ĐAU DÂY THẦN KINH LIÊN SƯỜN (HIẾP THỐNG)
ĐẠI CƯƠNG
Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh cảnh xuất hiện khi dây thần kinh liên sườn bị tổn thương (viêm nhiễm, chèn ép). Tùy vào mức độ, số lượng dây thần kinh liên sườn bị tổn thương trên lâm sàng mà bệnh nhân có triệu chứng khác nhau. Điển hình là các cơn đau nhói từng đợt hoặc kéo dài dọc theo đường đi của dây thần kinh liên sườn, đau tăng khi ấn vào, ho, hít thở sâu.
Theo Y học hiện đại (YHHĐ), bệnh gây ra do các nhóm nguyên nhân sau:
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: Do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Người bệnh xuất hiện đau ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống – bả vai, đau một hoặc hai bên, lan theo khoang liên sườn ra phía trước. Đau âm ỉ cả ngày và đêm, tăng khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi. Người bệnh đau tăng thường nhầm với bệnh lý của phổi. Ấn vùng cạnh sống đau tức, đôi khi lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn. Da vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Các xét nghiệm cho kết quả bình thường.
Thoái hóa cột sống: Thường gặp ở người cao tuổi, tính chất khu trú thường không rõ ràng. Thường đau ê ẩm, không cấp tính, kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực cả khi nghỉ và khi vận động, ấn điểm cạnh cột sống hai bên (cách cột sống 2-3cm) người bệnh thấy tức nhẹ và dễ chịu.
Lao cột sống hoặc ung thư cột sống: thường gặp ở những người tuổi trung niên trở lên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương. Biểu hiện đau chói cả hai bên sườn, đau liên tục, tăng khi thay đổi tư thế hoặc vận động, bệnh nhân có cảm giác bó chặt lấy ngực hoặc bụng. Dễ chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt ngực hoặc cơn đau dạ dày. Ấn cột sống có điểm đau chói. Triệu chứng toàn thân nặng như hội chứng nhiễm độc lao (sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân…). Có thể thấy biến dạng cột sống nếu ở giai đoạn nặng…
Bệnh lý tủy sống: Đau dây thần kinh liên sườn thường là triệu chứng sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Thường đau một bên, khu trú rõ. Khám cột sống không thấy đau rõ ràng.
Chấn thương cột sống: Xảy ra sau khi người bệnh bị chấn thương, vận động cột sống với cường độ quá mạnh.
Zona: Thường khởi phát bằng đau rát một mảng sườn, sau một, hai ngày thấy đỏ da, xuất hiện các mụn nước và xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Kèm theo sốt nhẹ, đau hạch nách. Sau khoảng một tuần tổn thương khô, bong vảy, để lại sẹo và chuyển sang giai đoạn di chứng gây đau rát ở vùng tổn thương, có thể kéo dài hàng tháng, nhất là ở người cao tuổi.
Theo Y học cổ truyền (YHCT), đau dây thần kinh liên sườn thuộc phạm vi chứng Hiếp thống. Hiếp thống là đau một hoặc hai bên mạng sườn, là một cảm giác chủ quan của người bệnh. Hai bên mạng sườn là đường tuần hoàn của kinh túc quyết âm can và kinh túc thiếu dương đởm, đau mạng sườn phần nhiều có quan hệ mật thiết đến bệnh của can, đởm.
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Phong hàn: Do cảm phải phong hàn tà gây trở ngại kinh lạc, can khí hoành nghịch. Mạch lạc của can đởm mất hòa giáng gây ra đau.
Khí uất, khí trệ: Do tình chí bị kích thích hoặc no đói thất thường ảnh hưởng đến sơ tiết can khí gây can khí uất kết.
Hỏa uất: Do can khí uất kết lâu ngày hóa hỏa hoặc tà uất thiếu dương ảnh hưởng đến sự sơ tiết của can.
Huyết ứ: Do sang chấn hoặc khí trệ lâu ngày dẫn đến huyết ứ gây ra đau.
Thấp nhiệt: Thấp nhiệt ở trung tiêu ôn kết lại làm can đởm sơ tiết mất điều đạt gây ra đau.
CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Với mỗi thể lâm sàng, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.
Thể phong hàn
Triệu chứng:
Đau liên sườn dọc theo đường đi của dây thần kinh, đau nhất ở vùng rễ sau lưng, đường nách giữa, sau ức đòn, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch phù.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.
Chẩn đoán kinh lạc: Kinh thiếu dương.
Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong hàn).
Pháp:
Khu phong, tán hàn, thông kinh lạc.
Điều trị:
Điều trị dùng thuốc
Thuốc uống trong:
Cổ phương: Can khương thương truật thang
Can khương | 08g | Quế chi | 08g |
Thương truật | 08g | Ý dĩ | 08g |
Cam thảo | 06g | Bạch linh | 12g |
Xuyên khung | 16g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
Thuốc dùng ngoài:
Ngải cứu tươi 100g sao với muối chườm, tại chỗ đau.
Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.
Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều trị không dùng thuốc:
Châm hoặc cứu: châm tả các huyệt:
Tại chỗ:
A thị vùng rễ thần kinh bị tổn thương
Hoa đà giáp tích vùng liên sườn bị đau
Chương môn (LR.13) | Kỳ môn (LR.14) |
Thiên trì (PC.1) | Đại bao (SP.21) |
Can du (BL.18) | Đởm du (BL.19) |
Toàn thân:
Nội quan (PC.6) | Khúc trạch (PC.3) |
Ngoại quan (TE.5) | Chi câu (TE.6) |
Hành gian (LR.2) | Dương lăng tuyền (GB.34) |
Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm.
Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
Hoặc cấy chỉ vào các huyệt:
A thị huyệt | Nội quan (PC.6) |
Chương môn (LR.3) | Thiên trì (PC.1) |
Hành gian (LR.2) | Đại bao (SP.21) |
Chi câu (TE.6) | Kỳ môn (LR.14) |
Phong long (ST.40) | Can du (BL.18) |
Thái khê (KI.3) | Huyết hải (SP.10) |
Tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng 15 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.
Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật Miết dọc theo liên sườn; bấm các huyệt A thị, Giáp tích và du huyệt tương ứng vùng liên sườn đau. Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.
Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như điện châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 – 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 10 đến 15 ngày.
Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.
Xông thuốc vùng liên sườn bằng máy.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
Can khí uất kết
Triệu chứng:
Đau vùng hạ sườn, điểm đau không cố định, thậm chí đau như bó chặt vùng ngực sườn xuyên ra lưng và vai, đau tăng khi tình chí kích động. Tinh thần uất ức hay cáu gắt, cảm giác bí bách trong ngực, hay thở dài, ợ hơi, bụng chướng không muốn ăn. Lưỡi rêu mỏng. Mạch huyền hoặc huyền sác.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bát cương: Lý thực.
Chẩn đoán tạng phủ: Can khí uất.
Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).
Pháp:
Sơ can lý khí.
Điều trị:
Điều trị dùng thuốc:
Thuốc uống trong:
Cổ phương: Sài hồ sơ can tán
Sài hồ | 10g | Hương phụ | 15g |
Chỉ xác | 12g | Xuyên khung | 12g |
Bạch thược | 15g | Trần bì | 12g |
Cam thảo | 06g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
Thuốc dùng ngoài:
Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.
Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều trị không dùng thuốc:
Châm tả các huyệt giống thể Phong hàn.
Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.
Hoặc cấy chỉ vào các huyệt giống thể Phong hàn.
Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, xông thuốc giống thể Phong hàn.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
Can uất hóa hỏa
Triệu chứng:
Vùng sườn cảm giác nóng rát, đau, tình chí không yên, dễ cáu, đầu đau mặt đỏ, tai ù, tâm phiền mất ngủ, ợ chua, miệng đắng mà khô, đại tiện nóng rát, chất lưỡi đỏ, rêu vàng. Mạch huyền sác.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.
Chẩn đoán tạng phủ: Can uất hóa hỏa.
Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).
Pháp:
Thanh can tả hỏa.
Điều trị:
Điều trị dùng thuốc:
Thuốc uống trong:
Cổ phương: Đan chi tiêu dao
Đan bì | 12g | Chi tử | 12g |
Sài hồ | 10g | Bạch thược | 12g |
Đương quy | 12g | Phục linh | 12g |
Bạch truật | 12g | Bạc hà | 04g |
Sinh khương | 04g | Cam thảo | 06g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
Thuốc dùng ngoài:
Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.
Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều trị không dùng thuốc:
Châm tả các huyệt:
Tại chỗ: giống thể Phong hàn.
Toàn thân:
Nội quan (PC.6) | Khúc trạch (PC.3) |
Ngoại quan (TE.5) | Chi câu (TE.6) |
Huyết hải (SP.10) | Thái xung (LR.3) |
Hành gian (LR.2) | Dương lăng tuyền (GB.34) |
Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.
Hoặc cấy chỉ vào các huyệt trên.
Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
Tà uất thiếu dương
Triệu chứng:
Ngực sườn chướng, đau, hàn nhiệt vãng lai, đau đầu chóng mặt, miệng đắng họng khô, ăn kém, tâm phiền buồn nôn, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng hơi bẩn. Mạch huyền sác.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bát cương: Bán biểu bán lý.
Chẩn đoán kinh lạc: Kinh thiếu dương.
Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân.
Pháp:
Hòa giải thiếu dương.
Điều trị:
Điều trị dùng thuốc:
Thuốc uống trong:
Cổ phương: Tiểu sài hồ thang
Sài hồ | 10g | Bán hạ chế | 12g |
Đảng sâm | 15g | Hoàng cầm | 12g |
Sinh khương | 06g | Đại táo | 12g |
Cam thảo | 06g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
Thuốc dùng ngoài:
Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.
Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều trị không dùng thuốc:
Châm tả các huyệt
Tại chỗ: giống thể Phong hàn.
Toàn thân:
Nội quan (PC.6) | Khúc trạch (PC.3) |
Ngoại quan (TE.5) | Chi câu (TE.6) |
Hành gian (LR.2) | Túc tam lý (ST.36) |
Phong long (SP.40) |
Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.
Cấy chỉ vào các huyệt trên.
Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
Huyết ứ
Triệu chứng:
Vùng mạng sườn đau như kim châm, đau cố định, đau tăng về đêm, có thể có vết sang thương, lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết. Mạch trầm sáp hoặc huyền sáp.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bát cương: Lý thực.
Chẩn đoán tạng phủ: Huyết ứ.
Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.
Pháp:
Hóa ứ thông lạc.
Điều trị:
Điều trị dùng thuốc:
Thuốc uống trong:
Cổ phương: Huyết phủ trục ứ thang
Đương quy | 12g | Sinh địa | 12g |
Đào nhân | 06g | Hồng hoa | 06g |
Sài hồ | 10g | Xuyên khung | 12g |
Ngưu tất | 12g | Xích thược | 10g |
Cát cánh | 06g | Chỉ xác | 08g |
Cam thảo | 06g |
Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
Thuốc dùng ngoài:
Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.
Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều trị không dùng thuốc:
Châm tả các huyệt
Tại chỗ: giống thể Phong hàn
Toàn thân:
Nội quan (PC.6) | Khúc trạch (PC.3) |
Ngoại quan (TE.5) | Chi câu (TE.6) |
Thái xung (LR.3) | Hành gian (LR.2) |
Huyết hải (SP.10) | Cách du (BL.17). |
Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.
Hoặc cấy chỉ vào các huyệt trên.
Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
Can đởm thấp nhiệt
Triệu chứng:
Sườn đau miệng đắng, ngực bụng đầy chướng, ăn kém, tiểu tiện ngắn đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng bẩn. Mạch hoạt sác.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt.
Chẩn đoán tạng phủ: Can đởm thấp nhiệt.
Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân (nội thương).
Pháp:
Thanh nhiệt lợi thấp.
Điều trị:
Điều trị dùng thuốc
Thuốc uống trong:
Cổ phương: Long đởm tả can thang
Long đởm thảo | 15g | Chi tử | 12g |
Hoàng cầm | 12g | Sài hồ | 10g |
Sinh địa | 12g | Xa tiền tử | 15g |
Trạch tả | 15g | Đương qui | 12g |
Mộc thông | 12g | Cam thảo | 05g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Đối pháp lập phương: Lựa chọn các vị thuốc thuộc các nhóm thuốc theo pháp điều trị.
Thuốc dùng ngoài:
Cồn xoa bóp xoa tại chỗ đau.
Hoặc các bài thuốc xông, các bài thuốc dùng ngoài của các cơ sở khám chữa bệnh đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều trị không dùng thuốc:
Châm tả các huyệt
Tại chỗ: giống thể Phong hàn.
Toàn thân: giống thể Tà uất thiếu dương.
Kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm.
Hoặc cấy chỉ vào các huyệt giống thể giống thể Phong hàn.
Xoa bóp bấm huyệt, thủy châm giống thể Phong hàn.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI
Nguyên tắc điều trị:
Điều trị nguyên nhân.
Điều trị triệu chứng: Giảm đau, giãn cơ, tăng dẫn truyền thần kinh ngoại biên, an thần.
Điều trị cụ thể
Điều trị nguyên nhân:
Tùy theo nguyên nhân điều trị theo phác đồ của YHHĐ.
Do thoái hóa cột sống: Thuốc điều trị thoái hóa khớp theo cơ chế bệnh sinh.
Do vi rút (zona): Thuốc kháng vi rút.
Điều trị triệu chứng
Điều trị dùng thuốc
Thuốc giảm đau: chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Tùy theo tình trạng đau mà điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.
Chống viêm không steroid (NSAIDs): không được phối hợp hai loại thuốc trong nhóm.
Thuốc giãn cơ.
Trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau thần kinh.
Kết hợp thuốc an thần, thuốc ức chế trầm cảm khi cần thiết.
Điều trị không dùng thuốc
Chiếu đèn hồng ngoại, đắp parafin giúp giãn cơ, giảm đau.
Điện xung, điện phân, siêu âm giúp tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ giảm đau.
PHÒNG BỆNH
Nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng phòng tránh zona thần kinh.
Giáo dục người bệnh: Tránh cho cột sống bị quả tải bởi vận động và trọng lượng, tránh các động tác nhanh mạnh đột ngột (bê mang vác quá nặng, vặn người…).
Phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt.
Bổ sung đầy đủ Canxi và vitamin D, phòng tránh loãng xương đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh.
Để lại một phản hồi