Hội chứng cổ vai cánh tay

HỘI CHỨNG CỔ VAI CÁNH TAY (CHỨNG TÝ)

ĐẠI CƯƠNG

Theo Y học hiện đại, hội chứng cổ vai cánh tay (cervical scapulohumeral syndrome), còn gọi là hội chứng vai cánh tay (scapulohumeral syndrome) hay bệnh lý rễ tủy cổ (cervical radiculopathy), là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ và/hoặc tủy cổ, không liên quan tới bệnh lý viêm.

Biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau vùng cổ, vai và có thể lan xuống tay, kèm theo một số rối loạn cảm giác và/hoặc vận động tại vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống cổ bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân thường gặp nhất (70 – 80%) là do thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (20 – 25%).

 Chẩn đoán xác định: Tùy thuộc nguyên nhân, mức độ và giai đoạn bệnh, người bệnh có thể có những triệu chứng và hội chứng sau đây: Hội chứng cột sống cổ, hội chứng rễ thần kinh, hội chứng tủy cổ, hội chứng động mạch sống nền, có thể có các rối loạn thần kinh thực vật…

 Theo Y học cổ truyền, hội chứng cổ vai cánh tay được xếp vào phạm vi chứng Tý. Tý có nghĩa là tắc, không thông. Chứng tý là do tà khí phong hàn thấp nhiệt ở ngoài xâm nhập vào cơ thể, đóng bít ngăn trở kinh lạc, khí huyết vận hành không thông lợi mà gây ra.

NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN

 Nguyên nhân gây chứng Tý rất đa dạng bao gồm ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân. Các yếu tố bên ngoài như phong, hàn, thấp, nhiệt tà có thể đơn độc hoặc cùng kết hợp xâm nhập vào cơ thể. Bệnh cũng có thể do nội nhân như rối loạn tình chí, tiên thiên bất túc hoặc sau kinh nguyệt, sinh đẻ làm khí huyết suy kém, âm dương không điều hòa. Các yếu tố bất nội ngoại nhân như lao động vất vả, ăn uống, tình dục không điều độ làm khí huyết suy hoặc do đàm ẩm, huyết ứ mà gây bế tắc kinh lạc cũng có thể gây chứng Tý. 

CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ

Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.

Thể phong hàn 

Triệu chứng: Đau nhức vùng đầu, cổ, vai và ngực lưng, có điểm đau cố định ở cổ, có thể sờ thấy co cơ ở cổ vai gáy, cứng cổ, hạn chế vận động. Đau, tê, nhức tứ chi, có thể có cảm giác nặng và yếu hai chi trên, đau nặng đầu, thích ấm, sợ lạnh, lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. Mạch phù hoãn hoặc sáp.

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực, hàn.

Chẩn đoán kinh lạc: Đại trường/tiểu trường/tam tiêu.

Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, hàn).

Pháp điều trị: Trừ phong tán hàn, thông kinh hoạt lạc.

Phương

Điều trị bằng YHCT

Điều trị dùng thuốc

Thuốc uống trong: 

Cổ phương: Quế chi gia Cát căn thang

Quế chi 08g                      Thược dược   12g
Đại táo 12g                       Sinh khương   08g
Cam thảo 04g                      Cát cǎn           12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống ấm.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

 Quế chi    08g Tang chi                12g
 Khương hoàng 08g Cát căn                 12g
 Kê huyết đằng 12g Thiên niên kiện 08g
 Bạch chỉ     08g Sinh khương   04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, uống ấm.

Điều trị không dùng thuốc

Châm tả các huyệt:

Hậu khê (SI.3)          Phong trì (GB.20)
Đại chùy (GV.14)      Liệt khuyết (LU.7) 
Kiên tỉnh (GB.21)      Hợp cốc (LI.4) 
Thủ tam lý (LI.10)   Thiên trụ (BL.10)
Ngoại quan (TE.5)  Giáp tích C4 – C7
A thị huyệt

Liệu trình: Châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 – 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 – 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh. 

Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các thủ thuật: xoa, xát, day, lăn, đấm, chặt, bóp, ấn, bấm huyệt (các huyệt như công thức điện châm), vận động cột sống cổ (cúi, ngửa, nghiêng, quay), phát điều hòa. 

Mỗi lần xoa bóp 15 – 20 phút. Ngày xoa bóp 1 lần. Một liệu trình kéo dài từ 20 đến 30 ngày tùy theo mức độ bệnh.

Nhĩ châm: Vùng vai cánh tay H1, gáy A5, cột sống C4, vai C3, cổ C2.

Các kỹ thuật châm khác: Điện châm, điện trường châm.

Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh, có chỉ định tiêm bắp. Thủy châm các huyệt:

Kiên trung du (SI.15)         Kiên tỉnh (GB.21)

Kiên trinh (SI.19)              Thiên tông (SI.11)

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể phong thấp nhiệt tý

Triệu chứng: Vùng cổ gáy sưng, nóng, đỏ, đau nhức vùng đầu, cổ, vai và ngực lưng, đau đầu chóng mặt. Sốt cao, khát nước, nước tiểu đỏ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch hoạt sác.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực, nhiệt.

Chẩn đoán kinh lạc: Đại trường/tiểu trường/tam tiêu.

Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong, thấp, nhiệt).

Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, khu phong, trừ thấp, thông lạc. 

Phương 

Điều trị bằng YHCT

Điều trị dùng thuốc

Thuốc uống trong:

Bài cổ phương: Bạch hổ gia quế chi thang

 Thạch cao 40g Cam thảo          04g 
 Tri mẫu 12g Quế chi           08g
 Ngạnh mễ 20g                  

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Hoặc dùng bài Quế chi thược dược tri mẫu thang:

 Quế chi 08g Bạch thược   12g
Tri mẫu 12g Bạch truật       12g
Cam thảo 06g Ma hoàng         08g
Phòng phong 12g Sinh khương   06g
Phụ tử  chế 02g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

Ý dĩ 12g Khương hoạt  08g
Kim ngân hoa 12g Hoàng bá        12g
Hy thiêm thảo 12g Khương hoàng 08g
Tần giao 10g Liên kiểu 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Châm tả các huyệt:

Hậu khê (SI.3) Phong trì (GB.20)
Đại chùy (GV.14) Ngoại quan (TE.5)
Kiên tỉnh (TE.21) Hợp cốc (LI.4)
Thủ tam lý (LI.10)   A thị huyệt   
Thiên trụ (BL.10) Giáp tích C4 – C7

Liệu trình: Châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 – 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 đến 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh. 

Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện các thủ thuật: xoa, xát, day, lăn, đấm, chặt, bóp, ấn, bấm huyệt (các huyệt như công thức điện châm), vận động cột sống cổ (cúi, ngửa, nghiêng, quay), phát điều hòa. 

Mỗi lần xoa bóp 15 – 20 phút. Ngày xoa bóp 1 lần. Một liệu trình kéo dài từ 20 đến 30 ngày tùy theo mức độ bệnh. 

Nhĩ châm, Thủy châm và các kỹ thuật châm khác tương tự thể phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể huyết ứ

Triệu chứng: Đau nhức, tê vùng đầu, cổ, vai và ngực lưng, tê, đau nhói cố định, đau tăng về đêm, ban ngày đỡ đau, đau cự án, co cứng cơ tại chỗ, kích thích khó chịu. Miệng khô, lưỡi tím, có thể có điểm ứ huyết. Mạch huyền hoặc sáp.

Thể huyết ứ thường ít xuất hiện đơn thuần mà kết hợp với các thể lâm sàng khác của chứng Tý vùng vai gáy. 

Chẩn đoán

Chẩn đoán bát cương: Biểu, thực.

Chẩn đoán kinh lạc: Đại trường/tiểu trường/tam tiêu.

Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (huyết ứ).

Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc chỉ thống.

Phương 

Điều trị bằng YHCT

Điều trị dùng thuốc

Thuốc uống trong: 

Cổ phương: Đào hồng ẩm

Đào nhân 08g Xuyên khung   08g 
Đương qui   10g Uy linh tiên  12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

Tô mộc 10g Khương hoàng  08g
Đào nhân 08g Hồng hoa    08g
Cát căn 12g Xích thược                12g
Trần bì 08g Cam thảo 04g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. 

Điều trị không dùng thuốc

Châm tả các huyệt:  

Hậu khê (SI.3) Thân mạch (BL.62)
Hợp cốc (LI.4) Tam âm giao (SP.6)
Kiên tỉnh (TE.21) Thủ tam lý (LI.10)
Thiên trụ (BL.10) Giáp tích C4 – C7
A thị huyệt

Điện châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 – 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 đến 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh.

Xoa bóp bấm huyệt: Tương tự như thể phong hàn, bấm các huyệt tương tự như công thức huyệt trên.

Nhĩ châm, thủy châm, các kỹ thuật châm khác tương tự thể phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

Thể can thận hư

Triệu chứng: Đau nhức vai gáy và ngực lưng, đau căng đầu, tê bì tay, đau mỏi lưng gối, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, miệng họng khô, lưỡi đỏ ít rêu. Mạch tế sác.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán bát cương: Lý, hư, nhiệt.

Chẩn đoán tạng phủ: Can, thận hư.

Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).

Pháp điều trị: Tư dưỡng can thận, hoạt huyết thông kinh lạc.

