Các vị thuốc lý khí

THUỐC LÝ KHÍ

ĐẠI CƯƠNG.

Định nghĩa.

Thuốc lý khí là những vị thuốc có tác dụng điều trị khí nghịch hoặc khí trệ, còn gọi là thuốc hành khí. 

Tính vị.

Thuốc lý khí tính vị phần lớn cay (tân), đắng (khổ), ấm (ôn) mà thơm (phương hương). Vị cay để hành tán, vị đắng để sơ tiết, phương hương để dẫn đi khắp nơi, tính ôn để thông hành, nên có tác dụng hành khí. 

Tác dụng. 

Thuốc lý khí chủ yếu qui kinh tỳ, can, phế nên có tác dụng lý khí kiện tỳ, sơ can giải uất, lý khí khoan hung, hành khí chỉ thống, phá khí tán kết.

Thuốc có tác dụng lý khí kiện tỳ: điều trị vị khí ứ trệ gây ra bụng đầy chướng đau, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, đại tiện lỏng hoặc bí đại tiện. 

Thuốc có tác dụng sơ can giải uất: điều trị can khí uất trệ gây đau tức ngực sườn, sưng đau tinh hoàn (sán khí), sưng đau tuyến vú, kinh nguyệt không đều. 

Thuốc lý khí khoan hung: điều trị phế khí ủng trệ gây đau tức ngực, ho, khó thở…

Chú ý.

Điều trị tỳ vị khí trệ do thực tích thì nên phối hợp với thuốc tiêu đạo; nếu tỳ vị khí hư thì nên phối hợp với thuốc bổ khí; nếu thấp nhiệt trở trệ phải phối hợp với thuốc thanh trừ thấp nhiệt.

Thuốc lý khí phần lớn tính vị cay- ôn- hương táo, dễ làm hao khí thương âm, nên phải thận trọng khi dùng trong khí âm bất túc.

 

CÁC VỊ THUỐC.

1. Trần bì.

Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae) là vỏ quả quýt chín phơi khô của cây quýt Citrus reticulata Blanco, thuộc họ cam quýt Rutaceae.

Tính vị: cay, đắng, ôn. Quy kinh tỳ, phế.

Tác dụng: lý khí kiện tỳ, táo thấp hoá đàm.

Chỉ định:

Điều trị tỳ vị khí trệ gây đau bụng, buồn nôn, đi lỏng… thường dùng cùng với thương truật, hậu phác như bài Bình vị tán. Điều trị tỳ hư khí trệ, đau bụng thích xoa nắn, không muốn ăn, ăn xong bụng đầy, đi lỏng, lưỡi đạm thường dùng cùng đẳng sâm, bạch truật phục linh như bài dị công tán. Nếu tỳ vị khí trệ nhiều, đầy chướng bụng gây đau dữ đội thì điều trị thường phối hợp với mộc hương, chỉ thực để tăng cường hành khí chỉ thống.

Điều trị đàm thấp, thường dùng cùng với bán hạ phục linh như bài nhị trần thang. Điều trị hàn đàm khái thấu thường dùng cùng với bán hạ, tế tân, ngũ vị tử.

Liều dùng: 3 – 10g

Tác dụng dược lý: liều nhỏ tăng sức co bóp cơ tim làm tăng khả nằn tống máu, liều cao gây ức chế; giãn khí quản. Trần bì có chứa Vitamin P, làm giảm tính  thẩm thấu ở vi mạch, ngăn ngừa xuất huyết, tăng cường khả năng tan sợi huyết, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, lợi mật.

Vị thuốc Trần bì

2. Thanh bì.

Thanh bì (Citrus Pericarpium Citri reticulatae) là vỏ quả còn non của cây quýt Citrus reticulata Blanco, thuộc họ cam quýt Rutaceae.

Tính vị: cay, đắng, ấm. Qui kinh can, đởm, vị.

Tác dụng: sơ can lý khí, tiêu tích hóa trệ.

Chỉ định:

Điều trị can khí uất trệ, thường dùng cùng sài hồ, uất kim, hương phụ. Điều trị sưng đau tuyến vú thường dùng với sài hồ, bối mẫu. Điều trị chứng hàn sán (thoát vị bẹn, sưng đau tinh hoàn) gây đau tức, thường dùng cùng ô dược, tiểu hồi hương, mộc hương như bài thiên thai ô dược tán.

