Các vị thuốc Ôn lý trừ hàn

THUỐC ÔN LÝ TRỪ HÀN

ĐẠI CƯƠNG.

Định nghĩa.

Thuốc trừ hàn là những thuốc vị cay tính ấm nóng, có tác dụng ôn lý trừ hàn, điều trị các chứng lý hàn.

Tác dụng.

Thuốc nhập kinh tỳ, vị có tác dụng ôn trung tán hàn chỉ thống, dùng để điều trị chứng tỳ vị hư hàn: bụng lạnh đau, buồn nôn, ỉa chảy, lưỡi đạm, rêu lưỡi trắng. 

Thuốc nhập kinh phế có tác dụng ôn phế hoá ẩm, dùng để điều trị chứng phế hàn đàm ẩm: đàm nhiều, khái thấu, đàm trắng trong loãng. 

Thuốc nhập kinh can có tác dụng ôn can tán hàn chỉ thống , dùng để điều trị can kinh nhiễm phải hàn tà: đau bụng dưới, hàn sán gây đau hoặc quyết âm gây đau đầu. 

Thuốc nhập kinh thận có tác dụng ôn thận trợ dương, dùng để điều trị chứng thận dương bất túc: liệt dương, tử cung lạnh, đau lưng do lạnh, đái đêm nhiều lần, hoạt tinh, di niệu. 

Thuốc nhập kinh tâm, thận có tác dụng ôn dương thông mạch, dùng để điều trị chứng tâm thận dương hư: hồi hộp trống ngực, thân hàn chi lạnh, tiểu tiện khó khăn, chi thể phù thũng; hoặc có tác dụng hồi dương cứu nghịch, dùng để điều trị chứng vong dương quyết nghịch: mồ hôi đầm đìa, tứ chi quyết lạnh, mạch vi muốn tuyệt.

Chú ý.

Nếu ngoại hàn xâm nhập, biểu hàn chưa giải thì phối hợp với thuốc tân ôn giải biểu; nếu hàn ngưng kinh mạch, khí trệ huyết ứ thì phối hợp với thuốc hành khí hoạt huyết …

Thuốc ôn lý phần lớn tính vị cay, nóng, táo, dễ làm hao âm trợ hoả, cho nên cấm dùng khi thực nhiệt, âm hư hoả vượng, tân huyết hao hư. Thận trọng dùng khi phụ nữ có thai.

CÁC VỊ THUỐC.

1. Phụ tử chế.

Phụ tử (Radis Aconiti) là rễ củ con của cây ô đầu Aconitum carmichaeli Debx, thuộc họ mao lương Ranunculaceae . Phụ tử sau khi được bào chế gọi là phụ tử chế, thuộc nhóm thuốc giảm độc B.

Tính vị quy kinh: cay, ngọt, nóng. Quy kinh tâm, thận, tý.

Tác dụng: hồi dương cứu nghịch, trợ âm bổ hoả, tán hàn chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị chứng vong dương, hư chứng lâu ngày, dương khí suy kiệt,đại hãn, đại thổ, đại tả thường dùng với can khương, cam thảo như bài tứ nghịch tán. Điều trị bệnh hư chứng lâu ngày muốn thoát, hoặc xuất huyết lâu ngày, khí thuận theo huyết mà thoát thường dùng với nhân sâm như bài sâm phụ thang.

Điều trị thận dương bất túc, mệnh môn hoả suy gây ra liệt dương, tử cung lạnh, lưng lạnh đau, đái đêm nhiều lần thường dùng với nhục quế, ngô thù du, thục địa như bài hữu quy hoàn. Điều trị phế thận dương hư, hàn thấp nội thịnh gây đau bụng, đại tiện lỏng nát thường dùng với đẳng sâm, bạch truật, can khương như bài phụ tử lý trung thang. Điều trị tỳ thận dương hư, âm hàn thuỷ thũng thường dùng với bạch truật, phục linh, sinh khương. Điều trị tỳ dương bất túc, chứng âm hoàng do hàn thấp nội trệ thường dùng với nhân trần, bạch truật, can khương. Điều trị dương hư cảm hàn thường dùng với ma hoàng, tế tân.

Điều trị chứng hàn tý, đau nhức toàn thân, xương khớp đau thường dùng với quế chi, bạch truật, cam thảo.

Liều dùng: 3 -15g.

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai, âm hư dương cang. Kỵ bán hạ, qua lâu, bối mẫu, bạch cập.

Thuốc có độc, khi dùng phải qua bào chế. Dùng quá liều, hoặc bào chế và sắc thuốc không đúng phương pháp có thể gây trúng độc.

Tác dụng dược lý: nước sắc ô đầu, phụ tử có tác dụng cường tim, sắc càng lâu, tác dụng cường tim càng rõ, độc tính càng giảm; có tác dụng tiêu viêm rõ trong trường hợp các khớp xưng đau; giảm đau, chấn tĩnh, chống thiếu máu và thiếu dưỡng khí cơ tim, tăng cường khả năng ngưng huyết. Khi trúng độc có thể gây chậm nhịp tim, rối loạn dẫn truyền, nhịp nhanh thất, rung thất, hôn mê, tử vong.

