Vị trí và tác dụng của 128 huyệt thường dùng

A. Kinh phế

1. Trung phủ 
− Mộ của Phế, hội huyệt của 2 kinh thái âm của tay và chân. Huyệt này còn có tên ưng du, ưng trung, ưng trung du, long hạm.
Vị trí: lấy ở ngoài mạch Nhâm 6 thốn, trong khoảng liên sườn 2 (hoặc giao điểm liên sườn 2 và rãnh delta – ngực).
− Tác dụng: thanh tuyền thượng tiêu, sơ điều phế khí; dùng để điều trị ho hen, đau tức ngực, đau bả vai.

2. Xích trạch 
− Hợp thủy huyệt của Phế. Huyệt này còn có tên quỷ thọ, quỷ đường.
− Vị trí: ở nếp gấp khuỷu tay, bờ ngoài tấm gân cơ nhị đầu.
− Tác dụng: tiết phế viêm, giáng nghịch khí, thanh nhiệt thượng tiêu; dùng để điều trị khuỷu tay đau nhức hoặc bị co lại, ho ra máu, hen suyễn, đầy tức ngực, sưng họng, sưng thanh quản; co giật, đái dầm ở trẻ em.
3. Khổng tối 
− Khích huyệt của Phế
− Vị trí: nằm trên đường nối từ bờ ngoài tấm gân cơ nhị đầu đến rãnh động mạch quay, trên nếp cổ tay 7 thốn (nằm ở điểm gặp nhau ở bờ trong cơ ngửa dài và bờ ngoài của cơ gan tay to).
− Tác dụng: nhuận phế, chỉ huyết, thanh nhiệt giải biểu, điều giáng phế khí; dùng để điều trị đau mặt trước ngoài cẳng tay, ngón tay co duỗi khó, ho ra máu, hen suyễn, sốt không ra mồ hôi, đau họng, khan tiếng, mất tiếng cấp.
4. Liệt khuyết 
− Lạc huyệt của Phế, huyệt giao hội của Nhâm mạch với kinh Phế. Huyệt này còn có tên đồng huyền, uyển lao .
− Vị trí: cách nếp cổ tay 1,5 thốn phía ngoài xương quay.
− Tác dụng: tuyên phế khu phong, sơ thông kinh lạc, thông điều Nhâm mạch; dùng để điều trị đau sưng cổ tay, ho, đau ngực, cảm cúm, viêm khí quản, tiểu khó, các bệnh ở cổ gáy.
5. Kinh cừ 
− Kinh kim huyệt của Phế.
− Vị trí: huyệt ở trong rãnh động mạch quay, trên nếp cổ tay 1 thốn.
− Tác dụng: điều trị sưng đau cổ tay, viêm khí quản, ho, đau họng, đau ngực, suyễn, sốt không có mồ hôi.
6. Thái uyên 
− Huyệt du thổ của Phế, nguyên huyệt của Phế, hội huyệt của Mạch); huyệt này còn có tên thái tuyền, quỷ tâm.
− Vị trí: ở rãnh động mạch quay, nằm trên nếp gấp cổ tay.
Tác dụng: khu phong hóa đờm, lý phế chỉ khái, thanh tập phế khí ở thượng tiêu; dùng để điều trị đau khớp cổ tay, đau cánh tay, cẳng tay; đau vai có kèm đau ngực ho hen, đau họng.
7. Ngư tế 
− Huỳnh hỏa huyệt của Phế.
− Vị trí: lấy chỗ tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, nằm giữa chiều dài của xương bàn ngón 1.
− Tác dụng: dùng để điều trị đau tại chỗ, ho, ho ra máu, sốt đau đầu, đau họng.
8. Thiếu thương 
− Tỉnh mộc huyệt của Phế. Huyệt này còn có tên quỷ tín.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón tay cái và đường ngang qua gốc móng tay cái.
− Tác dụng: thông kinh khí, thanh phế nghịch, lợi yết, sơ tiết hỏa xung nghịch; dùng để điều trị đau sưng tại chỗ, ho, khí nghịch; trúng phong, sốt cao, hôn mê, co giật, đau họng, sưng hàm, sưng lưỡi, chảy máu cam.

B. KINH ĐẠI TRƯỜNG

9. Thương dương 
− Tỉnh kim huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên tuyệt dương.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón trỏ và đường ngang qua gốc móng tay trỏ.
− Tác dụng: giải biểu, thối nhiệt, thanh phế, lợi hầu, sơ tiết tà nhiệt ở dương minh kinh; dùng để điều trị ngón tay tê, đau nhức, hôn mê, sốt cao, ù tai, đau họng.
10. Nhị gian 
− Huỳnh thủy huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên gian cốc, chu cốc.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón trỏ và đường ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu gần của đốt 1 ngón tay trỏ.
− Tác dụng: tán tà nhiệt, lợi yết hầu; dùng để điều trị đau bàn tay, ngón tay, đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng, sưng hàm, méo miệng, chảy máu cam, sốt.
11. Tam gian 
− Du mộc huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên thiếu cốc, tiểu cốc.
− Vị trí: chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan và lưng bàn tay, phía ngoài ngón trỏ và đường ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu xa của xương bàn ngón tay trỏ.
Tác dụng: tiết tà nhiệt, lợi yết hầu, điều phủ khí; dùng để điều trị đau sưng ngón tay, bàn tay, đau răng, đau họng thanh quản, đau mắt, sốt rét.
12. Hợp cốc 
− Nguyên huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên hổ khẩu .
− Vị trí: ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng ra, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia để vào hố khẩu tay này. Đặt áp đầu ngón tay lên lưng bàn tay, giữa 2 xương bàn tay 1 và 2; đầu ngón cái ở đâu chỗ đó là huyệt. Thường huyệt nằm ở mu cao nhất, giữa xương bàn ngón 1 và 2 (khép bàn tay lại).
− Tác dụng: phát biểu giải nhiệt, sơ tán phong tà, thanh tiết phế khí, thông giáng trường vị, trấn thống, thông lạc; dùng để điều trị tại chỗ (đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng), liệt mặt, đau đầu, trúng phong, sốt cao không ra mồ hôi, kinh bế (dùng làm co tử cung).
13. Dương khê 
− Hỏa huyệt của kinh Đại trường. Huyệt này còn có tên là trung khôi.
− Vị trí: huyệt nằm ngay trong hố tam giác, sát đầu mỏm trâm xương quay.
− Tác dụng: khu phong tiết hỏa; sơ tán nhiệt ở kinh dương minh; dùng để điều trị đau cổ tay; đau nhức khớp khuỷu, vai, cánh tay, cẳng tay, đau họng, đau răng, đau mắt đỏ, sốt cao, ngực đầy tức, khó thở, phát cuồng.
14. Thiên lịch 
− Lạc huyệt của Đại trường.
− Vị trí: trên đường nối từ hố lào (huyệt dương khê) tới khúc trì, huyệt từ dương khê lên 3 thốn.
− Tác dụng: thanh phế khí, điều thủy đạo, thông mạch lạc; dùng để điều trị đau tại chỗ, đau cánh tay, đau vai, họng; chảy máu cam; ù tai, điếc tai, đau mắt đỏ, phù thũng (chứng của phế).
15. Ôn lưu 
− Khích huyệt của Đại trường. Huyệt này có tên sà đầu.
− Vị trí: trên đường nối từ hố lào (huyệt dương khê) tới khúc trì, huyệt từ dương khê lên 5 thốn.
− Tác dụng: dùng để điều trị đau cẳng tay, cánh tay, đau vai, đau họng, sưng họng, đau lưỡi.
16. Khúc trì 
− Hợp thổ huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tênđương trạch, quỷ cự.
Vị trí: gấp cẳng tay lại, bàn tay để phía trên ngực cho nổi rõ nét gấp khuỷu, huyệt nằm ở cuối nếp gấp khuỷu (phía ngoài).
− Tác dụng: thông tâm khí, điều trường phủ, sơ giáng khí nghịch ở thượng tiêu, trừ huyết nhiệt, giải co rút;dùng để điều trị đau khớp khuỷu, liệt chi trên, viêm họng, hạ sốt, nổi mẩn, dị ứng, mụn nhọt, chàm.
17. Nghinh hương 
− Huyệt hội của các kinh dương minh ở tay và chân. Huyệt này còn có tên là xung dương.
− Vị trí: giao điểm giữa chân cánh mũi kéo ra tới nếp mũi miệng.− Tác dụng: thông tỵ khiếu, tán phong nhiệt, thanh khí hỏa; dùng để điều trị sổ mũi, nghẹt mũi, liệt dây VII.

