vị 20g, củ cốt khí, rễ thiên niên kiện, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
5.3. Chữa vết lở, vết thương chảy máu, nhọt lở thối loét, khó liền miệng
Lá Thanh táo, lá mỏ quạ, lượng bằng nhau. Rửa với nước muối, giã nhỏ, đắp rịt. Thay thuốc hằng ngày. Kết hợp uống nước sắc bạch chỉ nam, kim ngân hoa, bồ công anh, mỗi vị 1 nắm.
5.4. Chữa bong gân, sai khớp từ Thanh táo
Thanh táo 20g, Lá diễn tươi 50g, cốt toái bổ, xuyên tiêu, trạch lan mỗi vị 20g. Sắc uống lúc còn ấm, mỗi ngày 1 thang.
Lá Thanh táo, Lá ngải cứu, lá diễn dùng tươi, lượng bằng nhau. Giã nhỏ đắp ngày 2 lần.
5.5. Thuốc bó gãy xương
Lá Thanh táo, vỏ cây gạo, mỗi vị 30g. Gà con 1 con, cơm nếp vừa đủ. Giã nát, thêm ít rượu, đắp bó, nẹp bằng thân cây mía dò. (Lưu ý không đắp lên vết thương hở).
5.6. Chữa sản phụ ra máu sẫm, choáng váng, mắt mờ:
Thanh táo, Mần tưới, Cỏ màn trầu, mỗi vị 20-30g, sắc uống trong ngày.
6. Thanh táo trong các nghiên cứu gần đây
Các chiết xuất từ lá Thanh táo có hoạt tính kháng nấm. Người ta thấy nó ức chế nhiều loại nấm như Trichophyton mentagrophytes, Microsporum gypseum, … đây là các loại nấm gây bệnh ngoài da. Bên cạnh đó, chiết xuất các thành phần lá, cành cho thấy tác dụng kháng viêm, giảm đau trên chuột.
Việc tăng sinh mạch máu đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sinh lý bình thường như chữa lành vết thương nhưng nó lại liên quan đến 1 số bệnh lý như bệnh võng mạc tiểu đường, viêm khớp và sự phát triển của các khối u rắn. Chiết xuất Thanh táo ức chế hoạt động này.
Chiết xuất từ thân và rễ cây thu hái tại Việt Nam cho thấy tác dụng ức chế 1 số chủng của vi khuẩn HIV, đưa đến triển vọng về 1 loại thuốc mới cho bệnh nhân nhiễm HIV. Chiết xuất từ thân Thanh táo cũng cho thấy tác dụng chống viêm và bảo vệ gan.
Tóm lại, Thanh táo là một cây thuốc được dùng từ lâu trong y học cổ truyền các nước. Các thành phần của cây được sử dụng là lá, thân, rễ, có tác dụng trị đau nhức xương khớp, vàng da, rôm sảy, mụn nhọt. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy nó có tác dụng kháng viêm, giảm đau, chống nấm, bảo vệ gan, ức chế vi khuẩn HIV.
Để lại một phản hồi