Điều trị thực tích bụng đau, thường dùng với sơn tra, thần khúc, mạch nha như bài thanh bì hoàn, nếu nặng có thể dùng với mộc hương, binh lang, đại hoàng. Ngoài ra còn có tác dụng phá khí tán kết, dùng điều trị khí trệ huyết ứ gây trưng hà tích tụ (tích hòn khối trong ổ bụng) thường dùng với tam lăng, nga truật, đan sâm.

Liều dùng: 3 – 10g

 

3. Chỉ thực.

Chỉ thực (Fructus Aurantii immaturus) là quả còn non của cây chỉ thực Citrus aurantium L, thuộc họ cam quýt Rutaceae.

Tính vị: cay, đắng, hơi hàn. Qui kinh tỳ vị đại trường.

Tác dụng: phá khí hóa đàm tiêu thũng.

Chỉ định:

Điều trị chứng thực tích, bụng đầy chướng đau thường dùng với mạch nha, sơn tra, thần khúc. Điều trị nhiệt kết tiện bí, bụng đầy chướng ấm ách, thường dùng cùng mang tiêu, đại hoàng, hậu phác như bài đại thừa khí thang. Điều trị thấp nhiệt tả lỵ, bụng đau quặn và đi ngoài nhiều lần (lý cấp hậu trọng) thường dùng với hoàng cầm, hoàng liên như bài chỉ thực đạo trệ hoàn.

Điều trị đàm trệ, căng tức ngực thường phối hợp với giới bạch, quế chi, qua lâu như bài chỉ thực giới bạch quế chi thang. Gần đây còn dùng điều trị cơn đau thắt ngực cũng đạt hiệu quả tốt. Điều trị đàm nhiệt tích kết ở vùng ngực thường dùng với hoàng liên, qua lâu, bán hạ như bài tiểu hãm hung  gia chỉ thực thang.

Ngoài ra còn dùng trong điều trị các chứng  trung khí hạ hãm như sa dạ dày, sa tử cung, trĩ thường dùng với các thuốc bổ khí thăng dương 

Liều dùng: 3 -10g. Liều cao 30g.

Chú ý: thận trọng dùng khi phụ nữ có thai.

Tác dụng dược lý: tăng cường nhu động ruột. Dịch truyền chỉ thực có tác dụng tăng lưu lượng tuần hoàn vành, tuần hoàn não – thận, giảm cản trở ngoại vi ở tuần hoàn não – thận. Tăng cường co bóp túi mật. ức chế hình thành cục máu đông.

4. Mộc hương.

Mộc hương (Radis Aucklandiae) là rễ phơi khô của cây mộc hương Aucklandia lappa Decne, hoặc xuyên mộc hương Vladimiria souliei (Franch) Ling, đều thuộc họ cúc Compositae.

Tính vị: cay, đắng, ôn. Qui kinh tỳ, vị, đại trường, tam tiêu, đởm.

Tác dụng: hành khí chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị  tỳ vị khí trệ, bụng đầy chướng đau thường dùng với trần bì, sa nhân, đàn hương. Điều trị tỳ hư khí trệ bụng đầy chướng ăn ít, đại tiện lỏng nát dùng phối hợp với đẳng sâm, bạch truật, trần bì như bài hương sa lục quân tử thang.

Điều trị tả lỵ, lý cấp hậu trọng thường phối hợp với hoàng liên như bài hương liên hoàn. Điều trị ẩm thực tích trệ, đại tiện táo lỏng thất thường, thường dùng với binh lang thanh bì, đại hoàng như bài mộc hương binh lang hoàn.

Điều trị bụng chướng, tức ngực sườn, vàng da do tỳ mất vận hóa can mất sơ tiết gây thấp nhiệt uất kết, khí cơ trở trệ thường dùng với uất kim, đại hoàng, nhân trần. Gần đây dùng điều trị sỏi mật, cơn đau quặn gan do ứ mật cũng đạt hiệu quả tốt.

Liều dùng: 3 – 10g.