C. Kinh vị 

18. Địa thương 
− Huyệt hội của kinh dương minh ở tay và chân với mạch Dương kiểu. Huyệt này còn có tên vị duy, hộ duy.
− Vị trí: giao điểm của đường kéo dài từ khoé miệng ngang ra và rãnh mũi miệng.
− Tác dụng: khu phong tà, thông khí trệ; dùng để điều trị đau răng, liệt dây VII, đau dây Thần kinh mặt.
19. Giáp xa 
− Huyệt giáp xa có tên khúc nha, cơ quan, quỷ sàng.
− Vị trí: trên đường nối góc hàm với khoé miệng, cách góc hàm 1 thốn; huyệt nằm trên bờ cao nhất của cơ nhai (khi cắn răng).
− Tác dụng: sơ phong thông lạc, lợi răng khớp; dùng để điều trị đau răng, liệt mặt, đau dây Thần kinh V.
20. Thiên xu 
− Mộ huyệt của Đại trường. Huyệt này còn có tên thiên khu, tường khê, cốc môn, trường cốc, tuần tế, tuần nguyên, phát nguyên.
− Vị trí: từ rốn đo ngang ra 2 bên mỗi bên 2 thốn.
− Tác dụng: sơ điều đại trường, lý khí tiêu trệ; dùng để điều trị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, nôn, táo bón, tiêu chảy.
21. Lương khâu 
− Khích huyệt của Vị. Huyệt còn có tên lương khưu, hạc đỉnh, khóa cốt.
Vị trí: huyệt ở trên góc trên ngoài xương bánh chè 2 thốn, trong khe giữa gân cơ thẳng trước và cơ rộng ngoài của cơ tứ đầu đùi.
− Tác dụng: thông điều vị khí, hòa trung giáng nghịch, khu phong hóa thấp; dùng để điều trị đau sưng gối, cơn đau dạ dày, tắc tia sữa, viêm tuyến vú.
22. Túc tam lý 
− Hợp thổ huyệt của Vị. Huyệt này còn có tên là hạ tam lý, hạ lăng, quỷ tà.
− Vị trí: hõm dưới ngoài xương bánh chè đo xuống 3 thốn, cách mào chày 1 thốn.
− Tác dụng: lý tỳ vị, điều trung khí, hòa trường tiêu trệ, thông điều kinh lạc khí huyết, phù chính, bồi nguyên, bổ hư nhược; dùng để điều trị đau sưng gối, liệt nửa người, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nâng tổng trạng.
23. Phong long 
− Lạc huyệt của Vị.
− Vị trí: bờ trước mắt cá ngoài đo lên 8 thốn, huyệt nằm trong khe cơ duỗi chung các ngón và cơ mác bên ngắn (vểnh bàn chân và xoay bàn chân ra ngoài để nhìn rõ khe cơ).
− Tác dụng: hòa vị khí, hóa đờm thấp, định Thần chí; dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, liệt nửa người, đau bụng, đau ngực, đau họng, đau đầu, nôn, đờm tích, hen suyễn, điên cuồng.
24. Giải khê 
− Kinh hỏa huyệt của Vị. Huyệt này còn có tên là hài đái, hài đới.
− Vị trí: lấy ở nếp gấp trước của khớp cổ chân, trong khe gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi riêng ngón cái.
− Tác dụng: trợ tỳ khí, hóa thấp trệ, thanh vị nhiệt, định Thần chí; dùng để điều trị đau nhức cổ chân, đầy bụng, đau đầu, đau mắt, mặt sưng nề, đau răng, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, đại tiện khó, điên cuồng.
25. Xung dương 
− Nguyên huyệt của Vị. Huyệt này còn có tên hội nguyên, phụ dương, hội cốt, hội dũng.
− Vị trí: trung điểm đường nối từ hõm giữa gân cơ chày trước và gân cơ gấp riêng ngón chân cái (ở lằn chỉ cổ chân) đến hõm giữa 2 xương đốt bàn chân
2 và 3.
− Tác dụng: phò thổ hóa thấp, hòa vị định Thần; dùng để điều trị bàn chân sưng đau, đau bụng, liệt nửa người, đau răng, điên cuồng.
26. Hãm cốc 
− Du mộc huyệt của Vị.
− Vị trí: khe ngón chân 2 – 3, nơi nối giữa thân và đầu gần xương bàn ngón 2.
− Tác dụng: đau sưng bàn chân, đau bụng, đau mắt, sốt không có mồ hôi.
27. Nội đình 
− Huỳnh thủy huyệt của Vị.
− Vị trí: ép sát 2 đầu ngón chân 2 và 3, huyệt ở đầu nếp kẽ 2 ngón chân, huyệt nằm ở mặt lưng bàn chân, ngang chỗ nối thân với đầu gần xương đốt 1 ngón chân.
− Tác dụng: thông giáng vị khí, thanh vị tiết nhiệt, lý khí trấn thống, hòa trường hóa trệ; dùng điều trị đau nhức tại chỗ, đau bụng, đau răng hàm trên, chảy máu cam, đau họng, liệt mặt, lỵ, tiêu chảy, bí trung tiện, sốt không có mồ hôi.
28. Lệ đoài 
− Tỉnh kim huyệt của Vị. Huyệt còn có tên tráng cốt, Thần thượng đoan.
− Vị trí: trên đường tiếp giáp da gan chân với da lưng bàn chân, huyệt ở góc ngoài gốc móng chân 2.
− Tác dụng: thông kinh, chống huyết nghịch, hòa vị thanh Thần, sơ tiết tà nhiệt ở dương minh; dùng để điều trị chân lạnh, đầy bụng, đau bụng, đau răng, chảy máu cam, liệt mặt, không muốn ăn, mộng mị, sốt không có mồ hôi.

