ĐẠI THỪA KHÍ THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Đại hoàng 8 – 16g
Hậu phác 8 – 16g
Mang tiêu 6 – 12g
Chỉ thực 8 – 16g
Cách dùng:
Ngày dùng 1 thang sắc uống. Cho Hậu phác và Chỉ thực nấu sôi 5 – 10 phút, cho Đại hoàng vào sắc tiếp rồi đổ ra lọc bỏ bã, cho Mang tiêu hoặc Huyền minh phấn (là chất tinh chế Mang tiêu) trộn tan, đem dùng. Sau khi uống 2 – 3 giờ vẫn chưa thấy “tả hạ” thì uống nước thứ hai, nếu không đại tiện được thì ngưng thuốc.
Tác dụng: Công hạ nhiệt tích ở Đại tràng, tả hỏa giải độc tiết nhiệt lợi đờm, tiêu trừ bỉ mãn.
Giải thích bài thuốc:
Đại hoàng tính đắng hàn tả nhiệt thông tiện ở đại tràng là chủ dược.
Mang tiêu tính mặn hàn tả nhiệt, nhuyễn kiên, nhuận táo, trừ tích.
Chỉ thực, Hậu phác: tiêu bỉ, trừ mãn, hành khí, tán kết.
Các vị thuốc hợp lại có tác dụng chung là tuấn hạ nhiệt kết.
Ứng dụng lâm sàng:
Chỉ định bài thuốc là các chứng bỉ, mãn, táo thực chứng, mạch có lực.
- Bài thuốc được sử dụng trong trường hợp bệnh nhiễm (thương hàn ôn bệnh) có chứng dương minh phủ. Triệu chứng: đại tiện táo kết, bụng đầy ấn đau, hôn mê nói sảng, sốt cao về chiều, rêu lưỡi vàng dày khô, mạch trầm thực.
- Trường hợp “nhiệt kết bàn lưu” bệnh nhân tiêu chảy nước trong hôi thối, bụng đầy đau, mồm khô lưỡi táo, mạch hoạt sác hoặc chứng nhiệt quyết co giật cuồng hỏa, thuộc chứng lý thực nhiệt.
- Trên lâm sàng thường dùng bài thuốc để trị các bệnh viêm túi mật cấp, viêm ruột thừa cấp và một số bệnh nhiễm trùng sốt cao, hôn mê co giật, bụng đầy táo bón, mạch có lực, có thể gia giảm tùy theo triệu chứng lâm sàng.
- Bài thuốc có tác dụng tả hạ mạnh cho nên không dùng trong các trường hợp khí âm hư không có nhiệt kết ở trường vị, phụ nữ có thai. Lúc sắc thuốc phải chú ý sắc Chỉ thực, Hậu phác trước rồi mới cho Đại hoàng sau đó mới cho Mang tiêu để uống vì Đại hoàng, Mang tiêu sắc lâu sẽ giảm bớt tác dụng tả hạ.
- Trên thực nghiệm cho thấy bài thuốc có tác dụng tăng cường nhu động ruột, cải thiện tuần hoàn máu, và làm giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch.
Để lại một phản hồi