Tác dụng dược lý: vừa có tác dụng hưng phấn vừa có tác dụng ức chế ruột. Tăng tiết dịch tiêu hóa, ức chế trực khuẩn thương hàn, TK lỵ, lợi niệu. Tăng cường tiêu sợi huyết.

 

5. Hương phụ: củ gấu, cỏ gấu.

Hương phụ (Rhizoma Cyperi) là thân rễ phơi khô hay qua bào chế  của cây cỏ gấu Cyperus rotundus L, thuộc họ cói Cypearceae.

Tính vị: bình, hơi đắng, hơi ngọt, cay. Qui kinh can, tỳ, tam tiêu

Tác dụng: sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống.

 

Chỉ định:

Điều trị can khí uất kết gây đau tức ngực sườn thường dùng với sài hồ, xuyên khung chỉ sác như bài sài hồ sơ can tán. Điều trị hàn ngưng khí trệ, can khí phạm vị thường phối hợp với cao lương khương như bài lương phụ hoàn.

Điều trị can uất, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh thường phối hợp với sài hồ, xuyên khung, đương qui. Điều trị tuyến vú sưng đau thường phối hợp với thanh bì, qua lâu, sài hồ. 

Liều dùng: 6 – 12g.

Tác dụng dược lý: trên thực nghiệm thấy ức chế tử cung, giảm trương lực, giảm co thắt. Giảm tính hưng phân của ruột. ức chế tụ cầu vàng. Cường tim và giảm huyết áp.

Cây thuốc Hương phụ

6. Xuyên luyện tử.

Xuyên luyện tử (Fructus Toosendan) là quả chín phơi khô của cây xuyên luyện Melia toosendan Sieb. et Zucc, thuộc họ xoan Meliaceae.

Tính vị: đắng, hàn. Có độc. Qui kinh can, vị, tiểu trường, bàng quang.

Tác dụng: hành khí chỉ thống, sát trùng trị tiên (diệt giun, trị nấm ngoài da).

Chỉ định:

Điều trị chứng đau do can uất hoá hoả, thường dùng cùng huyền hồ sách như bài kim linh tử tán

Điều trị trùng tích gây đau bụng, thường dùng với binh lang, sử quân tử. Ngoài ra chế thành cao dùng để bôi điều trị các loại nấm trên đầu.

Liều dùng: 3 – 10g.

Chú ý: có độc không nên dùng quá liều, không dùng kéo dài  ngày.

Tác dụng dược lý: diệt các loại giun ký sinh trùng ruột, hưng phấn cơ trơn của ruột, dùng quá liều sẽ gây ngộ độc, gây tổn thương tế bào gan, tinh thần thất thường, giảm thị lực, xuất huyết nội tạng, hạ huyết áp, suy hô hấp, suy tuần hoàn thậm chí tử vong.

 

7. Ô dược.

Ô dược (Radis Linderae) là rễ phơi khô của cây ô dược Lindera aggregata (Sims) Kosterm, thuộc họ long não Lauraceae.

Việt nam dùng rễ phơi khô của cây ô dược nam Lindera myrrha (Lour) Merr, cũng thuộc họ long não Lauraceae.

Tính vị: cay, ấm. Qui kinh phế, tỳ, thận, bàng quang kinh.

Tác dụng: hành khí chỉ thống, ôn thận tán hàn.

Chỉ định:

Điều trị hàn ngưng khí trệ gây đau tức ngực bụng, thường dùng cùng giới bạch, qua lâu bì, diên hồ sách. Điều trị đau bụng kinh, thường dùng cùng đương qui, hương phụ, mộc hương như bài ô dược thang.

Điều trị đi tiểu nhiều, di niệu thường dùng cùng ích trí nhân, sơn dược như bài súc tuyền hoàn.

Liều dùng: 3 – 10g.

Tác dụng dược lý: có tác dụng điều tiết cả hưng phấn lẫn ức chế cơ trơn đường tiêu hoá, tăng tiết dịch tiêu hoá, hưng phấn vỏ não, tăng cường hô hấp, tăng hưng phấn cơ tim, tăng lưu lượng tuần hoàn, tăng huyết áp và làm ra mồ hôi. Dùng ngoài gây giãn mạch, tăng tuần hoàn, giảm co thắt cơ.