2. Can khương.

Can khương (Rhizoma Zingiberis) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây gừng Zingiber officinale Rosc, thuộc họ gừng Zingiberaceae..

Tính vị: cay, nóng. Quy kinh tỳ, vị, tâm, phế.

Tác dụng: ôn trung tán hàn, hồi dương thông mạch, ôn phế hoá ẩm.

Chỉ định: 

Điều trị vị hàn gây đau bụng lạnh, nôn thường dùng với cao lương khương như bài nhị khương hoàn. Điều trị tỳ vị hư hàn, bụng lạnh đau, buồn nôn, tiết tả thường dùng với đẳng sâm, bạch truật như bài lý trung hoàn.

Điều trị chứng vong dương do tâm thận dương hư, âm hàn nội thịnh thường dùng với phụ tử như bài tứ nghịch thang.

Điều trị hàn ẩm khái suyễn, thân hàn lưng lạnh thường dùng với tế tân, ngũ vị tử, ma hoàng như bài tiểu thanh long thang.

Liều dùng: 3 -10g.

Tác dụng dược lý: trực tiếp hưng phấn tim và trung khu vận động huyết quản, giảm nôn, chấn tĩnh, giảm đau, giảm ho.

3. Nhục quế.

Nhục quế (Cortex Cinamomi) là vỏ thân cây quế Cinnamomum loureirii Nees, thuộc họ long não Lauraceae.

Tính vị: cay, ngọt, nóng. Quy kinh tỳ, thận, tâm, can.

Tác dụng: bổ hoả trợ dương, tán hàn chỉ thống, ôn kinh thông mạch.

Chỉ định:

Điều trị thận dương bất túc, mệnh môn hoả suy gây liệt dương, lạnh tử cung, lưng lạnh đau, đái đêm nhiều lần, hoạt tinh di niệu thường dùng với phụ tử, sơn thù nhục, thục địa như bài thận khí hoàn, hữu quy ẩm. Điều trị hạ nguyên hư suy, dương hư bố lên trên ()thượng phù) gây mặt đỏ, khó thở, ra mồ hôi, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, mạch vi nhược có thể dùng can khương dẫn hoả quy nguyên, thường dùng với ngô thù du, ngũ vị tử, nhân sâm, mẫu lệ.

Điều trị hàn tà nội tập, hoặc tỳ vị hư hàn có thể dùng nhục quế tán bột hoà với rượu uống, hoặc dùng với can khương, cao lương khương. Điều trị tỳ thận dương hư gây đau bụng, nôn, tứ chi quyết lãnh, đại tiện lỏng thường dùng với phụ tử, can khương, nhân sâm như bài quế phụ lý trung hoàn.

Điều trị phong hàn thấp tý, thường dùng với độc hoạt, tang ký sinh, đỗ trọng như bài độc hoạt ký sinh thang. Điều trị hàn tà nội tập gây đau tức ngực thường dùng với phụ tử, can khương. Điều trị dương hư hàn ngưng thường dùng với lộc giác giao, bào khương, ma hoàng như bài dương hoà thang.

Điều trị bế kinh, thống kinh thường dùng với đương quy, xuyên khung, tiểu hồi hương như bài tiểu phúc trục ứ thang.

Liều dùng: 2 – 5g, nên cho sau hoặc tán bột dùng ngoài 1 – 2g/lần.

Tác dụng dược lý: giãn huyết quản, tăng cường tuần hoàn vành và tuần hoàn não, giảm trở trệ huyết quản, chống tụ tập tiểu cầu, chống ngưng huyết, chấn tĩnh, giảm đau, hạ sốt, chống co giật. Tinh dầu quế có tác dụng kích thích nhẹ niêm mạc dạ dày – ruột, thông qua đó tăng nhu động đường tiêu hoá, tăng tiết dịch tiêu hoá, tăng bài trừ tích khí đường tiêu hoá, giảm co thắt. Ngoài ra có tác dụng sung huyết tử cung, ức chế một số vi khuẩn.

Vị thuốc Quế nhục

4. Ngô thù du.

Ngô thù du (Fructus Evodine) là quả chín phơi khô của cây ngô thù du Evodia rutaecarpa ( Juss.) Benth, thuộc họ cam quýt Rotaceae.

Tính vị: cay, đắng, nóng. Có độc. Quy kinh can, tỳ, vị, thận.

Tác dụng: tán hàn chỉ thống, ôn trung chỉ ẩu, trợ dương chỉ tả.

Chỉ định:

Điều trị chứng đau do can hàn khí trệ thường dùng với tiểu hồi hương, mộc thông như bài đạo khí thang. Điều trị quyết âm đau đầu thường dùng với nhân sâm, sinh khương như bài ngô thù du thang. Điều trị xung nhâm hư hàn, ứ huyết trở trệ gây thống kinh thường dùng với quế chi, đương quy, xuyên khung như bài ôn kinh thang.