D. Kinh tỳ 

29. Ẩn bạch 
− Tỉnh mộc huyệt của Tỳ. Huyệt còn có tên quỷ luật, quỷ lũy, quỷ nhãn.
− Vị trí: ở góc trong gốc móng chân cái 0,2 thốn, trên đường tiếp giáp da gan chân với da lưng bàn chân.
− Tác dụng: điều huyết, thống huyết, ích tỳ, phò tỳ, ôn tỳ, thanh tâm, định Thần, ôn dương hồi nghịch;dùng để ùng điều trị tại chỗ, liệt chi dưới, đầy bụng, không muốn ăn, nôn, tiêu chảy, điên cuồng, mạn kinh phong.
30. Đại đô 
− Huỳnh hỏa huyệt của Tỳ.
− Vị trí: huyệt ngang chỗ tiếp nối của thân với đầu gần xương đốt 1 ngón cái, ở trên đường tiếp giáp giữa da lưng và da gan bàn chân.
− Tác dụng: dùng để điều trị đau nhức tại chỗ và lân cận, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, người nặng nề, sốt không có mồ hôi.
31. Thái bạch 
− Nguyên huyệt, du thổ huyệt của Tỳ.
− Vị trí: mặt trong bàn chân trên đường tiếp giáp giữa da lưng và gan bàn chân, huyệt nằm ở hõm giữa thân và đầu xa của xương bàn chân ngón 1.
− Tác dụng: phò tỳ thổ, hòa trung tiêu, điều khí cơ, trợ vận hóa; dùng để điều trị tại chỗ sưng đau bàn chân, đầy bụng, đau bụng, ăn không tiêu, kiết lỵ, người nặng nề, khó chịu, sốt không có mồ hôi.
32. Công tôn 
− Lạc huyệt của Tỳ, một trong bát mạch giao hội huyệt thông với mạch Xung.
− Vị trí: mặt trong bàn chân trên đường tiếp giáp giữa da lưng và gan bàn chân, huyệt nằm ở hõm giữa thân và đầu gần xương bàn ngón chân 1.
− Tác dụng: phò tỳ vị, lý khí cơ, điều huyết hải, hòa Xung mạch; dùng để điều trị sưng đau bàn chân, đau bụng dưới, đau dạ dày, kém ăn, nôn, động kinh.
33. Thương khâu 
− Kinh kim huyệt của Tỳ. Huyệt còn có tên là thương khưu.
− Vị trí: ở chỗ hõm dưới mắt cá trong.
− Tác dụng: kiện tỳ vị, tiêu thấp trệ; dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, đau mặt trong đùi, đầy bụng, ăn không tiêu, tiêu lỏng hoặc táo bón, hoàng đản, kinh phong trẻ em, cứng lưỡi.
34. Tam âm giao 
− Huyệt hội của 3 kinh thái âm, thiếu âm, quyết âm của chân. Huyệt còn có tên là đại âm, thừa mạng, hạ tam lý.
− Vị trí: đỉnh cao mắt cá trong đo lên 3 thốn, bờ sau trong xương chày.
− Tác dụng: bổ tỳ thổ, trợ vận hóa, thông khí trệ, sơ hạ tiêu, điều huyết thất tinh cung, đuổi phong thấp ở kinh lạc, kiện tỳ hóa thấp, sơ can ích thận; dùng để điều trị đau cẳng chân, tiêu hóa kém, đầy bụng, kinh nguyệt không đều, rong kinh, khí hư, bế kinh, di mộng tinh, rối loạn đường tiểu, đái dầm, toàn thân đau nhức nặng nề, mất ngủ.
35. Địa cơ 
− Khích huyệt của Tỳ. Huyệt còn có tên là tỳ xá.
− Vị trí: huyệt ở dưới huyệt âm lăng tuyền 3 thốn, ở sát bờ sau trong xương chày.
− Tác dụng: hòa tỳ lý huyết, hòa vinh huyết, điều bào cung; dùng để điều trị đau bụng, căng tức sườn, không muốn ăn, đau lưng, đái khó, di mộng tinh, trưng hà, kinh nguyệt không đều.
36. Âm lăng tuyền 
− Hợp thủy huyệt của Tỳ. Huyệt còn có tên âm chỉ lăng tuyền.
− Vị trí: huyệt nằm sát bờ sau trong xương chày, ngay dưới mâm xương chày.
− Tác dụng: vận trung tiêu, hóa thấp trệ, điều hòa bàng quang, lợi hạ tiêu; dùng điều trị tại chỗ đau sưng gối, lạnh bụng, không muốn ăn, ngực sườn căng tức, bụng cổ trướng, di tinh, đái không tự chủ, đái khó, đái dầm.
37. Huyết hải 
− Vị trí: điểm giữa bờ trên xương bánh chè đo lên 1 thốn vào trong 2 thốn.
− Tác dụng: đau mặt trong đùi, mẩn ngứa, kinh nguyệt không đều.

E. Kinh tâm 

38. Thiếu hải 
− Hợp thủy huyệt của Tâm. Huyệt còn có tên khúc tiết.
− Vị trí: cuối nếp gấp trong nếp khuỷu tay.
− Tác dụng: sơ tâm khí, thanh bào lạc, định Thần chí, hóa đờm diên, thông lạc; dùng để điều trị tại chỗ khuỷu tay co rút, đau vùng tim, đầu váng, mắt hoa, hay quên, điên cuồng.
39. Linh đạo 
− Kinh kim huyệt của Tâm.
− Vị trí: huyệt nằm trên huyệt Thần môn 1,5 thốn, bờ ngoài gân cơ gấp cổ tay trụ.
− Tác dụng: dùng để điều trị đau tại chỗ đau cẳng tay, khuỷu tay, đau vùng tim, kinh sợ, mất tiếng đột ngột.
40. Thông lý 
− Lạc huyệt của Tâm.
− Vị trí: huyệt nằm trên huyệt Thần môn 1 thốn, bờ ngoài gân cơ gấp cổ tay trụ.
− Tác dụng: định tâm an Thần chí, điều tâm khí, tức phong hòa vinh; dùng để điều trị đau tại chỗ, tim đập mạnh, hồi hộp, sốt, đầu đau, hoa mắt, cứng lưỡi không nói được.
41. âm khích 
− Khích huyệt của Tâm. Huyệt còn có tên thiếu âm khích, thạch cung, âm ty.
− Vị trí: huyệt nằm trên huyệt Thần môn 0,5 thốn, bờ ngoài gân cơ gấp cổ tay trụ.
− Tác dụng: thanh tâm hỏa, tiềm hư dương, an Thần chí; dùng để điều trị ngực đầy tức, đau vùng tim, tim đập mạnh, hồi hộp, ra mồ hôi trộm, chảy máu cam.
42. Thần môn 
− Nguyên huyệt – du thổ huyệt của Tâm. Huyệt còn có tên đoài lệ, đoài xung, trung đô, duệ trung.
− Vị trí: trên nếp gấp cổ tay, giữa xương đậu và xương trụ, phía ngoài gân cơ gấp cổ tay trụ.
− Tác dụng: an Thần, định tâm, thông lạc, thanh hỏa lương vinh, thanh tâm nhiệt, điều khí nghịch; dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, hay quên, mất ngủ, động kinh, loạn nhịp.
43. Thiếu phủ 
− Huỳnh hỏa huyệt của Tâm. Huyệt còn có tên đoài cốt.
− Vị trí: huyệt nằm trong lòng bàn tay, trên đường văn tim, giữa xương bàn ngón 4 và 5.
− Tác dụng: dùng để điều trị ngón tay út co quắp, lòng bàn tay nóng, đau khó chịu trong ngực, tim hồi hộp.
44. Thiếu xung 
− Tỉnh mộc huyệt của Tâm. Huyệt còn có tên kinh thỉ.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, trên đường ngang qua chân móng tay 5, góc ngoài gốc móng tay út.
− Tác dụng: khai tâm khiếu, thanh Thần chí, tiết tà nhiệt; dùng để điều trị đau vùng tim, đau cạnh sườn, tim đập mạnh, hồi hộp, cấp cứu trúng phong, sốt cao.

