Mất kinh (bế kinh) là sự bất thường của cơ quan sinh sản, thường gặp ở người khí huyết không điều hòa. Biểu hiện kinh lúc đầu không đều, ít dần, rồi tắt hẳn trên 6 tháng gọi là vô kinh thứ phát. Nếu người gầy khô khan hay nóng, khó ngủ về đêm là huyết hư. Nếu ăn ngủ kém da tái mét hoặc kinh màu lợt là tỳ khí hư. Người mập đẫy đà, ăn tốt, tự nhiên mất kinh là đàm thấp huyết trệ.
Theo Đông y “Phụ nữ hiếm muộn do bế kinh, mất kinh phần nhiều do âm huyết bất túc hỏa thịnh, huyết hải khô cạn, vì tỳ hư không sinh huyết, điều huyết, vì đàm trệ huyết mạch không thông, vì tràng vị khô ráo”.
Phép trị bổ huyết, điều kinh, kiện tỳ, dưỡng tâm, ích khí, hóa đàm, thông trệ, hàn thì ôn, nhiệt thì thanh…
Sách cho rằng: “Nếu vì buồn phiền, lo lắng, suy nghĩ thái quá thương tâm, tâm âm hao tổn, tâm huyết bất túc, vinh huyết bất túc thì huyết hải khô cạn, sinh bế kinh, mất kinh, vô sinh. Cũng có khi kinh nguyệt không thông vì mạch bào cung bị bế tắc, mạch bào cung thuộc tâm, mà mạch lạc chảy vào bào cung, nay vì khí bức lên phế, tâm khí không thông xuống dưới mà bế kinh mất kinh”.
Tài liệu gần đây còn cho rằng bế kinh do suy buồng trứng sớm dẫn đến teo bộ phận sinh dục, rối loạn tình dục, lão hóa sớm.
Bế kinh mất kinh không điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng khó có con hoặc thậm chí là vô sinh, hiếm muộn. Dưới đây phương thuốc chữa bế kinh, hiếm muộn theo thể chứng giúp tăng cường kháng thể cho phụ nữ rất tốt.
1. Trị hiếm muộn – vô sinh do bế kinh, mất kinh thể “huyết hư suy”
Nếu người gầy khô khan thì dùng bài Tứ vật thang “Hòa tễ cục phương” gia giảm gồm: Thục địa 40g, đương quy 20g, xuyên khung 20g, bạch thược sao 14g.
Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm.
Tác dụng: Trị chứng hiếm muộn, vô sinh do huyết hư, vì kinh bế, kinh nguyệt không đều, kinh ít. Bài chủ yếu bổ huyết, hòa huyết, điều kinh… Khi huyết đầy đủ thì hỏa giáng, như vậy can tàng huyết điều huyết, tỳ nhiếp huyết, huyết hải từ đó mà đầy đủ, kinh đều, dễ có thai.
Gia giảm: Nếu đau bụng huyết ứ gia hồng hoa, đào nhân là bài “Tứ vật đào hồng”. Nóng lúc sốt lúc lạnh gia sài hồ, thanh bì. Hàn nhiều gia quế, hương phụ. Ăn kém tỳ hư gia bạch truật, phục linh. Mệt mỏi khí hư gia nhân sâm, hoàng kỳ. Người gầy nóng lâu ngày phối hợp bài “Bổ âm dưỡng huyết thang”.
Kiêng kỵ: Chứng kinh sau kỳ do khí huyết hư hàn. Chứng tỳ hư đại tiện lỏng, chứng kinh ít màu lợt “hỏa hư” mạch trầm trì.
2. Trị hiếm muộn – vô sinh do bế kinh, mất kinh thể “Tâm tỳ hư”
Nếu ăn ngủ kém dùng bài Bổ tâm tỳ điều kinh thang “Theo luận trị” gồm: Nhân sâm 14g, thục địa 20g, bạch truật 12g, đương quy 20g, phục linh 16g, chích kỳ 12g, viễn chí 12g, táo nhân sao 12g, bạch thược sao 14g, chích thảo 6g, sinh khương 12g.
Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm.
Công dụng: Trị chứng hiếm muộn do bế kinh, mất kinh vì tâm tỳ hư… Bài chủ yếu kiện tỳ, dưỡng tâm, ích khí, dưỡng huyết… Tỳ là gốc của sự sinh hóa tạo huyết, nhíp huyết, khi tâm tỳ, hòa bình ăn ngủ tốt, nguồn huyết hậu thiên nhờ đó mà đầy đủ, và huyết hải nhờ đó tràn đầy, kinh nguyệt tốt ra đúng lệ thường”.
Gia giảm: Nếu miệng khô khát tỳ âm hư gia sinh địa, mạch môn. Tâm phiền bứt rứt gia bá tử nhân. Người nóng lạnh can uất gia sài hồ. Kinh lợt gia nhục quế. Khó ngủ âm hư gia liên nhục. Đau bụng có huyết ứ gia đào nhân, hồng hoa. Ăn ngủ kém phối hợp bài “Quy tỳ thang”.
Kiêng kỵ: Chứng huyết nhiệt kinh nguyệt trước ngày định kỳ, chứng huyết ứ, kinh màu tím, huyết cục.
3. Trị hiếm muộn – vô sinh do bế kinh, mất kinh thể “đàm thấp ứ trệ”
Nếu người mập mạp mà tự nhiên bế kinh dùng bài Hậu phác nhị trần thang “Đơn Kê Phương” gia giảm gồm: Trần bì 16g, bán hạ 12g, phục linh 20g, hậu phác 16g, chích thảo 8g, sinh khương 14g.
Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống ấm.
Tác dụng: Hành khí hóa thấp… Chữa chứng bế kinh mất kinh hiếm muộn vì ăn uống bổ béo, người mỡ nhiều gắn chặt, che lấp kinh lạc mà bế kinh, mất kinh, chứng đàm thấp, ủng tắc kinh mạch, chứng nhiều đàm ngực sườn bụng đầy tức.
Gia giảm: Nếu khí uất bụng đầy tức gia hương phụ, ô dược, huyền hồ, trạch lan. Đau bụng do huyết bế gia nga truật, đan sâm, thanh bì. Bụng lạnh đau do hàn tà gia sa nhân, thương truật, nhục quế. Mệt mỏi khí hư gia nhân sâm, hoàng kỳ. Kinh không đều, hiếm muộn phối hợp bài “Điều kinh thăng dương trừ thấp thang”.
Kiêng kỵ: Chứng mất kinh, bế kinh mà người gầy âm huyết hư, chứng tỳ khí hư ăn kém, chứng vị nhiệt cầu táo khó, miệng khô khát, mạch trầm.
Để lại một phản hồi