Các vị thuốc Thanh nhiệt

THUỐC THANH NHIỆT

ĐẠI CƯƠNG.

Định nghĩa.

Thuốc thanh nhiệt là những thuốc có tác dụng thanh giải nhiệt tà ở phần lý. 

Chỉ định chung

Thuốc thanh nhiệt điều trị các trường hợp tà khí ở biểu đã giải, nhiệt ở phần lý tích thịnh, ví như bệnh ngoại cảm, phát sốt, bứt dứt, khát nước (phiền khát), đại tiện phân lỏng nát lẫn nhầy máu mũi (thấp nhiệt tiết tả), phát ban, mụn nhọt sưng đau….

Chú ý khi dùng.

Thuốc thanh nhiệt tính mát lạnh (hàn lương), dễ gây tổn thương tỳ vị, nên  thận trọng dùng khi tỳ vị khí hư, ăn ít, đại tiện lỏng. 

Thuốc có tính lạnh dễ gây hoá táo thương âm, nên thận trọng dùng khi âm thịnh cách dương, chân hàn giả nhiệt.

Phân loại.

  1. Thanh nhiệt tả hoả.            
  2. Thanh nhiệt táo thấp.
  3. Thanh nhiệt lương huyết. 
  4. Thanh nhiệt giải độc.
  5. Thanh hư nhiệt  

THANH NHIỆT TẢ HOẢ.                                                                                                              

Nhiệt và hoả đều thuộc lục dâm, thuộc về dương tà. Nhiệt là cận của hoả, hoả là cực của nhiệt, nên thanh nhiệt và tả hoả 2 loại không thể phân biệt. Thuốc có tác dụng thanh nhiệt phần lớn đều có thể tả hỏa. Thuốc thanh nhiệt tả hoả lấy thanh tiết phần khí là chính, chủ yếu dùng trong nhiệt bệnh, tà nhập vào khí phận, biểu hiện là sốt cao, miệng khát, ra mồ hôi, bứt dứt không yên (phiền táo) thậm chí mê sảng, mạch hồng đại. Bản hư mà có lý nhiệt chứng thì nên chú ý phù chính khu tà phối hợp với thuốc bổ hư.

1. Thạch cao: bạch hổ, băng thạch, là khoáng thạch. 

Thạch cao (Gypsum) có công thức (CaSO4.2H2O).

Cách dùng: rửa sạch, tán nhỏ uống hoặc sắc uống. Khi nung lên không được uống mà chỉ được dùng ngoài. 

Tính vị: cay, ngọt, đại hàn. Qui kinh phế, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt tả hoả, trừ phiền chỉ khát, thu liễm sinh cơ.

Chỉ định:

Chứng sốt cao, phiền khát, thường dùng với tri mẫu như bài bạch hổ thang.

Điều trị ôn tà nhập huyết phận, gây phát ban chẩn, thường dùng cùng sinh địa như bài hóa ban thang.

Chứng phế nhiệt khái xuyễn

Điều trị mụn nhọt, lở loét lâu liền, thường dùng cùng với hoàng liên tán bột dùng ngoài.

Liều lượng: 15 – 60g.

Chú ý: cấm dùng khi tỳ vị hư hàn, âm hư nội nhiệt.

Tác dụng dược lý: rút ngắn thời gian ngưng huyết, tăng bài tiết dịch mật, lợi tiểu.

2. Tri mẫu.

Tri mẫu (Rhizoma Anemarrhenae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây tri mẫu Anemarrhena asphodeloides Bge, thuộc họ hành tỏi Liliaceae. 

Tính vị: đắng, ngọt, hàn. Qui kinh phế, vị, thận.

Tác dụng: thanh nhiệt tả hoả, tư âm nhuận táo.

Chỉ định:

Chứng phế vị thực nhiệt gây sốt cao, phiền khát, mạch hồng đại, thường phối hợp dùng với thạch cao như bài bạch hổ thang.

Chứng phế nhiệt khái thấu, đờm vàng dính, thường dùng cùng với qua lâu, bối mẫu, đởm nam tinh, hoặc âm hư ho khan, ít đờm thường dùng cùng với bối mẫu như bài nhị bối tán.

Chứng cốt trưng triều nhiệt, ra mồ hôi trộm (đạo hãn), tâm phiền (âm hư hỏa vượng) thường dùng cùng với thuốc dưỡng âm để tăng cường tư âm giáng hoả như bài tri bá địa hoàng hoàn.

Chứng âm hư tiêu khát, thường dùng cùng với thiên hoa phấn, cát căn như bài ngọc dịch thang. Điều trị chứng đại tiện táo bón thường phối hợp với hà thủ ô, đương qui, ma nhân để nhuận tràng thông tiện.

Liều dùng: 6 – 12g.

Chú ý: không dùng khi tỳ hư, đại tiện lỏng nát.

Tác dụng dược lý: hạ sốt, khứ đàm, lợi niệu, giảm đường máu, ức chế trực khuẩn lỵ, song cầu khuẩn.

3. Lô căn: lô vĩ.

Lô căn (Rhizoma Phragmitis) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây lô căn Phragmites communis (L.) Trin, thuộc họ hòa thảo (họ lúa) Gramineae.

Tính vị: ngọt, hàn. Qui kinh phế, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt sinh tân, trừ phiền chỉ ẩu.

Chỉ định:

Chứng nhiệt bệnh phiền khát, lưỡi táo ít tân, thường dùng cùng với thiên hoa phấn, mạch môn.

Chứng  vị nhiệt buồn nôn, thường phối hợp  với trúc nhự, nước gừng.

Chứng phế nhiệt khái thấu, đờm vàng dính, thường dùng cùng với qua lâu, bối mẫu, hoàng cầm. Điều trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt, ho, thường phối hợp với tang diệp, cúc hoa, cát cánh như bài tang cúc ẩm. Ngoài ra lô căn còn có tác dụng lợi niệu, thấu chẩn, tiểu tiện ít, đỏ, đái buốt thường dùng cùng với bạch mao căn, sa tiền tử. Điều trị ban chẩn không mọc thường dùng cùng với bạc hà, thuyền thoái.

Liều dùng: 5 – 30g.

Chú ý: cấm dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm chứng minh lô căn có tác dụng ức chế liên cầu tan huyết β.

4. Thiên hoa phấn.

Thiên hoa phấn (Rhizoma Trichosanthis) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây qua lâu Trichosanthes kirilowii Maxim, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae.

Tính vị: ngọt, hơi đắng, hơi hàn. Qui kinh phế, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt sinh tân, nhuận phế nhuận táo, giải độc tiêu ung.

Chỉ định:

Chứng nhiệt bệnh thương tân, miệng khô phiền khát, thường dùng cùng với lô căn, sơn dược như bài ngọc dịch thang.

Chứng phế nhiệt táo khái: ho khan ít đờm, trong đờm lẫn máu, thường dùng cùng với thiên môn, mạch môn, sinh địa như bài tư táo ẩm.

Chứng mụn sưng loét: thiên hoa phấn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng bài nùng, thường dùng cùng với kim ngân hoa, bạch chỉ, xuyên sơn giáp như bài tiên phương hoạt mệnh ẩm.

Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Kỵ ô đầu.

Tác dụng dược lý: tác dụng trực tiếp đến sự nuôi dưỡng tế bào tầng ở nhau thai gây ra hoại tử, dễ gây ra thai chết lưu hoặc sảy thai. Liều cao có thể gây ra hoại tử tế bào gan thận. Có tác dụng nhất định trong chống ung thư. ức chế liên cầu tan huyết, song cầu khuẩn, TK bạch hầu. Gần đây phát hiện thiên hoa phấn có tác dụng ức chế AIDS, nâng cao khả năng miễn dịch, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân AIDS.

5. Trúc diệp: lá tre hay lá vầu.

Trúc diệp (Folium Phyllostachis) là lá tươi hoặc phơi khô của cây tre, vầu Phyllostachys nigra (Lodd.) Munro var. henonis (Mitf.) Stapf ex Rendle, thuộc họ lúa Gramineae.

Tính vị: ngọt, cay, đạm, hàn. Qui kinh tâm, vị, tiểu trường.

Tác dụng: thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân lợi niệu.

Chỉ định:

Chứng nhiệt bệnh phiền khát, thường dùng cùng với thạch cao, mạch môn, nhân sâm  như bài trúc diệp thạch cao thang. Điều trị ngoại cảm phong nhiệt, phiền nhiệt miệng khát, thường dùng cùng với ngân hoa, liên kiều, bạc hà như bài ngân kiều tán.

