Cây Bồ bồ: Thảo dược quen thuộc với công dụng bất ngờ

Cây bồ bồ còn có tên khác là Chè đồng, Chè nội, Chè cát. Cây có tên khoa học là Adenosma indianum (Lour.) Merr, thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Theo Đông y, Bồ bồ có vị cay, hơi đắng, được dùng chữa sốt, viêm gan, vàng da… 

1. Giới thiệu chung về cây Bồ bồ

1.1. Mô tả

Đây là cây thảo, sống một năm, cao 20 – 60cm, có nhiều lông. Thân hình trụ, cứng, mọc đứng, đơn hoặc phân nhánh. Lá mọc so le, hình bầu dục, dài 2 – 6cm, mép có răng cưa tròn, gân nổi rõ ở mặt dưới, cuống ngắn.

Cụm hoa mọc thành bông, thường có hình cầu, bao bọc bởi tổng bao nhiều lá bắc dạng lá ở bên dưới, có lông như len màu trắng, dài có 5 răng nhọn, gần đều, tràng màu xanh lơ nhẵn.

Quả nang nhẵn, hình trứng, dài 3 – 4mm, có mũi nhọn ngắn, hạt nhỏ, nhiều.

Ở miền Nam, nhân dân thường dùng tên Bồ bồ để gọi cây Thạch xương bồ. Người dùng cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

Hoa cây Bồ bồ
Hoa cây Bồ bồ

1.2. Phân bố, sinh thái

Bồ bồ là cây ưa sáng, có thể hơi chịu hạn. Cây thường mọc thành đám trên các vùng đồi thấp và bờ nương rẫy ở vùng trung du phía Bắc. Có nhiều ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Hiện nay chưa thấy cây mọc ở các tỉnh phía Nam. Cây còn phân bố ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia.

1.3. Bộ phận dùng

Có thể dùng phần thân cành mang lá, hoa đã phơi khô.

1.4. Thành phần hóa học

Trong cây có chứa 0,7% tinh dầu, saponin, glucosid và 1,67% kalinitrat. Ngoài ra, cây còn chứa saponin triterpen và flavonoid.

2. Tác dụng theo y học hiện đại

Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra nhiều công dụng của vị thảo dược này. Cây có nhiều tác dụng như lợi mật, chống viêm, kháng khuẩn, hiệu quả trong giảm viêm loét dạ dày. Cụ thể như sau:

2.1. Tác dụng lợi mật

Thí nghiệm trên chuột, cao cồn, cao nước và tinh dầu chiết từ Bồ bồ có tác dụng gây tăng tiết mật rõ nét. Trong đó, dạng cao cồn có tác dụng mạnh nhất. Cao cồn và tinh dầu của cây Bồ bồ còn có tác dụng tăng cường công năng thanh thải độc của gan.

Cây Bồ bồ có nhiều công dụng
Cây Bồ bồ có nhiều công dụng

2.2. Tác dụng chống viêm

Trên mô hình gây phù bàn chân chuột do tiêm nhũ dịch kaolin và trên mô hình gây u hạt thực nghiệm bằng cách cấy dưới da sợi amian, thảo dược đều có tác dụng chống viêm rõ rệt. Tham gia vào tác dụng chủ yếu này là những thành phần tan trong cồn và tan trong nước, còn tinh dầu không có tác dụng chống viêm.

2.3. Tác dụng kháng khuẩn

Cao cồn và cao nước của cây Bồ bồ có tác dụng ức chế sự phát triển của các khuẩn Shigella dysenteriae, Shigella shigae, Staphylococcus aureus và Streptococcus hemolyticus.

2.4. Tác dụng đối với dạ dày

Cây Bồ bồ có tác dụng làm giảm rõ rệt sự phân tiết dịch vị, giảm độ acid tự do và acid toàn phần. Trên mô hình gây loét dạ dày thực nghiệm ở chuột cống trắng, Bồ bồ có tác dụng làm giảm gây loét một cách rõ rệt.

2.5. Tác dụng diệt giun

Tinh dầu và nước cất từ Bồ bồ có tác dụng diệt giun đất, giun đũa và giun móc. Giun đất sau khi tiếp xúc với thuốc sẽ quằn quại trong vòng 5 – 10 phút rồi chết, còn giun đũa phải sau 2 – 3 tiếng mới chết.

2.6. Độc tính

Trên súc vật thí nghiệm, đã dùng liều cao gấp 20 lần liều có tác dụng, súc vật vẫn sống an toàn, chứng tỏ Bồ bồ không độc.

3. Tác dụng theo y học cổ truyền

Cây Bồ bồ có vị cay, hơi đắng, mùi thơm, tính ôn nhẹ, có công năng khử phong, giải biểu, làm ra mồ hôi, lợi tiêu hóa.

Bồ bồ được dùng chữa sốt, cảm cúm, viêm gan vàng da, tiêu hóa kém, viêm ruột, đau bụng, thuốc kích thích ăn ngon cho phụ nữ sau sinh.

Liều dùng: 15 – 30g/ngày, sắc nước uống.

4. Bài thuốc có cây Bồ bồ

Phòng và chữa cảm cúm

Bồ bồ (15g), sắc nước uống thay chè

Chữa tiêu hóa kém, đi ngoài, đầy bụng, sốt ho, đau đầu

Bồ bồ (15 – 30g), sắc nước uống trong ngày.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*