Cánh kiến trắng (bồ đề): từ loài cây quen thuộc đến vị thuốc Đông Y

Cánh kiến trắng là tên gọi khác của cây Bồ đề. Đây là một loại cây quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Trong Y học cổ truyền, người ta dùng nhựa của nó, tên là An tức hương, với tác dụng khai khiếu, trấn tĩnh, chữa ho.

1. Giới thiệu cây thuốc Cánh kiến trắng

Cánh kiến trắng, hay Bồ đề, có tên khoa học Styrax tonkinensis thuộc họ Bồ đề. Đây là cây gỗ cao tới 20m, chu vi có thể tới 130m. Nhánh hình trị màu nâu vàng, phủ lông hình sao màu hung vàng. Lá hình trứng, thuôn dài 4,5-13cm, rộng 2-8cm, gốc gần tròn hoặc hơi nhọn. Chóp có mũi nhọn, mép nguyên hay có răng, mặt trên màu xanh, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc. Hoa nhiều, màu trắng, có cuống 3-5mm. Đài hoa hình chén, phủ đầy lông hình sao.

Lá và hoa cây Cánh kiến trắng
Lá và hoa cây Cánh kiến trắng

Bồ đề mọc rải rác trong các khu rừng ở độ cao 1000-1800m, hoặc được trồng lấy bóng mát. Cây phân bố ở nhiều tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, …

2. Bộ phận dùng, thành phần hóa học cây Cánh kiến trắng

2.1. Bộ phận dùng

Dùng nhựa cây Cánh kiến trắng, có tên gọi là An tức hương (có tên là Benzoin Gum). Ngoài ra lá cũng được sử dụng.

Thu An tức hương tốt nhất vào lúc cây 10 tuổi, đường kính 20-25cm, đang ra hoa. Người ta tạo những vết cắt sâu trên các cành lớn và thân cây, để nhựa chảy ra và đông đặc thành phiến màu trắng vàng, dễ gãy, mùi vani.

Thu nhựa cây bằng cách tạo những vết cắt sâu trên các cành lớn và thân cây, để nhựa chảy ra và đông đặc lại
Thu nhựa cây bằng cách tạo những vết cắt sâu trên các cành lớn và thân cây, để nhựa chảy ra và đông đặc lại

2.2. Thành phần hóa học Cánh kiến trắng

Nhựa chứa 60-80% benzoat coniferyl, 2% cinnamat benzyl, 10-20% acid benzoic tự do, acid hydroxy-19 oleanolic. Gần đây người mới phân lập thêm 2 chất đặt tên là stytonkinol A và stytonkinol B.

2 hoạt chất mới được phân lập từ nhựa Cánh kiến trắng
Hai hoạt chất mới được phân lập từ nhựa Cánh kiến trắng

Nhựa bồ đề có tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn thông thường, và có tác dụng long đờm trên động vật thí nghiệm.

3. Tính vị và công dụng Cánh kiến trắng

3.1. Tính vị

Nhựa có vị cay, đắng, tính ấm, có tác dụng khai khiếu, trấn tĩnh, chữa ho. “Khai khiếu” là từ Y học cổ truyền dùng để chỉ tác dụng điều trị hôn mê, co giật, …

3.2. Công dụng Cánh kiến trắng

An tức hương dùng để chữa viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, ho, đau bụng, thổ tả, phụ nữ sau sinh mệt mỏi dễ ngất.

Dùng ngoài, An tức hương làm vết thương mau lành, chữa nẻ vú,

Ngoài ra còn giúp xua đuổi côn trùng, làm thức ăn chậm ôi thiu.

Mỗi ngày dùng 0,5 – 2g hòa với rượu uống hoặc chế dạng si rô. Có thể phối hợp các vị khác làm cao xoa bóp. Ngày nay, An tức hương chủ yếu được dùng trong ngành hương liệu, mỹ phẩm và công nghiệp thực phẩm.

4. Một số bài thuốc dùng nhựa Cánh kiến trắng

4.1. Chữa ho, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn

Nhựa Cánh kiến trắng mài với mật ong hoặc pha thành si rô, luyện thành viên uống.

Mỗi lần 0,5g, ngày 2-4 lần. Có thể đối nhựa rồi xông, khói vào mũi giúp long đờm, dễ thở, tỉnh ra.

4.2. Chữa trúng phong, hôn mê, đau bụng, nôn ói

Nhựa Cánh kiến trắng 2-4g sắc vài lần, chia thành 2-3 lần, uống trong ngày, hoặc mài 1-2g với rượu uống dần.

4.3. Làm mau lành vết thương, chữa nẻ vú

Nhựa Cánh kiến trắng 20% pha trong rượu hoặc cồn 70 độ, hoặc mài với mật ong rồi bôi.

4.4. Chữa viêm nha chu

Nhựa Cánh kiến trắng ngâm rượu ngậm.

4.5. Trị khí trệ làm đau ngực, đau bụng

An tức hương 12g, Đại hồi hương 12g, Hương phụ 20g, Sa nhân 20g, Cam thảo 20g, nghiền nhỏ, trộn lẫn, hòa với mật ong. Mỗi lần uống 4g.

5. Một số nghiên cứu về Cánh kiến trắng

Một nghiên cứu năm 2003 cho thấy tinh dầu của An tức hương có tác dụng kháng vi nấm, tác động lên nhiều loại nấm khác nhau. Và khi kết hợp nó làm tăng tác dụng kháng nấm của các thuốc kháng nấm thường dùng như Ketoconazole hay Amphotericin B. Nó còn có tác dụng kháng sinh, ức chế sự phát triển của Escherichia coli, là một vi khuẩn thường gây bệnh đường ruột.

Các tác dụng này giải thích kinh nghiệm dùng An tức hương chữa các bệnh viêm nhiễm trùng, đau bụng, tiêu chảy,…

Vị thuốc An tức hương
Vị thuốc An tức hương

Nghiên cứu trên chuột cho thấy An tức hương có tác dụng bảo vệ thần kinh, giảm tỷ lệ nhồi máu não. Trên mô hình chuột nhồi máu não, người ta cũng thấy tác dụng bảo vệ thần kinh của An tức hương, giúp giảm lượng tế bào não chết do thiếu máu. Kết quả này hứa hẹn tiềm năng về loại thuốc điều trị nhồi máu não. Tác dụng này tương tự với kinh nghiệm dùng An tức hương chữa trúng phong.

6. Kiêng kỵ

  • Theo Bản Thảo Phùng Nguyên: Người có khí hư, ăn ít, âm hư hỏa vượng không dùng.
  • Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Bệnh không liên hệ đến ác khí, không dùng.

Tóm lại, Cánh kiến trắng hay còn gọi là cây Bồ đề. Dùng nhựa cây, có tên trong Y học cổ truyền và An tức hương. Đây là vị thuốc có tác dụng trị các bệnh đường hô hấp, trị hôn mê, các bệnh ngoài da,… Nghiên cứu hiện đại cho thấy nó làm ức chế nhiều loại vi khuẩn và vi nấm cũng như tiềm năng trong bảo vệ não sau đột quỵ. Lưu ý không tự ý sử dụng vị thuốc để điều trị các bệnh lý cấp cứu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*