Chứng tâm hoả thượng viêm, miệng lưỡi lở loét, thậm chí tâm di nhiệt xuống tiểu trường gây ra chứng tiểu tiện ngắn đỏ, đau buốt, thường dùng cùng với mộc thông, sinh địa, cam thảo như bài đạo xích tán.

Liều dùng: 6 – 15g. Dùng tươi 15 – 30g.

Chú ý: cấm dùng trong âm hư hoả vượng, cốt trưng triều nhiệt.

6. Đạm trúc diệp: cỏ lá tre.

Đạm trúc diệp (Herba Lophatheri) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây đạm trúc diệp Lophatherum gracile Brongn, thuộc họ lúa Gramineae.

Tính vị: ngọt, đạm, hàn. Qui kinh tâm, vị, tiểu trường.

Tác dụng: thanh nhiệt trừ  phiền, thông lợi tiểu tiện.

Chỉ định:

Chứng  nhiệt bệnh phiền khát, thường dùng cùng với thạch cao, lô căn.

Chứng tâm hoả tích thịnh, miệng lưỡi loét, di nhiệt xuống tiểu trường gây ra chứng đái buốt, đái dắt, thường dùng cùng đăng tâm thảo, hoạt thạch, bạch mao căn.

Điều trị chứng thủy thũng, tiểu ít, thường dùng cùng với nhân trần, hoàng cầm, chi tử.

Liều dùng: 10 – 15g.

7. Chi tử.

Chi tử ( Fructus Gardeniae) là quả chín phơi khô của cây dành dành (sơn chi tử) Gardenia jasminoides Ellis, thuộc họ Cà phê Rubiaceae.

Tính vị: đắng, hàn. Qui kinh tâm, can, phế, vị, tam tiêu.

Tác dụng: tả hỏa trừ phiền, thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc, tiêu thũng chỉ thống.

Chỉ định:

Chứng  ôn nhiệt bệnh, tà nhiệt ở tâm, gây tâm phiền bứt rứt không yên, thường dùng với đạm đậu xị để tuyên tiết tà nhiệt, giải uất trừ phiền, như bài chi tử xị thang. Nếu hoả nhiệt tích thịnh, sốt cao, phiền táo lơ mơ nói nhảm, điều trị thường phối hợp với hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá như bài hoàng liên giải độc thang.

Chứng thấp nhiệt hoàng đản, vàng da, phát sốt, tiểu đỏ thường dùng cùng với nhân trần, đại hoàng như bài nhân trần cao thang.

Chứng huyết nhiệt gây chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu, thường dùng với bạch mao căn, sinh địa, hoàng cầm.

Chứng mụn nhọt lở loét, bầm dập do ngã thường dùng với ngân hoa, liên kiều, bồ công anh.

Liều dùng: 3 -10g.

Chú ý: không nên dùng khi  tỳ hư gây đại tiện lỏng nát.

Tác dụng dược lý: có tác dụng lợi mật, tăng cường bài tiết mật, giảm bilirubin máu, ức chế liên cầu tan huyết và một số TK ngoài da, giảm sốt, giảm đau, giảm huyết áp, cầm máu.

8. Hạ khô thảo.

Hạ khô thảo (Spica Prunellae) là hoa tự và quả phơi hay sấy khô của cây hạ khô thảo Prunella vulgaris L, thuộc họ hoa môi Labiateae. 

Tính vị: đắng, cay, hàn. Qui kinh can, đởm.

Tác dụng: thanh can hoả, tán uất kết.

Chỉ định:

Chứng can hoả thượng xung, gây ra mắt đỏ sưng đau, hoa mắt chóng mặt, thường dùng cùng với cúc hoa, quyết minh tử. Nếu do can âm bất túc, mắt có gỉ sưng đau, nặng về đêm , điều trị thường dùng cùng với đương qui,  kỷ tử.

Chứng loa lịch (tràng nhạc): thuốc có tác dụng thanh can tán kết, dùng trong can uất hoá hoả, đàm hoả ngưng tụ, kết ở quanh cổ mà gây ra loa lịch thường dùng cùng với bối mẫu, huyền sâm, mẫu lệ. Trị bướu cổ thường dùng cùng với hải cáp xác, côn bố, hải tảo. Ngoài ra còn dùng để điều trị cao huyết áp.

Liều dùng: 10  – 15g.

Chú ý: thận trọng dùng khi tỳ vị hư nhược.

Tác dụng dược lý: hạ huyết áp, chống rối loạn nhịp tim, ức chế TK lỵ, TK thương hàn, TK lao, hưng phấn tử cung, tăng nhu động ruột.

9. Quyết minh tử: hạt muồng.

Quyết minh tử (Semen Cassiae) là hạt phơi hay sấy khô của cây thảo quyết minh  Cassia tora L, thuộc họ vang Caesalpiniaceae.

Tính vị: ngọt, đắng, mặn, hơi hàn. Qui kinh can, thận, đại trường.

Tác dụng: thanh can minh mục, nhuận tràng thông tiện.

Cây thuốc Thảo quyết minh

Chỉ định:

Chứng can kinh thực hoả gây đau mắt, nhiều gỉ thường dùng cùng với hạ khô thảo, chi tử, nếu phong nhiệt gây đau đầu, mắt đỏ thường dùng cùng với cúc hoa, tang diệp.

Chứng đại tiểu tiện bí kết thường dùng cùng với hoả ma nhân, qua lâu nhân.

Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: không dùng khi khí hư gây đại tiện lỏng nát.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm chứng minh thuốc có tác dụng  hạ huyết áp và lợi niệu, co tử cung. Trên động vật cũng như lâm sàng đều chứng minh quyết minh tử có tác dụng cứ chế tăng cholesterol máu, ức chế sự hình thành vữa xơ động mạch. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế TK ngoài da, TK bạch hầu, TK thương hàn và phó thương hàn…

10. Cốc tinh thảo: cỏ dùi trống, cỏ đuôi công.

Cốc tinh thảo (Scapus Eriocauli)  là cán nang phơi hoặc sấy khô của cây cốc tinh thảo Eriocaulon sexangulare L, thuộc họ cốc tinh thảo Eriocaulaceae. 

Tính vị: ngọt, bình. Qui kinh can, vị.

Tác dụng: sơ tán phong nhiệt, minh mục, tiêu trừ màng nhày che mắt.

Chỉ định:

Chứng đau mắt đỏ có màng mờ che phủ, nhiều gỉ, chảy nước mắt nhiều, thường dùng cùng với long đởm thảo, kinh giới, xích thược như bài cốc tinh thảo thang. Điều trị đau đầu, đau răng, sưng đau họng, có thể dùng cùng với bạc hà, cúc hoa, ngưu bàng tử.

Liều dùng: 6 – 15g.

Chú ý: không nên dùng ở người âm hư huyết hao .

Tác dụng dược lý: ức chế một số khuẩn như TK mủ xanh, TK lỵ, liên cầu khuẩn.

THANH NHIỆT TÁO THẤP.

Thuốc trong nhóm tính vị khổ hàn (đắng, lạnh), đắng để táo thấp, lạnh để thanh nhiệt, nên có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, đồng thời có cả tác dụng thanh  nhiệt tả hoả. Chủ yếu dùng để điều trị các chứng thuộc về thấp nhiệt và hoả nhiệt.

Tính vị đắng lạnh phần lớn làm ảnh hưởng đến vị, tính táo dễ làm thương âm, cho nên  không nên dùng lượng lớn. Thận trọng khi dùng cho người tỳ vị hư hàn, tân thương âm hao. Nếu cần dùng thì phải kết hợp thêm thuốc kiện tỳ và dưỡng âm. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng tả hoả, giải độc.

1. Hoàng cầm.

Hoàng cầm (Radis Scutellariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georgi, thuộc họ hoa môi Labiateae.

Tính vị: đắng, hàn. Qui kinh phế, vị, đởm, đại trường.

Tác dụng: thanh nhiệt táo thấp, tả hoả giải độc, lương huyết, chỉ huyết, trừ nhiệt an thai.

Chỉ định:

Chứng thấp ôn thử thấp, thấp nhiệt bụng chướng căng, vàng da tả lỵ. Thuốc tính đắng lạnh, thanh nhiệt táo thấp, có tác dụng thanh thấp nhiệt ở phế vị, đởm, đại trường, ưu tiên thanh nhiệt ở thượng tiêu. Điều trị chứng thấp nhiệt uất trệ, bụng ngực căng đầy chướng, buồn nôn, nôn, sốt âm ỉ, rêu lưỡi vàng bẩn, thường dùng cùng với hoạt thạch, thông thảo như bài Hoàng cầm hoạt thạch thang. Điều trị thấp nhiệt trở trệ ở trong, chướng đầy buồn nôn, thường dùng cùng với hoàng liên, can khương, bán hạ  như bài Bán hạ tả tâm thang. Điều trị thấp nhiệt vàng da, thường dùng cùng với nhân trần, chi tử.