Phương

Điều trị bằng YHCT

Điều trị dùng thuốc

Thuốc uống trong: 

Cổ phương: Quyên tý thang 

Khương hoạt 09g                               Phòng phong  08g
Xích thược 08g                           Đương qui       12g
Sinh hoàng kỳ 12g                               Tang chi          12g
Khương hoàng 10g Cam thảo 04g
Đại táo 12g

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Hoặc dùng bài thuốc “Hổ tiềm hoàn”.

Thục địa 12g                           Quy bản          12g
Bạch thược 10g                               Tỏa dương   12g 
Tri mẫu 08g                          Hoàng bá        10g 
Trần bì 06g                           Can khương  04g

 Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.

Nghiệm phương:

 Thục địa 12g Đương quy  12g
 Tục đoạn 12g Đỗ trọng      12g
 Bạch thược 10g Tang chi        12g
 Quế chi 08g Uy linh tiên  12g      

Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Điều trị không dùng thuốc

Châm bổ các huyệt:

Thái khê (KI.3) Đại trữ (BL.11)
Huyền chung (GB.39) Giáp tích C4 – C7
Thủ tam lý (LI.10) Thiên trụ (BL.10)
A thị huyệt

Điện châm ngày một lần, mỗi lần chọn 8 – 12 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 20 đến 30 lần châm tuỳ theo mức độ bệnh. 

Xoa bóp bấm huyệt: Tương tự như thể phong hàn, bấm các huyệt tương tự như công thức huyệt trên.

Nhĩ châm, Thủy châm, các kỹ thuật châm khác tương tự thể phong hàn.

Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.

KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI

Nguyên tắc điều trị

Điều trị triệu chứng bệnh kết hợp với giải quyết nguyên nhân nếu có thể.

Kết hợp điều trị thuốc với các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và các biện pháp không dùng thuốc khác.

Chỉ định điều trị ngoại khoa khi cần thiết.

Điều trị cụ thể

Điều trị bằng thuốc

Điều trị triệu chứng

Tùy từng trường hợp bệnh, có thể chọn trong các nhóm thuốc sau:

Thuốc giảm đau:

Tùy mức độ đau, có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp các nhóm thuốc sau:

Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol.

Thuốc giảm đau dạng phối hợp: Paracetamol kết hợp với một opiad nhẹ như codein hoặc tramadol.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Lựa chọn một thuốc thích hợp tùy cơ địa người bệnh và các nguy cơ tác dụng phụ. Nếu người bệnh có nguy cơ tiêu hóa nên dùng nhóm ức chế chọn lọc COX-2 hoặc phối hợp với một thuốc ức chế bơm proton.

Thuốc giãn cơ:

Thường dùng trong đợt đau cấp, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ.

Các thuốc khác:

Thuốc giảm đau thần kinh: Có thể chỉ định khi có bệnh lý rễ thần kinh nặng hoặc dai dẳng, nên bắt đầu bằng liều thấp, sau đó tăng liều dần tùy theo đáp ứng điều trị. – Thuốc chống trầm cảm ba vòng (liều thấp) khi có biểu hiện đau thần kinh mạn tính hoặc khi có kèm rối loạn giấc ngủ. – Vitamin nhóm B. 

Corticosteroid: Trong một số trường hợp có biểu hiện chèn ép rễ nặng và có tính chất cấp tính mà các thuốc khác ít hiệu quả, có thể xem xét dùng một đợt ngắn hạn corticosteroid đường uống trong 1-2 tuần. 

Điều trị nguyên nhân

Đối với thể can thận hư: Có thể kết hợp với thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm.

Đối với thể huyết ứ: Nếu nguyên nhân do sai tư thế hoặc thoát vị đĩa đệm có thể kết hợp kéo giãn cột sống cổ.

Điều trị không dùng thuốc 

Trong giai đoạn cấp khi có đau nhiều hoặc sau chấn thương có thể bất động cột sống cổ tương đối bằng đai cổ mềm.

Kết hợp các phương pháp phục hồi chức năng: Theo Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng của Bộ Y tế và các hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng khác do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều trị ngoại khoa

Một số chỉ định: Đau nhiều song điều trị nội khoa ít có kết quả hoặc không có hiệu quả, có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển, có chèn ép tủy cổ.

Một số phương pháp phẫu thuật chủ yếu: Chỉnh sửa cột sống để giải phóng chèn ép thần kinh tại các lỗ tiếp hợp bị hẹp, lấy nhân nhày đĩa đệm thoát vị.

Các phương pháp khác

Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng hoặc tiêm khớp liên mỏm sau (facet) cạnh cột sống cổ: Có thể được chỉ định và thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa.

Các thủ thuật giảm đau can thiệp: Phong bế rễ thần kinh chọn lọc; điều trị đốt thần kinh cạnh hạch giao cảm cổ bằng sóng cao tần (radio frequency ablation, RFA).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*