F. KINH TIỂU TRƯỜNG

45. Thiếu trạch 
− Tỉnh kim huyệt của Tiểu trường. Huyệt này còn có tên tiểu cát.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, trên đường ngang qua chân móng tay 5, góc trong gốc móng tay út.
− Tác dụng: thanh tâm hỏa, tán phong nhiệt, thông sữa; dùng để điều trị cứng gáy, cứng lưỡi, đau họng, đau mắt, cấp cứu ngất, hôn mê, sốt cao, sốt rét, viêm tuyến vú, thúc sữa.
46. Tiền cốc 
− Huỳnh thủy huyệt của Tiểu trường.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, cạnh trong bàn tay, ngang đường tiếp giáp giữa đầu gần và thân xương đốt 1 ngón thứ 5.
− Tác dụng: dùng để điều trị ngón tay tê, đau, ngứa, đau tay, đau họng, cứng gáy, chảy máu mũi, ù tai, sốt, sốt rét, viêm vú, động kinh, tiểu đỏ.
47. Hậu khê 
− Du mộc huyệt của Tiểu trường, một trong bát mạch giao hội huyệt thông với Đốc mạch.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, cạnh trong bàn tay, ngang đường tiếp giáp giữa đầu xa và thân xương bàn tay thứ 5.
thanh Thần chí, đuổi nội nhiệt, thông Đốc mạch, củng cố biểu phận, thư cân mạch; dùng để điều trị ngón tay đau duỗi khó khăn, đau cứng gáy, đau đầu, chảy máu mũi, đau mắt, ù tai, điếc tai, sốt rét, động kinh, tiểu đỏ.
48. Uyển cốt 
− Nguyên huyệt của Tiểu trường.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn tay, cạnh trong bàn tay, giữa xương bàn ngón 5 và xương móc.
− Tác dụng: sơ tà khí của kinh thái dương, thanh thấp nhiệt ở tiểu trường; dùng điều trị đau nhức tại chỗ, đau đầu, cứng gáy, ù tai, mờ mắt, hoàng đản, sốt không có mồ hôi.
49. Dương cốc 
− Kinh hỏa huyệt của Tiểu trường.
− Vị trí: huyệt ở chỗ lõm sát đầu mỏm trâm xương trụ.
− Tác dụng: dùng để điều trị đau cổ tay, đau phía sau trong cánh tay, đau cổ gáy, ù tai, điếc tai, sốt, điên cuồng, trẻ em bại liệt, cứng lưỡi không nói được.
50. Dưỡng lão 
− Khích huyệt của Tiểu trường.
− Vị trí: từ huyệt dương cốc đo lên 1 thốn.
− Tác dụng: thư cân, thông lạc sáng mắt; dùng điều trị sưng đau phía sau trong cẳng tay, đau nhức cánh tay và tai, mắt mờ.
51. Chi chính 
− Lạc huyệt của Tiểu trường.
− Vị trí: chỗ lõm đầu xương trụ, ngoài bàn tay nối với rãnh trụ, từ chỗ lõm đo lên 5 thốn.
− Tác dụng: tay co, ngón tay không nắm được, sốt, điên, kinh sợ.
52. Tiểu hải 
− Hợp thổ huyệt của Tiểu trường. Huyệt còn có tên là thửu khúc tuyền.
− Vị trí: trên nếp khuỷu tay, trong rãnh ròng rọc.
− Tác dụng: tán tà ở kinh thái dương, thông nhiệt kết ở tiểu trường, đuổi phong khí, thanh Thần khí; dùng để điều trị đau sưng khuỷu tay, đau vai, đau cổ, đau hàm, đau răng, điếc, điên.
53. Thính cung 
− Hội huyệt của thủ túc thiếu dương, thủ thái dương. Huyệt còn có tên là đa sở văn.
− Vị trí: huyệt nằm ở trước và giữa nắp tai (há miệng ra có chỗ lõm).
− Tác dụng: tuyên nhĩ khí, định Thần chí; dùng để diều trị đau, ù tai, điếc tai.