Chứng  phế nhiệt làm phế mất công năng thanh giáng, gây ho, đờm dính, có thể dùng đơn độc 1 vị hoàng cầm như bài thanh kim hoàn, có thể phối hợp dùng với tang bạch bì, tri mẫu, mạch môn như bài thanh phế thang. Thuốc nhập vào kinh thiếu dương đởm, thường dùng điều trị tà ở thiếu dương gây hàn nhiệt vãng lai, thường dùng cùng với sài hồ để hoà giải thiếu dương, như bài tiểu sài hồ thang.

Thuốc có tác dụng tả hoả giải độc tương đối mạnh, để điều trị hoả độc tích thịnh gây mụn nhọt, xưng đau họng, thường dùng cùng với ngân hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, bản lan căn.

Chứng huyết nhiệt gây chảy máu mũi, nôn ra máu, băng lậu, thường dùng cùng với sinh địa, bạch mao căn, tam thất.

Chứng thai nhiệt bất an, thường dùng cùng với bạch truật, đương qui như bài đương qui tán.

Liều dùng: 3 – 10g. Khi dùng để an thai thì nên sao qua, cầm máu thì phải sao cháy, thanh nhiệt ở thượng tiêu thì sao với rượu.

Chú ý: không dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: trên thực nghiệm, hoàng cầm có phổ kháng khuẩn tương đối rộng, có tác dụng ức chế TK thương hàn, TK lỵ, TK mủ xanh, TK bạch hầu, liên cầu khuẩn, song cầu khuẩn gây viêm phổi, song cầu khuẩn gây viêm màng não, ức chế vi rút gây cúm. Ngoài ra còn có tác dụng hạ sốt, giảm huyết áp, lợi tiểu, trấn tĩnh, lợi mật, giảm tính thẩm thấu ở vi mạch, ức chế nhu động ở ruột.

2. Hoàng liên.

Hoàng liên ((Rhizoma Coptidis) là thân rễ phơi khô của cây hoàng liên chân gà Coptis chinensis Franch, thuộc họ mao lương Ranunculaceae.

Ngoài ra còn có các loại hoàng liên khác như:

Tam giác diệp hoàng liên: Coptis đeltoidea C.Y. Cheng et Hsiao.

Vân liên: Coptis teeta Wall.

Tính vị: đắng, lạnh. Qui kinh tâm, can, vị, đại trường.

Tác dụng: thanh nhiệt táo thấp, tả hoả giải độc.

Chỉ định:

Tác dụng thanh nhiệt táo thấp của hoàng liên mạnh hơn hoàng cầm. Điều trị thấp nhiệt trở trệ, bụng căng chướng đầy, buồn nôn, nôn, thường dùng cùng với hoàng cầm, can khương, bán hạ như bài bán hạ tả tâm thang. Điều trị thấp nhiệt tả lỵ, mức độ nhẹ có thể dùng đơn độc hoàng liên, kết quả tương đối tốt; nếu đau bụng đi ngoài, lý cấp hậu trọng, thường dùng cùng với mộc hương như bài hương liên hoàn. Điều trị đi ngoài, phát sốt, thường dùng cùng với cát căn, hoàng cầm, cam thảo như bài cát căn cầm liên thang. Điều trị đi ngoài ra nhầy máu thường dùng cùng với đương quy, nhục quế, bạch thược, mộc hương như bài thược dược thang. Hoàng liên thích hợp dùng trong thấp nhiệt ở tỳ, vị, đại trường.

Hoàng liên có tác dụng tả hoả giải độc, thanh thực hoả ở tâm kinh. Điều trị tam tiêu nhiệt thịnh, sốt cao phiền táo thường cùng với hoàng cầm, hoàng bá, chi tử như bài Hoàng liên giải độc thang. Điều trị nhiệt tà tích thịnh, âm dịch hao tổn, tâm phiền mất ngủ thường dùng cùng với hoàng cầm, a giao, bạch thược, như bài hoàng liên a giao thang. Nếu tâm hoả nội thương, nhiệt bức huyết vong hành gây chảy máu cam, nôn ra máu thường dùng cùng với hoàng cầm, đại hoàng như bài tả tâm thang.

Điều trị mụn nhọt thường cùng với hoàng cầm, chi tử như bài hoàng liên giải độc thang. Điều trị bì phu thấp chẩn, có thể dùng cao lỏng hoàng liên bôi ngoài. Điều trị xưng đau, chảy mủ  ống tai, thường phối hợp với khô phàn, băng phiến tán bột dùng ngoài. Điều trị đau xưng đỏ mắt thường dùng nước sắc hoàng liên nhỏ mắt.

Ngoài ra điều trị vị hoả tích thịnh gây buồn nôn thường dùng cùng trúc nhự, trần bì, bán hạ. Điều trị đau răng thường dùng cùng với thạch cao, thăng ma, đan bì. Điều trị can hoả phạm vị, đau tức ngực sườn, buồn nôn ợ chua thường dùng cùng với ngô thù du như bài tả kim hoàn.

Liều dùng: 2 -10g.

Chú ý: dùng lâu dễ gây tổn thương tỳ, vị. Không nên dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: phạm vị kháng khuẩn tương đối rộng, ức chế TK lỵ, TK thương hàn, TK mủ xanh, TK bạch hầu, TK ho gà, TK lao, liên cầu khuẩn, song cầu khuẩn, TK ngoài da, vi rút… trong đó tác dụng ức chế TK lỵ là mạnh nhất. Đồng thời tăng cường khả năng đại thực bào, giảm huyết áp, lợi mật, hạ sốt, trấn tĩnh, giảm đau, tăng cường hưng phấn cơ trơn thành mạch, tử cung, bàng quang, ruột…

3. Hoàng bá.

Hoàng bá (Cortex Phellodenron amurensis) là vỏ thân cây cạo sạch vỏ ngoài phơi hoặc sấy khô của cây hoàng bá Phellodenron chinensis Schneid, thuộc họ cam quít Rutaceae.

Việt nam hiện nay dùng cây núc nác có tên khoa học là Oroxylum indicum L. thuộc họ chùm ớt Bignoniaceae, để thay vị hoàng bá.

Tính vị: đắng, hàn. Qui kinh thận, bàng quang, đại trường.

Tác dụng: thanh nhiệt táo thấp, tả hỏa giải độc.

Chỉ định:

Chứng  thấp nhiệt hạ tiêu, đới hạ hoàng trọc thường dùng cùng với khiếm thực, hoài sơn, sa tiền tử như bài dịch hoàng thang. Điều trị bàng quang thấp nhiệt, tiểu tiện nóng, đái són, đái buốt thường dùng cùng với sa tiền tử, hoạt thạch, mộc thông. Điều trị thấp nhiệt hạ tiêu, cước khí, đầu gối sưng đau, thường dùng cùng thương truật, ngưu tất như bài tam diệu hoàn. Điều trị thấp nhiệt tả lỵ, thường dùng cùng với bạch đầu ông, hoàng liên, trần bì như bài chi tử bá bì thang.

Điều trị mụn nhọt, xưng đau, lở loét có thể uống trong và dùng ngoài, uống trong thường dùng cùng với hoàng liên, chi tử, dùng ngoài thì nghiền bột, chế với mật lợn hoặc trứng gà để bôi. Điều trị thấp chẩn xuất tiết, thường dùng cùng với kinh giới, khổ sâm, uống trong và dùng ngoài đều được, có thể phối hợp với thanh đại, hoạt thạch, cam thảo tán bột rắc lên chỗ tổn thương.

Chứng âm hư phát sốt, đạo hãn di tinh, thường dùng cùng với tri mẫu, thục địa, sơn thù, qui bản như bài tri bá địa hoàng hoàn, đại bổ âm hoàn.

Liều dùng: 5 – 10g.

Tác dụng dược lý: tác dụng kháng khuẩn gần giống như hoàng liên, ngoài ra còn có tác dụng ức chế kháng nguyên bề mặt gây viêm gan B, bảo vệ tiểu cầu, dùng ngoài để tăng cường hấp thu xuất huyết ngoài da, lợi mật, lợi niệu, giảm huyết áp, hạ sốt. Hoàng bá còn có tác dụng hạ đường máu và tăng cường sinh kháng thể trên chuột.