Điều trị chứng vị hàn ẩu thổ thường dùng với nhân sâm, sinh khương như ngô thù du thang. Điều trị ngoại hàn nội tập, vị mất hoà giáng gây nôn thường dùng với bán hạ, sinh khương.

Điều trị chứng hư hàn tiết tả thường dùng với nhục đậu khấu, phá cố chỉ, ngũ vị tử như bài tứ thần hoàn. Gần đây lâm sàng dùng điều trị bệnh tăng huyết áp.

Tác dụng dược lý: giảm đau, nâng cao thân nhiệt, liều cao gây hưng phấn thần kinh làm giảm thị lực; giảm huyết áp, khi dùng với cam thảo thì tác dụng hạ huyết áp không còn; ức chế tụ tập tiểu cầu, ức chế hình thành cục máu đông. Thực nghiệm trên thỏ thấy có tác dụng hưng phấn tử cung.

5. Tiểu hồi hương.

Tiểu hồi hương (Fructus Foeniculi) là quả phơi khô của cây tiểu hồi hương Foeniculum vulgare Mill, thuộc họ hoa tán Umbelliferae.

Tính vị: cay, ôn. Quy kinh can, thận, tỳ, vị.

Tác dụng: tán hàn chỉ thống, lý khí hòa trung. 

Ứng dụng:

Điều trị đau bụng, sưng đau tinh hoàn do lạnh (hàn sán phúc thống), thường dùng với ô dược, thanh bì, cao lương khương như bài thiên thai ô dược hoàn. Điều trị xưng đau tinh hoàn do can khí uất trệ thường dùng với lệ chi hạch, sơn tra. Điều trị vị hàn khí trệ thường dùng với cao lương khương, ô dược. Điều trị tỳ vị hư hàn, bụng trướng đầy, ăn ít, buồn nôn thường dùng với bạch truật, trần bì, sinh khương.

Liều dùng: 3 – 6g.

 

6. Cao lương khương: riềng.

Cao lương khương (Rhizoma Alpiniae officinarum)  là thân rễ phơi khô của cây riềng Alpinia officinarum Hance, thuộc họ gừng Zingiberaceae. 

Tính vị: cay, nóng. Quy kinh tỳ, vị.

Tác dụng: tán hàn chỉ thống, ôn trung chỉ ẩu.

Chỉ định:

Điều trị vị hàn gây đau bụng lạnh thường dùng với bào khương như bài nhị khương hoàn. Điều trị vị hàn can uất thường dùng với hương phụ như bài lương phụ hoàn.

Điều trị vị hàn gây nôn thường dùng với bán hạ, sinh khương, đẳng sâm, bạch truật.

Liều dùng: 3 -10g.

Tác dụng dược lý: ức chế trực khuẩn bạch hầu, liên cầu tan huyết, song cầu khuẩn, TK mủ xanh, TK lao…

 

7. Đinh hương.

Đinh hương (Flos Caryophylli) là nụ quả phơi khô của cây đinh hương Eugenia caryophyllata Thunb, thuộc họ sim Myrtaceae.

Tính vị: cay, ôn. Quy kinh tỳ, vị, thận.

Tác dụng: ôn trung giáng nghịch, tán hàn chi thống, ôn thận trợ dương.

Chỉ định:

Điều trị hư hàn gây nấc thường dùng với thị đế, đẳng sâm, sinh khương như bài đinh hương thị đế thang. Điều trị vị hàn gây nôn, thường dùng với bán hạ, sinh khương. Điều trị tỳ vị hư hàn gây ỉa lỏng, nôn, ăn ít thường dùng với bạch truật, sa nhân như bài đinh hương tán.

Điều trị vị hàn, bụng lạnh đau thường dùng với diên hồ sách, ngũ linh chi.

Điều trị thận hư gây liệt dương, lạnh tử cung thường dùng với phụ tử, nhục quế, dâm dương hoắc.

Liều dùng:1,5 – 6g.

Chú ý: kỵ với uất kim.

Tác dụng dược lý: tăng tiết dịch tiêu hoá, giảm buồn nôn và nôn, giảm đầy bụng. Có tác dụng gây tê và diệt giun, ức chế TK bạch hầu, TK lỵ, TK thương hàn.

 

8. Hồ tiêu: hạt tiêu.

Hồ tiêu (Fructus Piperis) là quả phơi hay sấy khô của cây hồ tiêu Piper nigrum L, thuộc họ hồ tiêu Piperaceae.

Tính vị: cay, nóng. Quy kinh vị, đại trường.

Tác dụng: ôn trung chỉ thống, hạ khí tiêu đàm.

Chỉ định:

Điều trị vị hàn gây đau bụng, buồn nôn thường dùng với cao lương khương. Điều trị tỳ vị hư hàn gây ỉa lỏng thường dùng với ngô thù du, bạch truật.

Điều trị đàm khí uất trệ, bưng bít thanh khiếu, dùng hồ tiêu tán bột uống. Ngoài ra còn dùng để khai vị.

Liều dùng: 2 – 4g.

Tác dụng dược lý: giảm co giật và chấn tĩnh, giãn mạch ở ngoài da, gây nên cảm giác nóng. 

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*