G. Kinh bàng quang 

54. Phế du 
− Bối du huyệt của Phế.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D3 – D4 đo ra 2 bên mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: điều phế lý khí, bổ hư tổn, thanh hư nhiệt, hòa vinh huyết, thối nhiệt; dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, đau lưng, cứng gáy, vẹo cổ, sốt, ho hen.
55. Quyết âm du 
− Bối du huyệt của Tâm bào bạc. Huyệt còn có tên khuyết âm du, quyết du, khuyết du.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D4 – D5 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: đau tại chỗ, hồi hộp, ho, đánh trống ngực, nôn.
56. Tâm du 
− Bối du huyệt của Tâm.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D5 – D6 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: dưỡng tâm an Thần, thanh Thần định chí, lý huyết điều khí;dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, hồi hộp, đánh trống ngực, hoảng hốt, hay quên, trẻ em chậm nói, ho, ho ra máu, nôn, nuốt khó, động kinh.
57. Cách du 
− Huyệt hội của Huyết.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D7 – D8 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: lý khí hóa ứ, bổ hư tổn, hòa vị khí, thư hung cách; dùng để điều trị đau lưng, nấc, ăn kém, sốt, ra mồ hôi trộm, huyết hư, huyết nhiệt.
58. Can du 
− Bối du huyệt của Can.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D9 – D10 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
bổ vinh huyết, tiêu ngưng ứ, khử thấp nhiệt ở can đởm;dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, hoa mắt, sưng đau mắt, chóng mặt, đau dạ dày, ho có đau tức sườn ngực, hoàng đản, cuồng.
59. Đởm du 
− Bối du huyệt của Đởm.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D10 – D11 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: thanh đởm hỏa, thanh tiết tà nhiệt ở can đởm, khử thấp nhiệt, hòa vị lý khí, thư ngực, dùng để điều trị đau tại chỗ, đau Thần kinh liên sườn, đầy bụng, nôn mửa, miệng đắng, nuốt khó, hoàng đản.
60. Tỳ du 
− Bối du huyệt của Tỳ.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D11 – D12 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: phò thổ trừ thủy thấp, điều tỳ khí, trợ vận hóa, hòa vinh huyết;dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, tiêu hóa kém, đầy bụng, không muốn ăn, nấc, tiêu chảy, hoàng đản, mạn kinh phong trẻ em, các chứng về đờm, phù thũng.
61. Vị du 
− Bối du huyệt của Vị.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng D12 – L1 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: điều vị khí, hóa thấp tiêu trệ; dùng để điều trị đau nhức tại chỗ, cơn đau dạ dày, đầy bụng, lạnh bụng, nôn, ợ hơi, sườn ngực đầy tức, trẻ bú rồi nôn, tiêu chảy.
62. Tam tiêu du 
− Bối du huyệt của Tam tiêu.
− Vị trí: giữa đốt sống thắt lưng L1 – L2 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: điều khí hóa, lợi thủy thấp;dùng để điều trị đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, phù thũng.
63. Thận du 
− Bối du huyệt của Thận.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng L2 – L3 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
Tác dụng: bổ thận, chấn khí hóa, khu thủy thấp, mạnh lưng xương, ích thủy tráng hỏa, minh mục thông nhĩ;dùng để điều trị đau lưng, di mộng tinh, kinh nguyệt không đều, đái dầm, đái đục, đái máu.
64. Đại trường du 
− Bối du huyệt của Đại trường.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng L4 – L5 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: điều trường vị, sơ điều đại tiểu trường, lý khí, hòa trệ, lợi thắt lưng gối; dùng để điều trị đau tại chỗ, tiêu chảy, táo bón, đau trướng bụng, liệt chi dưới.
65. Tiểu trường du 
− Bối du huyệt của Tiểu trường.
− Vị trí: giữa đốt sống cùng S1 – S2 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: thông lý tiểu trường, lợi thấp thanh nhiệt, hóa tích trệ, phân thanh trọc, điều bàng quang; dùng để điều trị trĩ, di tinh, đái máu, đái dầm, đái rắt, đau tức bụng dưới.
66. Bàng quang du 
− Bối du huyệt của Bàng quang.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng S2 – S3 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
− Tác dụng: điều bàng quang, tuyên thông hạ tiêu, lợi lưng xương; dùng để điều trị đau vùng thắt lưng cùng, bí tiểu, tiểu rắt buốt, tiểu dầm, đau vùng sinh dục ngoài, tiêu chảy, táo bón.
67. Ủy trung 
− Hợp thổ huyệt của Bàng quang. Huyệt còn có tên là huyết khích, khích trung, trung khích, ủy trung ương, thối ao.
− Vị trí: chính giữa nếp lằn khoeo chân.
− Tác dụng: thanh huyết tiết nhiệt, thư cân thông lạc, đuổi phong thấp, lợi lưng gối; dùng để điều trị đau đầu gối, đau Thần kinh tọa rễ S1, đau lưng.
68. Chí thất 
− Huyệt này còn có tên là tinh cung.
− Vị trí: giữa đốt sống lưng L2 – L3 đo ra 2 bên, mỗi bên 3 thốn.
bổ thận ích tinh, lợi thủy thấp; dùng để điều trị đau cứng thắt lưng, di mộng tinh, liệt dương, đái rắt, bí đái, sưng sinh dục ngoài, phù.
69. Phi dương 
− Lạc huyệt của Bàng quang.
− Vị trí: từ huyệt côn lôn kéo thẳng lên 7 thốn.
− Tác dụng: đau cẳng chân, đau mỏi lưng, đau đầu, hoa mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi, trĩ.
70. Phụ dương 
− Khích huyệt của mạch Dương kiểu.
− Vị trí: từ huyệt côn lôn kéo thẳng lên 3 thốn.
− Tác dụng: điều trị sưng đau mắt cá ngoài, liệt chi dưới, chuột rút, đau thắt lưng, đau đầu.
71. Côn lôn 
− Kinh hỏa huyệt của Bàng quang.
− Vị trí: huyệt nằm ở trung điểm của đường nối đỉnh mắt cá ngoài và gân gót.
− Tác dụng: khu phong thông lạc, thư cân mạnh lưng, lý huyết trệ ở bào cung, thư cân hóa thấp, bổ thận;dùng để điều trị đau sưng cổ chân, đau cứng thắt lưng, cứng cổ gáy, đau đầu, đau mắt, kinh giật, đẻ khó, sót nhau, nhau bong chậm.
72. Kim môn 
− Khích huyệt của Bàng quang, biệt của túc thái dương và Dương duy mạch. Huyệt còn có tên quan lương, lương quan.
− Vị trí: huyệt nằm ở dưới mắt cá ngoài 1 thốn.
− Tác dụng: điều trị sưng đau mắt cá ngoài, đau tê chi dưới, động kinh, chuột rút.
73. Kinh cốt 
− Nguyên huyệt của Bàng quang.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và lưng bàn chân, hõm giữa thân và đầu gần xương bàn chân ngón 5.
− Tác dụng: khu phong sơ tà, định Thần thanh não; dùng để điều trị sưng đau mé ngoài bàn chân, tiểu khó, gắt, buốt, đau thắt lưng, cứng gáy, đau đầu, hoa mắt, sốt rét, động kinh.
74. Thúc cốt 
− Du mộc huyệt của Bàng quang. Huyệt còn có tên thích cốt.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và lưng bàn chân, hõm giữa thân và đầu xa xương bàn chân ngón 5.
− Tác dụng: điều trị đau mặt ngoài bàn chân, cẳng chân, đau lưng cổ gáy, đau mắt đỏ.
75. Thông cốc 
− Huỳnh thủy huyệt của Bàng quang.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và lưng bàn chân, hõm giữa thân và đầu gần xương đốt 1 ngón 5.
− Tác dụng: điều trị đau nhức tại chỗ, đau đầu, đau gáy, hoa mắt, sốt có sợ gió, sợ lạnh, trĩ, điên cuồng.
76. Chí âm 
− Tỉnh kim huyệt của Bàng quang. Huyệt còn có tên ngoại chí âm.
− Vị trí: huyệt nằm ở nơi tiếp giáp giữa da gan và lưng bàn chân, phía góc ngoài gốc móng chân út.
− Tác dụng: sơ phong tà ở đỉnh sọ, tuyên khí cơ hạ tiêu, hạ điều thai sản; dùng để điều trị nóng gan bàn chân, đau đầu, chảy máu cam, mắt có màng, di tinh, đẻ khó, sót nhau.

H. Kinh thận 

77. Dũng tuyền 
− Tỉnh mộc huyệt của Thận. Huyệt còn có tên địa xung, quệ tâm, quyết tâm, địa cù.
− Vị trí: lấy ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân 2 và giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.
− Tác dụng: thanh thận nhiệt, giáng âm hỏa, định Thần chí, khai khiếu định Thần, giải quyết nghịch; dùng để điều trị nóng hay lạnh gan bàn chân, đau mặt trong đùi, thoát vị, cấp cứu chết đuối, hôn mê, váng đầu hoa mắt.
78. Nhiên cốc 
− Huỳnh hỏa huyệt của Thận. Huyệt còn có tên là long uyên, long tuyện, nhiên cốt.
− Vị trí: huyệt ở sát giữa bờ dưới xương thuyền và ở trên đường tiếp giáp da gan và lưng bàn chân.
thối thận nhiệt, sơ quyết khí, lý hạ tiêu; dùng để điều trị đau sưng khớp bàn chân, đái đục, di tinh, liệt dương, kinh nguyệt không đều, ngứa âm hộ, trẻ em kinh phong, cấm khẩu, ho ra máu, sốt rét, tiêu khát, tự ra mồ hôi, đạo hãn, ù tai, điếc tai.
79. Thái khê 
− Nguyên huyệt, du thổ huyệt của Thận. Huyệt còn có tên là lữ tế.
− Vị trí: điểm giữa đường nối từ gân cơ Achille đến mỏm cao mắt cá trong.
− Tác dụng: tư thận âm, thanh nhiệt, mạnh lưng gối, thối hư nhiệt, tráng nguyên dương, lý bào cung; dùng để điều trị đau cổ chân, kinh nguyệt không đều, liệt dương, tay chân lạnh do trúng hàn, đau răng, đau sưng vú, đau vùng tim.
80. Đại chung 
− Lạc huyệt của Thận.
− Vị trí: hõm chỗ gân cơ Achille bám vào xương gót chân, mặt trong chân.
− Tác dụng: điều thận, hòa huyết, bổ ích tinh Thần; dùng để điều trị đau cổ chân, tiểu ít, kinh nguyệt không đều, suyễn, ho hen, táo bón.
81. Thủy tuyền 
− Khích huyệt của Thận.
− Vị trí: huyệt ở chỗ lõm dưới huyệt thái khê 1 thốn.
− Tác dụng: thông điều kinh nguyệt, sơ tiết hạ tiêu; dùng để điều trị đau sưng mặt trong gót chân, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đái rắt.
82. Phục lưu 
− Kinh kim huyệt của Thận. Huyệt còn có tên xương dương, ngoại mạng, ngoại du, phục cừu.
− Vị trí: từ huyệt thái khê đo thẳng lên 2 thốn
− Tác dụng: điều thận khí, thanh thấp nhiệt, lợi bàng quang, khử thấp tiêu trệ, tư thận nhuận táo; dùng để điều trị đau tại chỗ, đái rắt, miệng khô, sôi bụngs, phù thũng, ra mồ hôi trộm.
83. Âm cốc 
− Hợp thổ huyệt của Thận.
− Vị trí: huyệt ở đầu trong nếp khoeo chân, sau lồi cầu trong xương chày, trong khe của gân cơ bán gân và gân cơ bán mạc.
− Tác dụng: trừ thấp, thông tiểu, tư thận, thanh nhiệt, sơ tiết quyết khí, lợi hạ tiêu; dùng để điều trị đau sưng mặt trong đầu gối, đái rắt, đái buốt, băng lậu, thoái vị, liệt dương.