Vị thuốc Hoàng bá

4. Long đởm thảo.

Long đởm thảo (Radis Gentianae) là rễ phơi hay sấy khô của cây long đởm Gentiana Scabra Bge, thuộc họ long đởm Gentianaceae.

Ngoài ra còn có cây Tam hoa long đởm: Gentiana triflora Pall. 

Tính vị: đắng, lạnh. Quy kinh can, đởm, bàng quang.

Tác dụng: thanh nhiệt táo thấp, tả hỏa can đởm.

Chỉ định: 

Chứng thấp nhiệt hạ tiêu, sưng đau, ngứa âm hộ, khí hư bạch đới mầu vàng, nam giới âm nang sưng đau thường dùng cùng với hoàng bá, khổ sâm, thương truật.

Điều trị can đởm, thấp nhiệt vàng da, tiểu đỏ, dùng cùng với nhân trần, chi tử, hoàng bá.

Chứng can hoả đau đầu, mắt đỏ, ù tai, tức ngực sườn, đắng miệng thường dùng cùng với sài hồ, hoàng cầm, mộc thông, như bài long đởm tả can thang.

Chứng can kinh nhiệt thịnh, nhiệt cực sinh phong gây sốt cao, co giật, co quắp chân tay thường dùng cùng với ngưu hoàng, câu đằng, hoàng liên như bài lương kinh hoàn.

Liều dùng: 3 – 6 gam.

Chú ý: cấm dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: ức chế một số TK như TK mủ xanh, TK thương hàn, TK ngoài da, tụ cầu khuẩn, trấn tĩnh, giảm huyết áp trên thực nghiệm, tăng tiết dịch vị tiêu hóa, lợi mật.

Vị thuốc Long Đởm Thảo

5. Tần bì.

Tần bì (Cortex Fraxini) là vỏ cành phơi hay sấy khô của cây tần bì Fraxinus rhynchophylla Hance, thuộc họ nhài Oleaceae.

Tính vị: đắng, sáp, hàn. Quy kinh đại trường, can, đởm.

Tác dụng: thanh nhiệt táo thấp, chỉ lợi, chỉ đới, minh mục,

Chỉ định: 

Chứng nhiệt độc tả lỵ,  lý cấp hậu trọng thường dùng cùng với hoàng liên, hoàng bá, bạch đầu ông như bài Bạch đầu ông thang. Điều trị thấp nhiệt hạ tiêu, xích bạch đới hạ thường dùng cùng với đan bì, đương quy.

Chứng mắt đỏ sưng đau, mắt có màng che, có thể dùng đơn độc, sắc lấy nửa để rửa mắt hoạc dùng cùng với cúc hoa, hoàng liên, long đởm thảo. – Liều dùng: 3 -12 gam.

Chú ý: cấm dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: ức chế TK lỵ, chống viêm khớp, chấn tĩnh, giảm co quắp, lợi niệu, tăng bài tiết acid uric.

6. Khổ sâm: dã hòe, khổ cốt.

Khổ sâm (Radis Sophorae) là rễ phơi hay sấy khô của cây khổ sâm Sophora Flavescens Ait, thuộc họ cánh bướm Papilionaceae.

Tính vị: đắng, hàn. Quy kinh tâm, can, vị, đại trường, bàng quang.

Tác dụng: thanh nhiệt táo thấp, sát trùng lợi niệu.

Chỉ định: 

Chứng  thấp nhiệt uẩn kết vị trường, đau bụng ỉa lỏng, thậm chí ỉa ra máu  thường dùng cùng với mộc hương. Điều trị thấp nhiệt, đại tiện ra máu, trĩ chảy máu thường dùng cùng với sinh địa như bài khổ sâm địa hoàng hoàn. Điều trị thấp nhiệt vàng da, tiểu đỏ thường dùng cùng với chi tử, long đởm thảo.

Chứng đới hạ, ngứa âm hộ, thấp chẩn, tiểu tiện không lợi, thường dùng cùng với hoàng bá, có thể dùng ngoài để rửa hoặc uống trong. Điều trị ghẻ thường dùng cùng với khô phàn, lưu hoàng chế thành cao lỏng bôi tại chỗ. Điều trị phụ nữ có thai, tiểu tiện không thông lợi thường dùng cùng với bối mẫu, đương quy như bài đương quy khổ sâm hoàn. Điều trị thấp nhiệt bàng quang, tiểu tiện không thông dùng cùng với bồ công anh, thạch vĩ.

Liều dùng: 3 – 10 gam.

Chú ý: không dùng khi tỳ vị hư hàn, âm hư thương tân.

Tác dụng dược lý: chữa rối loạn nhịp tim. Tăng lưu lượng tuần hoàn vành, giảm mỡ máu, ngăn ngừa giảm bạch cầu. Sát khuẩn TK âm đạo, ức chế TK lao, TK lỵ, TK ngoài da, tụ cầu vàng, lợi niệu, chống viêm, chống quá mẫn, tiêu đàm.

THUỐC THANH NHIỆT GIẢI ĐỘC.

Thuốc thanh nhiệt giải độc là những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc hoặc hoả độc.

Chú ý: trên lâm sàng nên căn cứ vào biểu hiện vào lâm sàng và kiêm chứng kết hợp với đặc điểm cụ thể của thuốc để ứng dụng chọn lựa thuốc cho thích hợp, đồng thời căn cứ vào sự phát triển bệnh tật để có phối ngũ tương ứng. Để điều trị nhiệt độc ở huyết phận thường phối hợp với thuốc thanh nhiệt tả hoả. Ngoài ra nhiệt độc, đại tiện ra máu, lỵ cấp hậu trọng thường dùng phối hợp cùng với thuốc hành khí hoạt huyết …..

Thuốc tính hàn lương, khi điều trị bệnh đã chuyển sang nhẹ hơn thì nên dừng thuốc để tránh tổn thương đến tỳ vị.

1. Kim ngân hoa: hoa cây kim ngân (hay còn gọi là nhẫn đông).

Kim ngân hoa (Flos Lonicerae) là hoa phơi hay sấy khô của cây kim ngân Lonicera Japonica Thund, thuộc họ nhẫn đông Capridaceae.

Tính vị: ngọt, lạnh. Quy kinh phế, tâm, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, sơ tán phong nhiệt. 

Chỉ định: 

Điều trị mụn nhọt giai đoạn đầu, sưng nóng đỏ đau, có thể dùng đơn độc một vị kim ngân hoa hoặc dùng phối hợp với xuyên sơn giáp, bạch chỉ như bài tiên phương hoạt mệnh ẩm. Điều trị viêm ruột thừa cấp thường dùng cùng với đương quy, địa du, hoàng cầm như bài thanh trường ẩm. Điều trị viêm phổi gây ho, nôn ra máu mủ thường dùng cùng với ngư tinh thảo, lô căn, đào nhân để thanh phế bài nùng.

Chứng ngoại cảm phong nhiệt, bệnh truyền nhiễm giai đoạn đầu thường dùng cùng với liên kiều, bạc hà, ngưu bàng tử như bài ngân kiều tán.

Điều trị chứng nhiệt độc, lỵ ra máu mủ thường dùng cùng với hoàng cầm, hoàng liên, bạch đầu ông.

Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: không dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, TK lỵ… ức chế bệnh do vi rút gây nên, có tác dụng chống viêm, giải độc, giảm  cholesteron máu.

2. Liên kiều: hạn liên tử, trúc căn.

Liên kiều (Fructus Forsythinae) là quả phơi hay sấy khô của cây liên kiều Forsythia suspensa (Thunb) Vahl, thuộc họ nhài Oleaceae.

Tính vị: đắng, hơi lạnh. Qui kinh phế, tâm, đởm.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu ung tán kết, sơ tán phong nhiệt.

Chỉ định:

Điều trị mụn nhọt thường dùng cùng với kim ngân hoa, bồ công anh, cúc hoa. Điều trị lao hạch thường dùng cùng với hạ khô thảo, bối mẫu, huyền sâm, mẫu lệ để thanh can tán kết, hóa đàm tiêu thũng.

Chứng ngoại cảm phong nhiệt, bệnh truyền nhiễm giai đoạn đầu, thường dùng cùng với kim ngân hoa, bạc hà, ngưu bàng tử như bài ngân  kiều tán. Điều trị nhiệt nhập doanh huyết thường dùng cùng với  huyền sâm, đan bì, kim ngân hoa như bài thanh doanh thang. Điều trị nhiệt nhập tâm bào thường dùng cùng với huyền sâm, mạch môn, đan sâm, như bài thanh doanh thang. Ngoài ra còn điều trị tiểu tiện buốt đau thường dùng cùng với trúc diệp, mộc thông, bạch mao căn. – Liều dùng: 6 – 15g.