 

8. Lệ chi hạnh.

Lệ chi hạnh (Semen Litchi) là hạt quả vải phơi hay sấy khô của cây vải Litchi chinensis Sonn, thuộc họ bồ hòn Sapindaceae.

Tính vị: cay, hơi đắng, ôn chung. Qui kinh can vị.

Tác dụng: hành khí tán kết, tán hàn chỉ thống.

Chỉ định:

Điều trị thoát vị bẹn, tinh hoàn sưng đau, thường dùng cùng tiểu hồi hương, ngô thù du như bài sán khí nội tiêu hoàn.

Điều trị đau dạ dày do can vị bất hoà có thể dùng cùng bột mộc hương như bài lệ hương tán. Điều trị can uất khí trệ huyết ứ gây đau bụng kinh dùng cùng với bột hương phụ, hoặc dùng cùng với xuyên khung, đương qui, sài hồ.

Liều dùng: 10 – 15g.

Tác dụng dược lý: hạ đường máu.

 

9. Phật thủ.

Phật thủ (Fructus Citri) là quả phơi khô của cây phạt thủ Citrus medica L. var. Sarcodactylis Swingle, thuộc họ cam quýt Rutaceae.

Tính vị: cay, đắng, ấm. Qui kinh can, phế, tỳ, vị.

Tác dụng: sơ can giải uất, lý khí hoà trung, táo thấp hoá đàm.

Chỉ định:

Điều trị can uất, đau tức ngực sườn, thường dùng với sài hồ, hương phụ, uất kim.

Điều trị tỳ vị khí trệ, đau chướng bụng, buồn nôn, ăn ít thường dùng với mộc hương, hương phụ, sa nhân.

Điều trị ho lâu ngày, nhiều đờm, đau tức ngực, phối hợp với ty qua lạc, qua lâu bì, trần bì.

Liều dùng: 3 – 10g.

Tác dụng dược lý: ức chế cơ trơn đường tiêu hóa, giảm co thắt dạ dày tá tràng, giãn mạch vành, tăng lưu lượng tuần hoàn vành. Nồng độ cao gây ức chế co bóp cơ tim, giảm nhịp tim, giảm huyết áp. Ngoài ra còn có tác dụng tiêu đàm.

 

10. Giới bạch: củ kiệu.

Giới bạch (Bulbus Allii macrostemi) là thân rễ phơi khô của cây giới bạch Allium macrostemon Bge, thuộc họ hành tỏi Liliaceae.

Tính vị: cay, đắng, ấm. Qui kinh phế, vị, đại trường.

Tác dụng: thông dương tán kết, hành khí đạo trệ.

Ứng dụng:

Điều trị đau tức ngực do hàn đàm trở trệ, thường dùng với qua lâu, bán hạ, chỉ thực như bài qua lâu giới bạch bạch tửu thang, qua lâu giới bạch bán hạ thang, chỉ thực giới bạch quế chi thang.

Điều trị bụng căng chướng đầy đau, lỵ tật, lỵ cấp hậu trọng thường dùng cùng mộc hương, chỉ thực.

Liều dùng: 5 – 10g.

Tác dụng dược lý: tan fibin, giảm hình thành mảng vữa xơ động mạch, giảm mỡ máu, giảm tụ tập tiểu cầu, ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn thành mạch.

 

11. Đại phúc bì.

Đại phúc bì (Pericarpium Arecae) là phần vỏ ngoài và vỏ giữa quả cau phơi khô của cây cau areca catechu L, thuộc họ cau dừa Palmac.

Tính vị qui kinh: cay, hơi ấm. Qui kinh tỳ, vị, đại trường, tiểu trường.

Tác dụng: hành khí đạo trệ, lợi niệu tiêu thũng.

Ứng dụng:

Điều trị vị trường khí trệ, thực tích, ợ hơi, ợ chua, đại tiện bí kết hoặc tả lỵ, thường dùng cùng sơn tra, mạch nha, chỉ thực.

Điều trị thủy thũng, cước khí thũng mãn (sưng nề các khớp) thường dùng cùng phục linh, ngũ gia bì, hoặc mộc thông, tang bạch bì, mộc hương. – Liều dùng: 5 – 10g.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*