I. Kinh tâm bào 

84. Khúc trạch 
− Hợp thủy huyệt của Tâm bào.
− Vị trí: huyệt nằm ở bờ trong tấm gân cơ 2 đầu, trên nếp gấp khuỷu tay.
− Tác dụng: thông tâm khí, điều trướng phủ, sơ gíáng khí nghịch ở thượng tiêu, thanh tâm hỏa, trừ huyết nhiệt, giải co rút; dùng để điều trị đau sưng khuỷu tay, đau cẳng tay, cánh tay, đau vùng tim, miệng khô, phiền táo, nôn do cảm hàn hay thai nghén, thổ tả.
85. Khích môn 
− Khích huyệt của Tâm bào.
− Vị trí: huyệt nằm trên nếp cổ tay 5 thốn, giữa gan cơ gan bàn tay lớn và gan bàn tay bé.
− Tác dụng: định tâm an Thần, lý khí thư hung cách, thanh giáng lương huyết; dùng để điều trị đau vùng trước tim có nôn mửa, hồi hộp, ngũ tâm phiền nhiệt.86. Giản sử 
− Kinh kim huyệt của Tâm bào. Huyệt còn có tên gian sử, quỷ lộ.
− Vị trí: huyệt nằm trên nếp cổ tay 3 thốn, giữa gân cơ gan bàn tay lớn và gan bàn tay bé.
− Tác dụng: định Thần, khử đờm, điều tâm khí, thanh Thần chí, sơ giải tà khí ở quyết âm và thái dương; dùng điều trị đau cánh tay, nóng gan bàn tay, tâm phiền, hồi hộp, đau vùng tim, trúng phong đờm dãi nhiều, nôn, khản tiếng, điên cuồng.
87. Nội quan 
− Lạc huyệt của Tâm bào, giao hội huyệt của kinh thủ quyết âm và âm duy mạch.
− Vị trí: từ đại lăng đo lên 2 thốn, giữa gân cơ gan bàn tay lớn và gan bàn tay bé.
− Tác dụng: thanh tâm bào, sơ tam tiêu, định tâm an Thần, hòa vị, lý khí, trấn thống; dùng để điều trị đau tại chỗ, hồi hộp, đánh trống ngực, nôn, đầy bụng.
88. Đại lăng 
− Nguyên huyệt, du thổ huyệt của Tâm bào. Huyệt còn có tên tâm chủ, quỷ tâm.
− Vị trí: mặt trong tay, trên nếp cổ tay, giữa 2 gân cơ gan tay dài và gấp chung các ngón.
thanh tâm định Thần, hòa vị thư ngực, thanh dinh lương huyết;
dùng điều trị đau tại chỗ, lòng bàn tay nóng, đau sườn ngực, đau vùng tim, nôn, cười mãi không ngớt, dễ hoảng hốt.
89. Lao cung 
− Huỳnh hỏa huyệt của Tâm bào. Huyệt còn có tên ngũ lý, chưởng trung, quỷ lộ.
− Vị trí: trên đường văn tim, giữa xương bàn ngón 3 và 4.
− Tác dụng: thanh tâm hỏa, trừ thấp nhiệt, tức phong lương huyết, an Thần hòa vị; dùng để điều trị run bàn tay, ra mồ hôi lòng bàn tay, đau vùng tim, tâm phiền, khát, tim hồi hộp, cười mãi không thôi, loét miệng, sốt về đêm.
90. Trung xung 
− Tỉnh mộc huyệt của Tâm bào.
− Vị trí: huyệt ở giữa đầu ngón giữa, chỗ cao nhất của đầu ngón tay, cách móng tay độ 0,2 thốn.
− Tác dụng: điều trị lòng bàn tay nóng, cứng lưỡi, đau vùng tim, tâm phiền, trúng phong, bất tỉnh, hôn mê, sốt không ra mồ hôi.