Chú ý: không dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: phổ kháng khuẩn rộng, đặc biệt là tụ cầu vàng, có tác dụng ức chế nhất định đối với 1 số TK khác và vi rút gây cảm cúm, ngoài ra còn có tác dụng cường tim, lợi niệu, giảm huyết áp, giảm nôn.

3. Bồ công anh: diếp dại, mũi mác, rau mũi cày.

Bồ công anh (Herba Taraxaci) là lá tươi hay sấy khô của cây bồ công anh Taraxacum mongolicum Hand. Mazz, thuộc họ cúc Compositae.  Bồ công anh Việt nam: Lactuca indica L, cũng thuộc họ cúc – Tính vị: đắng, ngọt, lạnh. Qui kinh can, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm.

Chỉ định:

Điều trị mụn nhọt thường dùng cùng với  cúc hoa, tử hoa địa đinh, kim ngân hoa như bài Ngũ vị tiêu độc ẩm. Điều trị xưng đau tuyến vú, có thể dùng độc vị uống trong hoặc bôi ngoài, có thể dùng cùng với kim ngân hoa, qua lâu, ngưu bàng tử. Điều trị viêm ruột thừa cấp thường dùng cùng với  đại hoàng, đan bì, đào nhân. Điều trị viêm phổi ho ra máu mủ thường dùng cùng với lô căn, bản lan căn.

Chứng tiểu tiện rắt buốt, thường dùng cùng với  bạch mao căn, kim tiền thảo, sa tiền tử. Điều trị thấp nhiệt vàng da, dùng cùng với nhân trần, chi tử, đại hoàng. Ngoài ra bồ công anh còn có tác dụng thanh can minh mục.

Liều dùng: 10 – 30g.

Tác dụng dược lý: ức chế tụ cầu vàng, liên cầu tan huyết, song cầu khuẩn (gây viêm phổi, viêm não mô cầu) TK bạch hầu, TK lỵ, TK thương hàn, ngoài ra còn có tác dụng lợi mật, lợi niệu, tăng cường khả năng miễn dịch.

4. Dã cúc hoa: cúc hoa vàng, kim cúc.

Dã cúc hoa (Flos Chysanthemi) là hoa cúc phơi hay sấy khô của cây cúc hoa Chrysanthemum indicum L, thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: đắng, cay, hơi lạnh. Qui kinh phế, can.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc.

Chỉ định:

Điều trị mụn nhọt, thường dùng cùng bồ công anh, kim ngân hoa như bài ngũ vị tiêu độc ẩm.

Chứng xưng đau yết hầu thường dùng cùng với bồ công anh, kim ngân hoa như bài Kim hoàng tẩy cam thang. Ngoài ra dùng nước sắc rửa ngoài còn điều trị bệnh ban sẩn, ngứa ngoài da.

Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: hạ huyết áp, ức chế TK lỵ, TK bạch hầu.

5. Xuyên tâm liên: cây công cộng, khổ đảm thảo.

Xuyên tâm liên (Herba Andrographitis) là dùng rễ hay toàn cây phơi hay sấy khô của cây xuyên tâm liên Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees, thuộc họ ô rô Acanthaceae.

Tính vị: đắng, lạnh. Qui kinh phế, vị, đại trường, tiểu trường.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, táo thấp tiêu thũng.

Chỉ định:

Chứng ngoại cảm phong nhiệt, thường dùng cùng với kim ngân hoa, liên kiều, bạc hà. Điều trị viêm phổi, hen thường dùng cùng với hoàng cầm, tang bạch bì, địa cốt bì. Điều trị sưng họng thường dùng cùng với huyền sâm, ngưu bàng tử.

Chứng thấp nhiệt tả lỵ, thường dùng cùng với  mã xỉ hiện, hoàng liên. Điều trị bàng quang thấp nhiệt, đái buốt, đái dắt thường dùng cùng sa tiền tử, bạch mao căn, hoàng bá.

Điều trị mụn nhọt, rắn cắn có thể dùng đơn độc hoặc dùng cùng với kim ngân hoa, dã cúc hoa.

Liều dùng: 3 – 6g.

Chú ý: không dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: ức chế tụ cầu vàng, TK mủ xanh, TK lỵ, TK thương hàn, liên cầu tan huyết, song cầu khuẩn, tăng cường khả năng đại thực bào, hạ sốt, lợi mật, chống độc tố rắn cắn.

6. Đại thanh diệp.

Đại thanh diệp là lá phơi hay sấy khô của cây đại thanh  Isatis indigodica Fort, thuộc họ chữ thập Crusiferae.

Tính vị: đắng, mặn, rất lạnh. Qui kinh tâm, phế, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu ban.

Chỉ định:

Chứng nhiệt nhập doanh phận, ôn bệnh phát ban thường dùng cùng với  chi tử. Điều trị phong nhiệt biểu chứng, bệnh truyền nhiễm giai đoạn đầu thường dùng cùng với  kim ngân hoa, liên kiều, ngưu bàng tử.

Chứng xưng họng, lở loét miệng lưỡi, thường dùng cùng với huyền sâm, sơn đậu căn, hoàng liên.

Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Tác dụng dược lý: ức chế TK lỵ, song cầu khuẩn, tụ cầu vàng, tăng cường khả năng đại thực bào, giảm tính thẩm thấu ở mạch nhỏ ngoài da, chống viêm khớp, hạ sốt…  ức chế kháng nguyên bề mặt gây viêm gan B.

7. Thanh đại.

Thanh đại (Indigo Naturalis) là sắc tố trong cành lá cây đại thanh Isatis indigodica Fort, thuộc họ chữ thập Crusiferae; cây chàmIndigofera Tinctoria L, thuộc họ cánh bướm Papilionaceae. 

Cách chế chàm: tuốt lá thanh đại, cho vào thùng gỗ, đổ nước vào ngâm cho lên men, khoảng 1-3 ngày. Sau đó gạn lọc lấy nước. cho vôi cục vào để kiềm hóa môi trường. Dùng gậy khoắng liên tục 4 – 6h để ôxy hóa. Dung dịch sẽ nổi bọt lên và ngả màu xanh lam, dùng phèn để kết tủa chàm. bột chàm vớt ra, ép thành bánh, cắt thành khúc nhỏ, phơi âm can cho đến khô là dùng được.

Tính vị: mặn, lạnh. Qui kinh phế, vị, can.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu ban, thanh can tả hoả, định kinh.

Chỉ định:

Chứng ôn bệnh phát ban thường dùng cùng với  đan bì, sinh địa. Điều trị huyết nhiệt vong hành gây nôn ra máu, chảy máu cam, thường dùng cùng với sinh địa, đan bì, bạch mao căn.

Chứng xưng đau họng, thường dùng cùng với hoàng cầm, huyền sâm.

Chứng ho đau tức ngực, đờm lẫn máu, thường dùng cùng với qua lâu, chi tử, đan bì như bài hạch huyết hoàn.

Chứng co giật, sốt cao thường dùng cùng cam thảo, hoạt thạch như bài bích ngọc tán.

Liều dùng:  1,5 – 3g.

Chú ý: thận trọng dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: có tác dụng kháng nham (chống ung thư) trên thực nghiệm, ức chế tụ cầu vàng, TK lỵ.

8. Ngư tinh thảo: diếp cá

Ngư tinh thảo (Herba Houttuyniae) là toàn cây dùng tươi hay phơi sấy khô của cây ngư tinh thảo Houttuynia cordata Thumb, thuộc họ lá giấp Saururaceae.

Tính vị: cay, hơi lạnh. Qui kinh phế.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu ung bài nùng, lợi niệu thông lâm.

Chỉ định:

Chứng phế ung thổ nùng (ho ra máu mủ), thường dùng cùng cát cánh, lô căn, qua lâu. Điều trị phế nhiệt khái thấu thường dùng cùng hoàng cầm, bối mẫu, tri mẫu.

Điều trị mụn nhọt lở loét, thường dùng cùng với cúc hoa, bồ công anh, kim ngân hoa.

Chứng thấp nhiệt lâm chứng: thường dùng cùng với sa tiền tử, bạch mao căn, hải kim sa.

Liều dùng: 15 – 30g.

Chú ý: không nên sắc lâu làm bay tinh dầu.

Tác dụng: ức chế tùy mức độ đối với TK thương hàn, tụ cầu vàng, song cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, TK lao, tăng cường khả năng đại thực bào, tăng cường khả năng miễn dịch, giãn động mạch thận, tăng lưu lượng tuần hoàn động mạch thận, giảm đau, cầm máu, giảm ho.

