Rất nhiều người băn khoăn không biết dựa vào dấu hiệu, triệu chứng nào để biết mình bị lao, hay cần phải làm những xét nghiệm chẩn đoán nào để biết chính xác tình trạng lao phổi của mình.
1. Triệu chứng của lao phổi
Các triệu chứng thường gặp của lao phổi là:
- Bị ho kéo dài trong 2 – 3 tuần hoặc hơn có thể nhiễm lao phổi
- Ho, khạc ra đờm từ sâu trong phổi, đôi khi vướng máu
- Đau tức ngực
- Ăn mất ngon, sụt cân
- Cảm giác yếu sức, mệt mỏi
- Thỉnh thoảng sốt
- Đổ mồ hôi về đêm
- Sưng tấy ở cổ, nách, háng…
Không phải bệnh nhân bị lao đều có tất cả các triệu chứng kể trên, nhiều người chỉ xuất hiện một vài triệu chứng nhẹ. Ngoài ra các dấu hiệu này cũng thường gặp ở nhiều loại bệnh khác không phải lao. Do vậy để biết một cách chính xác mình có phải đã mắc lao hay không, bạn nên làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt tại cơ sở y tế.
2. Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi
2.1 Các xét nghiệm cần làm
Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm tiêm dưới da để tìm bệnh lao (còn được gọi là xét nghiệm Mantoux), được thực hiện bằng cách tiêm một lượng Tuberculin nhỏ và an toàn dưới da ở bên trong cánh tay. Xét nghiệm này có thể cho biết bạn có thể đã bị nhiễm vi trùng lao hay chưa bằng kết quả là dương tính hoặc âm tính.
- Xét nghiệm máu hoặc làm thêm xét nghiệm chích tuberculin dưới da để giúp diễn dịch kết quả của lần xét nghiệm đầu tiên.
- Chụp x- quang lao phổi để nhận rõ các dấu hiệu của bệnh lao phổi.
2.2 Kết quả xét nghiệm
Lao phổi âm tính là gì? Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện lao phổi âm tính, bạn nên xét nghiệm lại vào lần tiếp theo khoảng 2-3 tháng sau. Nguyên do là sau khi tiếp xúc với khuẩn lao thì phải mất vài tuần sau đó hệ thống miễn dịch mới có phản ứng với việc xét nghiệm tiêm dưới da. Nếu sau khi kiểm tra lại kết quả vẫn âm tính thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì không bị nhiễm lao phổi.
Lao phổi dương tính là gì? Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện lao phổi dương tính, nghĩa là bạn đã nhiễm vi trùng lao và sẽ được chỉ định khám với bác sĩ chuyên khoa để thực hiện các chẩn đoán tiếp theo bằng khám lâm sàng, cận lâm sàng để xác định chính xác kết quả bạn bị nhiễm lao phổi không và tình trạng như thế nào.
Lao phổi dương tính cũng chưa chắc chắn bạn bị nhiễm lao phổi, có thể bạn mới bị nhiễm vi trùng lao phổi chưa phát triển, tuy nhiên điều này có nguy cơ bạn sẽ nhiễm bệnh lao phổi trong tương lai khi các vi trùng này phát triển thành bệnh. Khi phát hiện có vi trùng lao phổi trong cơ thể, bạn cần được điều trị để ngăn ngừa sự phát triển thành bệnh dưới sự chỉ định của bác sĩ.
3. Phòng ngừa bệnh lao phổi
- Tiêm phòng bệnh lao phổi BCG
- Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
- Che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch sẽ thường xuyên
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân
- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ
- Không ngủ cùng phòng với người bệnh, nơi đông người…
Khi thấy các dấu hiệu của cơ thể nghi ngờ bệnh lao phổi, bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy bạn thực sự mắc lao phổi cũng không nên quá lo lắng, bởi đây là bệnh có thuốc chữa và có thể chữa khỏi. Quan trọng nhất là trong quá trình sinh hoạt, làm việc hằng ngày hãy tự bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng ngừa lao phổi.
Để lại một phản hồi