Vỏ bưởi là gì?
Mô tả
Bưởi có tên khoa học là Citrus grandis (L) thuộc họ Cam – Rutaceae.
Vỏ bưởi là Exocarpium Citri Grandis. Nó được dùng làm thuốc là lớp vỏ xanh xù xì phía ngoài, loại bỏ đi lớp vỏ trắng xốp bên trong.
Cây bưởi là cây gỗ cao 5-10m. Vỏ thỉnh thoảng để toát ra một chất gôm. Cành có gai nhỏ, cái gai mọc đứng ở kẻ lá. Lá hình trái xoan tù 2 đầu, lá nguyên, dai; gân bên 8 đôi, gân nhỏ, nổi rõ ở mặt dưới, các cuống lá có cành dài, có lông ở mặt dưới, cuống lá có cánh dài, có lông ở mặt dưới, nhiều ở sống giữa.
Hoa mọc thành chùm 6-10 hoa, cuống hoa có lông, các lá bắc hình vạch, có lông. Hoa trắng, to, rất thơm, lá đài 4-5, tròn có lông, cánh hoa 5, nhị 24 rời, ngắn bằng nửa cánh hoa, đĩa mật dày, bầu hình cầu, có lông, vòi dài, đầu nhị hình đầu, to.
Quả hình cầu, đường kính 15-30cm, có cùi dày và màu sắc thay đổi tùy loại bưởi, thường có 12 múi, thịt quả chua ngọt tùy loại.
Phân bố sinh trưởng
Loài cây của vùng Ấn Độ – Malaysia, được trồng từ lâu đời ở nhiều nước khu vực châu Á.
Ở nước ta, bưởi được trồng khắp nơi. Có nhiều giống bưởi khác nhau.
Cách dùng vỏ bưởi
Rửa sạch quả bưởi, bào lấy lớp vỏ ngoài màu xanh, đem phơi khô, dùng dần. Phần vỏ cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi có độ ẩm cao dễ sinh ẩm mốc.
Vỏ quả dùng đường uống trong dưới dạng thuốc sắc. Mỗi ngày dùng từ 10-15g. Nếu bạn dùng ngoài thì không cần phải kể liều lượng.
Công dụng của vỏ bưởi
Thành phần hóa học trong vỏ bưởi
Tinh dầu vỏ bưởi có 26% xitrala và este. Vỏ quả bưởi, ngoài việc chứa nhiều tinh dầu còn chứa pectin, naringin, các men peroxydaza, amylaza, đường ramnoza, vitamin A, C, hesperidin.. Chính vì vậy mà ngày nay, loại dược liệu này có nhiều ứng dụng trong y học.
Long đờm, giảm ho
Trong một nghiên cứu gần đây tại Trung Quốc cho thấy chất naringin trong vỏ quả bưởi có tiềm năng lớn trong điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, trị ho và long đờm.
Ăn uống khó tiêu, đầy bụng
Trong vỏ bưởi có nhiều tinh dầu, giúp tăng cường tiêu hóa thức ăn, thông lợi đường tiêu hóa, từ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa.
Chữa béo phì, đái tháo đường
Do đặc tính hỗ trợ tiêu hóa, nên những người sử dụng vỏ bưởi lâu ngày sẽ có hệ tiêu hóa tốt hơn, hạn chế tình trạng béo phì, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa.
Tăng cường hệ miễn dịch
Do hoạt chất naringin và flavonoid có trong vỏ quả bưởi là những chất chống oxy hóa mạnh – có tác dụng bảo vệ sự bền vững của tế bào, tăng khả năng chịu đựng tổn thương và tái tạo của tế bào. Nên việc sử dụng thường xuyên sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Giảm stress, êm dịu thần kinh
Vỏ bưởi có chứa một lượng lớn tinh dầu, và cũng đa dạng về các loại tinh dầu nên thường được dùng để chiết tách tinh dầu. Tinh dầu bưởi có mùi thơm đặc trưng dễ chịu, được dùng để sử dụng riêng hoặc kết hợp với các loại tinh dầu khác như sả, oải hương…để massage trị liệu, xoa cho trẻ nhỏ, xua đuổi côn trùng.
Kích thích tóc mọc dài và dày hơn
Tinh dầu của vỏ có tính chất sát khuẩn tốt. Xoa tinh dầu vỏ bưởi lên chân tóc mỗi ngày giúp ngăn ngừa nấm, gàu, giúp tóc chắc khỏe. Gội đầu mỗi ngày với nước luộc của nó còn giúp tóc nhanh dài hơn.
Tác dụng theo y học cổ truyền
Vỏ của quả bưởi có vị đắng, cay, thơm, tính bình.
Tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu báng tích, tiêu phù thũng.
Phần cùi trắng bên trong của vỏ thường được dùng để chế biến thành chè, gỏi, nem chay.
Phần vỏ xanh xù xì bên ngoài chứa nhiều tinh dầu và các hoạt chất như naringin, hesperidin, vitamin A, C… Đây là những hoạt chất quý giá và có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Bài thuốc kinh nghiệm từ vỏ bưởi
Cụ Hải Thượng Lãn Ông đã ghi nhận trong Bách Gia Trân Tàng những công dụng sau:
Chữa phù thũng
Kết hợp vỏ bưởi, mộc thông, bồ hóng, mỗi vị 20-30g, diêm tiêu 12g, cỏ bấc 8g, sắc uống mỗi ngày 2 lần vào lúc đói và ăn một khúc mía trước và sau khi uống thuốc. Người bệnh cần kiêng muối và chất mặn.
Chữa sản giật phù thũng, và các trường hợp phù thũng
Vỏ bưởi khô và ích mẫu bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói. Hoặc dùng mỗi vị thuốc 20-30g sắc uống.
Chữa ho có nhiều đờm
Dùng 10g vỏ quả bưởi 10g, thêm đường kính, pha uống dần dần.
Chữa hen
Dùng một quả bưởi, lấy vỏ, một miếng bách hợp, 120g vảy hành khô, đường trắng 120 tới 250g, nấu nước uống. Người bệnh cần chia làm 3 lần uống trong ngày, liên tục trong 9 ngày.
Lưu ý khi dùng vỏ bưởi
Trong quá trình chế biến vỏ, nên ngâm nước muối loãng để loại bỏ tạp chất và bụi bẩn. Sử dụng bưởi có vỏ sần sùi mang lại nhiều hoạt chất hơn.
Vỏ bưởi với nhiều công dụng tuyệt vời như trên nên nó được xem là một vị thuốc quý. Nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách thì đây sẽ là một loại dược liệu có ích cho bạn và gia đình. Những công dụng thông thường của nó: chữa hen, ho đàm, ăn uống khó tiêu, đầy bụng, tinh dầu giảm stress, giảm cân.
Để lại một phản hồi