9. Xạ can: rẻ quạt.

Xạ can (Rhizoma Belamcandae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây xạ can Belamcanda chinensis (L.) DC, thuộc họ lay ơn Iridaceae.

Tính vị: đắng, lạnh. Qui kinh phế.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, khứ đàm, lợi yết.

Xạ can

Chỉ định:

Điều trị yết hầu xưng đau, thường dùng cùng với hoàng cầm, cát cánh, cam thảo.

Chứng đàm thịnh khái xuyễn, thường dùng cùng tang bạch bì, cát cánh, mã  dâu linh như bài xạ can mã  dâu linh thang, có thể dùng cùng với tế tân, sinh khương, bán hạ để ôn phế hoá đàm như bài xạ can ma hoàng thang. – Liều dùng: 6 – 10g.

Chú ý: không dùng cho phụ nữ có thai.

10. Sơn đậu căn.

Sơn đậu căn (Radis Sophorae tonkinensis) là rễ của cây sơn đậu Sophora tonkinensis Gapnep, thuộc họ đậu Papilionaceae.

Tính vị quy kinh: đắng, hàn. Qui kinh phế ,vị.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi yết tiêu thũng.

Chỉ dịnh:

Chứng nhiệt độc uẩn kết, hầu họng sưng đau, có thể dùng cùng với huyền sâm, bản lam căn, xạ can.

Viêm quanh răng, thường dùng cùng với  thạch cao, hoàng liên, thăng ma, mẫu đơn bì.

Ngoài ra còn điều trị các chứng thấp nhiệt hoàng đản, phế nhiệt khái thấu. Gần đây qua nghiên cứu còn dùng điều trị giai đoạn đầu của ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư bàng quang, thường phối hợp với bạch hoa xà thiệt thảo, ngư tinh thảo.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: tác dụng phụ gây nôn, ỉa lỏng, hồi hộp đánh trống ngực. Thận trọng dùng khi tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: có tác dụng chống ung thư gan, ức chế bệnh bạch cầu, ức chế tiết dịch vị dạ dày, ức chế tụ cầu vàng, tăng bạch cầu, điều chỉnh rối loạn nhịp tim.

11. Bạch đầu ông.

Bạch đầu ông (Radis Pulsatillae) là rễ phơi hay sấy khô của cây bạch đầu ông Pulsatilla chinensis (Bge.) Regel, thuộc họ mao lương Ranunculaceae.

Tính vị: đắng, hàn. Qui kinh đại trường.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ lợi.

Chỉ định:

Chứng  nhiệt độc huyết lỵ thường dùng cùng hoàng liên, hoàng bá, tần bì như bài bạch đầu ông thang.

Ngoài ra dùng nước sắc bạch đầu ông , tần bì, dùng ngoài rửa để điều trị viêm âm đạo. Điều trị sốt rét thường dùng cùng với sài hồ, hoàng cầm, binh lang.

Liều dùng: 6 -15g.

Chú ý: không dùng trong hư hàn.

Tác dụng dược lý: kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng, TK lỵ, TK thương hàn, diệt khuẩn đường âm đạo. Ngoài ra còn có tác dụng trấn tĩnh, giảm đau.

12. Mã xỉ hiện: rau sam

Mã xỉ hiện (Herba Portulacae) là toàn cây dùng tươi hay sấy khô của cây mã xỉ hiện Portulaca oleracea L, thuộc họ rau sam Potulacaceae.

Tính vị: chua, lạnh. Qui kinh can, đại trường.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ lỵ.

Chỉ định:

Chứng thấp nhiệt hạ lỵ, thường dùng cùng hoàng cầm, hoàng liên.

Điều trị mụn nhọt lở loét, dùng lá giã nát đắp rửa tại chỗ hoặc dùng cùng với các thuốc thanh nhiệt giải độc.

Chứng băng lậu tiện huyết, mã xỉ hiện có tác dụng co tử cung làm cầm máu. Điều trị đi ngoài ra máu có thể dùng cùng địa du, phượng vĩ thảo.

Liều dùng:  30 – 60g khô.

Chú ý: không dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: ức chế TK thương hàn, TK lỵ, hưng phấn cơ trơn tử cung, tăng nhu động ruột, lợi tiểu.

13. Nha đạm tử: sầu đâu cứt chuột, khổ luyện tử.

Nha đạm tử (Fructus Bruceae) là quả chín phơi khô của cây nha đạm tử Brucea javanica (L.) Merr, thuộc họ thanh thất Simarubaceae.  

Tính vị: đắng, lạnh, có độc. Qui kinh can, đại trường.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, trị lỵ tiệt ngược, ăn mòn mụn cóc.

Chỉ định:

Chứng nhiệt độc huyết lỵ, đi ngoài ra máu mũi, lý cấp hậu trọng, dùng đơn độc, bỏ vỏ, dùng 20 – 30 hạt uống.

Chứng ngược tật: thuốc có tính khổ hàn, qui kinh can có tác dụng thanh can đởm thấp nhiệt, diệt ký sinh trùng sốt rét.

Dùng ngoài làm bào mỏng các mụn cóc, dùng ở dạng cao bôi lên bề mặt, tránh bôi lên vùng da lành.

Liều dùng:  10 – 15 hạt.

Chú ý: thuốc có độc gây tổn thương ruột, can, thận cho nên không được dùng lâu.

Tác dụng dược lý: có tác dụng ức chế diệt ký sinh trùng sốt rét, giun đũa, giun kim, trùng âm đạo, chống ung thư, đối với các tế bào mụn cóc có tác dụng co nhỏ, hoại tử và rụng.

14. Bán biên liên.

Bán biên liên (Herba Lobeliae chinensis) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây bán biên liên Lobelia chinensis Lous, thuộc họ Lobeliaceae.

Tính vị: ngọt, đạm, lạnh. Qui kinh phế, tâm, tiểu trường.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng.

Chỉ định:

Điều trị mụn nhọt sưng đau, sưng đau tuyến vú, rắn cắn dùng ngoài đắp hoặc sắc uống.

Chứng bụng chướng thủy thũng, thường dùng cùng kim tiền thảo, phục linh, đại hoàng, chỉ thực. Điều trị vàng da thường dùng cùng nhân trần, bạch mao căn.

Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: cấm dùng khi hư chứng thủy thũng.

15. Bạch hoa xà thiệt thảo.

Bạch hoa xà thiệt thảo (Herba Oldenlandiae) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây bạch hoa xà thiệt thảo Oldenlandia diffusa (Willd.) Roxb, thuộc họ cà phê Rubiaceae.

Tính vị: hơi đắng, ngọt, lạnh. Qui kinh vị, đại trường, tiểu trường.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm.

Chỉ định:

Điều trị mụn nhọt sưng tấy, có thể dùng ngoài hoặc uống trong, thường phối hợp kim ngân hoa, liên kiều, cúc hoa. Điều trị viêm loét đại tràng thường dùng cùng với bại tương thảo, mẫu đơn bì. Điều trị xưng đau họng thường dùng cùng hoàng cầm, huyền sâm, bản lam căn. Điều trị rắn độc cắn thường dùng cùng bán biên liên, tử hoa địa đinh.

Chứng nhiệt lâm gây đái buốt đái khó, thường dùng cùng bán biên liên, thạch vĩ.

Liều dùng: 15 – 60g.

Chú ý: tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Tác dụng dược lý: tác dụng kháng ung thư, trên chuột thực nghiệm thấy có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh, tăng cường kích thích tổ chức liên võng sản sinh kháng thể, tăng cường khả năng thực bào của bạch cầu để đạt mục đích kháng khuẩn tiêu viêm. Ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ tế bào gan, lợi đởm.

16. Thổ phục linh.

Thổ phục linh (Rhizoma Smilacis glabrae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây thổ phục linh Smilax glabra Roxb, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.

Tính vị: ngọt, đạm, bình. Quy kinh can, vị.

Tác dụng: giải độc trừ thấp, thông lợi quan tiết.

Thổ phục linh

Chỉ định:

Dùng trong điều trị bệnh giang mai hoặc uống các thuốc có thuỷ ngân (để điều trị giang mai) mà bị trúng độc gây ra co quắp tứ chi, thường lấy thổ phục linh 500g sắc lấy nước, pha với 30g đường để uống; hoặc dùng cùng với kim ngân hoa, bạch tiên bì, uy linh tiên, cam thảo.

