Thảo quả: vừa là thuốc, vừa là gia vị phổ biến

Ít người biết rằng, Thảo quả hay còn gọi là đò ho, thảo đậu khấu hay mác hấu là một loại gia vị có mặt trong nhiều món ăn quen thuộc như bánh kẹo, cà phê, chè… Đồng thời, nó cũng là một vị thuốc phổ biến dùng trong Y học cổ truyền. 

1. Đặc điểm của Thảo quả

Thảo quả (Fructus Amomi aromatici) là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Thảo quả, họ Gừng (Zingiberaeeae).

Đây là một loài cỏ sống lâu năm, cao chừng 2,5 – 3m, thân rễ mọc ngang, có nhiều đốt, màu hồng, có vảy mỏng, mùi thơm. Lá to dài, mọc so le có bẹ ôm kín thân. Hoa mọc thành cụm từ gốc, màu đỏ nhạt. Quả hình trứng, đường kính 2 – 2,5cm, khi chín có màu đỏ sẫm hoặc xám, có vân dọc sần sùi. Bên trong quả có 3 ngăn, chứa các hạt, rất thơm.

Thảo quả khi khô
Quả khi khô

2. Phân bố, thu hái, chế biến

Cây được trồng và mọc hoang ở vùng rừng núi cao, có khí hậu mát, độ ẩm cao như các tỉnh Lào Cai, Hà Giang. Người ta thu hái vào tháng 10 – 11 và kéo dài đến tháng 2 năm sau.

Bộ phận dùng: Quả chín đã phơi hoặc sấy khô. Khi nào dùng mới bóc vỏ ngoài lấy hạt, nếu bóc lấy hạt ngay sẽ chóng mất mùi thơm.

3. Thành phần hóa học

Trong Thảo quả chứa nhiều các chất rất phong phú: carbohydrate, protein, chất xơ, các vitamin như vitamin C, niacin, pyridoxine, riboflavin và thiamin, khoáng chất như phốt pho, đồng, sắt, canxi, magie, mangan, kẽm…

Quả có chứa tinh dầu (1,4 – 1,47%). Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm, ngọt, vị nóng cay dễ chịu. Thành phần hóa học chính của tinh dầu này là cineol (31 – 37%).

Khi chín, Thảo quả có màu đỏ sẫm
Khi chín, quả có màu đỏ sẫm

4. Công dụng thường dùng

Tính vị: cay, ấm. Quy kinh tỳ, vị.

Tác dụng: táo thấp tán hàn, trừ đàm tiệt ngược.

Chỉ định:

Điều trị bụng đầy đau do hàn thấp ứ trệ trung tiêu, buồn nôn tiết tả, rêu lưỡi nhớp, thường dùng với sa nhân, hậu phác, thương truật.

Chứng ngược tật, thường phối hợp với thường sơn, tri mẫu như bài thường sơn ẩm (thường sơn, tri mẫu, thảo quả, chích thảo, cao lương khương, ô mai).

Liều dùng: 3 –  6g.

5. Tác dụng theo Y học hiện đại

Trên động vật thí nghiệm, tiêm nọc rắn hổ mang với liều thích hợp rồi uống dịch chiết Thảo quả và một số vị thuốc khác là cách mà dân gian dùng để chữa nọc rắn cắn. Kết quả cho thấy nâng cao tỉ lệ sống của động vật đã tiêm nọc rắn hoặc kéo dài thời gian cầm cự so với lô đối chứng.

Thành phần Cineol có trong tinh dầu dùng cho chuột cống trắng bằng cách phun xông gây cảm ứng hệ thống cytochrom P450 ở gan. 

6. Bài thuốc kinh nghiệm

6.1. Trị bụng đau, đầy trướng lâu ngày

Thảo quả (nướng) 5g, Hậu phác, Hoắc hương đều 10g, Thanh bì, Bán hạ, Thần khúc đều 6g, Lương khương 5g, Đinh hương, Cam thảo đều 3g, Sinh khương, Đại táo đều 10g, sắc uống.

6.2. Trị sốt rét

Thảo quả 6g, hạt Cau 6g, Thường sơn 6g. Sắc nước uống.

6.3. Trị rối loạn tiêu hóa

Ăn uống không tiêu, nôn ói, tiêu chảy.

Dùng bài Thảo quả bình vị tán: Thảo quả (nướng) 5g, Thương truật, Hậu phác, Trần bì, Sinh khương đều 10g, Cam thảo 3g, Đại táo 3 quả sắc uống.

6.4. Trị hôi miệng

Thảo quả giã dập, ngậm nuốt cùng với nước.

7. Liều dùng và chú ý

Dùng 3 – 6g, uống riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để sắc.

Những người có thể trạng gầy yếu, thiếu máu tốt nhất không nên dùng.

Thảo quả có thể gây ra đau bụng (đau co thắt) nếu được tiêu thụ nhiều. Vì vậy, bệnh nhân có sỏi ở túi mật nên tránh dùng.

Với đặc tính vừa ngọt, vừa cay lại thơm, Thảo quả không những là “nữ hoàng” của các loại gia vị mà còn là một vị thuốc hay điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa, hôi miệng… Tuy nhiên, cũng như các loại thảo dược khác, trước khi sử dụng để chữa bệnh bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc người có chuyên môn. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*