Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em

Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp

Bệnh viêm tụy cấp ở trẻ đang là mối quan tâm lớn đối với các bậc phụ huynh. Đặc biệt, khi bệnh nhi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm.

1. Nhận biết trẻ bị viêm tụy

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm của tuyến tụy dẫn đến các tế bào nang tuyến bị tổn thương do sự tiêu hủy của các men tụy.

Bệnh viêm tụy cấp ở trẻ em thường có liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Diễn tiến bệnh có thể nhẹ, tự khỏi cho đến rất nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Thông thường khi trẻ bị viêm tụy cấp đều có biểu hiện đau bụng, thường sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ. Trẻ bị đau quanh rốn hoặc đau ở vùng trên rốn, cơn đau tăng dần, đặc biệt là đau nhiều hơn sau khi ăn. Trẻ bị viêm tụy cấp có thể có nôn nhiều, mệt, dấu hiệu mất nước rõ, ăn ít.

Sau quai bị có thể có biến chứng viêm tụy cấp; vì thế, khi con bị quai bị, cha mẹ cần chú ý.

2. Chẩn đoán viêm tuyến tụy ở trẻ

Trẻ bị đau bụng
Trẻ có thể bị đau bụng dữ dội hoặc từ từ

Viêm tụy cấp triệu chứng như thế nào?

  • Đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần. Trong trường hợp cơn đau xảy ra đột ngột thì đây là một dấu hiệu thường gặp trong các trường hợp nặng. Còn khi cơn đau diễn tiến từ từ, bệnh có thể khởi đầu nhẹ.
  • Những cơn đau thường tập trung ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái, có thể lan ra sau lưng.
  • Đau thường kéo dài trong vài ngày.
  • Xuất hiện cơn đau khi ăn và tăng lên khi nằm ngửa.

Viêm tụy mạn triệu chứng như thế nào?

  • Bệnh nhi có cảm giác đau ở phần giữa và phần trên lưng và bụng.
  • Có dấu hiệu bị suy kiệt, suy dinh dưỡng.
  • Trẻ cũng có thể bị phình bụng và sốt.

Thông thường, triệu chứng của viêm tụy mạn tính khá mơ hồ, khó nhận biết hơn thể cấp tính rất nhiều.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp ở trẻ.

Xét nghiệm máu

  • Công thức máu: Trong viêm tụy cấp thì bạch cầu có thể tăng, Hematocrit có thể giảm
  • Chỉ số Amylase/ máu tăng trên 3 lần trị số bình thường, tăng đến mức tối đa và có thể kéo dài từ 3 – 5 ngày. Tuy nhiên chỉ số Amylase/máu tăng cao thường không thể hiện mức độ nặng của bệnh
  • Amylase/nước tiểu tăng trên 2 tuần, chỉ số này chỉ có giá trị khi Amylase/máu tăng chưa đến 3 lần so với giá trị bình thường
  • Lipase/máu tăng gấp 3 lần so với bình thường, có độ đặc hiệu cao hơn Amylase/máu
  • Ion đồ, khí máu, đường huyết, urê/máu, creatinin/máu, triglyceride, LDH,… được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ bệnh nặng
  • Cấy máu: Khi nghi ngờ nhiễm trùng hoặc có hoại tử tụy.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm bụng có giá trị trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Có khoảng 20% trường hợp viêm tụy cấp có hình ảnh siêu âm bình thường lúc khởi đầu.
  • X-quang bụng không sửa soạn: khi cần phân biệt bệnh tắc ruột hay thủng ruột.
  • Chụp CT bụng.

3. Điều trị viêm tụy cấp ở trẻ em

Khám nhi Vinmec Times City
Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp ở trẻ em được điều trị bằng cách đặt ống vào dạ dày để rút dịch. Bệnh nhi sẽ phải nhịn ăn, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch hoặc đặt ống xông đặc biệt qua dạ dày trong suốt thời gian điều trị.

Sau đó, bệnh nhi sẽ được bù dịch, bệnh nhi có thể phải dùng kháng sinh nếu bệnh ở mức độ nặng. Thời gian nằm viện của trẻ sẽ rất lâu, có thể cả tháng.

Đặc biệt, bệnh nhi có thể phải dùng tới biện pháp phẫu thuật khi:

  • Viêm tụy hoại tử kèm ói nhiều, chướng bụng đau khi ấn, vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc.
  • Áp xe tụy kích thước > 3 cm.
  • Viêm tụy xuất huyết.
  • Nang giả tụy tăng kích thước nhanh hoặc kích thước > 5 cm hoặc tồn tại > 4 tuần.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*