J. Kinh tam tiêu 

91. Quan xung 
− Tỉnh kim huyệt của Tam tiêu.
− Vị trí: huyệt ở trên đường tiếp giáp giữa da gan và lưng bàn tay của bờ trong ngón nhẫn, ngang gốc móng tay, cách góc móng tay 0,2 thốn.
− Tác dụng: sơ khí hỏa kinh lạc, giải uất nhiệt ở tam tiêu; dùng để điều trị đau tay, đau bụng, nứt lưỡi, đau nặng đầu, phiền táo, sốt không ra mồ hôi.
92. Dịch môn 
− Huỳnh thủy huyệt của Tam tiêu.
− Vị trí: huyệt nằm ở khe ngón tay 4 – 5, nơi tiếp giáp giữa da gan và lưng bàn tay (ngang chỗ tiếp nối giữa thân và đầu gần xương đốt 1 ngón tay).
− Tác dụng: điều trị đau bàn tay, đau cánh tay, sưng đau họng, điếc, đau mắt, sốt rét.
93. Trung chữ 
− Du mộc huyệt của Tam tiêu. Huyệt còn có tên là hạ đô.
− Vị trí: trên lưng bàn tay, giữa xương bàn ngón 4 -5, ngang với nơi tiếp giáp của đầu gần và thân xương bàn ngón 4.
Tác dụng: sơ khí cơ của thiếu dương, giải tà nhiệt ở Tam tiêu, lợi nhĩ khiếu; dùng điều trị ngón tay co duỗi khó khăn, đau cánh tay, sưng họng, ù điếc tai, mắt mờ, đau đầu, sốt.
94. Dương trì 
− Nguyên huyệt của Tam tiêu. Huyệt còn có tên là biệt dương.
− Vị trí: mặt ngoài tay, lõm giữa 2 gân co duỗi chung các ngón tay và duỗi riêng ngón út.
− Tác dụng: thư cân, thông lạc giải nhiệt, giải tà ở bán biểu bán lý; dùng để điều trị đau tại chỗ, đau vai, đau tai, điếc tai, đau họng, sốt rét, tiêu khát.
95. Ngoại quan 
− Lạc huyệt của Tam tiêu, một trong bát mạch giao hội thông ở Dương duy mạch.
− Vị trí: trên nếp gấp cổ tay 2 thốn, giữa xương quay và xương trụ.
− Tác dụng: khu lục dâm ở biểu, sơ uất nhiệt ở tam tiêu, sơ giải biểu nhiệt, thông khí trệ ở kinh lạc; dùng để điều trị đau tại chỗ, run tay, co tay khó, ù điếc tai, đau đầu, giải nhiệt ngoại cảm.
96. Chi câu 
− Kinh hỏa huyệt của Tam tiêu. Huyệt còn có tên chi cấu, phi hổ.
− Vị trí: trên nếp gấp cổ tay 3 thốn, giữa xương quay và xương trụ.
− Tác dụng: thanh tam tiêu, thông phủ khí, giáng nghịch hỏa, tuyên khí cơ, tán ứ kết, thông trường phủ;dùng để điều trị tay vai ê nhức, đau sưng bên cạnh cổ, đau nhói vùng tim, đau sườn ngực, sốt, đầu váng mắt hoa sau khi sinh, táo bón.
97. Hội tông 
− Khích huyệt của Tam tiêu.
− Vị trí: lấy ở sát bờ xương trụ, mặt sau cẳng tay, trên huyệt dương trì 3 thốn, cách ngoại quan 1 khoát ngón tay về phía ngón út.
− Tác dụng: điều trị điếc tai, động kinh.
98. Thiên tỉnh 
− Hợp thổ huyệt của Tam tiêu.
− Vị trí: chỗ lõm ngay trên đầu mỏm khuỷu xương trụ, trên khớp khuỷu 1 thốn.
− Tác dụng: điều trị đau khớp khuỷu, run tay, đau vai, đau gáy, đau cổ, đau họng, điếc tai, đau mắt, đau nửa đầu, động kinh, co giật.
99. Ế phong 
− Giao hội huyệt của thủ túc thiếu dương.
− Vị trí: ấn dái tai xuống khe giữa xương chũm và xương hàm dưới, tận cùng dái tai chạm đâu thì đó là huyệt.
− Tác dụng: điều khí cơ của tam tiêu, thông khiếu, thông nhĩ, minh mục, khu phong tiết nhiệt, sơ phong thông lạc; dùng để điều trị đau tai, ù điếc tai, viêm họng, quai bị, liệt mặt.

K. Kinh đởm 

100. Phong trì 
− Hội của thủ túc thiếu dương và Dương duy mạch.
− Vị trí: dưới đáy hộp sọ, bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang.
− Tác dụng: khu phong, giải biểu nhiệt, sơ tà thanh nhiệt, thông nhĩ minh mục; dùng để điều trị đau đầu vùng gáy, cảm, đau mắt, cận, nghẹt mũi, cao huyết áp, sốt, trúng phong.
101. Nhật nguyệt 
− Mộ huyệt của Đởm, giao hội huyệt của túc thái âm và túc thiếu dương với Dương duy mạch. Huyệt còn có tên là Thần quang.
− Vị trí: huyệt nằm ở kẽ liên sườn 7 – 8 trên đường trung đòn.
− Tác dụng: sơ đởm khí, hóa thấp nhiệt, hòa trung tiêu; dùng để điều trị đau cạnh sườn, đau vùng gan mật, nôn nấc.
102. Kinh môn 
− Mộ huyệt của Thận.
− Vị trí: đầu xương sườn tự do 12.
− Tác dụng: ôn thận hàn, dẫn thủy thấp, giáng vị nghịch; dùng để điều trị cơn đau quặn thận, đầy bụng, tiêu chảy.
103. Hoàn khiêu 
− Giao hội huyệt của túc thiếu dương, thái dương. Huyệt còn có tên là bân cốt, tẩn cốt, bễ chu, bễ xu, phân trung, bễ yếu, khu trung, hoàn cốc.
− Vị trí: giao điểm của 1/3 ngoài và 2/3 trong đường nối từ mỏm cùng cụt đến mấu chuyển lớn xương đùi.
− Tác dụng: đau ở mông, đau Thần kinh tọa, liệt nửa người.
104. Dương lăng tuyền 
− Hội huyệt của cân, hợp thổ huyệt của Đởm.
Vị trí: hõm trước và dưới đầu trên xương mác.
− Tác dụng: thư cân mạch, mạnh gân cốt, thanh đởm nhiệt, thanh thấp nhiệt; dùng để điều trị đau đầu gối, đau Thần kinh tọa rễ L5, đau nửa đầu, liệt nửa người, đau hông sườn, chân tay co rút khó co duỗi.

105. Dương giao 
− Khích huyệt của Dương duy mạch. Huyệt còn có tên là biệt dương, túc mão.
− Vị trí: huyệt ở trên mắt cá ngoài chân 7 thốn, gần bờ sau xương mác, trong khe cơ mác bên dài và cơ mác bên ngắn.
− Tác dụng: liệt chân, đau đầu gối, ngực sườn đầy tức, miệng đắng.
106. Ngoại khâu 
− Khích huyệt của Đởm. Huyệt còn có tên là ngoại khưu.
− Vị trí: huyệt ở trên mắt cá ngoài chân 7 thốn, bờ sau xương mác, trong khe cơ mác bên dài và cơ dép.
− Tác dụng: điều trị đau cẳng chân, đau túi mật, đau tức ngực, điên.
107. Quang minh 
− Lạc huyệt của Đởm.
− Vị trí: đỉnh cao mắt cá ngoài đo lên 5 thốn, sát bờ trước xương mác.
− Tác dụng: điều Can, minh mục, khu phong lợi thấp; dùng để điều trị đau cẳng chân, đau đầu gối, hoa mắt, mờ mắt.
108. Dương phụ 
− Kinh hỏa huyệt của Đởm. Huyệt còn có tên là phân nhục, phân gian.
Vị trí: huyệt ở trên mắt cá ngoài chân 4 thốn, sát bờ trước xương mác.
− Tác dụng: đau cẳng chân, đầu gối, chuột rút, đau họng, đau mắt, đau đầu, đau các khớp toàn thân.
109. Huyền chung 
− Hội huyệt của tủy, lạc huyệt của túc tam dương. Huyệt còn có tên là tủy hội, tuyệt cốt.
− Vị trí: huyệt ở trên mắt cá ngoài chân 4 thốn, sát bờ trước xương mác.
− Tác dụng: tiết đởm hỏa, thanh tủy nhiệt, đuổi phong thấp ở kinh lạc; dùng để điều trị đau cẳng chân, đau khớp gối, đau lưng, liệt nửa người, cổ vẹo, đau họng, nhức trong xương.
110. Khâu khư 
− Nguyên huyệt của Đởm. Huyệt còn có tên là khưu khư, khoeo hư.
− Vị trí: hõm trước dưới mắt cá ngoài (giữa huyệt giải khê và thân mạch).
− Tác dụng: khu tà ở bán biểu bán lý, sơ can lợi đởm, thông lạc, hóa thấp nhiệt, sơ huyết khí; dùng để điều trị đau bàn chân, cổ chân, đau hông sườn, đắng miệng, vẹo cổ, mắt có màng, chuột rút.
111. Túc lâm khấp 
− Du mộc huyệt của Đởm, giao hội với Đới mạch.
− Vị trí: huyệt ở kẽ xương bàn chân 4 và 5, chỗ lõm sau gân cơ duỗi ngón chân út của cơ duỗi chung các ngón chân.
− Tác dụng: thanh hỏa tức phong, minh mục thông nhĩ, sơ khí trệ can đởm, hóa đởm nhiệt, thông điều đới mạch; dùng để điều trị sưng đau bàn chân, đau tức mạng sườn, hoa mắt, đau đầu.
112. Hiệp khê 
− Huỳnh thủy huyệt của Đởm.
− Vị trí: huyệt ở đầu kẽ giữa 2 ngón chân 4 và 5 (khi ép 2 đầu của các ngón chân 4 và 5 lại với nhau).
− Tác dụng: đau sưng lưng bàn chân, ngực sườn đầy tức, hoa mắt, đau mắt, ù tai, điếc tai, sốt.
113. Túc khiếu âm 
− Tỉnh kim huyệt của Đởm. Huyệt còn có tên là khiếu âm.
− Vị trí: huyệt trên đường tiếp giáp giữa da gan và da lưng bàn chân, phía ngoài ngón chân thứ 4, ngang với góc của móng chân và cách góc móng chân 0,2 thốn.
Tác dụng: tức phong dương, thanh can đởm, sơ phong hỏa; dùng để điều trị đau sườn ngực, đau họng, đau đầu, đau mắt, điếc tai, mất tiếng đột ngột, sốt.

