Viễn chí: Thảo dược có tác dụng chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh

Ngày nay, Viễn chí được nhiều người biết đến và sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong điều trị bệnh. Thảo dược này có tác dụng rất tốt đối với những người mất ngủ, suy nhược thần kinh, ho… Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của vị thuốc này.

1. Giới thiệu Viễn chí

  • Tên gọi khác: Viễn chí nhục, Chích viễn chí.
  • Tên khoa học: Radix Polygalae.
  • Họ: Viễn chí (Polygalaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Viễn chí phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, có cả ở Đài Loan và Nhật Bản. Ở Việt Nam, cây mới chỉ thấy ở các vùng núi thấp, thuộc các tỉnh từ Thái Nguyên đến Thanh Hóa.

Thời điểm thu hái chủ yếu là vào mùa xuân và mùa thu. Sau khi cây được đào lên, đem bỏ tạp chất, rễ con và cành khô. Sau đó phơi khô, vỏ hơi nhăn, tiến hành rút bỏ lõi gỗ bên trong và phơi khô hoàn toàn là dùng được.

1.2. Mô tả toàn cây

Đây là cây thảo ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm, lẫn trong đám cỏ thấp ở ven rừng, nương rẫy hay ruộng cao ở vùng núi. Cây sống lâu năm, cao khoảng 10 – 20cm. Loại thực vật này chia cành ngay từ gốc, cành có hình sợi và được phủ lông mịn xung quanh.

Lá cây mọc so le, lá trên hình dài, rộng khoảng 3 – 5mm và dài khoảng 2cm. Lá phía dưới có hình bầu dục, rộng khoảng 4 – 5mm, mép lá cuốn xuống mặt dưới. Hoa có màu xanh nhạt, tím ở đỉnh và trắng ở giữa. Hoa mọc thành chùm ngắn và gầy. Quả có hình bầu dục và nhẵn.

Viễn chí là cây thân thảo, dùng rễ để làm thuốc
Viễn chí là cây thân thảo, dùng rễ để làm thuốc

1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế

Viễn chí là rễ khô của cây Viễn chí lá nhỏ. Chỉ lựa chọn thân to và thịt đầy. Hình ống dài cong, dài 3 – 13cm, đường kính 0,3 – 1cm. Vỏ ngoài màu vàng tro, toàn thể có đường nhăn ngang và vân nứt tương đối dày và lõm sâu, hoặc có vân dọc nhỏ.

Dược liệu giòn, dễ bẻ gãy, mặt cắt ngang màu trắng vàng. Ở giữa rỗng, hơi có mùi, vị đắng hơi cay, nhai có cảm giác tê cuống họng.

Thảo dược này còn được bào chế theo những cách sau đây:

  • Chích Viễn chí: Dùng Viễn chí vào nước sắc Cam thảo, cứ 5kg Viễn chí dùng 100g Cam thảo. Sau đó tiếp tục đun sôi để viễn chí hút hết nước, đổ ra và để khô là dùng được.
  • Bỏ lõi gỗ bên trong và sao vàng lên, để dùng dần.
Dược liệu hơi có mùi, vị đắng hơi cay, nhai có cảm giác tê cuống họng
Dược liệu hơi có mùi, vị đắng hơi cay, nhai có cảm giác tê cuống họng

1.4. Bảo quản

Để nơi khô ráo, tránh làm vụn nát, đề phòng mối mọt.

2. Thành phần hóa học

Viễn chí có chứa một lượng lớn hoạt chất Saponozit (Senegin), Polygalit, Onsixin, Tenuigenin, Tenuifolin, Onjisaponin A, B, C, D, E, F, G…

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

  • Năm 1952, tạp chí Trung Hoa Y dược công nhận: Viễn chí có tác dụng trừ đờm rất tốt do có senegin. Uống với liều thích hợp sẽ kích thích niêm mạc ở cổ họng làm tăng sự bài tiết niêm dịch ở khí phế quản, do đó có tác dụng trừ đờm, giảm ho
  • Bên cạnh đó, năm 1953, ba nhà nghiên cứu Trung Quốc thử nghiệm thấy: Cao lỏng Viễn chí làm tăng sự co bóp của tử cung trên chuột được thí nghiệm.
  • Tuy nhiên, hoạt chất saponin trong dược liệu có khả năng gây buồn nôn do kích thích dạ dày. Vì vậy không nên sử dụng cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng (Trung dược học).
  • Viễn chí gây ngủ và chống co giật (Trung dược học).

3.2. Y học cổ truyền

Tính vị: đắng, cay, hơi ấm. Quy kinh tâm, thận, phế.

Tác dụng: ninh tâm  an thần, khứ đàm khai khiếu, tiêu tán ung thũng.

Chỉ định:

Điều trị chứng tâm thận bất giao gây tâm thần bất ninh, hồi hộp không yên, mất ngủ hay quên thường dùng với nhân sâm, long sỉ, phục thần như bài an thần định trí hoàn.

Điều trị chứng đàm trệ tâm khiếu, ngã lăn bất tỉnh, co giật thường dùng với bán hạ, thiên ma, toàn yết.

Điều trị chứng đàm nhiều, ho nhiều thường dùng với hạnh nhân, bối mẫu, cát cánh.

Điều trị mụn nhọt, xưng đau vú, không phân biệt hàn nhiệt hư thực, dùng viễn trí tán bột pha với hoàng tửu uống.

Chú ý: thận trọng dùng khi vị hoả, loét dạ dầy tá tràng.

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng Viễn chí theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, thảo dược được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo là từ 3 đến 6g/ngày.

Tránh sử dụng Viễn chí chung với Tề tào, Lê lô và Trân châu. Ngoài ra, không nên sử dụng thảo dược này cho người đột ngột sốt cao, sợ nóng, thần trí không minh mẫn, ra nhiều mồ hôi, miệng môi khô, đại tiện khô kết, nước đái ngắn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, người bị viêm loét dạ dày – tá tràng…

Viễn chí sống có tác dụng khử đờm, khai khiếu mạnh. Nếu được chích mật thì độc tính giảm, giảm kích ứng dạ dày.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị các chứng thần trí không đủ, hồi hộp hay quên

Viễn chí, Xương bồ, Nhân sâm, Phục linh. Tán nhỏ trộn với mật làm viên, ngoài bọc bột Chu sa, uống với nước sôi (Định chí hoàn).

4.2. Trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, hay quên, hồi hộp, mơ nhiều

Đảng sâm, Viễn chí, Mạch môn, Phục linh đều 10g, Cam thảo 3g, Đương quy, Bạch thược, Sinh khương, Đại táo đều 10g, Quế tâm 3g, sắc thêm bột Quế tâm vào hòa uống (Viễn chí hoàn).

Quy bản, Long cốt, Viễn chí đều 10g, Xương bồ 3g. Sắc uống (Chẩm trung đơn).

4.3. Trị phế quản viêm, phế quản mạn, ho đờm nhiều

Viễn chí, Trần bì, Cam thảo đều 3g, sắc uống.

Hoặc Viễn chí 8g, Cam thảo, Cát cánh đều 6g, sắc uống.

Như vậy, Viễn chí là thảo dược gần gũi và được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*