Chứng lâm trọc, đới hạ thường cùng với mộc thông, bồ công anh, sa tiền tử. Điều trị thấp nhiệt gây mụn nhọt, ngứa âm hộ gây đới hạ thường dùng với thương truật, hoàng bá, khổ sâm. Điều trị vẩy nến thường dùng với sinh địa, xích thược, bạch tiên bì, nhân trần.

Gần đây dùng phối hợp với ngư tinh thảo, hạ khô thảo, hải kim sa, sa tiền tử, đại thanh diệp, thanh đại để dự phòng điều trị sốt xoắn khuẩn Leptospira.

Liều dùng: 15 – 60g.

17. Mật gấu.

Mật gấu (Fel Ursi) là túi mật phơi hay sấy khô của con gấu Ursus arctos Linnaeus thuộc họ gấu Ursidae.

Tính vị: đắng, hàn. Quy kinh can, đởm, tâm.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, tức phong chỉ kinh, thanh can minh mục.

Chỉ định:

Chứng can kinh nhiệt thịnh, nhiệt cực sinh phong gây sốt cao, co giật, chân tay co quắp, dùng đơn độc mật gấu uống với nước ấm.

Điều trị mụn nhọt sưng đau, trĩ chảy máu, uống cùng với nước.

Chứng can nhiệt, mắt đỏ xưng đau, mắt có màng che, có thể uống trong hoặc tra vào mắt.

Liều dùng:  uống trong 1 – 2,5g, thường dùng trong viên hoàn tán.

Tác dụng dược lý: tăng tiết dịch mật, tan sỏi mật, giải độc, sát khuẩn, chống viêm, chống quá mẫn, giảm ho, tiêu đàm, bình suyền, trợ tiêu hoá, giảm huyết áp.

18. Đậu xanh.

Đậu xanh là toàn hạt phơi hay sấy khô cuả cây đậu Phaseolus radiatus L, thuộc họ đậu Papilionaceae.

Tính vị: ngọt, lạnh. Qui kinh tâm, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi niệu.

Chỉ định:

Điều trị mụn nhọt sưng đau, dùng đơn độc 1 vị đậu xanh sắc uống, hoặc nghiền bột ngâm nước lạnh, chắt lấy nước uống.

Đậu xanh có tác dụng trừ phiền chỉ khát, mùa hè thường dùng nước sắc đậu xanh uống.

Ngộ độc ăn uống, thuốc men như ngộ độc phụ tử, ba đậu dùng nước ngâm bột đậu xanh uống, hoặc nước sắc đậu xanh với cam thảo uống.

Liều dùng:  15 – 30g.

Chú ý: không dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: trên thực nghiệm làm giảm mỡ máu.

THANH NHIỆT LƯƠNG HUYẾT.

Thuốc thanh nhiệt lương huyết phần lớn có tính vị ngọt, mặn, lạnh, có tác dụng thanh giải nhiệt tà ở doanh phận, huyết phận.

1. Sinh địa hoàng

Sinh địa hoàng (Rhizoma Rehmanniae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây sinh địa hoàng Rehmannia glutinosa Libosch, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.

Tính vị: ngọt, đắng, lạnh. Qui kinh tâm, can, phế.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm sinh tân.

Cây thuốc Sinh địa

Chỉ định:

Chứng nhiệt nhập doanh huyết, miệng khô, lưỡi hồng giáng, sốt cao, hôn mê, thường dùng cùng huyền sâm như bài thanh doanh thang. Điều trị ôn bệnh giai đoạn cuối, sốt chưa dứt, âm dịch hao tổn, đêm sốt ngày lạnh, lưỡi hồng, mạch sác thường dùng cùng với  miết giáp, thanh cao, tri mẫu như bài thanh doanh miết giáp thang.

Chứng huyết nhiệt vong hành, ban chẩn, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, băng lậu (đều dùng tươi) như bài tứ sinh hoàn.

Chứng tân dịch hao tổn, nội nhiệt tiêu khát, thường dùng cùng  sinh hoàng kỳ. Điều trị ôn bệnh thương âm, trường táo tiện bí thường phốp hợp với huyền sâm, mạch môn như bài tăng dịch thang.

Liều dùng: 10 – 30g.

Chú ý: không dùng khi tỳ hư khí trệ, bụng chướng đầy.

Tác dụng dược lý: có tác dụng cường tim, lợi niệu, nâng huyết áp, giảm đường máu. Trên thực nghiệm ở chuột thấy rút ngắn thời gian chảy máu. Ngoài ra còn bảo vệ tế bào gan, chống tổn thương do phóng xạ, ức chế sinh trưởng của một số khuẩn.

2. Huyền sâm.

Huyền sâm (Radis Scrophulariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây huyền sâm Scrophularia ningpoensis Hemsl, thuộc họ hoa mõm chó Scrophulariaceae.

Tính vị: đắng, ngọt, mặn, hàn. Qui kinh phế, vị, thận.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, tư âm giải độc.

Chỉ định:

Chứng  ôn bệnh nhập doanh gây sốt cao về đêm, tâm phiền, miệng khát, lưỡi hồng giáng, mạch sác thường dùng cùng sinh địa, mạch môn, liên kiều như bài thanh doanh thang. Điều trị bệnh ôn nhiệt, khí huyết lưỡng hư, phát ban chẩn, thường dùng cùng  thạch cao, tri mẫu như bài hoá ban thang.

Điều trị hầu họng sưng đau trong bệnh ngoại cảm, sốt cao thường dùng cùng  bạc hà, liên kiều, bản lam căn như bài Phổ tễ tiêu độc ẩm. Điều trị xưng đau hầu họng do âm hư hoả vượng thường dùng cùng  mạch môn, cát cánh, cam thảo như bài huyền mạch cam cát thang. Điều trị đàm hoả uất kết gây xưng hạch thường dùng cùng  bối mẫu, mẫu lệ như bài tiêu loa hoàn. Điều trị mụn nhọt lở loét thường dùng cùng  kim ngân hoa, liên kiều, tử hoa địa đinh.

Ngoài ra điều trị ho ra máu thường dùng cùng với bách hợp, địa hoàng, bối mẫu. Điều trị cốt trưng triều nhiệt thường dùng cùng địa cốt bì, ngân sài hồ, đan bì. Điều trị nội nhiệt tiêu khát thường dùng cùng với ngũ vị tử, kỷ tử, mạch môn.

Liều dùng: 10 – 15g.

Chú ý: không nên dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: có tác dụng hạ huyết áp, giảm đường máu mức độ nhẹ, cường tim mức độ nhẹ. Khi dùng liều cao sẽ có biểu hiện trúng độc. Ngoài ra có tác dụng giãn mạch, tăng cường tuần hoàn cục bộ, dùng để điều trị viêm tắc động tĩnh mạch, ức chế một số trực khuẩn ngoài da. Trên thực nghiệm có tác dụng trung hoà độc tố bạch hầu.

3. Mẫu đan bì.

Mẫu đan bì (Cortex Paeoniae suffruticosae) là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây mẫu đơn Paeonia suffruticosa Andr, thuộc họ mao lương Ranunculaceae.

Tính vị: đắng, cay hơi lạnh. Qui kinh tâm, can, thận.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết tán ứ.

Chỉ định:

Chứng ôn bệnh, nhiệt nhập doanh huyết, bức huyết vong hành, phát ban chẩn, nôn ra máu, chảy máu cam, thường dùng cùng sinh địa, xích thược.

Chứng ôn bệnh giai đoạn phục hồi, tà nhiều âm phận, tân dịch hao tổn đêm sốt ngày mát, sốt giảm không có mồ hôi, thường dùng cùng miết giáp, sinh địa, tri mẫu như bài thanh doanh miết giáp thang.

Chứng huyết trệ kinh bế, co thắt nổi cục ở bụng thường dùng cùng đào nhân, xích thược, quế chi như bài quế chi phục linh hoàn. Điều trị các vết bầm dập do ngã, gây tụ máu thường dùng cùng đương qui, đào nhân, nhũ hương.

Điều trị  mụn nhọt lở loét thường dùng cùng kim ngân hoa, liên kiều, bồ công anh. Điều trị viêm loét đại tràng thường dùng cùng đại hoàng, mang tiêu, đào nhân như bài đại hoàng mẫu đan bì thang.

Liều dùng: 6 – 12g.

Chú ý: không dùng khi huyết hư có hàn, kinh nguyệt quá nhiều, phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: có tác dụng kháng viêm, trấn tĩnh, hạ sốt, giảm đau, chống co quắp, giảm huyết áp, ức chế TK lỵ, TK thương hàn. Thực nghiệm động vật thấy gây xung huyết niêm mạc tử cung, có tác dụng thông kinh. Ngoài ra có tác dụng chống loét dạ dày, ức chế tiết dịch vị.

