Tô mộc là vị thuốc có nguồn gốc từ thân vây Vang, một loại cây mọc hoang dã nhiều nơi ở nước ta. Phần được dùng để là thuốc là lõi gỗ được chẻ nhỏ. Dược liệu này được ghi nhận trong y văn từ lâu đời như một vị thuốc có công dụng làm tan huyết ứ, điều trị chấn thương té ngã, phụ nữ kinh nguyệt bế tắc đau bụng.
Tô mộc là gì?
Tên khoa học
Tô mộc còn có tên gọi khác là Gỗ vang, Vang nhuộm, Tô phượng, Cây vang, Co vang (Thái), Mạy vang (Tày). Tên khoa học là Caesalpinia sappan L. thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae).
Cây Vang hay cây Tô mộc là một cây cao 7-10m, thân có gai. Lá dạng kép lông chim, gồm 12 đôi, hay hơn 12 đôi lá chét, hơi hẹp ở phía dưới tròn ở đầu, nhặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Hoa của cây này có 5 cánh màu vàng mọc thành chùm, nhị hơi lòi ra, nửa dưới chỉ nhị hơi có lông, bầu hoa phủ lông xám. Quả dẹt hình trứng ngược, dày, dai, cứng, dài từ 7-10cm, rộng từ 3,5-4cm, trong đó có 3-4 hạt màu nâu.
Cây vang mọc hoang và được trồng nhiều ở nhiều nơi trong nước ta. Gỗ vang được dùng làm thuốc nhuộm gỗ trước khi đánh vecni và làm thuốc. Người ta làm dược liệu là phần gỗ chẻ mỏng phơi khô. Cũng có thể gặp loại dược liệu được thái thành phiến.
Vị thuốc Tô mộc
Vị thuốc tô mộc có hình trụ hay nửa trụ tròn, hay những thanh nhỏ. Mặt ngoài có vết dao đẽo và vết cành, thường có khe nứt dọc. Mặt cắt ngang màu da cam, vòng tuổi thấy rõ rệt, có thể thấy màu nâu tối, có các lỗ nhỏ. Để tách phiến thuốc thành từng mảnh theo thớ gỗ, tủy có lỗ rõ. Các thanh được chẻ nhỏ có màu hồng đỏ. Có thể có những chỗ có màu nhạt hay đậm hơn. Chất gỗ cứng, nặng, không mùi, vị hơi se.
Thu hoạch cây như thế nào?
Cây tô mộc được dùng phần gỗ thân và cành để làm thuốc. Những cây trên 10 nưm thì bắt đầu được thu hoạch. Có thể được thu hoạch quanh năm. Chặt phần cây gỗ, róc đẽo hết lớp vỏ ngoài và phần lớn gỗ giác lấy phần lõi. Cưa thành khúc ngắn (khoảng 25cm), chẻ nhỏ, phơi khô, độ ẩm không quá 11 %.
Thành phần có trong vị thuốc Tô mộc
Trong vị thuốc có tanin, axit galic, chất sappanin C, chất brassilin C và tinh dầu.
Tác dụng của Tô mộc
Theo Y học cổ truyền, Tô mộc có tác dụng gì?
Tính vị: ngọt, mặn, cay, bình. Qui kinh tâm, can.
Tác dụng: hoạt huyết trị thương, khứ ứ thông kinh.
Chỉ định:
Điều trị chấn thương sưng đau, gãy xương thường dùng với nhũ hương, một dược như bài bát ly tán.
Điều trị chứng huyết ứ kinh bế, thống kinh, đau tức ngực bụng thường phối hợp xuyên khung, đương qui, hồng hoa như bài thông kinh hoàn. Điều trị các mụn nhọt thường dùng với ngân hoa, liên kiều, bạch chỉ.
– Liều dùng: 3 – 10g.
Tác dụng theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, Tô mộc có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm mạnh, lưu thông khí huyết. Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng cây có tiềm năng rất lớn trong việc chống lại một số loại ung thư. Trong đó có ung thư đại tràng và bệnh bạch cầu cấp dòng tuỷ.
Hiện nay trên thị trường đã có viên được chế từ cao khô, dùng chữa tiêu chảy, lỵ trực khuẩn.
Lưu ý khi dùng Tô mộc
Phụ nữ có thai không được dùng Tô mộc. Các bệnh không có biểu hiện của việc có máu bầm, máu tụ cũng không được dùng.
Các bài thuốc có Tô mộc
Chữa kinh nguyệt không đều hoặc sinh xong đau bụng từng cơn
Tô mộc 10g, huyền hổ sách 6g, sơn tra 10g, hồng hoa 3g, ngũ linh chi 8g, đương quy thân 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày
Sinh đẻ xong ra máu nhiều
Tô mộc 12g sắc với nước 200ml, sắc còn 100ml. Chia 2 lần uống trong ngày.
Tóm lại, Tô mộc là một vị thuốc có tác dụng làm tan máu bầm, máu cục, điều trị kinh nguyệt không thông do bị ứ trệ. Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Để lại một phản hồi