L. Kinh can 

114. Đại đôn 
− Tỉnh mộc huyệt của Can. Huyệt còn có tên thủy tuyền, đại thuận.
− Vị trí: huyệt ở trên đầu ngón chân cái, cách góc móng chân 0,2 thốn.
− Tác dụng: sơ tiết quyết khí, điều kinh hòa vinh, lý hạ tiêu, thanh Thần chí, hồi quyết nghịch; dùng điều trị băng huyết, sa dạ con, sưng tinh hoàn, đái dầm, đái đục, thoát vị.
115. Hành gian 
− Huỳnh hỏa huyệt của Can.
− Vị trí: đầu nếp ép ngón chân 1 và 2.
− Tác dụng: tiết can hỏa, lương huyết nhiệt, thanh hạ tiêu, dập tắt phong dương, sơ khí trệ; dùng điều trị đau ngón chân, đau vùng sinh dục ngoài, đau sườn, đau mắt đỏ, động kinh, nôn, mất ngủ, tiêu chảy.
116. Thái xung 
− Nguyên huyệt, du thổ huyệt của Can.
− Vị trí: kẽ xương bàn ngón chân 1 và 2, nơi tiếp nối đầu và thân xương bàn chân.
− Tác dụng: bình can lý huyết, thông lạc, thanh tức can hỏa, sơ tiêu hạ tiêu thấp nhiệt; dùng để điều trị đau bàn chân, rong kinh, tiểu đục, kinh phong trẻ em, cao huyết áp.
117. Trung phong 
− Kinh kim huyệt của Can. Huyệt còn có tên là huyền tuyền.
− Vị trí: huyệt ở trước mắt cá trong 1 thốn (chỗ lõm sát bờ trong gân cơ chày trước).
− Tác dụng: sơ can, thông lạc; dùng để điều trị bàn chân lạnh, đau mắt cá trong, đau bụng dưới, thoát vị, đái khó, đái rắt, di tinh.
118. Lãi câu 
− Lạc huyệt của Can. Huyệt còn có tên là lai cấu, giao nghi.
− Vị trí: đỉnh cao mắt cá trong đo lên 5 thốn (huyệt ở khoảng 1/3 sau của mặt trong xương chày).
− Tác dụng: đau cẳng chân, kinh nguyệt không đều, băng huyết, tiểu khó.

119. Trung đô 
− Khích huyệt của Can. Huyệt còn có tên là trung khích, thái âm.
− Vị trí: đỉnh cao mắt cá trong đo lên 7 thốn (huyệt ở khoảng 1/3 sau của mặt trong xương chày).
− Tác dụng: đau bụng dưới, sưng tinh hoàn, băng huyết, viêm bàng quang cấp, đái khó, đái buốt.
120. Khúc tuyền 
− Hợp thủy huyệt của Can.
− Vị trí: huyệt ở đầu trong nếp gấp khoeo chân, trước và trên huyệt âm cốc, trong khe của gân cơ bán mạc và gân cơ thẳng trong.
− Tác dụng: thanh thấp nhiệt, lợi bàng quang, tiết can hỏa, thông hạ tiêu, tiêu đờm ứ, trợ vận hóa; dùng để điều trị đau mặt trong khớp gối và mặt trong đùi, đau bụng dưới, đau bộ phận sinh dục ngoài, hoa mắt, chóng mặt.
121. Chương môn 
− Mộ huyệt của Tỳ. Huyệt còn có tên là trương bình, lặc liêu, quy lặc.
− Vị trí: đầu xương sườn tự do 11.
Tác dụng: tán hàn khí ở ngũ tạng, hóa tích trệ ở trung tiêu, tiêu ứ đờm; dùng để điều trị đau Thần kinh liên sườn, đầy bụng, sôi bụng, kém ăn, nôn.
122. Kỳ môn 
− Mộ huyệt của can.
− Vị trí: giao điểm của đường trung đòn với liên sườn 6 (kẽ sườn 6 và 7).
− Tác dụng: đuổi tà nhiệt ở huyết, điều hòa bán biểu bán lý, hóa đờm tiêu ứ, bình can lợi khí; dùng để điều trị đau hạ sườn, mờ mắt, ợ và nôn nước chua, không ăn được.

M. Mạch nhâm 

123. Trung cực 
− Mộ huyệt của Bàng quang.
− Vị trí: đường giữa bụng, bờ trên xương mu đo lên 1 thốn (rốn xuống 4 thốn).
− Tác dụng: đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, bí tiểu, tiểu buốt, rắt, di tinh, liệt dương, phù thũng.
124. Quan nguyên 
− Mộ huyệt của Tiểu trường.
− Vị trí: từ rốn đo xuống 3 thốn (đường giữa bụng).
− Tác dụng: điều trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, di mộng tinh, tiểu dầm, buốt, rắt; phù thũng, cấp cứu chứng thoát của trúng phong. Huyệt dùng để bổ các chứng hư tổn.
125. Thạch môn 
− Mộ huyệt của Tam tiêu.
− Vị trí: huyệt nằm dưới rốn 2 thốn.
− Tác dụng: điều trị đau quặn bụng dưới, tiêu chảy, tiểu đục, tiểu buốt rắt, băng huyết, rong huyết, bế kinh, ăn không tiêu, phù thũng.
126. Trung quản 
− Mộ huyệt của Vị.
− Vị trí: từ rốn đo lên 4 thốn (đường giữa bụng).
− Tác dụng: điều trị đau ngực, ợ hơi, nôn mửa, đầy hơi, kiết lỵ, tiêu chảy.
127. Cự khuyết 
− Mộ huyệt của Tâm.
− Vị trí: từ rốn lên 6 thốn (đường giữa ngực).
− Tác dụng: điều trị đau ngực, nấc, nôn, ợ chua, hồi hộp, điên cuồng, kinh giật, hay quên.
128. Đản trung 
− Mộ huyệt của Tâm bào.
− Vị trí: giao điểm của đường giữa ngực với kẽ liên sườn 4 – 5.
− Tác dụng: điều trị đau tức ngực, hen suyễn, khó thở, nấc, ít sữa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*