4. XÍCH THƯỢC.

Xích thược (Radis Paeoniae rubae) là rễ phơi hay sấy khô của cây xích thược Paeonia lactiflora Pall, thuộc họ mao lương Ranunculaceae . Không nên nhầm với cây hoa thược dược vẫn được trồng làm cảnh thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị:  đắng, hơi lạnh. Qui kinh can.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, tán ứ chỉ thống.

xích thược

Chỉ định:

Chứng nhiệt nhập doanh huyết, ban chẩn, chảy máu cam thường dùng cùng với sinh địa, đan bì.

Chứng huyết nhiệt ứ trệ, bế kinh, thống kinh thường dùng cùng ích mẫu thảo, đan sâm, trạch lan. Điều trị huyết ứ gây hòn khối ở bụng, thường dùng cùng đan bì, đào nhân, quế chi như bài quế chi phục linh hoàn. Điều trị vấp ngã gây bầm dập thường dùng cùng nhũ hương, một dược, huyết kiệt. Điều trị mụn nhọt lở loét thường dùng cùng kim ngân hoa, liên kiều, chi tử.

Chứng đau mắt đỏ có màng che, thường dùng cùng cúc hoa, mộc tặc, hạ khô thảo.

Liều dùng: 6 – 15g.

Chú ý: huyết hàn kinh bế không nên dùng.

Tác dụng dược lý: giãn mạch vành, tăng cường khả năng chịu đựng thiếu oxy, ngăn ngừa tụ tập tiểu cầu, chống hình thành cục máu đông, chống thiếu máu cơ tim  trên thực nghiệm, giảm co thắt, trấn tĩnh, chống viêm, giảm đau, chống co giật, chống loét và giảm huyết áp.

5. Thủy ngưu giác.

Thủy ngưu giác (Cornu Bubali) là sừng của con trâu Bubalus bubalis Linnaeus, thuộc họ trâu bò Bovidae, mài hoặc tán bột hoặc sắc uống.

Tính vị: mặn lạnh, quy kinh tâm can thận.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết giải độc.

Chỉ định:

Chứng ôn bệnh, nhiệt nhập huyết phận, sốt cao không giảm, lơ mơ nói nhảm, lưỡi hồng giáng, mạch sác hoặc có ban chẩn thường dùng cùng với sinh địa, huyền sâm, ngân hoa, liên kiều. Nếu sốt cao, vật vã, chân tay co quắp thường dùng với linh dương giác, thạch cao.

Chứng huyết nhiệt vong hành, nôn ra máu, chảy máu cam, thường dùng cùng với sinh địa, đan bì, xích thược.

Liều dùng: 6 -15g.

Chú ý: tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Tác dụng dược lý: trên thực nghiệm thấy tăng cường khả năng co bóp của tim, trên chuột thấy có tác dụng chấn tĩnh, giảm co quắp, chống viêm, rút ngắn thời gian chảy máu, giảm tính thấm của vi mạch… 

THUỐC THANH HƯ NHIỆT.

Định nghĩa: thuốc thanh hư nhiệt là những vị thuốc có tác dụng thanh hư nhiệt, thoái cốt trưng. 

Chỉ định: chủ yếu dùng trong can thận âm hư, hư hỏa nội nhiễu gây ra cốt trưng triều nhiệt, sốt về chiều, ngũ tâm phiền nhiệt, đạo hãn, di tinh, lưỡi hồng ít rêu, mạch tế sác.

Khi sử dụng thường phối hợp với thuốc thanh nhiệt lương huyết và thanh nhiệt dưỡng âm.

1. Thanh hao.

Thanh hao (Herba Artemisiae) là toàn bộ phần trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây thanh hao Artemisia annua L,  thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: đắng, cay, lạnh. Qui kinh can, đởm, thận.

Tác dụng: thanh hư nhiệt, trừ cốt trưng, giải thử, tiệt ngược.

Chỉ định:

Chứng ôn tà thương âm, đêm sốt, ngày mát, thường dùng cùng miết giáp, tri mẫu, đan bì như bài thanh cao miết giáp thang.

Chứng âm hư phát nhiệt, lao nhiệt cốt trưng thường dùng cùng với ngân sài hồ, hoàng liên, tri mẫu, miết giáp như bài thanh cốt tán.

Chứng cảm phải thử tà, phát sốt, đau đầu, miệng khát, thường dùng cùng với liên kiều, phục linh, hoạt thạch, thông thảo.

Chứng sốt rét có thể dùng thanh cao liều cao hãm nước uống, hoặc phối hợp với quế tâm, hoàng cầm, hoạt thạch, thanh đại.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: không dùng trong tỳ vị hư nhược.

Tác dụng dược lý: ức chế sinh trưởng của ký sinh trùng sốt rét, trực tiếp có tác dụng diệt KST sốt rét. Ngoài ra có tác dụng giảm huyết áp, hạ sốt, ức chế TK ngoài da, giảm ho, tiêu đàm, bình xuyễn. Trên thực nghiệm chuột bạch có tác dụng lợi mật.

2. Bạch vi.

Bạch vi (Radis Cynanchi atrati) là rễ của cây bạch vi Cynanchum atratum Bge phơi hay sấy khô.

Tính vị: đắng, mặn, lạnh. Qui kinh can, vị.

Tác dụng: thanh nhiệt lương huyết, lợi niệu thông lâm, giải độc.

Chỉ định:

Thuốc có tác dụng thanh thực nhiệt, thoái hư nhiệt, dùng để điều trị ôn tà nhập doanh, sốt cao phiền khát, lú lẫn, lưỡi hồng giáng, thường dùng cùng sinh địa, huyền sâm. Điều trị âm hư nội nhiệt, cốt trưng triều nhiệt, thường dùng cùng sinh địa, tri mẫu, thanh cao. Điều trị sản hậu phát nhiệt, đêm sốt ngày mát, hôn mê co giật… thường dùng cùng đương qui, nhân sâm, cam thảo như bài bạch vi thang.

Chứng thấp nhiệt bàng quang, đái buốt, đái máu, thường dùng cùng mộc thông, hoạt thạch, thạch vĩ.

Điều trị mụn nhọt, sưng đau họng, rắn cắn, uống trong dùng ngoài đều được. Ngoài ra còn điều trị viêm phổi, ho, sốt, họng khô, khát nước.

Liều dùng: 3 – 12g.

Chú ý: không dùng trong tỳ vị hư hàn.

Tác dụng dược lý: tăng sức bóp tâm thu, hạ sốt, lợi niệu.

3. Địa cốt bì.

Địa cốt bì (Cortex Lycii chinensis) là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây kỷ tử Lycium chinensis Mill, thuộc họ cà Solannaceae.

Tính vị: ngọt, đạm, lạnh. Qui kinh phế, can, thận.

Tác dụng: lương huyết thoái trưng, thanh phế giáng hoả.

Chỉ định:

Chứng âm hư phát nhiệt, đạo hãn cốt trưng thường dùng cùng với tri mẫu, miết giáp, ngân sài hồ như bài địa cốt bì thang.

Chứng phế nhiệt khái thấu, thường dùng cùng tang bạch bì, cam thảo như bài trạch bạch tán.

Chứng nhiệt bức huyết vong hành gây nôn ra máu, chảy máu mũi, đái ra máu, thường dùng cùng với bạch mao căn, trắc bá diệp.

Liều dùng: 6 – 15g.

Chú ý: không dùng khi tỳ vị hư hàn, ngoại cảm phong hàn.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên thỏ thấy có tác dụng hạ sốt, giảm huyết áp, giảm đường máu, giảm cholesteron máu, hưng phấn tử cung, ức chế TK thương hàn, phó thương hàn, TK lỵ.

4. Ngân sài hồ.

Ngân sài hồ (Radis Stellariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây ngân sài hồ Stellaria dichotoma L. var, thuộc họ cẩm chướng Caryophyllaceae.

Tính vị: ngọt, hơi lạnh. Qui kinh can, vị.

Tác dụng: thanh hư nhiệt, trừ cam nhiệt.

Chỉ định:

Chứng âm hư phát nhiệt, đạo hãn, cốt trưng triều nhiệt, thường dùng cùng địa cốt bì, thanh cao, miết giáp như bài Thanh cốt tán.

Chứng cam tích phát nhiệt, thường dùng cùng kê nội kim, sử quân tử, đẳng sâm, để tiêu tích trừ giun, kiện tỳ.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: không dùng khi ngoại cảm phong hàn.

Tác dụng dược lý: giảm cholesterol máu.

 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*